Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dấu hiệu tràn dịch khớp gối và hướng điều trị

Ngày 06/05/2024
Kích thước chữ

Tràn dịch khớp gối có thể khiến người bệnh vận động khó khăn và có nguy cơ phá hủy các khớp. Để rút ngắn quá trình điều trị và mang lại hiệu quả tốt nhất, cần phải nhận biết sớm các dấu hiệu tràn dịch khớp gối.

Tình trạng tràn dịch khớp gối thường xuất hiện sau khi bị té ngã hoặc chấn thương sau tai nạn. Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý chủ quan và chỉ phát hiện bệnh khi đã tiến triển nghiêm trọng. Việc chủ động tìm hiểu và nắm được các dấu hiệu tràn dịch khớp gối sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ gặp phải những biến chứng không mong muốn.

Bệnh tràn dịch khớp gối là gì?

Tràn dịch khớp gối được biết đến là một dạng tổn thương trong khớp gối, xảy ra do sự tăng lên bất thường của lượng dịch khớp. Tình trạng này gây sưng đỏ và phù nề xung quanh gối.

Dấu hiệu tràn dịch khớp gối và hướng điều trị 3
Bệnh tràn dịch khớp gối xảy ra do sự tăng lên bất thường của lượng dịch khớp

Khớp gối giữ chức năng quan trọng giúp cơ thể giữ cân bằng và di chuyển linh hoạt. Dịch trong ổ khớp sẽ giúp bôi trơn, nuôi dưỡng sụn khớp và giảm ma sát. Khi khớp gối bị chấn thương do té ngã hoặc nhiễm trùng, lượng dịch khớp gia tăng bất thường, dẫn đến tình trạng tràn dịch trong ổ khớp.

Triệu chứng và dấu hiệu tràn dịch khớp gối

Nhiều trường hợp bị tràn dịch khớp gối nhưng chỉ nhận biết khi tình trạng bệnh trở nặng, khiến việc điều trị trở nên tốn kém và mất nhiều thời gian hơn. Triệu chứng đầu tiên dễ nhận biết nhất khi bị tràn dịch khớp gối là sưng nề đi kèm với cơn đau dai dẳng ở đầu gối. Ngoài ra, bao khớp dày lên cũng làm cho phần đầu gối bị tràn dịch to hơn bên còn lại (so sánh dựa trên mốc xương của hai bên).

Ngoài ra còn có đi kèm với một số dấu hiệu khác như:

  • Cảm giác nặng nề trong khớp.
  • Vùng da xung quanh xương bánh chè bị sưng đỏ.
  • Mặt trước, hai bên hoặc phía sau đầu gối bị bầm tím.
  • Cảm thấy khó khăn khi gập gối hoặc duỗi thẳng, đau khi đi lại và vận động khớp.
  • Cơn đau có thể hết ngay sau đó, nhưng vẫn có một số trường hợp cơn đau kéo dài trong vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí lâu hơn.
  • Các cơ xung quanh bị suy yếu khiến khớp gối không vững.

Tràn dịch khớp gối gây ra những biến chứng gì?

Dấu hiệu tràn dịch khớp gối khi để lâu có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Hầu hết người bệnh đều gặp khó khăn khi di chuyển hoặc co duỗi khớp gối, điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra như dính khớp hoặc xơ cứng khớp. Những trường hợp chọc hút dịch khớp thường xuyên có nguy cơ nhiễm trùng cao. Đáng nói, tình trạng bại liệt, tàn phế có thể xảy ra khiến bệnh nhân gần như mất đi khả năng vận động khớp gối và mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải phụ thuộc vào mọi người xung quanh.

Dấu hiệu tràn dịch khớp gối và hướng điều trị 1
Tràn dịch khớp gối có thể xảy ra như dính khớp hoặc xơ cứng khớp

Cũng chính vì vậy, các bác sĩ thường khuyến khích người bệnh nên đi điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu của bệnh. Điều này sẽ giúp tăng khả năng phục hồi và người bệnh có thể sinh hoạt như bình thường. Ngay cả khi bệnh đã khỏi thì vẫn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các tổn thương xuất hiện trong ổ khớp.

Phương pháp chẩn đoán tràn dịch khớp gối

Ngoài những dấu hiệu tràn dịch khớp gối kể trên, bệnh nhân cần phải thực hiện một số xét nghiệm và thủ thuật cần thiết để bác sĩ xác định rõ hơn về tình trạng này. Bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Phương pháp xét nghiệm này sẽ giúp xác định được tình trạng viêm, nhiễm trùng và viêm khớp dạng thấp.
  • Chụp X-quang: Giúp phát hiện và đánh giá các vấn đề liên quan đến xương như gãy xương, thoái hóa khớp gối, trật khớp gối hoặc u xương.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Kỹ thuật này sẽ giúp phát hiện các bất thường ở xương và các mô mềm của khớp như dây chằng, gân, sụn khớp và sụn chêm.
  • Chọc hút dịch khớp: Thủ thuật này sẽ sử dụng một kim nhỏ chọc vào ổ khớp để lấy mẫu dịch khớp và giúp xác định bản chất của dịch như có máu hay không, có chứa tinh thể gây bệnh gout hoặc giả gout không và các vấn đề liên quan đến chấn thương.

Phương pháp điều trị khi bị tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối là tình trạng không hiếm gặp và có thể điều trị hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời theo các biện pháp sau:

Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ

Bác sĩ sẽ dựa vào mức độ tổn thương khớp gối của mỗi người để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Để khắc phục triệt để những tổn thương do tràn dịch khớp gối gây ra, bệnh nhân cần phải tuân thủ theo đúng phác đồ của bác sĩ.

Hầu hết các trường hợp nhẹ đều sẽ được chỉ định sử dụng thuốc, bao gồm các nhóm thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh và chống viêm. Mục tiêu của việc điều trị thuốc là kiểm soát cơn đau và ngăn ngừa nhiễm trùng khớp. Việc tuân thủ sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ có vai trò rất quan trọng để tránh phản ứng phụ.

Dấu hiệu tràn dịch khớp gối và hướng điều trị 2
Tràn dịch khớp gối có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện kịp thời

Trong trường hợp tổn thương nặng, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa bằng cách chọc hút dịch khớp, phẫu thuật nội soi khớp hoặc phẫu thuật thay khớp,...

Chăm sóc tại nhà

Ngoài việc tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần có kế hoạch chăm sóc sức khỏe khoa học tại nhà. Theo khuyến nghị của bác sĩ, bệnh nhân cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế vận động khớp gối quá nhiều và kiểm soát tình trạng bệnh.

Bệnh nhân có thể nằm kê cao chân để cải thiện lưu thông máu và giảm sưng đau ở khớp gối. Đồng thời, kết hợp với chườm lạnh sẽ giúp giảm đau và giảm cảm giác khó chịu hiệu quả.

Nhìn chung, việc nhận biết sớm các dấu hiệu tràn dịch khớp gối sẽ giúp người bệnh chủ động thăm khám sớm và có phác đồ điều trị hiệu quả. Hy vọng những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức hữu ích nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin