Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chỉ số SpO2 là gì? Cách sử dụng máy đo SpO2 cầm tay

Ngày 24/09/2022
Kích thước chữ

SpO2 là một trong những dấu hiệu sinh tồn cơ bản, thể hiện tình trạng oxy trong máu. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn ra hiện nay, việc biết cách sử dụng máy đo SpO2 cầm tay đúng cách là hết sức quan trọng để có thể biết được tình trạng sức khỏe của bản thân và gia đình.

Thiết bị đo chỉ số SpO2 cầm tay ngày càng phổ biến trước tình hình căng thẳng của dịch bệnh Covid-19. Đây là dụng cụ quan trọng để đánh giá tình trạng sức khỏe của mọi người trước dịch bệnh. Bài viết dưới đây giúp các bạn tìm hiểu chỉ số SpO2 là gì, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng máy đo SpO2 cầm tay tại nhà.

Chỉ số SpO2 là gì?

SpO2 (Saturation of peripheral Oxygen) là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Đó là tỷ lệ giữa lượng hemoglobin được oxy hóa (có chứa oxy) so với tổng số lượng hemoglobin trong máu. Hemoglobin (Hb) là thành phần cực kỳ quan trọng trong việc quyết định màu sắc của hồng cầu, đồng thời khi kết hợp với oxy sẽ có chức năng vận chuyển oxy tới các cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Chỉ số SpO2 là gì? Cách sử dụng máy đo SpO2 cầm tay 1 SpO2 là chỉ số rất quan trọng đối với sức khỏe

Ngoài các yếu tố như nhiệt độ, huyết áp, mạch đập, nhịp thở thì SpO2 cũng là một tiêu chí quan trọng để nhận định dấu hiệu sinh tồn của con người, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe thì việc duy trì được sự cân bằng SpO2 trong máu rất cần thiết. Thực tế, nếu sức khỏe của bạn bình thường, ổn định thì không nhất thiết phải kiểm tra SpO2 thường xuyên, chỉ khi bạn gặp các vấn đề về sức khỏe dưới đây thì mới cần đo để xác định lượng oxy trong máu có đủ hay không:

  • Người có những biểu hiện bất thường như: Đau tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim, mạch đập không ổn định…
  • Người đang mắc các bệnh lý như: Covid-19, hen suyễn, suy tim, tụt huyết áp, trụy mạch, đột quỵ não…
  • Trẻ đẻ non hoặc trẻ đang gặp phải các vấn đề về hô hấp.
  • Trước khi bệnh nhân làm phẫu thuật.

SpO2 được đo bằng tỷ lệ phần trăm. Ví dụ, kết quả đo SpO2 là 98%, tức là một tế bào hồng cầu có 98% hemoglobin gắn với oxy và 2% hemoglobin không gắn với oxy. Theo các nhà nghiên cứu, dưới đây là các mức độ SpO2 để mọi người có thể chủ động nhận biết và tự theo dõi sức khỏe hiệu quả:

  • Chỉ số SpO2 đạt 97% trở lên: Oxy trong máu ở mức tốt, không có triệu chứng suy hô hấp
  • Chỉ số SpO2 đạt 94 - 96%: Tỷ lệ hemoglobin được oxy hóa ở mức trung bình, chưa đáng báo động nhưng nên được bổ sung thêm oxy nếu cần.
  • Chỉ số SpO2 đạt 90 - 93%: Oxy máu đang ở mức thấp, cần được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và hỗ trợ.
  • Chỉ số SpO2 đạt dưới 90%: Oxy máu đang ở mức rất thấp, giai đoạn này cực kỳ nguy hiểm bởi đây là dấu hiệu của các ca cấp cứu trên lâm sàng.
  • Chỉ số SpO2 thấp hơn 95% (có thở oxy) và thấp hơn 92% (không thở oxy): Đây là triệu chứng suy hô hấp ở mức rất nặng
  • Đối với trẻ sơ sinh: Nếu chỉ số SpO2 đạt trên 94% là an toàn, nếu dưới 90% thì trẻ đang có nguy cơ mắc các bệnh tim bẩm sinh, cần được xử lý kịp thời.

Cách sử dụng máy đo SpO2 cầm tay tại nhà

Bên cạnh việc chọn đúng máy đo SpO2 có chất lượng tốt và được sản xuất chính hãng thì chúng ta phải biết cách sử dụng máy đo SpO2 chính xác. Đa số các loại máy đo nồng độ oxy trong máu trên thị trường hiện này đều được hoạt động dựa trên nguyên lý đo xung thông qua ngón tay, cách thức thực hiện đơn giản và kích thước nhỏ gọn. Quy trình đo SpO2 bằng máy đo cầm tay cần được thực hiện đúng theo 6 bước dưới đây:

  • Bước 1: Cần làm sạch móng tay, không nên để móng tay quá dài, không gắn móng giả và không sơn móng tay.
  • Bước 2: Trước khi đo SpO2, cần nghỉ ngơi thoải mái trong vòng 5 phút.
  • Bước 3: Cần xoa 2 bàn tay với nhau để làm ấm, đặc biệt là trong thời tiết lạnh.
  • Bước 4: Đưa ngón tay trỏ hoặc ngón tay giữa vào miệng máy rồi kẹp chặt ngón tay. Ngón tay cần được chạm vào điểm cuối cùng của máy để kích hoạt bộ phận cảm biến.
  • Bước 5: Nhấn nút nguồn, kết quả sẽ hiển thị trong khoảng 5 giây. Cần giữ tay ở trạng tĩnh để kết quả hiển thị chính xác nhất.
  • Bước 6: Ghi kết quả đo, sau khi hoàn thành thì rút ngón tay ra khỏi máy, máy sẽ tự động tắt nguồn.
Chỉ số SpO2 là gì? Cách sử dụng máy đo SpO2 cầm tay 2 Biết cách sử dụng máy đo SpO2 cầm tay tại nhà giúp bạn theo dõi tình trạng sức khỏe

Bình thường, sai số kết quả của các máy đo SpO2 có thể lên tới 2%, tuy nhiên mức độ chính xác của thiết bị còn có thể bị ảnh hưởng bởi các lý do sau đây:

  • Những người có móng tay quá dài, đang sơn móng tay hoặc sử dụng móng giả khi đo sẽ gây tác động đến cảm biến của máy.
  • Ngón tay cử động quá nhiều hoặc cơ thể đang vận động trong quá trình đo sẽ khiến kết quả nhảy số liên tục, không ổn định.
  • Do các vấn đề của chính thiết bị đo: Máy đo bị hỏng nên mất tín hiệu, pin lắp sai vị trí hoặc mua phải hàng kém chất lượng đều có thể dẫn tới việc không đo được chỉ số SpO2.

Cách cải thiện chỉ số SpO2 tại nhà

Bên cạnh việc giải đáp chỉ số SpO2 là gì và cách sử dụng máy đo SpO2 cầm tay tại nhà, Nhà Thuốc Long Châu đồng thời muốn gửi đến bạn một số cách để cải thiện chỉ số SpO2.

Luyện tập hít thở sâu đúng cách

Theo các nhà nghiên cứu, việc luyện tập hít thở sâu đúng cách mỗi ngày sẽ làm tăng chỉ số SpO2 một cách đáng kể, bởi nó sẽ giúp chúng ta tiếp nhận thêm nhiều oxy hơn trong một lần hít, vì vậy phổi sẽ có nhiều oxy hơn, đồng thời cải thiện tuần hoàn máu trong cơ thể người bệnh.

Để thực hiện bài tập này, bạn cần hít một hơi dài đủ không khí căng tràn lồng ngực, bụng căng ra sau đó thở ra một cách chậm rãi từ vùng bụng lên vùng ngực. Để đạt hiệu quả tốt trong cải thiện chỉ số SpO2, người bệnh cần hít thở sâu 10 – 30 phút mỗi ngày, chia làm 2 – 3 lần, mỗi lần khoảng 5 – 10 phút.

Chỉ số SpO2 là gì? Cách sử dụng máy đo SpO2 cầm tay 3 Cần có thói quen tập hít thở sâu mỗi ngày để tăng SpO2 máu

Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh

Việc tập thể dục thường xuyên giúp cơ hoành được co giãn tốt hơn, đồng thời tăng cường lưu thông máu đến các bộ phận giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên nếu SpO2 có xu hướng giảm thì bạn không nên luyện tập quá mạnh, chỉ nên chạy bộ hoặc đạp xe tại chỗ…

Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng nhiều tới lượng oxy trong máu. Bạn nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa như việt quất, mâm xôi, dâu tây, rau xanh… và các loại thực phẩm giàu protein như đậu, thịt gà, thịt cá sẽ giúp cải thiện độ bão hòa oxy trong máu.

Tăng chất lượng không khí tại nhà

Bạn cần chú ý cải thiện nguồn không khí trong môi trường sống song song với việc cải thiện khả năng hấp thụ oxy. Hãy duy trì nơi ở luôn sạch sẽ, luôn dọn dẹp nhà cửa như một thói quen hằng ngày, có thể sử dụng thêm máy lọc không khí để loại bỏ khí độc và bụi bẩn để chất lượng không khí được cải thiện, tăng lượng oxy trong môi trường sống. 

Chỉ số SpO2 là gì? Cách sử dụng máy đo SpO2 cầm tay 4 Nên sử dụng máy lọc không khí để tăng chất lượng không khí trong nhà

Có thể thấy rằng, cách sử dụng máy đo spo2 cầm tay đúng cách là hoàn toàn cần thiết, từ đó có thể giúp bạn biết được cách chữa trị kịp thời và định hướng phương pháp chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho chính bản thân bạn và những người xung quanh.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin