Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng kích thích bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 24/02/2023
Kích thước chữ

Hội chứng bàng quang kích thích là một thuật ngữ y khoa để chỉ sự hoạt động quá mức của bàng quang gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Hội chứng này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan khác nếu không được ngăn chặn và điều trị kịp thời. Vậy hội chứng kích thích bàng quang là gì?

Hội chứng kích thích bàng quang không phải là một tình trạng hiếm gặp song không phải ai cũng biết và hiểu rõ về hội chứng này. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu cùng bạn đọc tìm hiểu về hội chứng kích thích bàng quang là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị như thế nào?

Hội chứng kích thích bàng quang là gì?

Hội chứng kích thích bàng quang hay còn gọi là hội chứng bàng quang hoạt động quá mức (OAB) là một dạng viêm túi cơ của bàng quang gây ra tình trạng co thắt bất thường và làm mất kiểm soát hoạt động của bàng quang, gây ra cảm giác muốn đi tiểu liên tục và đột ngột. Hội chứng bàng quang kích thích thường không xảy ra do bất kỳ yếu tố nào nhưng nó thường xuyên tái phát và kèm theo một số biểu hiện viêm nhiễm khác.

Đây là một hội chứng phổ biến xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau, ở cả nam giới lẫn nữ giới với tỷ lệ ¾, trong đó phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ mắc phải hội chứng này cao hơn. Theo ước tính đến nay, có khoảng 15% dân số trên thế giới mắc phải tình trạng này.

Bởi cấu tạo của bàng quang là cơ trơn và chịu sự kiểm soát của hệ thần kinh trung ương điều phối bàng quang co bóp nhịp nhàng và đẩy nước tiểu ra ngoài. Tuy nhiên, khi mắc phải hội chứng kích thích bàng quang, hệ phó giao cảm thường tăng tiết và đẩy mạnh quá trình co bóp bàng quang do hưng phấn, điều này khiến cho người bệnh buồn đi tiểu thường xuyên hơn.

Bên cạnh đó, các cơ thắt tại cổ bàng quang lại đóng, làm ngăn chặn nước tiểu rò rỉ. Chính vì những hoạt động bất thường này khiến cho chu kỳ của hoạt động tiểu tiện bị rối loạn và làm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của bàng quang. Bình thường bàng quang có thể chứa được hơn 300ml nước tiểu, nhưng khi bị rối loạn thì khả năng chứa nước tiểu của bàng quang sẽ kém hơn.

Hội chứng kích thích bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 1 Hội chứng kích thích bàng quang là gì?

Nguyên nhân gây ra hội chứng kích thích bàng quang

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra hội chứng kích thích bàng quang vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Các cơ trơn của bàng quang dường như trở nên tăng hoạt động và co thắt đột ngột dù người bệnh không muốn nó xảy ra.

Thông thường, cơ bàng quang sẽ giãn ra khi cơ quan này chứa đầy nước tiểu và co thắt lại nhằm gây cảm giác muốn đi tiểu khi nước tiểu chứa đầy hơn ½ kích thước bàng quang. Hầu hết mọi người đều có thể kiểm soát được nước tiểu khá dễ dàng cho đến khi có thể đi vệ sinh. Tuy nhiên, đối với những người mắc hội chứng kích thích bàng quang, cơ bàng quang bị tổn thương khiến nó gửi đi thông điệp sai lệch đến não bộ. Từ đó, khiến bàng quang có thể cảm thấy đầy nước tiểu hơn so với thực tế, dẫn đến người bệnh thường xuyên cảm thấy buồn đi tiểu.

Cơ bàng quang co thắt quá sớm khi bàng quang chứa thật sự đầy nước tiểu, điều này làm cho người bệnh đột ngột muốn đi vệ sinh. Nhưng trên thực tế, người bệnh ít có sự kiểm soát đối với hoạt động co thắt của bàng quang. Các triệu chứng có thể trở lên nghiêm trọng hơn khi người bệnh bị stress, căng thẳng hoặc sử dụng đồ uống có chứa caffeine (trà, cà phê) hoặc đồ uống có ga, chứa cồn như rượu bia.

Trong nhiều trường hợp, hội chứng kích thích bàng quang phát triển có thể như là một biến chứng của các bệnh lý liên quan đến não bộ hoặc hệ thần kinh, cụ thể là:

  • Tổn thương tủy sống do chấn thương.
  • Bệnh đái tháo đường.
  • Bệnh Parkinson.
  • Sau một cơn đột quỵ.
  • Bệnh xơ hóa tủy…

Ngoài ra, những bất thường tại bàng quang như các khối u, sỏi bàng quang hoặc những yếu tố gây cản trở dòng chảy của nước tiểu từ bàng quang như u xơ tuyến tiền liệt, các tác động điều trị vùng tiểu khung hoặc nhiễm trùng nước tiểu cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng kích thích bàng quang.

Hội chứng kích thích bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 2 Parkinson có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng kích thích bàng quang

Triệu chứng của hội chứng kích thích bàng quang

Những triệu chứng điển hình của hội chứng kích thích bàng quang có thể kể đến là:

  • Đi tiểu thường xuyên: Người bệnh thường xuyên đi tiểu với tần suất trên 2 lần/đêm và trên 8 lần/ngày, tính từ thời điểm thức dậy tới lúc đi ngủ trong điều kiện sinh lý hoàn toàn bình thường. Đây là một dấu hiệu điển hình của hội chứng kích thích bàng quang quá mức.
  • Tiểu gấp: Đây là một triệu chứng thường gặp và điển hình ở những bệnh nhân mắc phải hội chứng kích thích bàng quang, dẫn đến không thể kiểm soát được việc đi tiểu. Thông thường, khi buồn đi tiểu người bệnh vẫn có thể kiểm soát được, nhưng tình trạng buồn tiểu đột ngột do hội chứng này khiến cho bệnh nhân không thể nhịn được và bắt buộc phải đi vệ sinh ngay lập tức. Triệu chứng này có thể gặp ở người già do hoạt động của cơ thắt bàng quang đã suy giảm hoặc có thể gặp ở phụ nữ mang thai và cho con bú do nồng độ hormone estrogen tăng cao hoặc xảy cấp tính do nhịn đi tiểu quá lâu.

Ngoài ra, ở một trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác như tiểu són, tiểu khó, nước tiểu nhỏ giọt, thậm chí là gây bí tiểu.

Tình trạng rối loạn về việc đi tiểu khiến người bệnh gặp không ít bất tiện trong sinh hoạt, công việc cũng như cuộc sống hàng ngày. Buồn đi tiểu đột ngột xảy ra nhiều lần trong đêm sẽ gây rối loạn giấc ngủ và gây mất ngủ khi người bệnh khó ngủ lại ngay. Khi buồn đi tiểu thường xuyên khiến người bệnh khó có thể kìm nén và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc.

Hội chứng kích thích bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 3 Đi tiểu thường xuyên là một triệu chứng điển hình của hội chứng kích thích bàng quang

Phương pháp điều trị hội chứng kích thích bàng quang

Nếu hội chứng kích thích bàng quang gây rối loạn đi tiểu không quá quan trọng, hầu hết các bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị bằng phương pháp can thiệp hành vi. Và phẫu thuật chính là phương pháp tối ưu được chỉ định cho bệnh nhân nếu các phương pháp trên không có hiệu quả. Dưới đây là các phương pháp được áp dụng trong điều trị hội chứng kích thích bàng quang, cụ thể là:

  • Can thiệp hành vi: Đây là phương pháp điều trị được lựa chọn đầu tiên, giúp người bệnh kiểm soát được hoạt động của bàng quang được tốt hơn. Hầu hết những trường hợp bệnh nhẹ đều có đáp ứng tốt với phương pháp điều trị này, người bệnh sẽ được hướng dẫn tập các thói quen như uống đủ nước hàng ngày với số lượng nước đúng - đủ - đều, tạo thói quen đi tiểu lành mạnh vào những thời điểm cố định, tập các bài tập cho cơ sàn chậu nhằm tăng hoạt động và kiểm soát hoạt động của cơ, duy trì cân nặng phù hợp bởi cân nặng lớn có thể gây áp lực cho bàng quang.
  • Điều trị bằng thuốc: Sử dụng các loại thuốc giãn bàng quang sẽ giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng của hội chứng kích thích bàng quang cũng như hạn chế các đợt tiểu cấp gây khó chịu cho họ. Một số thuốc thường được chỉ định như trospium, tolterodine, gel oxybutynin, botox onabotulinumtoxinA…
  • Điều trị bằng phương pháp kích thích thần kinh: Bác sĩ sẽ can thiệp vào hoạt động của các xung thần kinh bàng quang bằng việc đặt một sợi dây mỏng nhằm cải thiện chức năng dẫn truyền tín hiệu từ não bộ đến bàng quang. Nếu thực hiện thủ thuật này thành công, các triệu chứng của hội chứng kích thích bàng quang sẽ được cải thiện rõ rệt.
  • Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật: Sau khi áp dụng tất cả các phương pháp trên đều không cải thiện được hội chứng kích thích bàng quang, phẫu thuật sẽ là phương pháp được chỉ định nhằm cải thiện khả năng dự trữ nước tiểu và giảm áp lực bàng quang sẽ được thực hiện.
Hội chứng kích thích bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 4 Sử dụng thuốc là một trong các phương pháp điều trị hội chứng kích thích bàng quang

Tóm lại, hội chứng kích thích bàng quang là một tình trạng khá phổ biến và gây ra nhiều triệu chứng khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc của họ. Do vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời dù triệu chứng bệnh còn nhẹ là rất cần thiết. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã có thêm những thông tin mới về hội chứng kích thích bàng quang và các phương pháp điều trị hội chứng này.

Ánh Vũ

Nguồn: Medlatec.vn, Hellobacsi.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin