Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi?

Ngày 31/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi sẽ rất khó chịu, thường xuyên quấy khóc, bú kém khiến cha mẹ vô cùng lo lắng và không biết nên làm gì. Đây cũng là một trong những triệu chứng đầu tiên khi trẻ mắc các bệnh lý hô hấp và thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu trẻ không được chăm sóc đúng cách và kịp thời có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Trẻ sơ sinh khi bị nghẹt mũi thường hay quấy khóc, bỏ ăn, đòi bế liên tục. Điều này khiến không ít cha mẹ hoang mang, lo lắng không biết nên làm gì. Vậy cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi? Để trả lời cho câu hỏi này, mời bạn đọc tham khảo ngay bài viết sau đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh 1 tháng bị nghẹt mũi

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi do cảm lạnh là nguyên nhân hay gặp nhất. Trong trường hợp này, trẻ có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như sốt nhẹ, thở khò khè.

Ngoài ra, còn có thể do những nguyên nhân sau đây:

  • Nghẹt mũi sơ sinh: Đây là hiện tượng xảy ra khi bé còn trong bụng mẹ, một số chất nhầy từ nước ối có thể chui vào mũi khiến bé sinh ra bị nghẹt mũi. Hiện tượng này thường mất đi sau 1 tuần sau sinh.
  • Dị tật bẩm sinh: Một số trẻ sinh ra đã bị tịt một bên hoặc cả hai bên lỗ mũi.
  • Dị ứng: Một số trẻ có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với các tác nhân lạ từ môi trường bên ngoài như bụi bẩn, phấn hoa, lông thú cưng, khói thuốc lá… có thể gây nên tình trạng nghẹt mũi, khó thở. Các hiện tượng này có thể chuyển biến nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời.
  • Hen bẩm sinh: Một số trẻ sinh ra đã mắc hen bẩm sinh. Những trẻ này chỉ cần tiếp xúc với những tác nhân lạ như khói bụi, phấn hoa, lông thú, hay thời tiết thay đổi đột ngột đều có thể gây nghẹt mũi, ho, khó thở…
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi? 1
Cảm lạnh là nguyên nhân thường gặp khiến trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi có nguy hiểm không?

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi sẽ khiến trẻ khó chịu, bú khó khăn, không bú được hơi dài như trước đó vì trẻ phải dừng lại để thở bằng miệng. Cùng với đó, chất nhầy trong mũi chảy xuống họng khiến trẻ vướng họng và dễ bị ho, nôn ói.

Tình trạng này phần lớn không gây nguy hiểm cho trẻ, tuy nhiên nếu không được điều trị đúng và kịp thời, tình trạng này kéo dài có thể gây nên tình trạng viêm mạn tính và ảnh hưởng xấu tới các cơ quan khác như:

  • Nghẹt mũi lâu ngày gây viêm phù nề hai bên tai, khiến cho trẻ bị ù tai.
  • Viêm nhiễm lâu ngày còn có thể lây sang mắt và gây viêm màng tiếp hợp, viêm túi lệ…
  • Trẻ bị nghẹt mũi thường xuyên dẫn tới thiếu oxy nên sẽ không phản ứng linh hoạt, thậm chí chậm chạp, lười biếng. Ngoài ra, trẻ thường xuyên bị nhức đầu, mệt mỏi, thường xuyên mất tập trung.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi? 2
Trẻ bị nghẹt mũi lâu ngày có thể khiến trẻ mệt mỏi, kém tập trung

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi?

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi cha mẹ nên làm gì? Dưới đây là một số phương pháp cha mẹ có thể áp dụng để bé nhà mình cảm thấy dễ chịu và nhanh chóng khỏi bệnh hơn:

  • Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý: Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ có rất nhiều lợi ích, giúp làm sạch mũi cho trẻ, đồng thời sát khuẩn nhẹ, ngăn ngừa sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, nhỏ mũi bằng nước muối còn giúp làm loãng các chất nhầy trong mũi, giúp mũi được thông thoáng và dễ loại bỏ chất nhầy ra ngoài, từ đó giúp bé thoải mái, dễ chịu hơn.
  • Hút mũi: Sau khi vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, dịch nhầy trong mũi sau khi nhỏ nước muối sinh lý sẽ loãng hơn, lúc này cha mẹ có thể tiến hành hút mũi cho trẻ. Hút mũi cho trẻ giúp loại bỏ nhanh chất nhầy có trong mũi của trẻ, từ đó làm giảm tình trạng nghẹt mũi, giúp trẻ dễ thở hơn.
  • Tăng cường cho trẻ bú mẹ: Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, vì vậy sức đề kháng của trẻ rất yếu và dễ mắc bệnh. Việc tăng cường cho trẻ bú mẹ giúp nâng cao sức đề kháng của trẻ. Đồng thời, điều này còn giúp làm loãng chất nhầy trong mũi họng, giúp chúng dễ dàng được tống ra ngoài, làm giảm tình trạng nghẹt mũi và đem lại cảm giác dễ chịu cho trẻ.
  • Cho trẻ xông hơi: Xông hơi cho trẻ bằng các máy xông hơi chuyên dụng hay cho bé ngồi cạnh chậu nước nóng sao cho bé có thể hít được hơi nước bốc lên. Việc này giúp làm ẩm niêm mạc mũi họng của trẻ, từ đó giảm đau rát khó chịu, giúp thông mũi, giảm ho. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với những trẻ bị nghẹt mũi do cảm lạnh. Tuy nhiên, vì nước có nhiệt độ cao nên cha mẹ cần hết sức cần thận khi áp dụng phương pháp này cho trẻ.
  • Đảm bảo độ ẩm không khí trong phòng: Không khí có độ ẩm thấp vào mùa đông hay trẻ nằm trong phòng điều hòa lâu là nguyên nhân thường gặp gây nên tình trạng nghẹt mũi do cảm lạnh ở trẻ sơ sinh. Cha mẹ nên bổ sung thêm máy làm ẩm không khí để có độ ẩm thích hợp, giảm nguy cơ gây khô rát và đau họng cho trẻ.
  • Nâng cao đầu trẻ khi ngủ và massage cho trẻ: Nâng cao đầu khi ngủ cho trẻ giúp trẻ dễ thở hơn, ngủ ngon và sâu giấc hơn. Cha mẹ có thể dùng một chiếc khăn kê dưới đầu trẻ để đầu trẻ được nâng cao thêm một chút. Cùng với đó, cha mẹ dùng mu bàn tay xoa nhẹ đầu hai bên cánh mũi để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý tránh kê đầu quá cao gây nguy cơ tổn thương cột sống của trẻ.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi? 3
Tăng cường cho trẻ bú mẹ khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi

Những điều cần lưu ý khi trẻ bị nghẹt mũi

Đến đây chắc hẳn cha mẹ đã biết nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi rồi đúng không. Bên cạnh những phương pháp giúp làm giảm tình trạng nghẹt mũi của trẻ đã trình bày ở trên, cha mẹ cũng cần lưu ý một số điều sau đây khi trẻ bị nghẹt mũi:

  • Tuyệt đối không hút mũi cho trẻ bằng miệng. Việc hút mũi cho trẻ bằng miệng có thể khiến vi khuẩn từ miệng người chăm sóc lây sang trẻ. Cha mẹ nên có dụng cụ hút mũi chuyên dụng cho trẻ để đảm bảo vệ sinh, tránh lây nhiễm bệnh cho trẻ.
  • Không tự ý cho trẻ sử dụng các loại thuốc như thuốc co mạch, thuốc kháng sinh. Mọi loại thuốc trước khi sử dụng đều cần có sự thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.
  • Khi đã áp dụng những phương pháp trình bày ở trên, nếu tình trạng nghẹt mũi của trẻ không thuyên giảm hay nặng nề hơn, cha mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám, tìm nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
  • Ngoài ra, trong quá trình trẻ bị nghẹt mũi, cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu trẻ xuất hiện những triệu chứng bất thường, cần đưa trẻ đi khám ngay.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi? 4
Cần đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ bị nghẹt mũi kèm theo các dấu hiệu bất thường khác

Hy vọng bài viết trên đã giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi cũng như nắm được một số phương pháp giúp trẻ giảm tình trạng nghẹt mũi khó chịu hiệu quả. Cha mẹ không được tự ý cho các bé dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định, hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa, tốt nhất nên tham khảo ý kiến các bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào. Chúc bạn và các bé nhiều sức khỏe cũng như tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Vũ Ánh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm