Tăng cân trong thời gian mang thai do ăn uống nhiều hơn là điều bình thường, nhưng tăng cân quá mức khiến cả mẹ bầu và em bé gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Vậy có phải khi mang thai là nhất thiết phải ăn thật nhiều? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc này để mẹ bầu có chiến lược ăn uống phù hợp cho bản thân.
Rủi ro khi tăng cân quá mức trong thai kỳ
Các nhà nghiên cứu cho biết những bà mẹ ăn quá nhiều khiến cơ thể tăng cân quá mức làm tăng nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Ăn nhiều hơn khiến mẹ bầu tăng cân trong thai kỳ là chuyện bình thường, nhưng khi mẹ bầu ăn quá nhiều khiến cân nặng tăng quá mức trong thai kỳ sẽ khiến em bé có khả năng sinh ra với trọng lượng lớn. Theo đó, người mẹ tăng nguy cơ sinh mổ lên 30%. Mặc dù họ ít có khả năng sinh non hoặc sinh con có trọng lượng nhỏ, nhưng những em bé này có thể có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim và béo phì sau khi lớn lên.
Tăng cân quá mức trong thai kỳ
Chiến lược ăn uống trước khi mang thai
Về cơ bản, trước khi mang thai, người mẹ nên ăn uống đủ chất để chuẩn bị cho quá trình mang thai diễn ra tốt nhất. Tuy nhiên, Helena Teede, nhà nội tiết học ở Úc và là tác giả chính của nghiên cứu của mình, chia sẻ rằng “Rất nhiều phụ nữ đang bước vào thời kỳ mang thai với cân nặng trên mức hợp lý". Điều đó có nghĩa là những người phụ nữ này nên cắt giảm khẩu phần ăn để giảm cân.
Aaron Caughey, Bác sĩ - Tiến sĩ, người điều trị cho những phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe, tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon cho biết: "Giảm cân trước khi mang thai là điều vô cùng quan trọng đối với thai kỳ khỏe mạnh". Theo các chuyên gia, cắt giảm khẩu phần ăn để giảm cân không phải là khiến cho cơ thể gầy ốm trước khi thụ thai mà nên ăn uống điều độ để có mức cân nặng vừa phải nhằm tránh các rủi ro về sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Cần lưu ý chế độ ăn uống vừa phải, đủ chất trước khi mang thai
Lượng thức ăn tiêu thụ trong khi mang thai
Các chuyên gia khuyên rằng chúng ta nên bỏ suy nghĩ “ăn cho hai người”. Trên thực tế, trong tam cá nguyệt đầu tiên, tốt nhất là bạn nên ăn uống bình thường. Phụ nữ có thể ăn thêm 350 - 450 calo mỗi ngày trong hai tam cá nguyệt tiếp theo, tùy thuộc vào cân nặng ban đầu của họ.
Theo hướng dẫn của Viện Y học, phụ nữ nhẹ cân nên tăng khoảng 0,5 kg/tuần trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, tổng cộng là khoảng 12 đến 18 kg. Nếu bạn có cân nặng bình thường khi bắt đầu mang thai, hãy đặt mục tiêu tăng 11 đến 15 kg. Phụ nữ thừa cân nên đặt mục tiêu từ 6 đến 11 kg và phụ nữ béo phì tăng không quá 9kg, trung bình là khoảng 0,25kg/tuần. Tuy nhiên, nếu bà bầu mang thai sinh đôi, cần gấp đôi số cân này.
Lời khuyên về việc tập thể dục khi mang thai
Các chuyên gia cho biết: Mang thai là thời điểm phụ nữ dễ dàng tiếp nhận những thói quen mới tốt cho sức khỏe. Sau khi ăn, bà bầu nên đứng lên và đi bộ. ACOG (Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ) cho biết bà bầu tập thể dục nhịp điệu cường độ trung bình ít nhất 20 đến 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần giúp giảm biến chứng sản khoa nghiêm trọng.
Tập thể dục đều đặn khi mang thai giúp duy trì sức khỏe cho cả mẹ và bé
Theo Thư viện Cochrane, một đánh giá nghiên cứu năm 2015 cho biết, khi kết hợp với ăn uống cẩn thận, tập thể dục có thể giúp phụ nữ tránh tăng cân quá nhiều, từ đó giảm nguy cơ trải qua phẫu thuật và tăng huyết áp, đồng thời giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh quá lớn hoặc trẻ có vấn đề về hô hấp. Ngay cả phụ nữ béo phì và phụ nữ bị huyết áp cao hoặc tiểu đường thai kỳ cũng có thể tập thể dục một cách an toàn. Do đó, hãy cố gắng tập thể dục khi có thể.
Vậy có nên ăn nhiều khi mang thai? Bài viết cho thấy không phải cứ mang thai là cần ăn nhiều, mà bà bầu cần lắng nghe cơ thể để biết thể trạng cơ thể mình, từ đó điều chỉnh lượng đồ ăn ở mức phù hợp. Ăn nhiều không hữu ích bằng ăn đủ và đa dạng. Theo đó, bà bầu cần có chế độ ăn cân bằng, kết hợp với việc tập thể dục để nâng cao thể trạng, đồng thời giảm nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe cho cả mẹ và con.
Tuyết Linh
Nguồn tham khảo: Healthline