Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp vảy nến là một loại bệnh tự miễn gây viêm khớp mạn tính có liên quan đến bệnh vảy nến. Bệnh có tính chất gia đình, có thể khởi phát từ thời thơ ấu nhưng thường được ghi nhận từ sau 30 tuổi. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến tàn phế.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp vảy nến là gì?

Bệnh viêm khớp vẩy nến là một dạng bệnh lý cột sống mạn tính, thường gặp ở những bệnh nhân mắc phải bệnh vẩy nến. Đáng chú ý, trong một số trường hợp, triệu chứng bệnh vẩy nến có thể vẫn chưa rõ ràng, hoặc bệnh nhân có thể chỉ gặp các triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí là triệu chứng bệnh bị bỏ qua không nhận biết. 

Về mặt bệnh lý, viêm khớp vẩy nến thường xảy ra một cách không đối xứng, làm ảnh hưởng đến cả các khớp lớn và nhỏ trên cơ thể, bao gồm cả cột sống. Bệnh thường ảnh hưởng nhiều hơn đến các khớp ngón tay và ngón chân xa, so với các khớp khác.

Viêm khớp vảy nến có tần suất xuất hiện ở nam và nữ như nhau, với tỷ lệ mắc là 6/100.000 người mỗi năm. Một nghiên cứu phân tích tổng hợp năm 2019 cho thấy tỷ lệ mắc  là 20% trên tổng số bệnh nhân vảy nến và 25% trong số đó có mức độ bệnh từ trung bình đến nặng.

Phân loại viêm khớp vảy nến

Dựa vào vị trí của khớp bị tổn thương, viêm khớp vảy nến có 5 dạng gồm:

  • Viêm đa khớp đối xứng: Đây là dạng phổ biến nhất và ảnh hưởng đến khoảng 50% người bệnh viêm khớp vảy nến. Bạn có thể xuất hiện sưng đau các khớp đối xứng ở hai gối, hai bàn tay hoặc bàn chân. Viêm khớp vảy nến đối xứng có thể bị nhầm với viêm khớp dạng thấp.
  • Viêm khớp không đối xứng: Dạng viêm này thường có triệu chứng nhẹ, với tình trạng sưng đau một số khớp ở một bên cơ thể. Khoảng 30 - 35% người bệnh thuộc dạng này.
  • Viêm các khớp đốt ngón xa: Dạng viêm này ảnh hưởng đến các khớp đốt xa của ngón tay, ngón chân hoặc cả hai. Có khoảng 10% người bệnh viêm khớp vảy nến ở dạng này.
  • Viêm khớp ở cột sống: Dạng viêm này liên quan đến viêm các khớp giữa những đốt sống và viêm túi hoạt dịch của khớp cùng chậu. Triệu chứng điển hình của dạng này gồm đau và cứng cột sống thắt lưng và cột sống cổ, hạn chế vận động. Các khớp ở tay và chân cũng có thể bị ảnh hưởng.
  • Viêm khớp kèm phá hủy sụn khớp: Dạng viêm này nghiêm trọng nhất và ít gặp nhất, khoảng < 5%. Viêm khớp kèm phá hủy sụn khớp chủ yếu ở bàn tay và bàn chân, dẫn đến biến dạng các khớp và tăng hủy xương làm giảm chiều dài các ngón.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp vảy nến

Bạn có thể phát hiện các triệu chứng của bệnh vảy nến ở da hoặc móng trước hoặc sau khi bị viêm khớp. Mức độ nghiêm trọng của tổn thương tại da và khớp thường không tương xứng với nhau.

Các triệu chứng của viêm khớp vảy nến khác nhau ở mỗi người, mức độ có thể từ nhẹ đến nặng. Giữa các đợt viêm cấp có những thời điểm triệu chứng bệnh thuyên giảm. Triệu chứng và vị trí xuất hiện viêm khớp phụ thuộc vào dạng mà bạn mắc phải.

Các triệu chứng chung của bệnh này có thể bao gồm:

  • Sưng phù các khớp ở một hoặc cả hai bên cơ thể;
  • Cứng khớp buổi sáng;
  • Sưng phồng ngón tay và ngón chân, dẫn đến biến dạng hình xúc xích;
  • Đau nhức cơ và gân (viêm gân gót Achilles, viêm gân xương bánh chè,...);
  • Xuất hiện các mảng da đỏ, có vảy, tình trạng có thể nặng hơn khi cơn đau khớp bùng phát;
  • Da đầu có các mảng đỏ, vảy bong tróc;
  • Rỗ móng tay, móng chân;
  • Móng tay, chân bị tách ra khỏi giường móng bên dưới;
  • Đỏ mắt và đau mắt (viêm màng bồ đào);
  • Mệt mỏi.
Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 7
Sưng, đau các khớp trong viêm khớp vảy nến

Dạng viêm khớp vảy nến ở cột sống còn gây ra các triệu chứng khác như:

  • Đau kèm cứng cột sống;
  • Sưng, đau kèm yếu ở khớp háng, gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay,...

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu không điều trị kịp thời và đúng phác đồ.

  • Đái tháo đường: Một nghiên cứu năm 2018 báo cáo rằng viêm khớp vảy nến làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2, cao hơn 40% so với dân số chung và cao hơn 50% so với những người chỉ mắc bệnh vảy nến mà không kèm viêm khớp. Mối liên quan giữa viêm khớp vảy nến và đái tháo đường vẫn chưa được làm rõ, có giả thiết cho rằng sự tăng quá trình viêm mạn tính dẫn đến kết cục này.
  • Biến chứng mắt: Khoảng 7% bệnh nhân mắc viêm khớp vảy nến bị viêm màng bồ đào. Viêm màng bồ đào gây đỏ, đau, giảm thị lực thậm chí có thể dẫn đến mù. Một số trường hợp ghi nhận tình trạng viêm kết mạc.
  • Biến chứng tim mạch: Bệnh viêm khớp vảy nến là một bệnh lý tự miễn gây viêm mạn tính. Tình trạng này có thể làm tổn thương các mạch máu dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, rối loạn lipid máu,...
  • Biến chứng phổi: Một nghiên cứu phân tích năm 2018 cho thấy rằng trong 392 người bệnh vẩy nến có 20% mắc viêm khớp vẩy nến và 2% bị viêm phổi kẽ. Cần lưu ý các triệu chứng của bệnh viêm phổi kẽ như hụt hơi, ho khan, mệt mỏi, cảm giác khó chịu vùng ngực.
  • Biến chứng tiêu hóa: Tình trạng viêm mạn tính của viêm khớp vảy nến có thể tác động tiêu cực đến đường tiêu hóa gây ra tiêu chảy và táo bón. Một nghiên cứu năm 2021 đã chỉ ra mối tương quan giữa bệnh vảy nến, viêm khớp vảy nến có nguy cơ mắc bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
  • Biến chứng gan và thận: Viêm khớp vảy nến cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và bệnh thận mạn.
  • Biến chứng xương khớp: Tình trạng viêm khớp vảy nến kéo dài làm biến dạng khớp, thay đổi kích thước ngón tay, ngón chân, hạn chế vận động các khớp và cột sống. Bệnh này cũng làm tăng nồng độ acid uric trong máu, dẫn đến tích tụ các tinh thể urate tại khớp, gây viêm khớp gout (gút).
  • Trầm cảm: Một nghiên cứu năm 2017 khảo sát trên 186.552 người bệnh viêm khớp vảy nến có khoảng 21,2% người có biểu hiện trầm cảm. Đau khớp dữ dội có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Nghiên cứu còn báo cáo thêm, trầm cảm do đau có thể khó điều trị hơn so với trầm cảm điển hình.
Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 5
Biến chứng mắt của viêm khớp vảy nến

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp vảy nến

Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân sự tấn công của hệ miễn dịch đến các tế bào khỏe mạnh. Các giả thuyết cho rằng yếu tố di truyền và tác động từ môi trường sống. Khoảng 40% người bệnh viêm khớp vảy nến có một hoặc nhiều người thân trong gia đình mắc bệnh tương tự. Một số yếu tố thúc đẩy khởi phát bệnh có thể là virus, stress hoặc chấn thương.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh?

Một số nhóm đối tượng dễ mắc viêm khớp vảy nến bao gồm:

  • Người bệnh vẩy nến;
  • Người có tiền căn gia đình mắc bệnh
  • Tuổi khởi phát bệnh từ 30 đến 50 tuổi;
  • Người bệnh nhiễm HIV;
  • Từng viêm họng cấp do liên cầu khuẩn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh

Phương pháp xét nghiệm 

Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử, tiền căn của người bệnh và tiền căn gia đình, kết hợp với khám lâm sàng các triệu chứng của bệnh vảy nến và viêm khớp vảy nến. Để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý viêm khớp có triệu chứng trùng lặp, bác sĩ sẽ đề nghị một số xét nghiệm cận lâm sàng.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Các xét nghiệm đánh giá các khía cạnh khác nhau của viêm khớp vảy nến:

  • Bệnh đã tiến triển đến mức nào;
  • Dạng tổn thương của viêm khớp vảy nến;
  • Định hướng phương pháp điều trị tốt nhất.

Các xét nghiệm được đề nghị: Yếu tố thấp (RF), xét nghiệm anti-CCP (antibody to cyclic citrullinative peptide) cho thấy sự hiện diện của các kháng thể tấn công tế bào khỏe mạnh, xét nghiệm sinh hóa dịch khớp viêm. Những xét nghiệm này giúp phân biệt các bệnh viêm xương khớp khác như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gout,...

Các xét nghiệm hình ảnh học hỗ trợ chẩn đoán viêm khớp vảy nến gồm:

  • X-quang: Khi viêm khớp vảy nến tiến triển, có thể thấy hình dạng xương bị tổn thương và biến dạng. Tuy nhiên X quang có thể không phát hiện các dấu hiệu của viêm khớp vảy nến vì hình ảnh không rõ ràng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh trên MRI có thể cung cấp thêm các tổn thương mô mềm, gân cơ, dây chằng khác ngoài xương.
  • Siêu âm: Phương tiện này có thể phát hiện những thay đổi trên mô xương, dấu hiệu tràn dịch.
Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 10
Hình ảnh X-quang của viêm khớp vảy nến

Phương pháp điều trị viêm khớp vảy nến hiệu quả

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị triệt để viêm khớp vảy nến. Các phương pháp kiểm soát bệnh hiện tại chủ yếu tập trung vào tình trạng viêm khớp, tránh làm quá trình viêm nặng nề hơn và ngăn ngừa nguy cơ tàn tật.

Theo khuyến cáo của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ năm 2018, phương pháp điều trị cá nhân hóa được bác sĩ đưa ra cho từng người bệnh. Các nhóm thuốc dùng hỗ trợ điều trị bệnh gồm:

  • Nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Nhóm thuốc này kiểm soát cơn đau và sưng khớp. Các thuốc không kê đơn gồm ibuprofen và naproxen, nếu các thuốc này không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê đơn NSAIDs với liều cao hơn. Các tác dụng phụ có thể xuất hiện khi dùng nhóm thuốc này gồm viêm dạ dày, xuất huyết dạ dày, đột quỵ, tổn thương gan, thận, đau thắt ngực,...
  • Nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): Nhóm thuốc này có tác dụng giảm viêm để ngăn ngừa tổn thương khớp và làm chậm quá trình tiến triển của viêm khớp vảy nến. Các thuốc trong nhóm này được kê đơn phổ biến gồm methotrexate, leflunomide, sulfasalazine. Thuốc apremilast là một DMARD mới được dùng qua đường uống. Tác dụng phụ của DMARDs gồm tổn thương gan, ức chế tủy xương, nhiễm trùng phổi.
  • Nhóm thuốc sinh học: Hiện nay có 5 loại thuốc sinh học điều trị vảy nến gồm các thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u TNF-alpha (adalimumab, certolizumab, golimumab,...), thuốc ức chế interleukin IL-12/23 (ustekinumab), thuốc ức chế interleukin IL-17 (secukinumab, ixekizumab), thuốc ức chế interleukin IL-23 (guselkumab), thuốc ức chế tế bào T (abatacept). Nhóm thuốc này làm giảm phản ứng miễn dịch của bạn nên có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tác dụng phụ khác của nhóm thuốc này gồm buồn nôn và tiêu chảy.
  • Nhóm thuốc ức chế miễn dịch: Các loại thuốc như azathioprine và cyclosporine giúp ngăn chặn phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức của viêm khớp vảy nến. Hiện nay, do nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ như tăng nguy cơ nhiễm trùng, thiếu máu, tổn thương gan, thận,...nên ít được kê toa từ bác sĩ.
  • Các phương pháp điều trị khác: như tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, kem dưỡng, gel dưỡng, liệu pháp ánh sáng,...

Xem thêm: Phác đồ điều trị viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 8
DMARDs là một trong những nhóm thuốc điều trị bệnh

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm khớp vảy nến

Chế độ sinh hoạt:

Người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp thay đổi lối sống để có thể phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh và có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng của viêm khớp vảy nến, bao gồm:

  • Luyện tập thể dục hàng ngày: Tập luyện các khớp giúp giảm tình trạng cứng khớp, ít nhất 30 phút mỗi ngày cũng giúp bạn giảm cân. Các bài tập khác như đạp xe, đi bộ, bơi lội và các bài tập dưới nước có thể giảm áp lực lên các khớp có tổn thương.
  • Hạn chế rượu và bỏ thuốc lá, giảm bớt stress, lo âu có thể làm hạn chế các đợt bùng phát của viêm khớp.
  • Sử dụng túi chườm nóng hoặc lạnh: Phương pháp này có thể giúp giảm đau nhức các khớp sưng và gân cơ. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết được các triệu chứng phù hợp cho việc chườm nóng hoặc chườm lạnh.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung vào chế độ ăn acid béo omega-3 có đặc tính chống viêm. Omega-3 có trong các loại thực phẩm như cá thu, cá hồi, cá cơm, hạt lanh, hạt chia, đậu nành,...

Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 1
Nhóm thực phẩm chứa omega-3 giúp giảm viêm

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Để phòng ngừa viêm khớp gối một cách hiệu quả, hãy tham khảo các biện pháp sau đây:

  • Kiểm soát cân nặng;
  • Hoạt động thể chất;
  • Những bài tập yoga, ngồi thiền có thể làm dịu tâm trí, xoa dịu cơn đau nhức.
  • Thăm khám khi có dấu hiệu bệnh.
Nguồn tham khảo
  1. Ritchlin, Christopher T.; Colbert, Robert A.; Gladman, Dafna D. Psoriatic arthritis. New England Journal of Medicine. 2017;376(10): 957-970.
  2. Rachel Charlton, et al. Risk of type 2 diabetes and cardiovascular disease in an incident cohort of people with psoriatic arthritis: a population-based cohort study. Rheumatology. 2019;58(1):144–148. doi: 10.1093/rheumatology/key286.
  3. https://www.healthline.com/health/psoriatic-arthritis.

Các bệnh liên quan