Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Chân tóc yếu: Nguyên nhân và cách cải thiện hiệu quả

Ngày 14/03/2023
Kích thước chữ

Chân tóc yếu dễ rụng có thể là hậu quả từ chế độ ăn uống thiếu khoa học, thường xuyên sử dụng nhiều hóa chất lên tóc, căng thẳng, stress kéo dài,... Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về tình trạng này trong bài viết dưới đây nhé!

Chân tóc yếu và dễ gãy rụng, có thể do chế độ ăn uống không khoa học dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc cũng có thể do thường xuyên sử dụng nhiều hóa chất lên tóc, thói quen sử dụng thiết bị tạo nhiệt, stress, căng thẳng kéo dài,...

Nếu không được kịp thời xử lý và khắc phục, lâu ngày sẽ làm tóc mỏng đi, tăng nguy cơ hói đầu, gây mất thẩm mỹ. Vậy chân tóc yếu nguyên nhân do đâu và cách cải thiện như thế nào, cùng tìm hiểu nhé!

Biểu hiện của chân tóc yếu

Vì chân tóc được bao bọc bởi nang tóc nên nếu quan sát bằng mắt thường chúng ta có thể nhận biết chân tóc yếu qua một số dấu hiệu như:

  • Tóc trở nên giòn và dễ gãy;
  • Chẻ ngọn sớm;
  • Tóc thường xuyên bị xoăn, dễ gãy và rụng;
  • Tóc khô, xơ rối và thường xuyên đổi màu ở ngọn tóc;
  • Tóc thưa mỏng hoặc thậm chí hói đầu (trong trường hợp nghiêm trọng) có thể xảy ra trên đỉnh đầu.

Tóc thưa mỏng là một trong những biểu hiện của chân tóc yếu

Tóc thưa mỏng là một trong những biểu hiện của chân tóc yếu

Chân tóc yếu nguyên nhân do đâu?

Chân tóc yếu, dễ gãy rụng là nguyên nhân khiến tóc mỏng, mất đi độ bóng mượt. Ở những người trẻ tuổi, tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ hói đầu sớm, dẫn đến nhiều vấn đề về thẩm mỹ. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng chân tóc yếu, cụ thể là:

Lạm dụng nhiệt

Nhiệt độ cao từ máy sấy, máy uốn tóc, máy ép tóc,... làm mất đi lớp keratin tự nhiên quanh tóc, từ đó khiến cho chân tóc, đuôi tóc khô xơ, hư tổn, làm tăng số lượng tóc bị gãy rụng. Ngoài ra, thói quen này có thể khiến mái tóc nhanh chóng mất đi độ bóng mượt và trở nên thiếu sức sống.

Gội đầu quá thường xuyên

Nhiều người nghĩ rằng gội đầu thường xuyên hàng ngày sẽ giúp làm sạch da đầu và giúp tóc chắc khỏe, nhưng thực tế đây là một suy nghĩ sai lầm. Tuy các thành phần dầu gội giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và bã nhờn nhưng lại có thể khiến da đầu mất đi lớp dưỡng chất tự nhiên, khiến chân tóc yếu và kém đàn hồi. Nếu bạn duy trì thói quen gội đầu thường xuyên trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng rụng tóc, thậm chí gây gàu và nấm da đầu.

Mất cân bằng nội tiết tố

Khi lượng estrogen ở nữ và testosterone ở nam bị mất cân bằng không chỉ ảnh hưởng đến chức năng sinh lý mà còn làm suy giảm sức khỏe, ức chế sự phát triển của tuyến lông. Đồng thời, khi nồng độ hormone thay đổi cũng làm cho hoạt động tổng hợp và chuyển hóa dinh dưỡng đến tế bào vùng da đầu “tắc nghẽn”. Điều này có thể làm suy yếu chân tóc và làm tăng nguy cơ gãy rụng.

Buộc hoặc búi tóc quá chặt

Búi tóc hoặc buộc quá chặt có thể khiến chân tóc bị kéo căng, gây tổn hại đến nang tóc và làm chân tóc suy yếu. Ngoài ra, thói quen này có thể khiến tóc bị xơ rối, gãy rụng, giảm độ bóng và độ đàn hồi của tóc.

Thiếu hụt chất dưỡng

Vitamin C, E, B, sắt và collagen rất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của tóc. Nếu chế độ ăn uống của bạn không được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất này có thể khiến các nang tóc dần bị teo lại, dễ tổn thương, nhanh chóng khô xơ và gãy rụng.

Thiếu ngủ, căng thẳng kéo dài

Các vấn đề về giấc ngủ và hệ thần kinh có mối liên hệ mật thiết với tình trạng chân tóc yếu. Mỗi người cần ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh và các cơ quan hoạt động bình thường. Nếu không đảm bảo điều này sẽ dẫn đến cơ thể mệt mỏi, dễ suy nhược, thiếu máu, kém tập trung, rối loạn nội tiết, làm tóc yếu và dễ gãy rụng.

Mặt khác, căng thẳng kéo dài gây nhiều áp lực lên hệ tuần hoàn và vùng dưới đồi. Căng thẳng nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến giảm hồng cầu, lưu lượng máu tới nang tóc kém, mất cân bằng nội tiết tố,... tất cả những yếu tố này đều có thể dẫn đến tóc hư tổn, nang và chân tóc suy yếu, gãy rụng.

Biểu hiện của một số bệnh lý

Ở nhóm bệnh nhân như suy giáp và rối loạn chán ăn tâm thần, buồng trứng đa nang, chức năng của các tế bào da đầu thường bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này có thể làm cho các nang tóc yếu và dễ bị tổn thương, làm tăng lượng tóc rụng trong thời gian ngắn.

Chân tóc yếu có thể là biểu hiện của một số bệnh lý

Chân tóc yếu có thể là biểu hiện của một số bệnh lý

Cách phục hồi và chăm sóc tình trạng chân tóc yếu

Chân tóc yếu dễ rụng là tình trạng phổ biến ở nhiều người. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp chăm sóc và phục hồi đúng cách, tần suất rụng tóc sẽ ngày càng nhiều, dẫn đến tóc thưa dần, nang tóc dễ hư tổn, tóc mất sức sống và tăng nguy cơ hói đầu.

Do đó, ngay khi nhận thấy tóc suy yếu và xuất hiện những vấn đề như chẻ ngọn, xơ rối, khô xơ, gãy, rụng,… bạn hãy nhanh chóng xác định nguyên nhân và tìm giải pháp phù hợp.

Thói quen sinh hoạt không lành mạnh có thể nhanh chóng làm suy yếu chân tóc và khiến tóc dễ gãy rụng. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này và cải thiện độ bóng mượt, chắc khỏe của tóc, cần từ bỏ những thói quen xấu gây tổn thương nang tóc dẫn đến gãy rụng, cụ thể:

  • Hãy bỏ thói quen cột và búi tóc quá chặt. Tốt nhất bạn nên thả tóc tự nhiên hoặc dùng kẹp tăm. Điều này sẽ giúp bạn tránh làm hư tóc và tránh gây áp lực lên da đầu.
  • Hạn chế sử dụng hóa chất trên tóc hoặc sử dụng thiết bị làm tóc. Tốt nhất, bạn chỉ nên sử dụng thiết bị tạo kiểu mỗi tuần một lần. Đối với hóa chất duỗi và nhuộm tóc, bạn chỉ nên sử dụng 6 tháng/ lần. Điều này sẽ giúp hạn chế hư tổn cho tóc.
  • Nên sử dụng ô hoặc đội mũ khi hoạt động hoặc di chuyển ngoài trời. Bạn cần tránh để tóc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Đồng thời, bảo vệ da đầu khỏi tia UVB và UVA. Vì điều này có thể làm lớp biểu bì bị tổn thương và khiến tóc bị khô.
  • Tránh gội đầu quá thường xuyên. Bạn chỉ nên gội đầu từ 3 đến 4 lần/tuần. Ngoài ra, nên sử dụng dầu gội và dầu xả phù hợp, có thành phần dịu nhẹ và giàu dưỡng chất. Vì sử dụng những sản phẩm này có thể giúp bạn ngăn ngừa kích ứng và hạn chế tổn thương chân tóc.
  • Sau khi gội đầu, nên sử dụng quạt sấy tóc cho đến khi khô hoàn toàn, hạn chế sử dụng máy sấy tóc. Tuyệt đối không tạo kiểu hoặc đi ngủ với mái tóc ướt.
  • Hạn chế uống rượu bia và loại bỏ thói quen hút thuốc. Bởi các sản phẩm thuốc lá, rượu bia không chỉ có hại cho hệ tiêu hóa, phổi,… mà còn có thể khiến chân tóc nhanh chóng yếu đi, nang tóc bị tổn thương, tóc dễ gãy rụng.
  • Muốn cải thiện tình trạng chân tóc yếu, dễ rụng thì chất lượng giấc ngủ cần được đảm bảo. Tốt nhất bạn nên duy trì thói quen đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày. Đồng thời, giảm bớt khối lượng công việc, dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, thư giãn nhằm giảm áp lực cho hệ thần kinh và não bộ, giúp tinh thần thoải mái.

Đảm bảo chất lượng giấc ngủ giúp cải thiện tình trạng chân tóc yếu

Đảm bảo chất lượng giấc ngủ giúp cải thiện tình trạng chân tóc yếu

Trên đây là những chia sẻ của Nhà Thuốc Long Châu về tình trạng chân tóc yếu. Chân tóc yếu, dễ rụng sẽ dẫn đến số lượng tóc hư tổn, gãy rụng ngày càng nhiều, dễ dẫn đến rụng tóc, hói đầu. Do đó, nếu nhận thấy chân tóc yếu, rụng tóc hoặc các vấn đề khác, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà. Điều này sẽ giúp bạn ngăn ngừa rụng tóc quá nhiều, rụng tóc vĩnh viễn và phải nhờ đến sự chăm sóc y tế. Chúc bạn sức khỏe!

Nguyễn Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.