Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chảy máu hậu môn có phải là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm không?

Ngày 14/10/2022
Kích thước chữ

Hậu môn là bộ phận cuối của hệ tiêu hoá, nếu bị chảy máu hậu môn thì điều đó có nghĩa là đường tiêu hoá của bạn có vấn đề. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về hiện tượng chảy máu hậu môn qua bài viết dưới đây nhé!

Chảy máu hậu môn là hiện tượng có máu chảy ra từ hậu môn, máu có thể có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm. Chảy máu có phải là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm không còn phụ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Chảy máu hậu môn là bệnh gì?

Chảy máu hậu môn tức là trường hợp máu chảy ra từ hậu môn và thường lẫn với phân, một số trường hợp là cục máu đông. Máu trong phân có thể từ trực tràng, hậu môn hay các bộ phận khác của đường tiêu hóa.

Chảy máu hậu môn có phải là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm không?1

Chảy máu hậu môn có thể gây cảm giác đau và ngứa

Chảy máu hậu môn nặng hay nhẹ phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này. Thông thường chảy máu hậu môn khá nhẹ và tự ngừng. Tuy nhiên một số bệnh nhân bị chảy máu ở mức độ trung bình sẽ đi ngoài ra máu nhiều lần, máu có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm thường lẫn với phân hoặc ra cục máu đông. Bệnh nhân bị chảy máu hậu môn nặng có thể đi tiêu nhiều lần hoặc một lần nhưng chảy một lượng máu lớn.

Chảy máu ở hậu môn là dấu hiệu của bệnh gì?

Chảy máu ở hậu môn thường do các bệnh lý hậu môn trực tràng gây ra là chủ yếu.

Bệnh trĩ

Bệnh trĩ là bệnh mà các tĩnh mạch trực tràng ở vùng hậu môn và trực tràng bị giãn ra. Bệnh trĩ thường gây chảy máu ở hậu môn do các búi trĩ bị giãn ra, kèm theo đau rát, khó chịu, ngứa.

Trĩ nội và trĩ ngoại đều có thể gây chảy máu hậu môn nhưng không đau, bệnh nhân chỉ phát hiện bản thân bị trĩ khi cảm thấy có khối thịt phồng ở hậu môn khi đi đại tiện.

Chảy máu hậu môn có phải là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm không?2

Bệnh trĩ có thể là một trong những nguyên nhân gây chảy máu hậu môn

Nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn là bệnh lý dễ gây chảy máu hậu môn nhất. Vết rách xuất hiện ở niêm mạc ống hậu môn, nguyên nhân thường là do táo bón dẫn đến phân cứng khi đi ngoài.

Nứt kẽ hậu môn có thể gây hậu môn chảy máu nhẹ, máu chảy ra thường có màu đỏ tươi và lẫn với phân. Niêm mạc bị rách dẫn đến các dây thần kinh và mạch máu bị lộ ra ngoài nên gây đau ở khu vực này.

Nhiễm trùng

Bệnh kiết lỵ là tình trạng bị nhiễm trùng ở ruột do một số vi khuẩn như Campylobacter jejuni, Escherichia coli, Clostridium difficil,... gây ra. Triệu chứng của kiết lỵ là tiêu chảy kèm với máu có lẫn trong phân, đau bụng, sốt. Tuy nhiên bệnh này thường được điều trị bằng kháng sinh.

Bệnh viêm ruột (IBD)

Bệnh viêm ruột thường gặp ở người lớn dưới 50 tuổi, đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây hậu môn chảy máu. Hai loại viêm ruột thường gặp đó là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.

Khi bị viêm ruột, máu sẽ chảy số lượng ít đến trung bình, máu đỏ tươi và lẫn với phân và chất nhầy.

Angiodysplasia

Đây là bệnh mạch máu và có liên quan đến các tĩnh mạch và mao mạch mở rộng trong thành của ống tiêu hoá, nhất là ở đại tràng phải. Những mạch máu này trở nên dễ vỡ và gây chảy máu hậu môn.

Chảy máu ở hậu môn do Angiodysplasia thường chậm, dai dẳng và không rõ ràng, không đau cho đến khi chảy máu ồ ạt kèm triệu chứng: Suy nhược, mệt mỏi, khó thở.

Túi thừa

Túi thừa là những túi nhỏ hình thành trong thành đại tràng, thường mọc ở những điểm yếu nơi mạch máu xuyên qua lớp cơ. Các mạch máu trong thành của các túi theo thời gian sẽ dần trở nên xơ cứng, dễ bị vỡ, gây chảy máu.

Đại tràng và trực tràng có khối u

Đại tràng và trực tràng thường xuất hiện các u lành tính kể cả ác tính. Những người trên 50 tuổi dễ bị ảnh hưởng nhất. Tuy nhiên, các khối u cũng có thể xuất hiện ở những người trẻ nên không được chủ quan. Khi có biến chứng xuất huyết ở u, nó sẽ diễn ra chậm, mãn tính và lượng ít.

Chảy máu hậu môn có phải là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm không?3

Một số khối u ở đại tràng và trực tràng có thể gây chảy máu hậu môn

Nếu các tổn thương ung thư phát triển mạnh mẽ, có thể gặp các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn như sụt cân, cảm giác đầy trực tràng hoặc táo bón.

Chảy máu từ đường tiêu hóa trên

Nguyên nhân khác gây chảy máu hậu môn có thể bắt nguồn từ dạ dày hoặc tá tràng, với triệu chứng phổ biến là đi cầu ra phân đen. Tuy nhiên, nếu lượng máu chảy ra quá nhiều thì có thể đi cầu ra máu đỏ tươi lẫn trong phân.

Cách khắc phục hậu môn chảy máu tại nhà

Nếu hậu môn chảy máu với lượng ít, nguyên nhân là do trĩ hoặc nứt kẽ hậu môn thì người bệnh có thể được xem xét để điều trị tại nhà.

Điều trị tại nhà có thể kết hợp sử dụng các loại thuốc mỡ, thuốc đặt hậu môn. Nếu tình hình của bệnh nhân không cải thiện trong vòng một tuần điều trị tại nhà, hoặc trên 40 tuổi thì nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán.

Một số phương pháp chăm sóc đơn giản tại nhà bao gồm:

  • Uống đủ nước, tầm 3 - 4 lít nước mỗi ngày.
  • Vệ sinh vùng da xung quanh hậu môn hằng ngày.
  • Ăn uống khoa học, tăng cường chất xơ.
  • Tránh đi đại tiện quá lâu.
  • Có thể ngâm mình trong bồn tắm nước ấm với lượng nước vừa đủ ngập vùng hông và mông để giảm ngứa, đau và khó chịu của bệnh trĩ.
  • Hạn chế uống rượu vì rượu là nguyên nhân hàng đầu gây táo bón.

Chảy máu hậu môn là một triệu chứng thường gặp và nó có thể là dấu hiệu phản ánh một bệnh lý nào đó dù nặng hay nhẹ. Do đó, nếu tình trạng chảy máu ở hậu môn kéo dài và ngày càng trầm trọng thì bệnh nhân nên nhanh chóng tìm gặp bác sĩ chuyên môn để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.