Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Khi chúng ta bị thương và chảy máu, nếu không có tiểu cầu vết thương sẽ chảy máu không ngừng, không thể cầm được. Vậy, chức năng của tiểu cầu trong cơ thể người là gì? Sự tăng hay giảm tiểu cầu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Tiểu cầu là một loại tế bào tồn tại trong máu người. Trong cơ thể con người, tiểu cầu giữ vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, cầm máu và hình thành các cục máu đông để bảo vệ mạch máu. Hãy tham khảo bài viết sau đây để tìm hiểu chi tiết hơn về chức năng của tiểu cầu.
Tiểu cầu được sinh ra từ tủy xương, là một trong ba loại tế bào máu cơ bản cần thiết trong cơ thể con người gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Từ mỗi tế bào mẫu tiểu cầu có thể sinh ra khoảng 3.000 tế bào tiểu cầu khác.
Kích thước của tiểu cầu rất nhỏ với đường kính chỉ từ 1 - 4 mm. Số lượng tiểu cầu trong máu dao động từ 150.000 - 450.000/ml. Tiểu cầu ở trong máu có hình dạng giống như hình đĩa, có hai mặt lồi với đường kính lớn nhất chỉ trong khoảng 2–3 µm. Tuy nhiên hình dáng tiểu cầu biến đổi vô định khi ra ngoài cơ thể.
Không có nhân tế bào, tiểu cầu thực chất là những mảnh tế bào vỡ ra từ các tế bào nhân khổng lồ, sản sinh ra megakaryocytes của tủy xương. Các loài động vật có vú có tiểu cầu trong khi với các loài động vật lưỡng cư hay chim có tiểu cầu tuần hoàn như các tế bào đơn nhân.
Khi quan sát tiểu cầu trên lát mỏng bằng kính hiển vi, tiểu cầu có đốm màu tím với đường kính bằng 20% hồng cầu. Tỷ lệ tiểu cầu ở một người khỏe mạnh so với hồng cầu là 1:10 đến 1:20.
Chức năng của tiểu cầu gồm dính, ngưng tập và chế tiết. Ngoài ra tiểu cầu còn có thêm vai trò miễn dịch, vai trò trong phản ứng viêm.
Bình thường tiểu cầu không dính vào thành mạch, chỉ khi thành mạch bị tổn thương thì tiểu cầu mới được hoạt hóa và dính vào nơi tổn thương. Collagen tồn tại ở vùng gian bào mạch máu, là chất quan trọng để tiểu cầu bám dính và kích thích tiểu cầu ngưng tập. Các yếu tố khác tham gia hiện tượng dính: GPIb, GPIIb/IIIa, canxi, vWF...
Đây là hiện tượng tiểu cầu tập trung thành “nút” thông qua hiện tượng dính. Hiện tượng dính đã kích hoạt tiểu cầu, tạo điều kiện xảy ra hiện tượng ngưng tập. Hiện tượng ngưng tập được kích thích bởi một số chất: ADP, adrenalin, thrombin.
Chức năng của tiểu cầu với dòng thác đông máu như sau: Tiểu cầu cung cấp điện tích âm tạo điều kiện hoạt hóa yếu tố XII. Đây là bước đầu của quá trình đông máu và tiểu cầu gắn với yếu tố xa tăng hoạt hóa prothrombin.
Với sự có mặt của thrombin hoạt hóa hoặc collagen sẽ dẫn đến tăng chế tiết của các hạt tiểu cầu bao gồm ADP, fibrinogen, serotonin.... Collagen và thrombin giúp hoạt hóa quá trình tổng hợp prostaglandin tiểu cầu. Các chất trên có vai trò làm tăng hoạt hóa tiếp theo của tiểu cầu và có tác dụng làm tăng thấm mạch, hoạt hóa protein C, tạo prostacyclin và thromboxan A2. Từ đây xảy ra một chuỗi phản ứng bao gồm tăng thấm mạch, ức chế ngưng tập tiểu cầu.
Với các chức năng trên, tiểu cầu có vai trò quan trọng, cần thiết trong đông và cầm máu, đặc biệt là giai đoạn cầm máu ban đầu. Chức năng cầm máu của tiểu cầu tùy thuộc vào cả số lượng và chức năng của bản thân tiểu cầu. Trên thực tế, các bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu thường là hệ quả của sự phối hợp phức tạp giữa sự giảm số lượng và giảm cả chức năng của tiểu cầu.
Dựa vào chức năng của tiểu cầu trong cơ thể, chúng ta có thể nhận thấy dù tăng tiểu cầu hay giảm tiểu cầu đều gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người.
Hiện tượng này xảy ra khi tủy xương tạo ra quá ít tiểu cầu hoặc số lượng tiểu cầu giảm do bị phá hủy nhiều. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp, có thể gây ra tình trạng xuất huyết như nổi các nốt chấm hay mảng bầm tím trên da hoặc làm cho các vết thương bên ngoài cơ thể không thể cầm máu.
Giảm tiểu cầu cũng có thể gây ra tình trạng chảy máu ở khớp, ở mũi và thậm chí là chảy máu não.
Nguyên nhân gây giảm tiểu cầu có thể là do uống một số loại thuốc gây phá hủy tiểu cầu, cơ thể bị nhiễm virus, do gen di truyền hoặc mắc một số bệnh lý…
Đây là bệnh lý hiếm gặp với biểu hiện tăng tiểu cầu không rõ nguyên nhân, gây ra tắc mạch hoặc có khi gây xuất huyết như chảy máu chân răng, chảy máu cam…
Tăng tiểu cầu thứ phát phổ biến hơn tăng tiểu cầu tiên phát. Nguyên nhân có thể là do viêm hay nhiễm trùng hoặc do phản ứng với một số loại thuốc hay cũng có thể do một số bệnh ung thư.
Đây là bệnh lý liên quan đến chất lượng tiểu cầu. Số lượng tiểu cầu vẫn bình thường nhưng chúng lại hoạt động không như bình thường. Nguyên nhân có thể là do tác động của các yếu tố bên ngoài như sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn thuốc aspirin hay do sự khiếm khuyết của tiểu cầu. Rối loạn chức năng tiểu cầu có thể gây nên hiện tượng xuất hiện những nốt đỏ trên da, nốt xuất huyết ở những tổn thương nhỏ như xuất huyết ở họng, mũi, hệ tiêu hóa hoặc có thể chảy máu ồ ạt sau khi phẫu thuật.
Để bảo vệ sức khỏe, mỗi chúng ta cần thiết lập và duy trì lối sống lành mạnh như: Tập thể dục thường xuyên, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia, uống đủ nước mỗi ngày…
Đối với những người đang điều trị bệnh giảm tiểu cầu, ngoài việc duy trì lối sống lành mạnh như trên, cần tránh các hoạt động dễ gây thương tích cho cơ thể, tránh tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, tiêm vắc xin để ngăn ngừa các loại bệnh như sởi, quai bị, rubella gây ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu.
Đối với những người đang điều trị bệnh tăng tiểu cầu, ngoài điều trị, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt, chú trọng các loại thực phẩm giàu vitamin C, vitamin B12, vitamin A, axit béo Omega-3, chất chống oxy hóa và chống viêm… Không nên ăn các thực phẩm nhiều đạm, nhiều đường và duy trì cân nặng hợp lí, ngăn béo phì, thực hiện khám định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh.
Nhìn chung, khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường như dễ bị bầm tím, thường xuyên bị chảy máu mũi, khó hoặc không thể cầm máu các vết thương. Bạn nên đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Một trong những cách đơn giản nhất để tìm ra sự bất thường của tiểu cầu là xét nghiệm công thức máu.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải
Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...