Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh tự miễn: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh tự miễn (Autoimmune Disease) là một tình trạng xảy ra do hệ thống miễn dịch gặp trục trặc, nó sẽ tấn công vào các tế bào, mô và cơ quan khỏe mạnh. Những cuộc tấn công này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, làm suy yếu chức năng cơ thể và thậm chí đe dọa tính mạng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh tự miễn là gì?

Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Bệnh tự miễn là một tình trạng xảy ra do hệ thống miễn dịch gặp trục trặc, nó sẽ tấn công vào các tế bào, mô và cơ quan khỏe mạnh.

Có hơn 100 bệnh tự miễn được biết đến. Một số bệnh tự miễn thường gặp nhất bao gồm bệnh Celiac, tiểu đường tuýp 1, bệnh Graves, bệnh viêm ruột (chẳng hạn như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng), bệnh đa xơ cứng, rụng tóc từng vùng, bệnh Addison, bệnh thiếu máu ác tính, bệnh vảy nến, viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Chẩn đoán các bệnh tự miễn có thể gặp khó khăn do biểu hiện đa dạng và nhiều triệu chứng chỉ xuất hiện thoáng qua không đặc hiệu.

Các phương pháp điều trị bệnh tự miễn chủ yếu nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng, giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch và duy trì khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể. Hầu hết các bệnh tự miễn phải điều trị suốt đời để kiểm soát triệu chứng, hạn chế biến chứng xảy ra.

Một số bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai của bạn và một số có tác dụng phụ đối với thai kỳ. Bạn có thể cần điều trị sinh sản để có thai. Bạn cũng có thể đợi cho đến khi bệnh ở giai đoạn thuyên giảm rồi mới thụ thai.

Bệnh tự miễn ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Các bệnh này rất phổ biến, cứ 15 người ở Mỹ thì có 1 người mắc bệnh tự miễn. Các bệnh tự miễn chủ yếu thường gặp ở tuổi trưởng thành, mặc dù chúng có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tự miễn

Do có nhiều bệnh tự miễn khác nhau, biểu hiện của các triệu chứng có thể khác nhau đáng kể dựa trên từng bệnh, hệ cơ quan bị ảnh hưởng và các yếu tố cá nhân như tuổi tác và ảnh hưởng của môi trường. Một cá nhân có thể đồng thời mắc nhiều bệnh tự miễn (được gọi là đa tự miễn), làm phức tạp thêm triệu chứng.

Các triệu chứng thường gặp liên quan đến bệnh tự miễn bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Sốt nhẹ;
  • Đau cơ;
  • Đau khớp;
  • Viêm da.

Những triệu chứng này thường phản ánh phản ứng viêm toàn thân của cơ thể. Tuy nhiên, sự xuất hiện và cường độ của chúng có thể dao động theo thời gian, dẫn đến các giai đoạn bệnh hoạt động mạnh hơn, được gọi là bùng phát và các giai đoạn không hoạt động, được gọi là thuyên giảm.

Bệnh tự miễn: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Viêm da là một trong các triệu chứng thường gặp liên quan đến bệnh tự miễn

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn có bất cứ triệu chứng nào của bệnh tự miễn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp bạn kiểm soát triệu chứng dễ dàng hơn và ngăn ngừa tổn thương đến cơ quan khác trong cơ thể.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tự miễn

Nguyên nhân chính xác của các bệnh tự miễn vẫn chưa rõ ràng và có thể là do nhiều yếu tố, liên quan đến cả ảnh hưởng di truyền và môi trường. Các bệnh tự miễn có xu hướng di truyền trong gia đình, điều đó có nghĩa là một số gen nhất định có thể khiến một số người dễ mắc bệnh hơn. Virus, một số hóa chất có thể gây ra bệnh tự miễn nếu bạn đã có gen gây bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh tự miễn

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tự miễn bao gồm:

  • Có người thân mắc bệnh tự miễn;
  • Hút thuốc lá;
  • Đã mắc một bệnh tự miễn: Bạn có nguy cơ phát triển bệnh tự miễn khác cao hơn;
  • Phơi nhiễm độc tố;
  • Phụ nữ: 78% số người mắc bệnh tự miễn là phụ nữ;
  • Béo phì;
  • Nhiễm trùng.
Bệnh tự miễn: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Yếu tố di truyền như có người thân mắc bệnh tự miễn khiến bạn dễ mắc bệnh hơn

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh tự miễn

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn bao gồm:

  • Tuổi trưởng thành;
  • Hút thuốc lá;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Ô nhiễm môi trường;
  • Tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím từ ánh sáng mặt trời.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tự miễn

Việc chẩn đoán bệnh tự miễn thường khiến các bác sĩ mất nhiều thời gian hơn so với việc chẩn đoán các bệnh khác. Điều này là do nhiều bệnh tự miễn có triệu chứng tương tự nhau với các bệnh khác. Nói chung, quá trình chẩn đoán bao gồm sự kết hợp giữa đánh giá bệnh sử, khám thực thể và chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh tự miễn bao gồm:

  • Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA): Là xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE) và nhiều bệnh tự miễn khác.
  • Xét nghiệm công thức máu: Là xét nghiệm có thể cung cấp thông tin về số lượng và đặc điểm của các tế bào máu khác nhau có thể bị ảnh hưởng trong một số bệnh tự miễn.
  • Protein phản ứng C (CRP) và tốc độ lắng hồng cầu (ESR): Các xét nghiệm này đo lường mức độ viêm trong cơ thể, thường tăng cao trong các rối loạn tự miễn.
  • Xét nghiệm dành riêng cho cơ quan: Một số bệnh tự miễn nhắm vào các cơ quan cụ thể, vì vậy các xét nghiệm đánh giá chức năng của các cơ quan này có thể hỗ trợ chẩn đoán. Ví dụ, xét nghiệm chức năng tuyến giáp được sử dụng để chẩn đoán rối loạn tuyến giáp tự miễn trong bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, trong khi sinh thiết có thể chẩn đoán bệnh Celiac bằng cách xác định tổn thương ở ruột non.
  • Xét nghiệm hình ảnh học: Trong một số trường hợp, xét nghiệm hình ảnh có thể được sử dụng để đánh giá mức độ tổn thương của cơ quan. Ví dụ, chụp X-quang ngực hoặc chụp CT có thể xác định biến chứng phổi trong các bệnh như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, trong khi chụp MRI có thể tiết lộ tình trạng viêm hoặc tổn thương ở não và tủy sống trong bệnh đa xơ cứng.
Bệnh tự miễn: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA) giúp chẩn đoán một số bệnh tự miễn

Phương pháp điều trị bệnh tự miễn hiệu quả

Điều trị phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Phần lớn các bệnh tự miễn là mãn tính và không có cách chữa trị dứt điểm, nhưng các triệu chứng có thể được giảm bớt và kiểm soát bằng cách điều trị. Các liệu pháp điều trị tiêu chuẩn bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS).
  • Thuốc kháng viêm corticosteroid (Prednisolone).
  • Thuốc ức chế miễn dịch bao gồm: Azathioprine, Cyclophosphamide, Mycophenolate mofetil, Sirolimus hoặc Tacrolimus. Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
  • Kháng thể đơn dòng (thuốc ức chế TNF).
  • Liệu pháp thay thế globulin miễn dịch.
  • Bổ sung vitamin, hormone mà cơ thể thiếu do bệnh tự miễn gây ra (hormone tuyến giáp, vitamin B12, vitamin D hoặc insulin).
  • Truyền máu nếu hệ thống tạo máu bị ảnh hưởng.
  • Vật lý trị liệu để hỗ trợ vận động nếu xương, khớp hoặc cơ bị ảnh hưởng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tự miễn

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước, ít nhất 2 lít nước/ngày.
  • Bỏ rượu bia, thuốc lá.
  • Duy trì cân nặng bình thường.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Quản lý căng thẳng, có thể tập các bộ môn như yoga, dưỡng sinh hoặc gặp các chuyên gia tâm lý để giải quyết các bất thường về tâm lý của bản thân.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc tia X quá lâu.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn những thực phẩm sau để cải thiện chức năng miễn dịch: Rau xanh, trái cây như trái cây họ cam quýt, rau họ cải, đậu, cà chua và củ cải đường. Axit béo omega-3 có trong dầu ô liu, dầu cá, hạt chia, quả óc chó. Những thực phẩm này giúp giảm viêm và nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau.
  • Nên tránh hoặc ăn với số lượng nhỏ những thực phẩm sau đây vì chúng làm tăng viêm dẫn đến tình trạng nặng hơn của bệnh tự miễn: Sản phẩm bơ sữa, đường, thịt đỏ và thịt chế biến, rượu bia.
Bệnh tự miễn: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Cần có chế độ ăn lành mạnh để cải thiện chức năng miễn dịch

Phương pháp phòng ngừa bệnh tự miễn hiệu quả

Nguyên nhân chính xác của các bệnh tự miễn vẫn chưa rõ ràng và có thể là do nhiều yếu tố, chủ yếu liên quan đến cả ảnh hưởng di truyền và môi trường, Do đó, có thể không thể ngăn ngừa hoàn toàn các bệnh tự miễn. Tuy nhiên, một số chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện các điều sau đây để hạn chế nguy cơ mắc bệnh:

  • Tập thể dục đều đặn.
  • Tránh xa thuốc lá.
  • Tránh tiếp xúc độc tố, ô nhiễm môi trường.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. 
Nguồn tham khảo
  1. What Are Common Symptoms of Autoimmune Disease?: https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/what-are-common-symptoms-of-autoimmune-disease
  2. Autoimmune Diseases: https://www.niehs.nih.gov/health/topics/conditions/autoimmune/index.cfm
  3. Everything to Know About Autoimmune Diseases: https://www.healthline.com/health/autoimmune-disorders
  4. What Are Autoimmune Disorders?: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/autoimmune-diseases
  5. Autoimmune disorders: https://medlineplus.gov/ency/article/000816.htm

Các bệnh liên quan