Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi cho thấy điều gì?

Ngày 30/06/2024
Kích thước chữ

Thai tuần thứ 22 đã phát triển ở mức độ nhất định, dễ dàng thực hiện siêu âm để quan sát tình trạng thai nhi. Vậy chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi là gì? Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn đọc giải mã những chỉ số siêu âm của thai nhi ở tuần 22.

Chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi bao gồm nhiều phần và không phải ai cũng hiểu hết các kết quả này. Để biết làm thế nào đọc hiểu chỉ số siêu âm thai nhi tuần 22, Nhà thuốc Long Châu mời bạn theo dõi thông tin dưới đây.

Sự phát triển của thai nhi ở tuần thứ 22

Trước khi tìm hiểu các chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi, bạn cũng cần nắm được sự phát triển của trẻ trong thời điểm này. Thai nhi 22 tuần tuổi có chiều dài cơ thể tính từ đỉnh đầu đến gót chân khoảng 26.3 – 30cm và cân nặng khoảng từ 360 – 500g. Khi này, các cơ quan của thai nhi đã được hình thành và phát triển tương đối.

Tuy nhiên, làn da của trẻ vẫn còn nhiều nếp nhăn do cân nặng của thai nhi chưa đủ để da căng lên. Bên cạnh đó, mắt bé cũng hình thành dáng từ lâu nhưng con ngươi vẫn chưa đủ sắc tố, mí mắt, lông mày đang hoàn thiện dần, lá lách cũng tiếp tục phát triển. Đây là giai đoạn các cơ quan của thai nhi tiếp tục phát triển và dần hoàn thiện từng ngày.

Các cử động của thai nhi ở tuần thai thứ 22 có phần mạnh và có chủ đích hơn giai đoạn trước. Điều này là do các dây thần kinh đã được kết nối chặt chẽ với nhau thành một khối thống nhất, chủ yếu bao gồm chuyển động, uốn mình, đạp và quẫy,… Đây đều là các cử động tập dợt của bé nhằm giúp phát triển hệ cơ xương khớp, đồng thời hỗ trợ chuyển động thuần thục hơn khi con chào đời. Đôi khi thai nhi cử động quá mạnh có thể khiến mẹ cảm thấy đau nhói, khó chịu vùng bụng.

Chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi cho thấy điều gì? 1
Thai nhi ở tuần 22 đã phát triển tương đối các cơ quan, bộ phận cơ thể

Siêu âm thai nhi tuần 22 có quan trọng không?

Chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi rất quan trọng. Theo khuyến cáo từ chuyên gia, mẹ bầu cần ghi nhớ, đồng thời tuân thủ lịch khám thai định kỳ đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để biết được sự phát triển cụ thể, tình trạng sức khỏe của thai nhi. Đây cũng là lý do việc tìm hiểu chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi được rất nhiều bà bầu quan tâm.

Đặc biệt hơn, tuần 22 cũng là thời điểm vàng để phát hiện sớm các dị tật thai nhi (nếu có) bởi lúc này, thai nhi đã hình thành và phát triển tương đối các cơ quan, nước ối cũng nhiều hơn nên dễ dàng khảo sát dị tật thai nhi thông qua siêu âm hơn. Một số vấn đề được phát hiện sớm từ tuần 22 gồm: não úng thủy, giãn não thất, bệnh tim bẩm sinh, dị dạng nang tuyến phổi, hẹp tá tràng, thoát vị rốn,…

Nếu thai nhi có những đặc điểm bất thường có khả năng gây nguy hiểm, bác sĩ sẽ thông báo đến bố mẹ và gia đình để đưa ra quyết định tốt nhất, có nên chấm dứt thai kỳ hay không. Việc đình chỉ thai kỳ nên được tiến hành trước tuần thai thứ 28 để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ. Trong trường hợp không đình chỉ thai kỳ đối với thai nhi bị dị tật bẩm sinh, thai nhi vẫn có thể sống được nhưng thời gian sống thường ngắn và đôi khi là những đau đớn rất khó chịu cho trẻ.

Ở tuần thai 18 – 22, lượng nước ối tăng nhiều hơn, thai phát triển lớn hơn và di chuyển cũng linh hoạt hơn trong túi ối sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bác sĩ quan sát đặc điểm hình thái thai nhi ở nhiều góc độ khác nhau, dễ dàng phát hiện bất thường về hình thể của thai nhi. Lúc này, mẹ bầu sẽ tiến hành thực hiện siêu âm thai 4D để có thể kiểm tra chi tiết nhất các bộ phận trên cơ thể con, cụ thể là:

  • Kiểm tra tứ chi của thai nhi về độ dài và số lượng xem có điểm bất thường hay không, có đầy đủ hay thiếu ngón,…
  • Khảo sát các dị tật bẩm sinh về não và cột sống.
  • Quan sát tình trạng các cơ quan nội tạng gồm tim, phổi, dạ dày,… để đánh giá nguy cơ dị tật tim thai, dịch bất thường,…
  • Kiểm tra dị tật sứt môi, hở hàm ếch, dị tật ở tai,…
  • Khảo sát sự bất thường về bánh nhau, nước ối.
Chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi cho thấy điều gì? 2
Siêu âm ở tuần thai thứ 22 là điều cần thiết

Giải mã chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi

Khi thực hiện siêu âm 4D hoặc 3D ở tuần thai thứ 22, chắc hẳn rằng nhiều mẹ bầu chưa hiểu hết được các chỉ số trong kết quả siêu âm. Để giải đáp các chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi, bạn có thể dựa trên những nội dung sau.

Đánh giá hình thái thai nhi ở tuần 22

Chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi về đặc điểm hình thái bao gồm:

  • Đầu: Vòm sọ toàn vẹn.
  • Não: Não thất bên (bao gồm cả đám rối mạng mạch), vách trong suốt, đường giữa, đồi thị, tiểu não và bể lớn.
  • Mặt: Có đủ 2 nhãn cầu, mặt nghiêng, có miệng, môi trên liên tục, xương mũi.
  • Cổ/ngực/tim: Không có khối u, hình dạng và kích thước ngực và phổi bình thường tim có hoạt động, không có hiện tượng thoát vị hoành.
  • Bụng: Dạ dày ở vị trí bình thường, ruột không giãn, có hai thận, dây rối bám vào thành bụng bình thường.
  • Thận và bàng quang: Bàng quang hay bể thận có bị giãn hay không.
  • Cột sống: Bất thường nghiêm trọng ở cột sống thai nhi thường gặp nhất là chẻ đôi đốt sống thể hở và hay đi kèm với các biểu hiện bất thường ở trong não.
  • Hệ xương: Không có tình trạng dị tật cột sống chẻ đôi hay u bướu, tứ chi bình thường, đủ ngón.
  • Rau thai: Không có khối u rau hay bánh rau phụ.
  • Dây rốn và Niệu dục: Có đầy đủ 3 mạch máu, giới tính trai hoặc gái.
Chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi cho thấy điều gì? 3
Chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi cho thấy tốc độ phát triển, hoàn thiện của thai có bình thường không

Chỉ số phát triển của thai nhi

Bác sĩ sẽ tiến hành đo chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi, trong đó bao gồm các chỉ số phát triển như vòng đầu (HC), đường kính lưỡng đỉnh (BPD), vòng bụng (AC), chiều dài xương đùi )FL), cân nặng ước tính (EFW),… Trong đó, đơn vị các chỉ số là:

  • BPD: mm;
  • FL: mm;
  • AC: mm;
  • HC: mm;
  • EFW: g.

Thai nhi ở tuần thai 22 có các chỉ số gồm:

  • 22+0: BPD từ 47 – 59, trung bình là 53; FL từ 35 – 41, trung bình là 36; AC từ 154 – 197, trung bình là 176; HC từ 189 – 213, trung bình là 201; EFW từ 398 – 559, trung bình là 478.
  • 22+1: BPD từ 48 - 60, trung bình là 53; FL từ 35 – 42, trung bình là 37; AC từ 158 – 198, trung bình là 178; HC từ 191 – 215, trung bình là 203; EFW từ 408 – 574, trung bình là 491.
  • 22+2: BPD từ 48 – 60, trung bình là 54; FL từ 36 – 43, trung bình là 37; AC từ 163 – 200, trung bình là 182; HC từ 192 – 216, trung bình là 204; EFW từ 413 – 589, trung bình là 504.
  • 22+3: BPD từ 48 – 60, trung bình là 54; FL từ 36 – 43, trung bình là 37; AC từ 163 – 200, trung bình là 182; HC từ 194 – 218, trung bình là 206; EFW từ 429 – 604, trung bình là 517.
  • 22+4: BPD từ 49 – 61, trung bình là 55; FL từ 36 – 43, trung bình là 38; AC từ 166 – 202, trung bình là 184; HC từ 196 – 220, trung bình là 208; EFW từ 440 – 620, trung bình là 529.
  • 22+5: BPD từ 49 – 61, trung bình là 55; FL từ 36 – 44, trung bình là 38; AC từ 169 – 203, trung bình là 186; HC từ 198 – 222, trung bình là 210; EFW từ 450 – 635, trung bình là 542.
  • 22+ 6: BPD từ 50 – 62, trung bình là 56; FL từ 37 – 44, trung bình là 39; AC từ 172 – 204, trung bình là 188; HC từ 199 – 223, trung bình là 211; EFW từ 461 – 650, trung bình là 555.
Chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi cho thấy điều gì? 4
Siêu âm thai nhi 22 tuần cho thấy các chỉ số phát triển như vòng đầu, chiều dài cơ thể, cân nặng,...

Một số chỉ số khác khi siêu âm tuần 22 ở thai nhi

Ngoài những chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi nêu trên còn có một số chỉ số siêu âm thai kỳ khác gồm:

  • Nhịp tim thai: Thông thường tim thai dao động từ 120 – 160l/p.
  • Vị trí bánh rau: Bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá vị trí bánh rau so với lỗ trong cổ tử cung.
  • Nước ối: Ở giai đoạn này, việc đánh giá lượng nước ối chủ yếu dựa trên quan sát.
  • Chiều dài cổ tử cung: Giúp tiên lượng khả năng sinh non.
  • Kiểm tra thêm: Kiểm tra các khối u ở tử cung hoặc phần phụ của bà bầu.

Mong rằng những chia sẻ từ Nhà thuốc Long Châu về các chỉ số siêu âm tuần 22 ở thai nhi trên đây đã giúp ích cho các ông bố, bà mẹ chuẩn bị đón thiên thần nhỏ chào đời. Trong giai đoạn này, mẹ bầu cần chú ý đến chế độ ăn uống lành mạnh, có thể bổ sung thêm các viên uống sắt, canxi,… theo hướng dẫn của bác sĩ.

Xem thêm: Các mốc siêu âm thai 4D quan trọng mẹ bầu nên biết

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin