Bệnh trĩ là một trong những bệnh lý gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, người mắc bệnh cần có một chế độ chăm sóc phù hợp để kiểm soát và làm giảm các triệu chứng, tránh làm bệnh tiến triển nặng hơn. Vậy chế độ sinh hoạt cho người bệnh trĩ như thế nào?
Việc xây dựng chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt cho người bệnh trĩ là rất quan trọng. Điều này giúp đảm bảo cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, thói quen tốt để cải thiện tình trạng bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ
Trước khi tìm hiểu về chế độ sinh hoạt cho người bệnh trĩ, chúng ta cùng đi qua nguyên nhân gây ra bệnh. Bệnh trĩ hay còn gọi lòi dom, là tình trạng phồng to của các tĩnh mạch thuộc hệ thống tĩnh mạch trĩ trên, dưới hoặc cả hai, gây ra tình trạng trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp. Đây là một trong những bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến hậu môn và trực tràng, thường phải nhập viện điều trị.
Một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh trĩ bao gồm:
Táo bón kéo dài khiến người bệnh phải rặn mạnh, tạo áp lực lên ống hậu môn, gây giãn nở các tĩnh mạch và hình thành búi trĩ.
Thói quen ăn uống không lành mạnh, chẳng hạn như tiêu thụ quá nhiều thực phẩm nhanh, cay nóng, uống ít nước và thiếu chất xơ.
Công việc đòi hỏi đứng hoặc ngồi quá nhiều hoặc thường xuyên mang vác nặng, tạo áp lực lên vùng hậu môn.
Phụ nữ mang thai và sau sinh có nguy cơ mắc bệnh trĩ do sự gia tăng áp lực trong cơ thể.
Căng thẳng, stress kích thích hệ thần kinh, làm giảm khả năng co giãn cơ vùng hậu môn.
Thói quen không lành mạnh khi đi vệ sinh như nhịn đại tiện, ngồi lâu trong nhà vệ sinh, đọc sách hay xem điện thoại khi đại tiện.
Giao hợp qua đường hậu môn (đối với đồng tính nam).
Tuổi tác cao khiến cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng trở nên yếu đi, làm gia tăng nguy cơ mắc trĩ.
Bệnh trĩ gây ra những vấn đề gì?
Chảy máu và sa búi trĩ là hai triệu chứng tiêu biểu nhất của bệnh trĩ. Cụ thể:
Chảy máu khi đại tiện
Đây là triệu chứng xuất hiện sớm nhất. Ban đầu, máu có thể chỉ xuất hiện ít, thấm vào giấy vệ sinh hoặc phân. Khi bệnh tiến triển, lượng máu chảy nhiều hơn, thậm chí có thể chảy thành giọt hoặc tia khi đi đại tiện. Ở giai đoạn nặng, máu có thể chảy ngay cả khi ngồi xổm, khiến người bệnh dễ gặp tình trạng mất máu nghiêm trọng.
Sa búi trĩ
Sau khi gặp tình trạng chảy máu, người bệnh sẽ thấy búi trĩ xuất hiện tại lỗ hậu môn, bên trong hoặc ngoài hậu môn. Ban đầu, búi trĩ có thể tự co lại, không gây nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi bệnh nặng hơn, búi trĩ lớn dần và không tự tụt vào trong được, gây khó khăn cho việc di chuyển, dẫn đến viêm nhiễm, loét hoặc nhiễm trùng do cọ xát.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh trĩ
Đối với người bệnh trĩ, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng vì chế độ dinh dưỡng không khoa học là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh. Khi phát hiện bệnh, việc lựa chọn thực phẩm đúng cách là điều cần lưu ý để ngăn bệnh trĩ trở nên nghiêm trọng hơn. Các nguyên tắc chính khi xây dựng chế độ ăn uống cho người mắc bệnh trĩ bao gồm:
Tăng cường chất xơ: Chất xơ có tác dụng nhuận tràng, cải thiện hệ tiêu hóa và giúp giảm tình trạng táo bón. Việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ sẽ hạn chế nguy cơ táo bón, từ đó giảm tiến triển của bệnh trĩ.
Chọn thực phẩm chín mềm, dễ tiêu: Để ngăn ngừa táo bón, người bệnh nên ăn những món dễ tiêu, được nấu chín và mềm. Tránh ăn các món khô, khó tiêu có thể gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày và làm trĩ trở nên trầm trọng hơn.
Không ăn quá no: Việc ăn quá nhiều trong một bữa có thể gây áp lực lên ổ bụng, không tốt cho người bị trĩ. Thay vào đó, nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày và ăn với lượng vừa phải. Nếu bệnh nặng, cần chú ý ăn chậm, nhai kỹ và chọn thực phẩm dễ tiêu.
Uống nhiều nước: Nước giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và làm mềm phân, từ đó ngăn ngừa táo bón, giúp bệnh nhân trĩ cảm thấy dễ chịu hơn.
Chế độ sinh hoạt cho người bệnh trĩ
Chế độ sinh hoạt cho người bệnh trĩ như thế nào? Ngoài chế độ ăn uống, việc duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa bệnh trĩ. Một số biện pháp sinh hoạt cần chú ý gồm:
Tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn: Nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ cố định mỗi ngày để giúp ruột được làm trống đều đặn, từ đó giảm áp lực lên hệ tiêu hóa và giảm nguy cơ tái phát bệnh trĩ.
Tăng cường vận động thể dục thể thao: Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn hỗ trợ điều trị trĩ hiệu quả. Các bài tập nhẹ như đi bộ, chạy bộ hoặc đạp xe giúp kích thích nhu động ruột, cải thiện quá trình tiêu hóa và giảm táo bón. Việc vận động cũng giúp giảm thiểu các bệnh liên quan như béo phì, gan nhiễm mỡ và huyết áp cao.
Tránh ngồi hoặc nằm lâu: Khi bị táo bón, thay vì ngồi hay nằm một chỗ, bạn nên đi lại nhẹ nhàng mỗi ngày để cải thiện tình trạng. Điều này giúp kích thích nhu động ruột và làm giảm sự khó chịu khi đi đại tiện.
Việc kết hợp giữa chế độ ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh trĩ và phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn.
Trên đây là thông tin chế độ sinh hoạt cho người bệnh trĩ. Bệnh trĩ là một tình trạng có thể được điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Việc can thiệp kịp thời không chỉ giúp điều trị triệt để mà còn giảm thiểu tối đa các biến chứng có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.