Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Quỳnh Loan
Mặc định
Lớn hơn
Diệp hạ châu là một loại thảo dược quen thuộc trong y học cổ truyền Việt Nam với công dụng nổi bật như hỗ trợ giải độc gan và tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, việc sử dụng diệp hạ châu không đúng cách hoặc quá liều có thể gây tác dụng ngược đến sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ việc uống diệp hạ châu nhiều có tốt không và đưa ra một số lưu ý quan trọng khi sử dụng loại dược liệu này.
Với nhiều tác dụng có lợi đối với sức khỏe đã được nghiên cứu và chứng minh, diệp hạ châu là một loại dược liệu tự nhiên quý giá, có thể hỗ trợ cải thiện nhiều bệnh lý từ gan, tiêu hóa cho đến miễn dịch và tiểu đường. Tuy nhiên, để sử dụng diệp hạ châu một cách an toàn và hiệu quả, người dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế, đặc biệt khi dùng chung với các loại thuốc điều trị khác.
Diệp hạ châu là một trong những dược liệu có lịch sử sử dụng lâu đời trong y học cổ truyền, với hơn 2.000 năm được ứng dụng để hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh lý. Theo tài liệu "Trung Quốc cao đẳng thực vật đồ giám bản" xuất bản năm 1972, diệp hạ châu có những công dụng nổi bật như thanh can minh mục (làm mát gan, sáng mắt), lợi thủy (giúp tiêu phù thũng) và giải độc tiêu tích (giúp giảm đầy hơi, chướng bụng do ăn uống không tiêu).
Cây diệp hạ châu thường mọc thẳng hoặc bò sát mặt đất, với chiều cao trung bình khoảng 80cm. Lá cây có hình bầu dục hoặc tam giác, mỏng và nhỏ. Hoa mọc thành từng chùm ở đầu ngọn, nở vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 hàng năm và kết quả từ tháng 7 đến tháng 9. Diệp hạ châu không chỉ phân bố tại Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Á khác như Indonesia, Lào, Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Mỗi bộ phận của cây đều chứa những hoạt chất khác nhau và đều có thể được sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên, lá cây là nơi tập trung nhiều hoạt chất Phyllathin và Hypophyllatin nhất, đây là hai hoạt chất quan trọng có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan, đặc biệt là viêm gan virus. Ngoài ra, thân cây cũng chứa nhiều hoạt chất quý như Nirtetralin, Flavonoid, Lignin và một số loại acid hữu cơ có giá trị dược lý cao.
Sau khi thu hoạch, cây diệp hạ châu được sơ chế bằng cách thái nhỏ, rửa sạch và phơi nắng. Khi gần khô, cây sẽ được chuyển sang phơi trong bóng râm cho đến khi khô hoàn toàn. Thành phẩm sau đó được bảo quản trong hộp hoặc túi kín để sử dụng dần làm dược liệu trong các bài thuốc cổ truyền và hiện đại.
Như đã đề cập bên trên, diệp hạ châu là một loại dược liệu quen thuộc trong y học cổ truyền, nổi bật với nhiều công dụng như hỗ trợ giải độc gan, chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch và ổn định đường huyết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là uống diệp hạ châu nhiều có tốt không?
Theo chuyên gia sức khỏe, việc lạm dụng diệp hạ châu, đặc biệt là uống thay nước lọc hàng ngày, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Dù diệp hạ châu là vị thuốc có tính mát nhưng cần được sử dụng có kiểm soát và theo liệu trình rõ ràng. Cụ thể, nên dùng diệp hạ châu trong thời gian ngắn từ 5 - 7 ngày rồi nghỉ để tránh gây tổn thương cho gan.
Ngoài ra, do đặc tính hàn, diệp hạ châu có thể gây lạnh gan nếu sử dụng kéo dài và không đúng cách. Một số trường hợp có thể dẫn đến xơ gan nếu lạm dụng. Đặc biệt, những người có thể tỳ vị hư hàn như hay lạnh bụng, dễ đầy hơi, tiêu hóa kém, phân lỏng và sợ lạnh thì tuyệt đối không nên dùng diệp hạ châu. Việc sử dụng loại dược liệu này trong những trường hợp không phù hợp có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo rằng, việc sử dụng dược liệu, dù là tự nhiên, cần được thực hiện dựa trên sự tham khảo ý kiến bác sĩ. Khi có những biểu hiện bất thường hoặc nghi ngờ mắc các bệnh lý về gan, đường tiêu hóa hoặc nội tiết, người bệnh nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Như vậy, uống diệp hạ châu nhiều có tốt không thì câu trả lời là chúng ta nên sử dụng thảo dược này đúng cách, đúng lượng theo hướng dẫn của bác sĩ. Diệp hạ châu chỉ có thể mang lại nhiều lợi ích nếu dùng đúng cách và trong liều lượng phù hợp. Đặc biệt, người dùng không nên tự ý dùng lâu dài hoặc thay thế cho nước uống hàng ngày. Để bảo vệ sức khỏe một cách an toàn, người dùng cần tỉnh táo và tiếp cận thông tin một cách khoa học trước khi áp dụng bất kỳ liệu pháp tự nhiên nào.
Theo Đông y, diệp hạ châu có vị ngọt hơi đắng, tính mát, quy vào kinh can và phế. Cây thuốc này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, kháng khuẩn chống viêm, hỗ trợ lưu thông khí huyết và tăng cường chức năng thận. Dưới đây là những công dụng nổi bật của diệp hạ châu đã được ghi nhận cả trong y học cổ truyền và qua các nghiên cứu khoa học hiện đại.
Một trong những công dụng nổi bật nhất của diệp hạ châu là khả năng hỗ trợ điều trị và bảo vệ gan. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất từ cây diệp hạ châu có tác dụng tích cực đối với gan, đặc biệt trong việc phòng ngừa tổn thương gan do các chất độc hại.
Cụ thể, một nghiên cứu thực hiện vào năm 2009 đã chứng minh dịch chiết ethanol từ diệp hạ châu có khả năng bảo vệ gan trước độc tính của acetaminophen, một loại thuốc giảm đau rất phổ biến. Hoạt chất Phyllanthin có trong diệp hạ châu được xác định là thành phần chính giúp chống oxy hóa và tăng tổng hợp glutathion - yếu tố quan trọng bảo vệ tế bào gan khỏi sự phá hủy do ethanol gây ra.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác thực hiện năm 2007 trên mô hình chuột cho thấy diệp hạ châu giúp làm giảm các gốc oxy hóa tự do, đồng thời tăng hoạt tính của các enzyme chống oxy hóa. Tác dụng này giúp giảm tổn thương gan do aflatoxin B1 - một độc tố nguy hiểm thường có trong thực phẩm nấm mốc.
Ngoài tác dụng bảo vệ gan, diệp hạ châu còn được ghi nhận có khả năng hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Một nghiên cứu từ năm 1992 tại Nhật Bản phát hiện cao lỏng từ cây diệp hạ châu có khả năng ức chế sự phát triển của virus HIV-1 bằng cách làm chậm quá trình nhân bản của virus. Năm 1996, Viện nghiên cứu Dược học Bristol-Myers Squibb đã chiết xuất được một hoạt chất từ cây này và đặt tên là "Nuruside", nhấn mạnh đến tiềm năng của diệp hạ châu trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý do virus gây ra.
Từ lâu, diệp hạ châu đã được người dân tại Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc sử dụng như một phương thuốc dân gian để hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da như mụn nhọt, lở loét, giun sán hoặc vết cắn do rắn. Tại Malaysia, cây còn được dùng để cải thiện triệu chứng viêm da, viêm tiết niệu, giang mai và viêm âm đạo.
Diệp hạ châu giúp kích thích tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn và hỗ trợ trung tiện. Ở Ấn Độ, cây thuốc này được sử dụng hỗ trợ điều trị viêm gan, vàng da, kiết lỵ, táo bón, thương hàn và viêm đại tràng.
Một số bộ tộc thổ dân ở Nam Mỹ gọi diệp hạ châu là "cây tán sỏi" vì công dụng đặc biệt trong hỗ trợ điều trị sỏi thận và sỏi mật. Trong quyển sách "Witch Doctor’s Apprentice" xuất bản năm 1961, cây thuốc này được đề cập đến như một phần quan trọng trong các phương pháp chữa bệnh cổ truyền của pháp sư người da đỏ Amazon.
Một nghiên cứu năm 1984 của Đại học Dược Santa Catarina (Brazil) cho thấy một alkaloid có tên phyllanthoside trong cây diệp hạ châu có tác dụng chống co thắt cơ trơn và cơ vân. Đây chính là cơ sở khoa học lý giải hiệu quả làm tiêu sỏi của loài cây này.
Diệp hạ châu cũng cho thấy khả năng kiểm soát đường huyết hiệu quả. Một nghiên cứu năm 2010 tại Đại học Nigeria trên chuột cống chỉ ra rằng, dịch chiết từ phần thân trên của cây giúp giảm lượng đường huyết lúc đói và ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết đột ngột.
Năm 2012, một nghiên cứu khác trên chuột nhắt tiếp tục khẳng định hoạt tính chống tiểu đường mạnh mẽ của dịch chiết ethanol từ lá cây diệp hạ châu.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc uống diệp hạ châu nhiều có tốt không cũng như những lợi ích sức khỏe mà loại thảo dược này mang lại. Nhìn chung, diệp hạ châu có thể phát huy nhiều lợi ích cho gan và hệ miễn dịch nếu sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc dùng không theo chỉ dẫn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trước khi dùng diệp hạ châu để hỗ trợ điều trị hoặc phòng bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình sử dụng.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.