Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cây cam thảo bắc: Tác dụng và lưu ý cần biết

Ngày 28/03/2023
Kích thước chữ

Cam thảo bắc xuất hiện trong nhiều bài thuốc Đông y trị bệnh rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng sai cách dược liệu này hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Để tìm hiểu rõ hơn đặc tính, tác dụng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng cam thảo bắc hãy cùng nhà thuốc Long Châu tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây.

Cảm thảo bắc có vị ngọt tự nhiên và có mặt trong không ít bài thuốc nam của người Việt. Người ta có thể chế biến cam thảo để pha trà, sắc thuốc, nhai trực tiếp, dùng cao lỏng, viên nang thảo mộc hoặc một số chế phẩm như: Kẹo cam thảo, trà cam thảo…

Vài nét về cây cam thảo bắc

Cam thảo bắc còn có tên gọi khác là diêm cam hảo, phấn cam thảo hay sinh cam thảo là một loại thực vật thuộc họ đậu có nguồn gốc Trung Quốc. Đây là loại cây thân thảo sống lâu năm, cao khoảng 0,4 - 0,7 mét và có cành thẳng đứng. Lá cây có hình bầu dục, mọc kép và so le với nhau trên thân cây. Hoa của cây cam thảo này nhỏ, có màu tím nhạt và mọc thành chùm trên đầu cây.

Cây cam thảo bắc: Tác dụng và lưu ý cần biết

Cây cam thảo bắc có nguồn gốc từ Trung Quốc và thuộc họ đậu

Rễ hoặc thân sau khi thu hoạch là những bộ phận được sử dụng nhiều nhất của cam thảo bắc. Chúng được đào lên, cắt thành đoạn dài 15 - 30cm, bó thành từng bó. Sau khi đem về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, ủ đống cho hơi lên men làm cho rễ có màu vàng sẫm hơn, phơi hoặc sấy khô. 

Các thành phần hoạt tính của cây cam thảo bắc chủ yếu là glycyrrhizin và flavonoid, có tính chất kháng khuẩn, kháng viêm và giảm đau. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng glycyrrhizin có tác dụng bảo vệ tế bào gan và hỗ trợ hệ thống miễn dịch.

Cam thảo bắc có tác dụng gì?

Theo y học cổ truyền

Cam thảo bắc có vị ngọt, tính bình được biết đến nhiều nhờ công dụng giải độc, thanh nhiệt và tả hỏa. Cây cam thảo bắc được sử dụng trong y học truyền thống để chữa các vấn đề sức khỏe như: Ho, cảm lạnh, đau họng, viêm xoang, viêm đại tràng, loét dạ dày, suy thận và suy gan.

Trong khi đó, cam thảo tẩm mật sao vàng (chích thảo) có tính ấm với tác dụng nhuận phế, điều hòa các vị thuốc. Chúng được dùng để chữa tỳ vị hư nhược, kém ăn, tiêu chảy, thân thể mệt mỏi, khát nước do vị hư, ho do phế hư.

Cây cam thảo bắc: Tác dụng và lưu ý cần biết

Cây cam thảo bắc được sử dụng nhiều trong Đông Y

Theo y học hiện đại

Theo y học hiện đại, cam thảo có nhiều tác dụng khác nhau, bao gồm:

  • Giải độc: Thành phần hóa học trong cam thảo bắc có khả năng loại bỏ độc tố do physostigmin, histamine, pilocarpine, chloralhydrat, barbituric hình thành. Ngoài ra dược liệu này còn có thể giải độc cho các trường hợp bị uốn ván.
  • Tiêu viêm, kháng khuẩn: Cam thảo bắc có khả năng ức chế tụ cầu vàng, loại bỏ trực khuẩn coli, amip, trùng roi, trực lao khuẩn. Đặc biệt Acid Glucuronic và Glycyrrhizic trong vị thuốc này còn có khả năng kháng viêm cực tốt.
  • Bảo vệ gan: Cam thảo bắc chứa Glycyridin - thành phần khi đưa vào cơ thể có khả năng hình thành hàng rào bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại.
  • Điều trị huyết áp thấp: Dược tính trong cam thảo bắc hoạt động tương tự như corticoid có khả năng bù muối NaCl, giữ nước và đào thải Kali gây phù nề. Đồng thời cũng có khả năng tăng huyết áp, điều trị huyết áp thấp.
  • Chống loét đường tiêu hóa: Dược liệu cam thảo bắc có khả năng giảm tiết acid dịch, chống loét và đồng thời thúc đẩy phục hồi niêm mạc đường tiêu hóa.
  • Điều hòa nội tiết tố: Theo nghiên cứu, thành phần dược chất trong cam thảo bắc có khả năng điều hòa nội tiết tố của chuột bạch.
  • Giảm mỡ: Nhờ có Glycyrrhizin mà vị thuốc này có thể giảm mỡ trong cơ thể người dùng.

Cây cam thảo bắc: Tác dụng và lưu ý cần biết

Cây cam thảo bắc được đánh giá cao trong việc giúp bảo vệ gan

Một số bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ cam thảo bắc

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cam thảo bắc có thể kể đến như:

  • Trị ho lao, ho lâu ngày: Nướng cam thảo bắc rồi tán thành bột mịn. Mỗi ngày dùng 4g hòa cùng nước ấm và uống. Ngày uống 3 - 4 lần, sau 5 ngày sử dụng sẽ thấy bệnh thuyên giảm.
  • Trị viêm loét dạ dày: Sử dụng cao lỏng cam thảo bắc được tinh chiết hòa cùng nước ấm rồi uống. Đều đặn mỗi ngày 4 lần, mỗi lần dùng khoảng 15ml, tình trạng viêm loét dạ dày sẽ cải thiện đáng kể sau 6 ngày kiên trì dùng.
  • Chữa mụn nhọt: Mỗi ngày dùng trực tiếp 1 - 2 thìa cà phê cao mềm cam thảo. Sử dụng liên tục khoảng 1 tuần bạn sẽ nhận thấy mụn nhọt giảm sưng, số lượng mụn cũng giảm hẳn.
  • Xử lý ngộ độc thực phẩm: Dùng 9 - 15g sinh cam thảo bắc sắc với nước rồi chia thành 3 - 4 lần để uống hết trong 2 giờ. Nếu bị nhiễm độc nặng cần tăng lượng dược liệu này lên 30g sắc cùng 300ml nước. Mỗi lần xông thụt dạ dày 100ml từ 3 – 4 giờ.
  • Trị viêm họng mãn: Dùng 10g cam thảo bắc sống hãm cùng nước ấm, uống liên tục ngụm nhỏ cho đến khi dứt điểm các triệu chứng.
  • Chữa ngứa và viêm da: Sử dụng các sản phẩm gel bôi có chứa 1 - 2% rễ cam thảo bắc. Kiên trì dùng liên tục trong 2 tuần, mỗi ngày 3 lần.

Cây cam thảo bắc: Tác dụng và lưu ý cần biết

Lưu ý khi sử dụng cam thảo bắc theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe

Lưu ý sử dụng cam thảo bắc

Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong quá trình sử dụng cam thảo bắc chữa bệnh, người dùng lưu ý các điểm sau:

  • Lạm dụng rễ cây cam thảo bắc có thể dẫn đến tình trạng hạ kali trong máu, gây ra yếu cơ. Đồng thời gây tăng huyết áp, nhịp tim không đều nên người cao huyết áp không nên sử dụng.
  • Những đối tượng ăn quá nhiều rễ cây cam thảo bắc trong thời gian hai tuần thường thấy cơ thể bị ứ nước và gặp bất thường về chuyển hóa.
  • Cam thảo có thể xảy ra tương tác với một số loại thuốc như: Thuốc hạ kali, thuốc lợi tiểu, những chất làm loãng máu, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc ngừa thai, nhóm thuốc trị viêm, thuốc hormone.
  • Không dùng kết hợp cam thảo với nhân trần. Cam thảo có tính giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thảo. Do đó, uống 2 thảo dược này không mang lại lợi ích gì mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe.
  • Hoạt chất glycyrrhiza có trong cam thảo bắc có thể gây hại đến sự phát triển não bộ của thai nhi, dẫn đến sinh non, dọa sảy thai. Do đó, phụ nữ đang mang bầu không nên sử dụng bất kỳ bộ phận nào của thảo dược này để làm chất bổ sung hay thanh lọc cơ thể.

Trên đây là các thông tin cần biết và một số bài thuốc hữu ích từ cây cam thảo bắc. Không khó để tìm được địa chỉ bán dược liệu này trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo hấp thu tối đa dưỡng chất và đạt được hiệu quả sử dụng cao nhất, người tiêu dùng nên tìm chọn mua cam thảo bắc tại địa chỉ bán uy tín và được chuyên gia sức khỏe tư vấn cách dùng.

Minh QA

Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin