Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Chỉ số RBC trong máu là gì?

Ngày 24/10/2022
Kích thước chữ

Có thể bạn đã nhiều lần nhìn thấy chỉ số RBC trong các kết quả xét nghiệm máu. Tuy nhiên, cụ thể chỉ số RBC trong máu là gì thì không phải ai cũng trả lời được? Cùng tìm hiểu vấn đề này để biết được chúng có ý nghĩa ra sao và ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mỗi người qua bài viết dưới đây nhé!

Khi đọc kết quả xét nghiệm máu, có rất nhiều thông số khác nhau được đưa ra để đánh giá tình trạng bệnh và RBC là một trong những chỉ số quan trọng cần được biểu thị. Chỉ số này tăng hay giảm là hiện tượng xảy ra khi cơ thể bạn đang có vấn đề về sức khỏe. 

Chỉ số RBC là gì?

RBC là viết tắt của cụm từ Red Blood Cell, có nghĩa là số lượng hồng cầu - chỉ số này phản ánh tổng số lượng tế bào hồng cầu có trong máu. Trên cơ thể, hồng cầu là thành phần chủ yếu và chiếm số lượng lớn trong các tế bào máu. Nhiệm vụ của hồng cầu là vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và đưa CO2 từ các mô trở về phổi để đào thải ra ngoài. Do đó, hồng cầu giữ vai trò rất lớn trong hoạt động sống của cơ thể. Chỉ số RBC cao hay thấp đồng nghĩa số lượng hồng cầu chênh lệch so với mức tiêu chuẩn là dấu hiệu cho thấy các vấn đề bất thường đang diễn ra trong cơ thể.

Chỉ số RBC trong máu là gì?

Chỉ số RBC phản ảnh số lượng hồng cầu

Hồng cầu được hình thành trong tủy xương dưới sự kiểm soát của erythropoietin (EPO) và có chu kỳ sống trung bình khoảng 90 - 120 ngày. Theo ước tính, mỗi ngày lại có đến từ 200 - 400 tỷ hồng cầu trong máu chết đi. Để tạo ra số lượng lớn hồng cầu khỏe mạnh thay thế thì cơ thể bạn phải cần được bổ sung nhiều và đầy đủ các chất như: Sắt, đường gluco, vitamin B6, B12 và acid folic. Thiếu bất kỳ một chất nào kể trên cũng sẽ khiến hồng cầu sinh ra thay đổi kích thước hay bị dị dạng.

Xem thêm: RBC trong xét nghiệm máu là gì

Tại sao cần xét nghiệm máu RBC?

Xét nghiệm chỉ số RBC được thực hiện cùng nhiều thông số liên quan trong tổng phân tích tế bào máu. Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm này khi bạn đi thăm khám tổng quát hoặc gặp các vấn đề bất thường về sức khỏe.

Việc tiến hành xét nghiệm chỉ số RBC trong máu sẽ giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của cơ thể và phát hiện một số bệnh lý như: Thiếu máu, thiếu oxy, hẹp động mạch phổi, tim bẩm sinh, rối loạn tuần hoàn tim… Bạn cũng cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ khi tiến hành xét nghiệm để phát hiện chính xác, kịp thời các vấn đề cơ thể đang gặp phải.

Chỉ số RBC trong máu là gì?

Xét nghiệm máu RBC giúp phát hiện nhiều bệnh nguy hiểm về tim

Ý nghĩa chỉ số xét nghiệm RBC

Chỉ số RBC bình thường

Hiện nay, chỉ số RBC bình thường nằm trong khoảng 4 - 5.9 triệu tế bào/cm3, tương đương 4 - 5.9 x 10^12 tế bào/lít. Trong đó, chỉ số RBC tiêu chuẩn ở nữ giới trong mức 3.9 - 5.6 M/μl và ở nam giới là từ 4.5 – 6.5 M/μl. Đặc biệt với trẻ sơ sinh, RBC ở mức 3.8 M/μl là chỉ số bình thường.

Chỉ số RBC tăng

Trên thực tế, chỉ số RBC cao hơn mức tiêu chuẩn xuất hiện do tình trạng cô đặc máu và thường gặp ở các bệnh nhân có dấu hiệu bị mất nước, mắc chứng tăng hồng cầu, đi ngoài liên tục hoặc nôn ói nhiều. Mặt khác, lượng hồng cầu tăng trong máu có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như: Rối loạn tuần hoàn tim phổi, máu thiếu oxy, tim bẩm sinh…

Bên cạnh đó, trường hợp những người sống ở vùng núi cao hoặc các vận động viên có sử dụng doping sẽ có chỉ số hồng cầu sẽ cao hơn mức bình thường. Tình trạng chỉ số RBC cao trên thực thế thường không nhiều nhưng những người thừa cân, béo phì, mắc bệnh động mạch vành hoặc cao huyết áp… sẽ có nguy cơ bị hồng cầu cao.

Chỉ số RBC trong máu là gì?

Chỉ số RBC tăng sẽ kéo thao các vấn đề như đau đầu, chóng mặt

Khi bị tăng hồng cầu, cơ thể bạn có thể xuất hiện một số triệu chứng như: Đau đầu, chóng mặt, hay đau bụng, da vùng môi hay cổ xanh tím và đỏ hơn bình thường nếu gặp thời tiết lạnh, bị viêm các dây thần kinh, phì đại tim và gan to, lá lách có biểu hiện to và cứng nhẵn. Đồng thời tình trạng hồng cầu trong máu tăng cao khiến máu bị đặc quánh lại và dễ gây tắc nghẽn mạch máu. Nếu không được cải thiện, tình trạng này sẽ gây nhiều nguy cơ rủi ro như đột quỵ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Chỉ số RBC giảm

Trường hợp chỉ số RBC giảm có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh bị thiếu máu, mất máu do các nguyên nhân chảy máu dạ dày hoặc tá tràng. Ngoài ra, một số chẩn đoán còn cho biết đây là biểu hiện của việc máu bị thiếu sắt, vitamin B12 hay acid folic… do ăn uống không đủ dưỡng chất. Ngoài ra các đối tượng gồm người già, phụ nữ mang thai, bệnh nhân bị ung thư, suy tủy, thận, thấp khớp cấp cũng thường có chỉ số RBC giảm dưới mức chuẩn.

Khi giảm hồng cầu ở mức độ nhẹ, triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng nên bạn sẽ gần như không cảm nhận được những thay đổi trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu số lượng tế bào hồng cầu trong máu giảm đáng kể, bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng như: Thường xuyên đau đầu, khó tập trung suy nghĩ, tâm tình dễ thay đổi, hay khó chịu cáu gắt vô cớ, cảm thấy cơ thể mệt mỏi nhất là sau khi tập thể dục hay vận động nhiều.

Chỉ số RBC trong máu là gì?

Chỉ số RBC giảm sẽ khiến choáng váng khi đang ngồi nhưng đột ngột đứng lên

Một số trường hợp suy giảm hồng cầu do thiếu máu nặng, người bệnh có thể gặp tình trạng khó thở, đau lưỡi, màu da trở nên nhợt nhạt, móng tay giòn và cảm giác choáng váng khi đang ngồi mà đứng lên đột ngột.

Cách xác định chỉ số RBC

Phương pháp đơn giản và nhanh chóng để xác định chỉ số RBC chính là tiến hành xét nghiệm máu. Bạn sẽ nhận được kết quả xét nghiệm máu sau khoảng 90 phút lấy mẫu. Chỉ số RBC nhận được sẽ giúp các bác sĩ đánh giá số lượng hồng cầu trong máu người bệnh đang ở mức nào (bình thường, cao hay thấp). Đây cũng là căn cứ để chẩn đoán các nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh từ đó có các biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời.

Bài viết trên đây chắc hẳn đã giúp bạn hiểu thêm về chỉ số RBC trong máu cũng như ý nghĩa của nó trong kết quả xét nghiệm và chẩn đoán điều trị các vấn đề bệnh lý liên quan đến hồng cầu. Để bảo vệ cơ thể luôn khỏe mạnh bên cạnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học điều độ bạn nên tiến hành thăm khám định kỳ đề có thể theo dõi và biết được tình trạng sức khỏe bản thân.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin