Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Co thắt bàng quang là gì? Điều trị co thắt bàng quang hiệu quả

Thục Hiền

15/03/2025
Kích thước chữ

Co thắt bàng quang gây tiểu gấp, tiểu nhiều lần, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như nhiễm trùng tiết niệu, viêm bàng quang kẽ hoặc rối loạn thần kinh vùng chậu,...

Co thắt bàng quang là tình trạng rối loạn tiểu tiện phổ biến, gây cảm giác buồn tiểu đột ngột và khó kiểm soát. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị sẽ giúp người bệnh có hướng xử lý hiệu quả.

Co thắt bàng quang là gì?

Co thắt bàng quang xảy ra khi cơ bàng quang co bóp quá mức, tạo cảm giác buồn tiểu gấp ngay cả khi bàng quang chưa đầy. Đây là triệu chứng chính của hội chứng kích thích bàng quang (OAB - Overactive Bladder). Khi tình trạng này kéo dài, người bệnh có thể gặp phải tiểu són, tiểu gấp.

Bình thường, cơ bàng quang giãn ra để chứa nước tiểu và chỉ co bóp khi đủ đầy để tống nước tiểu ra ngoài. Tuy nhiên, ở những người bị co thắt bàng quang, cơ này có thể hoạt động bất thường, gây buồn tiểu không kiểm soát.

Co thắt bàng quang: Nguyên nhân và cách điều trị 1
Co thắt bàng quang gây buồn tiểu ngay cả khi bàng quang chưa đầy

Nguyên nhân gây co thắt bàng quang

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến co thắt bàng quang, bao gồm các yếu tố sinh lý, bệnh lý và thói quen sinh hoạt:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Thường do vi khuẩn gây ra, các bệnh nhiễm trùng này có thể di chuyển từ niệu đạo đến bàng quang, gây viêm bàng quang.
  • Viêm bàng quang kẽ (IC): Viêm bàng quang kẽ là bệnh mạn tính không do nhiễm trùng, thường gây đau vùng chậu và tiểu gấp, tiểu són.
  • Ống thông tiểu: Những ống này được dùng để dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang, thường gây co thắt bàng quang. Stent niệu quản (ống giúp dẫn lưu thận và niệu quản) cũng có thể gây co thắt bàng quang.
  • Rối loạn thần kinh: Bại não, đa xơ cứng, bệnh Parkinson và đột quỵ là những nguyên nhân phổ biến gây ra chứng rối loạn thần kinh bàng quang.
  • Phẫu thuật vùng chậu: Phẫu thuật ở vùng chậu như  phẫu thuật bàng quang, cắt tử cung và cắt tuyến tiền liệt có thể làm tổn thương dây thần kinh cùng cụt hoặc các dây thần kinh gần đó chi phối chúng.
  • Bệnh thần kinh do tiểu đường: Tổn thương thần kinh tiến triển do bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể dẫn đến rối loạn chức năng cơ bàng quang.
  • Sinh nhiều lần qua ngả âm đạo: Áp lực lên cột sống xương cùng trong quá trình sinh nhiều lần qua ngả âm đạo cũng có thể dẫn đến rối loạn chức năng cơ trơn bàng quang và co thắt bàng quang.
  • Ung thư bàng quang: Ngoài các triệu chứng như máu trong nước tiểu, ung thư bàng quang có thể gây co thắt khi khối u xâm lấn vào thành cơ của bàng quang.
  • Một số loại thực phẩm: Thực phẩm cay, có tính acid và đồ uống có ga có thể gây kích ứng bàng quang, dẫn đến co thắt bàng quang.
Co thắt bàng quang: Nguyên nhân và cách điều trị 2
Co thắt bàng quang có thể đến từ nguyên nhân rối loạn thần kinh

Điều trị co thắt bàng quang

Điều trị nguyên nhân gốc rễ

Co thắt bàng quang không phải là một bệnh lý độc lập mà là triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm nhiễm trùng, rối loạn thần kinh, tác dụng phụ của thuốc hoặc thậm chí là ung thư. Do đó, bước quan trọng nhất trong điều trị là xác định và giải quyết nguyên nhân cơ bản.

Ngoài ra, việc kiểm soát triệu chứng cũng rất cần thiết, đặc biệt khi tình trạng co thắt trở nên mãn tính và gây rò rỉ nước tiểu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện, sử dụng thuốc hoặc can thiệp y tế chuyên sâu.

Phẫu thuật hiếm khi được áp dụng để điều trị co thắt bàng quang. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, chẳng hạn như hội chứng bàng quang tăng hoạt không do nguyên nhân thần kinh mà các biện pháp điều trị khác không còn hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc đến phẫu thuật như một giải pháp cuối cùng.

Thay đổi chế độ ăn uống

Nếu thực phẩm là tác nhân gây kích thích bàng quang, cần xác định và loại bỏ những thực phẩm này khỏi chế độ ăn. Đây là phương pháp phổ biến đối với những người mắc viêm bàng quang kẽ hoặc bàng quang tăng hoạt (OAB).

  • Xác định thực phẩm gây kích thích: Ghi nhật ký ăn uống và theo dõi thời điểm xuất hiện các cơn co thắt có thể giúp bạn nhận diện được thực phẩm nào làm trầm trọng thêm tình trạng này.
  • Hạn chế thực phẩm có thể gây kích thích bàng quang: Bao gồm cà phê, rượu, đồ uống có gas, thực phẩm cay nóng, cam quýt và sản phẩm chứa caffeine.
  • Bổ sung nước đầy đủ: Nước tiểu cô đặc có thể làm kích thích niêm mạc bàng quang, vì vậy uống đủ nước trong ngày giúp giảm nguy cơ co thắt. Tuy nhiên, nên kiểm soát lượng nước uống vào buổi tối để tránh tiểu đêm.
Co thắt bàng quang: Nguyên nhân và cách điều trị 3
Người bị co thắt bàng quang nên tránh các loại thực phẩm cay nóng

Bài tập cơ sàn chậu (Kegel)

Các bài tập Kegel có thể giúp tăng cường kiểm soát cơ bàng quang, hỗ trợ ngăn chặn rò rỉ nước tiểu dù không trực tiếp ngăn chặn cơn co thắt.

Cách thực hiện bài tập Kegel:

  • Siết chặt cơ sàn chậu (cơ vùng giữa hậu môn và bộ phận sinh dục) trong 3 giây;
  • Thả lỏng trong 3 giây, sau đó lặp lại 15 lần mỗi lượt tập;
  • Thực hiện ít nhất 3 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

Luyện tập Kegel đều đặn giúp giảm tình trạng tiểu không tự chủ và cải thiện chức năng kiểm soát bàng quang.

Co thắt bàng quang: Nguyên nhân và cách điều trị 4
Bài tập Kegel hỗ trợ cải thiện chức năng cơ bàng quang, giảm tình trạng tiểu són, tiểu gấp

Điều trị bằng thuốc

Tùy vào nguyên nhân gây co thắt bàng quang, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc phù hợp để kiểm soát triệu chứng.

  • Thuốc kháng cholinergic: Nhóm thuốc này giúp giảm hoạt động quá mức của bàng quang bằng cách ức chế acetylcholine - một chất dẫn truyền thần kinh kiểm soát co bóp cơ bàng quang. Một số loại phổ biến bao gồm oxybutynin, tolterodine, trospium, solifenacin,...
  • Thuốc chủ vận beta-3: Mirabegron cũng thường được kê đơn cho chứng bàng quang hoạt động quá mức. Nhóm thuốc này giúp thư giãn cơ bàng quang, tăng dung tích chứa nước tiểu và giảm số lần đi tiểu.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng imipramine: Imipramine giúp kiểm soát co thắt bàng quang, đặc biệt hữu ích trong một số trường hợp mắc chứng tiểu không tự chủ về đêm.
  • Thuốc tiêm Botox (onabotulinum toxin A) : Tiêm Botox vào thành cơ bàng quang làm giảm co thắt bàng quang liên quan đến thần kinh ở trẻ em và người lớn. Một mũi tiêm có thể cho hiệu quả kéo dài 6 - 8 tháng.

Co thắt bàng quang là tình trạng ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày, nhưng có thể kiểm soát hiệu quả nếu được điều trị đúng cách. Việc thay đổi lối sống, kết hợp với thuốc và các liệu pháp hỗ trợ sẽ giúp cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Nếu bạn gặp tình trạng co thắt bàng quang kéo dài, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin