Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách xử lý tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú

Ngày 16/11/2022
Kích thước chữ

Ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt hàng ngày và khiến nhiều mẹ bỉm sữa cảm thấy khó chịu. Tình trạng ngứa ngáy núm vú không chỉ xảy ra ban ngày mà còn ảnh hưởng tới chị em kể cả lúc ngủ. Sau đây là gợi ý cách xử lý và ngăn ngừa tình trạng này các mẹ có thể tham khảo để cải thiện.

Ngứa nhũ hoa là một vấn đề tế nhị thầm kín, gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống của tất cả chị em. Đặc biệt với những nữ giới lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ, không ít người gặp phải tình trạng nhũ hoa bị khó chịu, ngứa ngáy thậm chí là đau rát khi cho trẻ bú. 

Nguyên nhân gây ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú

  • Do viêm da cơ địa: Khi bị viêm da cơ địa, tình trạng nhũ hoa khó chịu, ngứa ngáy là không thể tránh khỏi. Cảm giác ngứa có thể đi kèm với triệu chứng phát ban ngoài, xuất hiện những vết rộp nhỏ trên da, có vảy cứng hoặc tiết dịch.
  • Do vệ sinh nhũ hoa không sạch sẽ: Vệ sinh đầu vú không sạch sẽ, đúng cách là nguyên nhân khiến nhũ hoa bị ngứa, tróc vảy và đau rát. Đồng thời, núm vú cũng sẽ bị vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm tuyến vú.
  • Do viêm da tiếp xúc: Viêm da tiếp xúc là do nhũ hoa của mẹ có thể tiếp xúc với một số yếu tố gây kích thích (như áo lót, xà phòng giặt đồ, sữa tắm…) gây ngứa nhũ hoa.
  • Chọn áo ngực không phù hợp: Mặc áo ngực không phù hợp, chật chội, cọ xát lâu ngày cũng là nguyên nhân khiến nhũ hoa của mẹ bị viêm nhiễm và ngứa.
  • Bị bệnh ung thư vú dạng viêm: Nếu thấy núi đôi ngứa một bên, đau, nóng đỏ thì đây có thể là dấu hiệu ung thư vú dạng viêm.
  • Thời tiết hanh khô khiến ngứa núm vú: Thời tiết hanh khô khiến cho da dễ bị nứt nẻ, đàn hồi kém. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để nấm, vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập và bám vào da gây ngứa nhũ hoa.

Cách xử lý tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú

Nguyên nhân gây tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú

Khi cho con bú ngứa xung quanh nhũ hoa có ảnh hưởng đến trẻ không?

Khi bị ngứa xung quanh nhũ hoa mẹ vẫn có thể yên tâm cho con bú mà không cần lo sợ bất kỳ ảnh hưởng nào đến trẻ. Hãy tiếp tục duy trì tần suất cho bé bú như bình thường để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ sữa để phát triển toàn diện. Đồng thời việc cho trẻ bú đều đặn còn giảm cảm giác ngứa nhũ hoa khá tốt nhờ ngăn ngừa sự tích tụ sữa và căng sữa.

Cách xử lý tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú

Nếu bị ngứa nhũ hoa khi cho con bú, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giúp cải thiện tình trạng này bao gồm:

Chế độ sinh hoạt

  • Vệ sinh: Nên thay áo ngực mỗi ngày để giúp núm vú không bị nấm. Trước và sau mỗi lần cho bé bú xong, mẹ nên vệ sinh sạch đầu vú bằng khăn mềm. Đồng thời, tắm mỗi ngày 10 phút bằng nước ấm sẽ giúp cải thiện tình trạng khô da và giảm ngứa xung quanh nhũ hoa hiệu quả.
  • Ăn uống: Nhằm hỗ trợ chấm dứt tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa, trong các bữa ăn hàng ngày, mẹ nên tăng cường ăn các thực phẩm giàu vitamin C và hạn chế ăn thực phẩm cay nóng. Để ngăn tình trạng cơ thể bị thiếu nước gây khô da, mẹ bỉm cũng nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
  • Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đầy đủ giúp mẹ bỉm có một sức khỏe tốt, giảm thiểu cảm giác ngứa nhũ hoa và ngăn ngừa các bệnh về tuyến vú. 
  • Chăm sóc: Các mẹ cũng cần chú ý chăm sóc da vùng ngực nếu muốn bầu ngực được khỏe mạnh, không bị ngứa khi cho con bú. Có thể lựa chọn sử các loại nguyên liệu dưỡng da tự nhiên lành tính như: Lô hội, mật ong, dầu dừa... để cấp ẩm, ngừa khô da.

Cách xử lý tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú

Thay đổi chế độ sinh hoạt để giúp giảm ngứa quanh nhũ hoa khi cho con bú

Sử dụng thuốc

  • Thuốc uống: Sử dụng thuốc uống cũng là một cách giúp chị em giảm tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khá tốt, Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi đang cho con bú chỉ nên uống các loại thuốc được bác sĩ kê toa. 
  • Thuốc bôi ngoài da: Nếu mẹ bị chàm gây ngứa nhũ hoa bác sĩ sẽ kê các loại kem và thuốc bôi có tác dụng làm dịu tình trạng bệnh. Đồng thời, có thể dùng thêm các loại kem dưỡng có thành phần tự nhiên để dưỡng ẩm nếu mẹ bị khô nứt da vùng nhũ hoa.

Khám bác sĩ

Mẹ nên đến tìm gặp bác sĩ khi phát hiện ngực có các triệu chứng bất thường như: Đau ngực dữ dội kèm theo ngứa ngáy, ngứa nhũ hoa cản trở việc cho con bú của mẹ, có dịch màu vàng hoặc máu chảy ra từ núm vú, ngực bị thay đổi hình dạng, đầu vú tấy đỏ và cực kỳ ngứa, cảm thấy có một cục cứng trên vú, sốt trên 38 độ C…Bạn có thể tự kiểm tra vú để nhận biết sớm bệnh lý nguy hiểm đến sức khỏe.

Cách xử lý tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú

Ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú nên khám ngay khi có dấu hiệu bất thường

Ngăn ngừa tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú

Một số biện pháp giúp ngăn ngừa tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú bao gồm:

  • Mặc quần áo rộng rãi và chọn áo lót phù hợp: Các mẹ nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, thoáng mát. Nên chọn dùng áo lót được làm từ vải cotton vì chất liệu này thấm hút mồ hôi tốt.
  • Giữ cho ngực được khô ráo: Bạn nên lót thêm một miếng đệm giữa áo lót và ngực để tránh tình trạng sữa rò rỉ, hạn chế tạo môi trường ẩm ướt khiến nấm và vi khuẩn dễ tấn công.
  • Lau núm vú sau khi cho con bú: Chị em nên dùng khăn vải mềm thấm nước ấm lau sạch vú sau mỗi lần trẻ bú. Việc này giúp loại bỏ nước bọt của trẻ và sữa mẹ còn đọng lại để tránh nhiễm khuẩn nhũ hoa, hạn chế gây kích ứng da.
  • Dưỡng ẩm: Nếu mẹ bỉm có làn da dễ bị khô, bong tróc khi thời tiết quá hanh khô thì nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để ngăn ngừa tình trạng ngứa nhũ hoa. Lưu ý, tốt nhất nên dùng sau lần bú cuối của trẻ trong ngày, và rửa sạch nhũ hoa trước khi cho trẻ bú vào lần tiếp theo.
  • Cho con bú theo khoảng thời gian cố định: Các mẹ nên thiết lập một thời gian biểu khoa học để cho con bú. Điều này giúp sữa không bị tích tụ quá nhiều, nhờ đó tránh tình trạng ngực quá căng tức, gây ngứa ngáy và khó chịu nhũ hoa.

Cách xử lý tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú

Chú ý chăm sóc sức khỏe để hạn chế ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú

Những thông tin trên đây chắc hẳn đã giúp bạn hiểu rõ tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú xuất hiện do đâu. Đồng thời, nhà thuốc Long Châu còn chia sẻ thêm cách điều trị và phòng tránh an toàn, hiệu quả để mẹ bỉm có thể áp dụng. Nếu ngứa xung quanh nhũ hoa kéo dài và xuất hiện những triệu chứng bất thường các mẹ cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị ngứa đầu vú sớm.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin