Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phân biệt bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến

Ngày 18/04/2024
Kích thước chữ

Viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến là hai bệnh riêng biệt liên quan đến tự miễn. Hai bệnh lý này thường dễ bị nhầm lẫn với nhau do chúng có chung một số đặc điểm. Chúng ta hãy cùng nhau phân biệt bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến nhé!

Viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến là những bệnh lý tự miễn liên quan đến tình trạng các khớp bị phá huỷ gây đau, sưng tấy và cứng khớp. Tuy nhiên, đây là hai bệnh riêng biệt, tồn tại những đặc điểm khác nhau. Để biết cụ thể chúng khác nhau gì, chúng ta hãy cùng phân biệt bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến.

Tổng quan bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp có tên tiếng Anh là Rheumatoid Arthritis (RA) là bệnh viêm khớp tự miễn mạn tính. Bệnh lý xuất phát từ những thương tổn từ màng hoạt dịch của khớp, bệnh thường đi kèm những triệu chứng trên lâm sàng và cận lâm sàng rõ ràng. Đây là bệnh lý phổ biến ở tuổi trung niên với tỷ lệ mắc bệnh ở nữ hơn so với nam.

phan-biet-benh-viem-khop-dang-thap-va-viem-khop-vay-nen 1.jpg
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm khớp do tổn thương màng hoạt dịch

Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể xảy ra vấn đề, thay vì chống lại những tác nhân lạ gây hại thì nó lại tự tấn công những mô lành trong cơ thể. Kết quả cuối cùng là gây ra tình trạng viêm bao hoạt dịch, làm cho các khớp bị sưng, nóng, đỏ và đau. 

Bệnh lý này chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp đối xứng trong cơ thể như cả hai tay, hai cổ tay hoặc hai đầu gối… Viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện ở nhiều khớp, khoảng từ 4 - 5 vị trí. Ở tình trạng nặng hơn, người bệnh có thể bị tổn thương đến nhiều cơ quan khác như mắt, tim, phổi, mạch máu…

Viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến có tên tiếng Anh là Psoriatic Arthritis (PsA) là một bệnh lý tự miễn về viêm khớp xảy ra trên những người bệnh mắc vảy nến. Những triệu chứng ban đầu của vảy nến bao gồm những tổn thương trên da như ban đỏ, xuất hiện vảy, thường ở các vị trí như khuỷu tay, bàn tay, mắt cá chân, đầu gối, bàn chân… của người bệnh. 

Đi kèm với đó là những triệu chứng điển hình trên khớp như đau, sưng khớp, cứng khớp. Bệnh tình có thể diễn tiến ảnh hưởng đến những cơ quan khác từ ngón tay đến hệ tiêu hoá, cột sống… với mức độ nghiêm trọng tăng dần từ nhẹ đến nặng.

Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp vảy nến chiếu khoảng 10 -30% số người bệnh vảy nến. Bệnh thường xuất hiện ở những đối tượng từ 30 - 50 tuổi với tỷ lệ mắc bệnh giữa nam giới và nữ giới là như nhau.

phan-biet-benh-viem-khop-dang-thap-va-viem-khop-vay-nen 2.jpg
Viêm khớp vảy nến là bệnh lý xuất hiện ở những người bệnh mắc vảy nến

Nguyên nhân gây bệnh

Cho đến hiện tại, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra hai bệnh này. Có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích tình trạng của hai bệnh lý này, họ cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến có liên quan đến yếu tố di truyền, sự mất cân bằng giữa các yếu tố nội tiết hoặc có tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể làm ảnh hưởng đến hoạt động thông thường của hệ miễn dịch.

