Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chữa tổ đỉa bằng củ ráy có hiệu quả không? Áp dụng như thế nào?

Ngày 15/06/2023
Kích thước chữ

Căn bệnh tổ đỉa là một bệnh ngoài da khá thường gặp. Nếu không chữa trị sớm, bệnh có thể lây lan và ngày càng dai dẳng. Ngoài dùng thuốc, bạn có thể chữa trị căn bệnh này bằng phương pháp dân gian. Một trong số đó là chữa tổ đỉa bằng củ ráy.

Bệnh tổ đỉa dưới da là một căn bệnh da liễu thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu khiến người bị bệnh gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Dân gian lưu truyền nhiều bài thuốc trị căn bệnh này không tốn kém nhưng hiệu quả. Điển hình nhất là cách chữa tổ đỉa bằng củ ráy.

Tổ đỉa là bệnh gì?

Tổ đỉa là một bệnh da liễu có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi. Biểu hiện của bệnh là các mụn nhỏ (thường là mụn nước, ít khi là mụn khô) kèm cảm giác ngứa ở bàn tay và bàn chân. Mụn tổ đỉa thường xuất hiện ở các ngón tay chân hoặc lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các mụn nước có thể phồng rộp, vỡ ra, ứa dịch và có thể lan ra các vùng da xung quanh.

Bệnh tổ đỉa gây ngứa ngáy, khó chịu, mang đến những bất tiện trong sinh hoạt, nhất là khi các nốt mụn to ra và lan rộng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này như:

  • Di truyền từ bố mẹ sang con cái. Các gia đình có bố mẹ bị tổ đỉa hay viêm da cơ địa, con cái có nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa cao hơn.
  • Những người bị mắc chứng rối loạn thần kinh giao cảm cũng có nguy cơ cao mắc tổ đỉa.
  • Người sống hay làm việc trong môi trường nóng ẩm, da tiết nhiều mồ hôi hoặc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa cũng dễ bị tổ đỉa.
  • Bệnh tổ đỉa đôi khi gây ra do dị ứng với các hóa chất trong mỹ phẩm hay với niken, crom, cobalt,...
chua-to-dia-bang-cu-ray-2.jpg
Bệnh tổ đỉa mang đến cảm giác ngứa ngáy vô cùng khó chịu

Theo các chuyên gia da liễu, bệnh tổ đỉa có các dạng như:

  • Bệnh tổ đỉa thể giản đơn hay tổ đỉa dạng mụn nước với biểu hiện là các mụn nhỏ, gây ngứa xuất phát trước tiên từ lòng bàn tay.
  • Bệnh tổ đỉa nhiễm khuẩn với biểu hiện là các mụn lớn, có mủ.
  • Bệnh tổ đỉa dạng bọng nước với các bọng nước to cỡ hạt đậu có nhiều dịch bên trong.
  • Bệnh tổ đỉa thể khô với các mụn khô không chứa dịch nhưng gây ngứa.

Củ ráy là củ gì?

Ráy là loài cây thân mềm, thuộc họ ráy hay họ môn. Thân cây cao từ 0,3 - 1,5m. Lá cây lớn, giống lá khoai môn. Phần gốc có rễ phình to thành củ gọi là củ ráy. Cây ráy loài cây có nhiều công dụng chữa bệnh và củ ráy trước đây còn được mệnh danh là “thần dược” dân dã.

Củ ráy có tính hàn, vị nhạt, nhiều độc và nếu ăn vào sẽ gây ngứa miệng nhưng nó lại được sử dụng làm nguyên liệu của nhiều bài thuốc. Củ ráy có thể chữa được các bệnh thống phong, cảm, chàm, mụn nhọt và cả bệnh tổ đỉa.

Chữa tổ đỉa bằng củ ráy có hiệu quả không?

Tổ đỉa là bệnh ngoài da với triệu chứng điển hình là các mụn nước nhỏ gây ngứa ngáy khó chịu và có thể lây lan. Dân gian lưu truyền nhiều mẹo chữa bệnh tổ đỉa như chữa tổ đỉa bằng rượu tỏi, chữa tổ đỉa bằng muối, chữa tổ đỉa bằng lá lốt,... và một trong số đó là chữa tổ đỉa bằng củ ráy. Vậy tại sao củ ráy vốn gây ngứa lại có thể chữa bệnh tổ đỉa?

Y học tìm thấy trong củ rát có một hoạt chất chống oxy hóa có tên gọi flavonoid. Chất này có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, làm lành nhanh tổn thương khi mụn nước của bệnh tổ đỉa bị vỡ. Các hợp chất hóa học khác trong củ ráy có thể giúp dịch từ mụn nước khô nhanh, giảm triệu chứng ngứa và kích thích hình thành lớp da mới.

chua-to-dia-bang-cu-ray-1.jpg
Cây ráy trước đây mọc hoang, ngày nay thường được trồng làm cảnh

Thực tế, chưa có nghiên cứu khoa học chính thức nào về bệnh tổ đỉa. Các mẹo chữa bệnh tổ đỉa bằng củ ráy hoàn toàn là kinh nghiệm dân gian. Bài thuốc này có thể hiệu quả với người này nhưng không có tác dụng với người kia. Cũng theo các tài liệu xưa ghi chép lại, bài thuốc này chỉ có tác dụng nếu sử dụng củ ráy trên 3 tuổi. Và để khỏi bệnh, bạn cần áp dụng kiên trì trong thời gian khá dài.

Để đảm bảo an toàn đối với sức khỏe và đề phòng những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng củ ráy chữa bệnh. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc có chuyên môn trước khi dùng.

Cách chữa tổ đỉa bằng củ ráy

Nếu muốn áp dụng cách chữa tổ đỉa bằng củ ráy, bạn có thể thực hiện như sau:

  • Bạn cần dùng củ ráy lâu năm mới có tác dụng. Củ ráy sau khi đào bạn làm sạch phần vỏ bên ngoài, sau đó rửa sạch và ngâm với nước muối. Việc ngâm nước muối sẽ giúp loại bỏ bớt nhựa và chất gây ngứa.
  • Tiếp đến, bạn thái củ ráy thành các lát mỏng rồi cho vào cối giã nát.
  • Sau khi giã xong, bạn cho củ ráy vào nồi, cho thêm nước và đun sôi khoảng 30 phút.
  • Sau khi nấu xong, bạn chắt lấy nước thuốc, chờ nguội bớt rồi dùng để ngâm vùng da bị bệnh tổ đỉa.
  • Bài thuốc này cần được áp dụng mỗi ngày cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn.
chua-to-dia-bang-cu-ray-3.jpg
Chữa tổ đỉa bằng củ ráy phải kiên trì mới có kết quả

Lưu ý khi chữa tổ đỉa bằng củ ráy

Ngoài việc áp dụng kiên trì, muốn chữa tổ đỉa bằng củ ráy bạn còn cần phải lưu ý:

  • Hoạt chất sapotoxin gây ngứa trong củ ráy có thể gây ngứa dữ dội ở ngoài da. Vì vậy, bạn đừng quên dùng thêm bao tay khi sơ chế củ ráy. Chất gây ngứa này sẽ giảm khi củ ráy được nấu ở nhiệt độ cao. Đây là lý do bạn cần nấu đủ lâu để nước thuốc vừa đỡ ngứa, vừa có hiệu quả tốt nhất. Cần đặc biệt lưu ý, nước thuốc này chỉ dùng ngoài da, không dùng để uống.
  • Chất saponin có trong củ ráy có thể tạo phản xạ hắt hơi khi sơ chế do có mùi hắc. Vì vậy, bạn cũng nên đeo khẩu trang kỹ càng khi sơ chế củ ráy.
  • Mức độ hiệu quả của bài thuốc này đến nay vẫn chưa được khoa học công nhận. Vì vậy, những ai có làn da nhạy cảm nên cân nhắc kỹ trước khi áp dụng để tránh gặp tác dụng phụ.
  • Bài thuốc trị tổ đỉa bằng củ ráy thường chỉ hiệu quả trong trường hợp bệnh nhẹ.
chua-to-dia-bang-cu-ray-4.jpg
Dùng thuốc bôi chữa tổ đỉa khi cần thiết

Chữa tổ đỉa bằng củ ráy là một bài thuốc dân gian. Bệnh tổ đỉa có thể lan rộng thậm chí lây từ người này sang người khác. Vì vậy, nếu phát hiện bị bệnh và dùng các bài thuốc dân gian không khỏi, tốt nhất bạn nên đi khám da liễu. Các bác sĩ sau khi thăm khám có thể kê một số thuốc bôi ngoài da như kháng sinh, kháng viêm, chống nấm,... giúp bệnh nhanh khỏi hơn. Ngoài ra, trong quá trình chữa trị, người bệnh cũng nên tìm hiểu bệnh tổ đỉa nên kiêng ăn gì để việc điều trị đặt kết quả tốt nhất.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin