Long Châu

Hội chứng buồng trứng đa nang là gì? Nguyên nhân và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome – PCOS) ngày một tăng lên. Đây là nguyên nhân thường gặp gây ra vô sinh ở nữ. Để ngăn ngừa nguy cơ bị vô sinh hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, mỗi chúng ta cần nắm được hội chứng buồng trứng đa nang là gì và những triệu chứng thường gặp để phát hiện và điều trị sớm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là gì? 

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi bệnh béo phì nhẹ, kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh, và các dấu hiệu của việc thừa nội tiết tố nam (ví dụ như rậm lông, mụn trứng cá). 

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) thường được định nghĩa như một hội chứng lâm sàng, chứ không phải dựa vào sự hiện diện của nang buồng trứng. Nhưng thông thường, buồng trứng chứa nhiều nang noãn từ 2 - 6mm và đôi khi có nang lớn hơn chứa các tế bào sẹo. Buồng trứng có thể bị phìn to ra với vỏ trơn bóng, dày hoặc có thể kích thước bình thường.

Hội chứng này liên quan đến rối loạn chức năng phóng noãn hoặc không phóng noãn và việc thừa nội tiết tố nam với nguyên nhân không rõ ràng. Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân có bất thường chức năng của cytochrome P450c17 ảnh hưởng đến 17-hydroxylase (tỷ lệ - hạn chế enzyme trong sản xuất nội tiết tố nam), kết quả là tăng sản lượng nội tiết tố nam.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang điển hình thường bắt đầu ở giai đoạn dậy thì và trầm trọng hơn theo thời gian. Tăng tuyến thượng thận trước tuổi, đặc trưng bởi thừa dehydroepiandrosterone sulfate (DHEAS) gây ra sự phát triển sớm của lông nách, mùi cơ thể và nhiều mụn trứng cá nhỏ thường gặp.

Các triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Kinh nguyệt không đều: Các biểu hiện rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở phụ nữ PCOS là kinh không đều, kinh thưa hoặc vô kinh, có thể gặp rong kinh.

  • Vô sinh: PCOS là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất ở phụ nữ bị vô sinh.

  • Béo phì: Phụ nữ PCOS thường có biểu hiện thừa cân hoặc béo phì nhưng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, gần một nữa phụ nữ bị PCOS, trọng lượng bình thường và một số phụ nữ bị thiếu cân.

  • Rậm lông: Lông phát triển nhiều quá mức ở mặt, ngực, bụng, đùi.

  • Mụn trứng cá: Xuất hiện sau dậy thì nhưng không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường.

  • Da dầu.

  • Tăng sắc tố da: Có những mảng da dày hơn bình thường, đen sạm nhưng mịn như nhung. Thường xuất hiện ở những vùng nếp gấp của cơ thể như nách, bẹn, cổ. Nguyên nhân là nồng độ insulin trong máu cao do đề kháng insulin.

  • Buồng trứng có nhiều nang nhỏ.

Các triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, năng lượng thấp, các vấn đề liên quan đến giấc ngủ (bao gồm ngưng thở khi ngủ), tâm trạng thất vọng, trầm cảm, lo lắng và nhức đầu. Ở một số phụ nữ, khả năng mang thai giảm. Các triệu chứng giữa các phụ nữ rất khác nhau.

Nếu phụ nữ PCOS có thai, nguy cơ biến chứng thai kỳ sẽ tăng lên và các biến chứng sẽ bị nặng hơn nếu phụ nữ béo phì. Những biến chứng này bao gồm tiểu đường, sinh non và tiền sản giật.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có một số biến chứng khá nghiêm trọng:

  • Nồng độ Estrogen tăng cao.

  • Tăng nguy cơ tăng sinh nội mạc tử cung.

  • Ung thư nội mạc tử cung.

  • Nồng độ Androgen thường tăng, làm tăng nguy cơ hội chứng chuyển hóa và gây ra chứng mọc lông nhiều. Tăng nồng độ insullin trong máu do bị kháng insulin có thể có mặt, góp phần làm tăng lượng androgen của buồng trứng. Theo thời gian, tăng androgen quá mức làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, bao gồm cả tăng huyết áp và tăng lipid máu. Nguy cơ thừa androgen và các biến chứng của nó có thể cao như nhau ở phụ nữ không thừa cân và những người thừa cân. 

  • Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng PCOS cũng có liên quan đến viêm mãn tính mức độ thấp và phụ nữ có PCOS có nguy cơ cao bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Phụ nữ nên thăm khám phụ khoa định kỳ, đặc biệt đến ngay bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt khi có các triệu chứng:

  • Trễ kinh nhưng không mang thai.

  • Có các triệu chứng của PCOS như lông mọc dày và nhiều trên mặt và cơ thể, thường xuyên cảm thấy rất đói hoặc rất khát, giảm cân không rõ nguyên nhân.

  • Vợ chồng giao hợp đều đặn, không sử dụng bất cứ biện pháp nào nhưng hơn 12 tháng vẫn chưa mang thai.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây nên hội chứng này. Tuy nhiên PCOS được cho là có liên quan đến nhiều yếu tố phối hợp bao gồm: tình trạng đề kháng insullin, tăng nồng độ hormone Androgens trong máu và rối loạn phóng noãn (rụng trứng).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Những yếu tố sau có thể đóng vai trò là nguy cơ gây bệnh:

Yếu tố di truyền

Nếu trong gia đình có người thân bị hội chứng buồng trứng đa nang, bạn cũng có thể mắc phải hội chứng này. Các nhà khoa học cũng đang xem xét khả năng đột biến gen có liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang.

Người bị dư thừa insulin

Insulin dư thừa do đề kháng insulin được cho là đẩy mạnh sản xuất Androgen của buồng trứng. Sự gia tăng của Androgen có thể cản trở sự phát triển của nang trứng, làm giảm khả năng rụng trứng của buồng trứng.

Chế độ ăn uống không hợp lý

Nạp quá nhiều tinh bột cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Chế độ ăn: Thực đơn hằng ngày không đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh,... Ăn quá nhiều đồ ăn dầu mỡ hoặc ăn quá nhiều tinh bột. Bởi vì người béo phì, thừa cân có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.

Chế độ sinh hoạt: Căng thẳng stress kéo dài.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Tiêu chuẩn lâm sàng

Rối loạn chức năng phóng noãn thường xuất hiện vào tuổi dậy thì, hậu quả gây vô kinh nguyên phát. Do đó, hội chứng buồng trứng đa nang sẽ không xảy ra ở những bệnh nhân có kinh nguyệt xuất hiện đều sau khi bắt đầu có kinh.

PCOS thường được nghi ngờ nếu phụ nữ có ít nhất hai triệu chứng điển hình. Đối với bệnh nhân PCOS, thăm khám thường phát hiện thấy chất nhầy cổ tử cung nhiều, phản ánh nồng độ estrogen cao. 

Cận lâm sàng

Xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm phát hiện thai.

  • Đo lượng huyết thanh testosterone toàn phần, FSH, prolactin, TSH: Đo nồng độ testosterone tự do huyết thanh nhạy hơn testosterone toàn phần nhưng về mặt kỹ thuật thì khó đo hơn. Nồng độ testosterone từ bình thường đến tăng nhẹ và mức FSH bình thường hoặc giảm nhẹ gợi ý chẩn đoán PCOS.

  • Siêu âm vùng khung chậu để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng PCOS. 

Việc chẩn đoán cần ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau:

  • Rối loạn chức năng phóng noãn dẫn đến kinh nguyệt không đều.

  • Bằng chứng lâm sàng hoặc cận lâm sàng về tăng sinh androgen.

  • Nhiều hơn 10 nang trứng mỗi buồng trứng (phát hiện bằng siêu âm vùng khung chậu), thường xuất hiện ở ngoại vi và giống như một chuỗi ngọc trai.

Nếu có các tiêu chí này, đo nồng độ cortisol huyết thanh để loại trừ hội chứng Cushing và huyết thanh 17-hydroxyprogesterone vào buổi sáng sớm được đo để loại trừ sự nam tính hoá tuyến thượng thận. Đo nồng độ DHEAS huyết thanh, nếu DHEAS bất thường, phụ nữ được đánh giá như vô kinh.

Phụ nữ trưởng thành bị PCOS được đánh giá hội chứng chuyển hóa bằng cách đo huyết áp và làm xét nghiệm glucose và lipid huyết thanh (xét nghiệm lipid cơ bản).

Phương pháp điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang mục đích để:

  • Đánh giá chính xác các bất thường của hormon, từ đó làm giảm nguy cơ thừa estrogen (ví dụ quá sản niêm mạc tử cung) và thừa nội tiết tố nam (ví dụ rối loạn tim mạch).

  • Giảm các triệu chứng của PCOS và cải thiện khả năng sinh sản.

Thuốc ngừa thai progestogen đối với phụ nữ chưa muốn mang thai

Các biện pháp tránh thai nội tiết là phương pháp điều trị hàng đầu dùng để điều trị các bất thường kinh nguyệt, rậm lông và mụn trứng cá ở những phụ nữ PCOS và những người không mong muốn mang thai. Bác sĩ thường kê toa dùng progestin không liên tục (ví dụ, medroxyprogesterone từ 5 đến 10 mg uống một lần/ngày từ ngày thứ 10 đến 14 (mỗi 1 đến 2 tháng) hoặc uống các loại thuốc ngừa thai để giảm nguy cơ quá sản nội mạc tử cung và ung thư. Phương pháp điều trị này cũng làm giảm androgens huyết thanh và thường giúp chu kỳ kinh nguyệt trở nên đều hơn.

Metformin 500 - 1000 mg dùng hai lần/ngày được sử dụng để giúp tăng ngạy cảm insulin ở phụ nữ có PCOS, kinh nguyệt không đều, đái tháo đường, đề kháng insulin nếu việc thay đổi lối sống không có hiệu quả, trường hợp không thể dùng hoặc không thể dung nạp thuốc ngừa thai nội tiết. Metformin cũng làm giảm nồng độ testosterone tự do. Khi dùng metformin, phụ nữ PCOS nên đo nồng độ glucose huyết thanh và phải làm xét nghiệm chức năng gan thận theo định kỳ. Vì metformin có thể gây phóng noãn nên thực hiện các biện pháp tránh thai nếu không mong muốn mang thai. Metformin giúp điều chỉnh các bất thường về chuyển hóa và đường huyết và làm cho chu kỳ kinh nguyệt đều hơn, nhưng nó ít hoặc không có tác động nhiều lên triệu chứng rậm lông, mụn trứng cá hoặc vô sinh.

Điều trị chứng rậm lông ở phụ nữ trưởng thành và các nguy cơ lâu dài của các bất thường hóc môn

Đối với phụ nữ PCOS bị mọc lông quá nhiều, các biện pháp vật lý (ví dụ như tẩy trắng, điện phân, nhổ lông, tẩy lông, làm rụng lông) có thể được sử dụng. Kem Eflornithine 13,9% bôi hai lần/ngày, có thể giúp loại bỏ lông không mong muốn ở mặt. Ở phụ nữ không mong muốn mang thai, liệu pháp hormone làm giảm nồng độ nội tiết tố nam hoặc thuốc spironolactone có thể được dùng thử.

Mụn trứng cá có thể được điều trị bằng các loại thuốc trị mụn thông thường (ví dụ như benzoyl peroxide, kem tretinoin, kháng sinh tại chỗ và kháng sinh uống).

Điều trị vô sinh ở phụ nữ mong muốn có thai

Đối với phụ nữ mong muốn mang thai, clomiphene được sử dụng để điều trị vô sinh. Clomiphene đang là liệu pháp điều trị đầu tiên cho vô sinh. Thuốc letrozole ức chế aromatase cũng có thể được dùng để điều trị vô sinh. Giảm cân là một phương pháp rất hiệu quả giúp cải thiện khả năng rụng trứng đối với những bệnh nhân PCOS thừa cân. Bởi vì phụ nữ PCOS có nguy cơ cao về các biến chứng thai kỳ, bao gồm đái tháo đường thai kỳ, sinh non, và tiền sản giật, các biến chứng này sẽ nặng nề hơn nếu bệnh nhân có béo phì. Nên đánh giá trước khi thụ thai về chỉ số khối cơ thể (BMI), BP và nghiệm pháp dung nạp glucose được khuyến cáo.

Phẫu thuật nội soi buồng trứng là một trong những lựa chọn điều trị hội chứng buồng trứng đa nang. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bằng mở ổ bụng để tạo ra các lỗ nhỏ trong buồng trứng (phẫu thuật đốt điểm buồng trứng) làm giảm sản sinh nội tiết tố nam và tăng cường sự rụng trứng. Tác động của phương pháp này chỉ mang tính tạm thời nhưng khoảng 50% phụ nữ mang thai trong vòng một năm kể từ khi phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Chế độ sinh hoạt:

Giảm cân, ăn kiêng và tập thể dục thường xuyên được khuyến khích. Chúng có thể giúp phóng noãn, làm cho chu kỳ kinh nguyệt đều hơn, tăng nhạy cảm insulin, giảm bệnh xạm đen da và chứng mọc lông quá nhiều. Giảm cân cũng có thể cải thiện khả năng sinh sản. Tuy nhiên, giảm cân không có lợi cho những phụ nữ cân nặng bình thường bị PCOS.

Giảm từ 5 - 10% trọng lượng cơ thể có thể giúp chu kỳ kinh nguyệt đều hơn và cải thiện các triệu chứng hội chứng buồng trứng đa nang. Bất kỳ chế độ ăn kiêng nào giúp giảm cân đều có thể giúp ích cho tình trạng của phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, sẽ có một số chế độ ăn kiêng có thể có lợi thế hơn những chế độ ăn khác.

Tập thể dục 30 phút ở cường độ trung bình 3 ngày một tuần có thể giúp phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang giảm cân. Chế độ ăn kiêng cộng với tập thể dục sẽ giúp phụ nữ giảm cân nhiều hơn so với chỉ can thiệp và nó làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim.

Chế độ dinh dưỡng:

Các nghiên cứu so sánh chế độ ăn kiêng cho hội chứng buồng trứng đa nang đã phát hiện ra rằng chế độ ăn kiêng ít carbohydrate có hiệu quả cho cả việc giảm cân và cả việc giảm mức insulin.

Chế độ ăn có chỉ số đường huyết thấp (GI thấp) nạp hầu hết các loại carbohydrate từ trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt tốt hơn so với những chế độ ăn kiêng giảm cân thông thường.

Phương pháp phòng ngừa hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hiệu quả

Mặc dù hiện nay chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang, tuy nhiên, chị em phụ nữ hoàn toàn có thể ngăn ngừa bệnh lý cũng như các biến chứng nguy hiểm của bệnh bằng việc xây dựng lối sống, sinh hoạt lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống ngày. Cụ thể là:

Duy trì cân nặng hợp lý:

Giảm cân và duy trì mức cân nặng ở chỉ số lý tưởng không chỉ giúp phụ nữ có sức khỏe tốt, mà còn giảm ảnh hưởng tiêu cực của bệnh đối với cơ thể. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để được xây dựng cho bản thân một  chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học, đồng thời có kế hoạch kiểm soát cân nặng hợp lý.

Hạn chế carbohydrate:

Một chế độ ăn ít chất béo nhưng nhiều carbohydrate sẽ làm tăng hàm lượng insulin. Do đó, cần hạn chế lượng carbohydrate nạp vào trong khẩu phần ăn.

Tập thể dục thường xuyên:

Việc tăng cường hoạt động thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn sẽ hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa tình trạng kháng insulin, kiểm soát cân nặng nhằm phòng tránh bệnh đái tháo đường và giảm nguy cơ mắc phải hội chứng đa nang buồng trứng.

Khám phụ khoa định kỳ:

Khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu của bệnh từ sớm, kể cả khi bệnh chưa có biểu hiện rõ ràng. Không những thế, khám phụ khoa định kỳ còn giúp tầm soát và điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của nhiều bệnh phụ khoa khác. Do đó, các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo chị em phụ nữ nên đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/
  2. https://trungtamytequan4.medinet.gov.vn/

Các bệnh liên quan

  1. Nang ống tuyến Skene

  2. Băng huyết sau sinh

  3. U bì buồng trứng

  4. Tắc vòi trứng

  5. Xuất huyết tử cung bất thường

  6. Chít hẹp cổ tử cung

  7. Lãnh cảm

  8. Đa ối

  9. Nhau cài răng lược

  10. Nám nội tiết