Đối với bệnh viêm khớp vảy nến, tình trạng này có thể liên quan mật thiết đến một tình trạng di truyền, trong đó mắc bệnh vảy nến cũng được xem là một yếu tố nguy cơ để gây ra bệnh viêm khớp vảy nến. Trong khi yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân được nhiều chuyên gia nghĩ đến đối với những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Phân biệt viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến

Triệu chứng

Người mắc viêm khớp vảy nến bên cạnh những triệu chứng trên khớp thì còn xuất hiện những dấu hiệu của bệnh vảy nến như các tổn thương trên da, các mảng bong da màu đỏ, vảy trắng và gây ngứa ngáy. Ngoài ra, viêm khớp vảy nến không chỉ tác động đến các xương và khớp mà nó còn biểu hiện triệu chứng trên gân, móng và mắt. Trong khi đó, viêm khớp dạng thấp là bệnh lý không liên quan đến vảy nến, người bệnh thường bị sưng, cứng và đau ở khớp.

phan-biet-benh-viem-khop-dang-thap-va-viem-khop-vay-nen 3.png
Bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến cũng có những đặc điểm riêng biệt giúp chẩn đoán phân biệt

Nhìn chung cả hai bệnh đều có những triệu chứng tương tự nhau như sưng, đau, cứng khớp, các triệu chứng có thể bùng phát một cách bất thường, trở nên tồi tệ hơn, diễn ra trong một thời gian và thuyên giảm dần rồi biến mất. Tuy nhiên, hai bệnh lý này vẫn có những triệu chứng riêng biệt, giúp phân biệt viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến:

Viêm khớp dạng thấp

Người bệnh bị đau khớp bắt đầu ở những khớp nhỏ như ngón tay, ngón chân, theo thời gian ảnh hưởng đến những khớp lớn hơn như cổ tay, cổ chân, khớp gối, khớp chậu. Ngoài ra, người bệnh còn có thể xuất hiện một số triệu chứng như sốt nhẹ, khô miệng, khô mắt, mệt mỏi ăn mất ngon. 

Các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn vào buổi sáng sau khi thức dậy, đặc biệt là bị cứng khớp. Một số biến chứng có thể gặp phải như viêm mắt bao gồm viêm màng cứng mắt, viêm màng bồ đào, viêm mống mắt hoặc viêm phổi, viêm cơ tim… Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thường xảy ra đối xứng hai bên.

Viêm khớp vảy nến

Các cơn sưng và đau thường xuyên xuất hiện ở ít nhất một khớp. Các vị trí thường xuất hiện cơn sưng đau như ngón tay, ngón chân, có thể lan đến gót chân hoặc lòng bàn chân. 

Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể xuất hiện các cơn đau ở lưng, đau khớp nối xương cùng và xương chậu, viêm mắt bao gồm viêm màng bồ đào hoặc viêm mống mắt. Các biểu hiện bệnh của viêm khớp vảy nến thường không đối xứng, có xu hướng đau ở một bên cơ thể.

Chẩn đoán bệnh

Mặc dù hai bệnh lý có những triệu chứng lâm sàng có thể phân biệt được với nhau, tuy nhiên để chẩn đoán phân biệt cần dựa trên kết quả của các xét nghiệm. Trong đó, xét nghiệm định lượng yếu tố thấp trong máu giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp, còn người bệnh viêm khớp vảy nến đơn thuần sẽ không chứa yếu tố này trong máu. 

Bên cạnh đó, các xét nghiệm định lượng kháng thể anti-CCP cũng giúp phân biệt hai bệnh lý này. Ngoài ra, những tổn thương ở khớp quan sát được thông qua hình ảnh chụp X-quang cũng thường được sử dụng để phân biệt hai bệnh lý khi đã diễn tiến một thời gian.

phan-biet-benh-viem-khop-dang-thap-va-viem-khop-vay-nen 4.jpg
Thông qua chỉ số định lượng yếu tố thấp trong máu giúp phân biệt hai bệnh lý này

Đối với những bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm, họ có thể dựa trên biểu hiện của da và móng để đưa ra kết luận sơ bộ về tình trạng bệnh lý. Những trường hợp xuất hiện mảng da đỏ, có vảy trắng, móng tay có nhiều lỗ dạng kim thì khả năng cao người này đang mắc bệnh viêm khớp vảy nến.

Hai bệnh viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp đều là những bệnh lý mãn tính có tính tự miễn và hiện nay chưa có thuốc đặc trị để chữa bệnh, phương pháp tác động chủ yếu là điều trị triệu chứng. 

Dựa trên những đặc điểm để phân biệt bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị cụ thể, chính xác để ngăn ngừa những biến chứng không mong muốn xảy ra. Chính vì thế, khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến những cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra chính xác nhất. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin