Chữa tổ đỉa bằng rau răm từ lâu đã khá phổ biến trong dân gian. Đây là một phương pháp đơn giản mà hiệu quả, có thể giúp bạn nhanh chóng loại bỏ nỗi lo về bệnh tổ đỉa nếu thực hiện đúng cách. Vậy phương pháp này có thể tiến hành như thế nào? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Chữa tổ đỉa bằng rau răm có tốt không?
Rau răm còn có tên gọi khác là thủy liễu, được biết đến là một loại thực phẩm được dùng phổ biến từ lâu đời. Sử dụng rau răm trong chế biến món ăn giúp tăng thêm hương vị của món ăn, được rất nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Rau răm là một trong những loài thực vật rất dễ tìm ở nước ta
Không chỉ ngon mà rau răm còn được biết đến như một loại dược liệu trong y học phương Đông có khả năng điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau. Theo y học cổ truyền, rau răm có vị cay và tính ấm, có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh tổ đỉa gây ra như ngứa ngáy, viêm sưng,…
Theo nhiều nghiên cứu của y học hiện đại cũng đã tìm thấy trong tinh dầu lá rau răm chứa rất nhiều thành phần hóa học có khả năng làm dịu vùng da bị tổn thương do viêm như α-humulene, β-caryophyllene, Decanal (28%), Decanol (11%), dodecanal (44%),… Những chất này có tác dụng cải thiện tình trạng ngứa ngáy khó chịu do tổ đỉa gây ra một cách hiệu quả.
Chữa tổ đỉa bằng rau răm mất bao lâu?
Việc điều trị tổ đỉa bằng các phương pháp dân gian sẽ mất vài tuần đến vài tháng. Cần một khoảng thời gian nhất định để trung hòa các hợp chất có trong rau răm vào bên trong lớp bì của da. Thời gian để có kết quả tốt trong việc điều trị bằng phương pháp này còn tùy vào rất nhiều yếu tố (thể trạng, mức độ bệnh lý, sự kiên trì, chế độ dinh dưỡng từng đối tượng,…).
Tuy nhiên, biện pháp chữa tổ đỉa bằng rau răm chỉ phù hợp với một số trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ hoặc ở giai đoạn mới xuất hiện. Ở người bệnh đã đến giai đoạn mãn tính và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như tình trạng nhiễm trùng hoặc mụn nước vỡ thì phương pháp này chỉ là một biện pháp giúp đỡ hoặc thậm chí không mang lại hiệu quả điều trị. Vì vậy, vẫn nên ưu tiên tiến hành thăm khám ở bệnh viện để biết được chính xác mức độ bệnh và có các phương án điều trị phù hợp.
Một số cách chữa tổ đỉa bằng rau răm phổ biến
Chữa tổ đỉa bằng rau răm
Nguyên liệu cần thiết: Một nắm rau răm tươi.
Chuẩn bị:
-
Làm sạch rau răm trước khi chế biến.
-
Giã nát tất cả rau răm chuẩn bị được.
Thực hiện chữa trị:
-
Vệ sinh vùng da bị tổn thương bằng nước ấm và lau khô bằng khăn sạch.
-
Đắp một lớp rau răm đã giã nát lên vùng bị tổ đỉa và giữ nguyên trong khoảng 30 - 60 phút.
-
Sau đó rửa sạch bằng nước và lau khô.
Chữa tổ đỉa bằng rau răm được giã nhuyễn
Chữa tổ đỉa bằng rau răm kết hợp lá trầu không
Lá trầu không (lá trầu) có tính kháng khuẩn cao nhờ tinh dầu trầu có chứa nhiều nhóm chất hóa học khác nhau, mang hoạt tính kháng khuẩn mạnh. Khi sử dụng kết hợp rau răm và lá trầu không trong việc chữa tổ đỉa sẽ giúp cho người bệnh tránh khỏi các cơn ngứa và đẩy lùi được các triệu chứng khác của bệnh.
Nguyên liệu cần thiết:
-
Rau răm.
-
Lá trầu không (hay còn gọi là lá trầu).
-
2 lít nước.
Chuẩn bị:
-
Trộn rau răm và lá trầu với tỉ lệ bằng nhau và rửa sạch với nước muối.
-
Sau đó đun sôi trong khoảng 15 - 20 phút.
Thực hiện chữa trị:
-
Đổ nước vào bể chứa phù hợp với vùng da bị tổ đỉa.
-
Ngâm vùng da bị tổ đỉa vào thau nước cho đến khi nước nguội hẳn.
-
Rau khô lại bằng khăn sạch.
Bệnh nhân nên thực hiện mỗi ngày 1 – 2 lần với phương pháp này.
Chữa tổ đỉa bằng rau răm kết hợp lá trầu không
Chữa tổ đỉa bằng rau răm kết hợp muối biển
Muối biển có tính sát khuẩn rất cao vì làm mất áp suất thẩm thấu ở tế bào vi khuẩn một cách nhanh chóng, bên cạnh đó khi kết hợp với rau răm giúp làm giảm các cơn ngứa, khó chịu.
Nguyên liệu cần thiết:
-
1 bó rau răm.
-
3 thìa muối biển.
Chuẩn bị:
-
Nhặt bỏ cành, chỉ lấy lá và đem rửa sạch với nước muối.
-
Đem xay nhuyễn hỗn hợp rau răm và muối đến độ sền sệt nhất định.
Thực hiện chữa trị:
-
Vệ sinh sạch sẽ vùng da bị tổ đỉa.
-
Đắp một lượng hỗn hợp vừa xay vào vùng bị thương, massage nhẹ nhàng trong thời gian 15 - 30 phút, sau đó rửa sạch.
-
Thực hiện thường xuyên mỗi ngày 2 - 3 lần tùy vào từng buổi.
Lưu ý khi chữa tổ đỉa bằng rau răm
Thực hiện cách thức chữa trị này cần lưu ý một số vấn đề sau:
-
Không sử dụng cho các đối tượng bị dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần có trong rau răm và các thành phần khác đi kèm.
-
Vì là bài thuốc dân gian sử dụng dược liệu có sẵn trong thiên nhiên nên không có tác dụng nhanh bằng thuốc đặc hiệu. Tuy nhiên nó mang lại mức độ an toàn cao và loại trừ được các tác dụng phụ không đáng có từ thuốc Tây y. Vì thế người bệnh phải kiên trì điều trị trong khoảng thời gian dài và liên tục.
-
Đối với vùng da bị tổn thương, không được gãi mạnh, hoặc dùng các vật dụng chọt vào, làm vỡ các bọng nước,… tạo điều kiện phát tán bệnh. Có thể gây nứt da, tăng tình trạng viêm nhiễm.
-
Tránh làm việc ở những nơi có điều kiện khắc nghiệt, có nồng độ hóa chất hay các chất gây hại cho da cao. Đặc biệt tránh tiếp xúc trực tiếp với xà phòng. Cần sử dụng các đồ bảo hộ cao su khi có mặt của các chất trên để tình trạng viêm da không xấu đi.
-
Người bệnh tổ đỉa cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ vùng da bị viêm, tránh tiếp xúc nước quá lâu và cần làm sạch bằng khăn khô để tránh trường hợp viêm nhiễm ra các vùng da xung quanh.
-
Xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý, tìm hiểu kỹ và không sử dụng các loại thực phẩm gây ngứa.
Trên đây là bài viết của Nhà Thuốc Long Châu về các cách chữa tổ đỉa bằng rau răm. Có thể nói đây là một biện pháp an toàn, hiệu quả, và dễ thực hiện, tuy nhiên người bệnh cần phải kiên trì để đạt được kết quả tốt nhất. Chúc bạn đọc thực hiện thành công!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp