Cho trẻ ăn dặm đúng cách như thế nào? Những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm
Ngày 11/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Trong 1 năm đầu đời, sức khoẻ của trẻ đặc biệt được các mẹ bỉm quan tâm. Lúc bé vào độ tuổi 6 tháng trở lên, cho trẻ ăn dặm đúng cách là bài toán mà nhiều mẹ bỉm đặt ra. Bài viết đề cập về vấn đề này cụ thể nhất.
Trẻ sơ sinh, đặc biệt là dưới 12 tháng tuổi là giai đoạn bé có nhiều thay đổi nhất và mẹ bỉm phải theo dõi, chăm sóc bé thật cẩn thận. Thời kỳ trẻ từ tháng thứ 6 hay thứ 7 thì đây là lúc bé cần ăn dặm để bổ sung thêm chất dinh dưỡng ngoài sữa. Tuy nhiên cho trẻ ăn dặm đúng cách như thế nào để bé vừa ăn ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe?
Khi nào là lúc trẻ nên ăn dặm?
Bé từ khi sinh ra thì nguồn dinh dưỡng duy nhất mà bé có thể hấp thụ là sữa mẹ và sữa công thức. Tuy nhiên khi bé ở khoảng 6 tháng tuổi thì đây là độ tuổi mẹ bỉm bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Nguyên do là lúc này sữa mẹ không còn có tác dụng tốt với trẻ, đặc biệt lúc này trẻ cần bổ sung vitamin, khoáng chất để đảm bảo phát triển toàn diện từ cân nặng cho đến chiều cao.
Đã có nhiều chuyên gia dinh dưỡng đề cập đến thời gian cho trẻ ăn dặm là khi bé được 180 ngày tuổi. Tuy nhiên có một số bé có thể ăn dặm sớm hơn hay muộn hơn thời điểm này tùy thuộc vào cơ địa và sự phát triển của bé. Vậy trước khi tìm hiểu cho trẻ ăn dặm đúng cách thế nào, bạn cần nắm một số dấu hiệu chứng tỏ trẻ đã sẵn sàng ăn dặm:
Trẻ liên tục nhìn người khác ăn cũng như muốn với lấy thức ăn.
Bé bắt đầu biết dịch chuyển hàm lên xuống và điều chỉnh lưỡi tốt.
Nếu bạn cho bé ăn quá sớm hay quá muộn thì đều không tốt cho trẻ. Trường hợp cho bé ăn dặm sớm, trẻ ít bú mẹ và từ đó làm giảm khả năng tạo sữa ở người mẹ. Chưa kể bé lúc này hệ tiêu hoá cũng như miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá. Trường hợp cho bé ăn dặm muộn thì bé dễ có nguy cơ chậm lớn, suy dinh dưỡng.
Cho trẻ ăn dặm đúng cách như thế nào?
Chắc hẳn mẹ bỉm nào cũng muốn con chóng lớn và giai đoạn bé từ tháng thứ 6 khi bắt đầu tập ăn là lúc nhiều người lo lắng trẻ không chịu ăn. Bạn cần nắm một số nguyên tắc sau để trẻ hợp tác khi ăn cũng như đảm bảo sức khỏe:
Ăn từ lỏng đến đặc, từ ngọt đến mặn: Đầu tiên bạn cần hiểu rằng bé lúc mới tập ăn chưa quen với mùi vị thức ăn nào khác mùi sữa. Vậy nên cần tập cho bé ăn các món có vị ngọt để bé thích nghi dần, bé dễ dàng ăn hơn bởi chúng có hương vị khá quen thuộc như sữa. Đặc biệt hãy lưu tâm đến độ cứng của thức ăn. Dạ dày của bé lúc này chỉ phù hợp để ăn các món mềm, lỏng và dần có thể tăng độ đặc khi bé lớn hơn.
Ăn ít đến nhiều: Không riêng gì ăn dặm, làm bất kỳ điều gì cũng không nên dồn quá nhiều lượng vào giai đoạn đầu. Nếu muốn bé ăn dặm một cách khoa học thì phải cho con ăn từ lượng ít đến nhiều để hệ tiêu hoá của bé không bị quá tải. Cụ thể lúc đầu mẹ có thể cho bé ăn với 1 đến 2 thìa bột loãng. Sau một tuần có thể tăng lên ⅓ rồi ½ bát.
Ăn đa dạng thực phẩm: Cho trẻ ăn dặm đúng cách cần người mẹ phải có kiến thức về dinh dưỡng. Lúc này mẹ bỉm phải thật kiên nhẫn bởi bé chỉ đang trong quá trình khám phá các mùi vị. Bạn cho trẻ ăn từng nhóm thực phẩm và phải để bé làm quen khoảng 1 tuần rồi mới chuyển sang nhóm thực phẩm mới. Sau một thời gian, mẹ bỉm bắt đầu kết hợp các nhóm chất trong cùng một bữa ăn, đảm bảo bé không bị dị ứng cũng như cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cho bé.
Không ép buộc bé ăn: Thực tế đã có nhiều mẹ Việt mắc sai lầm này, giai đoạn bé vừa mới tập ăn thì không nên ép bé ăn nếu con phản kháng. Mẹ vẫn có thể cho con bú nhiều hơn. Việc quát mắng bé có thể làm bé phản ứng tiêu cực với chuyện ăn uống từ đó khiến bé càng biếng ăn hơn.
Những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm
Sau khi tìm hiểu cho trẻ ăn dặm đúng cách ra sao, bạn cần quan tâm đến những lưu ý cần nắm trong quá trình cho bé ăn dặm:
Không cắt hoàn toàn sữa mẹ: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng cực kỳ bổ dưỡng trong 6 tháng đầu đời của trẻ. Từ tháng thứ 6 đến 1 năm tuổi, sữa mẹ vẫn chiếm khoảng ½ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Vậy nên ngoài việc cho bé ăn dặm, bạn vẫn cho bé bú thêm, trường hợp mẹ đã hết sữa thì nên bổ sung sữa công thức cho con.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa trong những năm đầu đời của bé cực kỳ yếu. Vậy nên bạn cần làm sạch các dụng cụ chế biến trước khi nấu ăn cho con. Đặc biệt bạn nên dùng bình sữa, chén, muỗng riêng cho con, cần làm sạch với nước nóng để sát khuẩn trước khi dùng, hạn chế nguy cơ bé bị bệnh về đường tiêu hoá.
Hạn chế thêm gia vị cho con: Một số bố mẹ Việt thường có xu hướng chế biến món ăn cho trẻ và thêm ít gia vị để trẻ ăn ngon miệng hơn. Nên cho bé ăn món ăn có hương vị tự nhiên vốn có bởi giai đoạn này thận, hệ tiêu hoá của trẻ chưa hoàn thiện nên ăn gia vị rất nguy hiểm.
Làm quen với việc bé ăn vung vãi: Bạn không thể ép trẻ ăn uống ngăn nắp như người lớn. Hãy để con ăn uống thoải mái vào những ngày đầu, chấp nhận đồ ăn bị văng ra ngoài chén hay khay. Sau một thời gian, bạn kiên nhẫn hướng dẫn con ăn bằng tay, bằng muỗng và ăn sao cho thật sạch sẽ.
Trên đây là những chia sẻ về cho trẻ ăn dặm đúng cách. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn nắm được một số nguyên tắc sau để trẻ hợp tác khi ăn cũng như đảm bảo sức khỏe. Hãy theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những bài viết mới nhất nhé!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm