Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm bàng quang kẽ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm bàng quang kẽ là tình trạng đau hoặc cảm giác khó chịu vùng hạ vị kèm theo tiểu lắt nhắt và tiểu gấp. Nguyên nhân gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định rõ. Các nghiên cứu ước tính rằng bệnh lý này ảnh hưởng đến khoảng 400.000 người bệnh ở Anh, với gần 90% trong đó là phụ nữ từ 50 đến 69 tuổi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm bàng quang kẽ là gì?

Thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo là các thành phần trong hệ tiết niệu. Bàng quang là một cơ quan rỗng, có chức năng chứa và tống xuất nước tiểu. Bàng quang giãn ra đến khi đầy, sau đó dẫn truyền thông tin đến não, giúp não chỉ huy tín hiệu đến các dây thần kinh vùng chậu, tạo ra cảm giác muốn đi tiểu.

Viêm bàng quang kẽ/hội chứng đau bàng quang (Interstitial cystitis/bladder pain syndrome - IC/BPS), trước đây gọi là viêm bàng quang kẽ. Đây là tình trạng đau mạn tính (kéo dài trên 6 tuần), không nhiễm trùng, gây tăng áp lực lên bàng quang (vùng trên xương mu). 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang kẽ

Triệu chứng của viêm bàng quang kẽ khác nhau ở mỗi người. Nếu bạn bị viêm bàng quang kẽ, các triệu chứng của bạn cũng có thể thay đổi theo thời gian, bùng phát theo chu kỳ để đáp ứng với các tác nhân sinh lý cơ thể, chẳng hạn như kinh nguyệt, ngồi lâu, căng thẳng, tập thể dục và hoạt động tình dục.

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm bàng quang kẽ bao gồm:

  • Đau ở xương chậu hoặc giữa âm đạo và hậu môn (vùng tầng sinh môn) ở phụ nữ;
  • Đau giữa bìu và hậu môn (vùng tầng sinh môn) ở nam giới;
  • Đau vùng chậu mạn tính;
  • Tiểu lắt nhắt nhiều lần, suốt cả ngày lẫn đêm có thể lên tới 60 lần một ngày;
  • Tiểu gấp khó kiềm chế;
  • Đau hoặc cảm thấy khó chịu khi bàng quang đầy và giảm đau sau khi đi tiểu;
  • Đau khi quan hệ tình dục.

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở mỗi người là khác nhau và một số người có thể trải qua những giai đoạn không có triệu chứng. Đặc biệt trên phụ nữ hoặc những người được chỉ định là nữ khi ra đời (Assigned Female At Birth - AFAB) có các triệu chứng của viêm bàng quang kẽ trầm trọng hơn khi đang hành kinh.

Mặc dù các dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang kẽ có thể giống với nhiễm trùng tiết niệu mạn tính nhưng thường không có nhiễm trùng. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn nếu người bị viêm bàng quang kẽ mắc thêm nhiễm trùng tiết niệu.

Viêm bàng quang kẽ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 4
Đau hạ vị trong viêm bàng quang kẽ

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ có thể dẫn đến một số biến chứng bạn cần lưu ý, bao gồm:

  • Giảm chức năng bàng quang: Viêm bàng quang kẽ có thể gây xơ cứng thành bàng quang, khiến bàng quang giữ được ít nước tiểu hơn.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Đi tiểu thường xuyên và đau hạ vị mạn tính có thể cản trở các hoạt động xã hội, công việc và các hoạt động khác trong cuộc sống hàng ngày.
  • Vấn đề “chăn gối”: Đi tiểu thường xuyên và đau hạ vị mạn tính cũng có thể làm các mối quan hệ cá nhân của bạn tệ hơn và ảnh hưởng đến sự thân mật trong tình dục.
  • Vấn đề về sức khỏe tinh thần: Cơn đau mạn tính và giấc ngủ bị gián đoạn do viêm bàng quang kẽ gây căng thẳng về cảm xúc và có thể dẫn đến trầm cảm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các triệu chứng của viêm bàng quang kẽ, hãy lập tức đến khám tại các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Thận - Tiết niệu để được bác sĩ chẩn đoán sớm tình trạng bệnh. Bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu các xét nghiệm để loại trừ nhiễm trùng hoặc các tình trạng khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Trong trường hợp bạn đang điều trị bệnh lý này nhưng các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, hãy tái khám để được theo dõi diễn tiến của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm bàng quang kẽ

Các nghiên cứu hiện tại cho thấy rõ ràng có một quá trình viêm tiềm ẩn, mặc dù nguyên nhân chính xác của tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ. Một số giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra bao gồm:

  • Quá trình tự miễn dịch hoặc qua trung gian miễn dịch;
  • Xơ hóa bàng quang;
  • Dị ứng;
  • Tăng khối lượng chất xám dẫn đến tăng độ nhạy cảm đau;
  • Rối loạn chức năng hoặc tăng hoạt động tế bào mast;
  • Viêm/phù thần kinh;
  • Tăng trương lực hoặc rối loạn chức năng vùng sàn chậu;
  • Điều hòa và tăng sinh các sợi hướng tâm cảm giác;
  • Rối loạn chức năng tiết niệu, đặc biệt là ở lớp biểu mô và glycosaminoglycans;
  • Các dị dạng mạch máu được nhìn thấy trên nội soi bàng quang;
  • Protein ở mức cao liên tục trong nước tiểu;
  • Nhiễm trùng không xác định.

Thông qua nội soi bàng quang, họ quan sát thấy tình trạng viêm dưới niêm mạc, với các nhóm lớn tế bào mast, tiếp tục kích thích các sợi cảm giác hướng tâm. Họ cũng mô tả sự tăng tính thấm của biểu mô tiết niệu do nồng độ glycosaminoglycans (GAG) giảm và các bất thường về cấu trúc được thấy trên sinh thiết cho thấy mất các mối nối chặt chẽ và các protein kết dính. Điều này dẫn đến mất khả năng bảo vệ hàng rào niêm mạc và dẫn đến rò niệu quản. Đây cũng được cho là lý do globulin miễn dịch và các chất trung gian miễn dịch được phát hiện ở mức cao hơn trong nước tiểu của những người bệnh.

Xơ hóa cũng là kết quả của quá trình viêm mạn tính, thể hiện rõ qua sự điều hòa của các protein ma trận ngoại bào, tăng nguyên bào sợi cơ và giảm mật độ mao mạch, làm giảm khả năng bàng quang và dẫn đến sự kéo căng và kích thích hơn nữa của các sợi cảm giác đau hướng tâm.

Một nghiên cứu đa trung tâm khác đã chứng minh một quá trình phi hữu cơ đằng sau viêm bàng quang kẽ, cho thấy khối lượng chất xám tăng lên ở một số bệnh nhân bị viêm bàng quang kẽ ở các vùng não chịu trách nhiệm về nhận thức đau. Điều này được quan sát bằng cách sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI).

Một mối quan hệ thú vị cần thảo luận là giữa các triệu chứng nghiêm trọng giống như viêm bàng quang kẽ với việc sử dụng ketamine có nguồn gốc bất hợp pháp. Với điều này, nguyên nhân vẫn chưa được biết. Các lý thuyết chính đằng sau điều này là tổn thương đường tiết niệu, thay đổi vi mạch, khả năng tự miễn dịch và nhiễm trùng do ketamine hoặc thông qua các chất chuyển hóa. Các triệu chứng, nội soi bàng quang và kết quả sinh thiết có mức độ trùng lặp lớn với viêm bàng quang kẽ và sự khác biệt chính là việc lạm dụng ketamine để giải trí. Nguy cơ phát triển bệnh viêm bàng quang ketamine dường như không tăng lên khi sử dụng thuốc đúng cách.

Viêm bàng quang kẽ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 5
Xơ hóa bàng quang

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm bàng quang kẽ?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc viêm bàng quang kẽ cao hơn là:

  • Nữ giới: Viêm bàng quang kẽ có tần suất mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn nam giới. Các triệu chứng của bệnh lý này ở nam giới có thể giống với viêm tuyến tiền liệt.
  • Tuổi: Hầu hết những người bệnh viêm bàng quang kẽ được chẩn đoán trong độ tuổi từ 30 tuổi trở lên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm bàng quang kẽ

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm bàng quang kẽ. Cụ thể:

  • Tiền sử bệnh lý tự miễn dịch, bệnh di truyền; nhiễm trùng tiết niệu hoặc dị ứng trước đó.
  • Các rối loạn chức năng mạn tính khác: Viêm bàng quang kẽ có thể liên quan đến các rối loạn chức năng mạn tính khác như hội chứng ruột kích thích hoặc đau cơ do xơ hóa.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm bàng quang kẽ

Để chẩn đoán viêm bàng quang kẽ, bác sĩ chuyên khoa Thận - Tiết niệu sẽ tiến hành một số bước sau đây:

  • Hỏi bệnh sử và tiền căn bệnh lý: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn mô tả các triệu chứng bất thường khi bạn đi tiểu và cảm giác đau vùng bụng dưới của bạn. Ngoài ra, việc ghi nhận lại lượng nước bạn nạp vào và lượng nước bạn đi tiểu trong một ngày cũng rất quan trọng.
  • Khám vùng bụng chậu: Bác sĩ sẽ kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài (cả hai giới), âm đạo và cổ tử cung (với nữ) và thăm khám vùng bụng để đánh giá các cơ quan ở vùng bụng chậu của bạn. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành thăm khám hậu môn trực tràng.

Một số xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định bệnh bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Tổng phân tích nước tiểu, soi cặn lắng, cấy nước tiểu và làm kháng sinh đồ,...
  • Nội soi bàng quang: Đây là phương pháp sử dụng dụng cụ có thiết bị camera đưa qua niệu đạo để quan sát cấu trúc của bàng quang. Bác sĩ có thể bơm chất lỏng vào bàng quang để đo dung tích bàng quang của bạn.
  • Sinh thiết: Trong quá trình nội soi bàng quang có gây mê, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô từ bàng quang và niệu đạo để tiến hành làm giải phẫu bệnh, giúp phát hiện các bất thường về cấu trúc như ung thư bàng quang hoặc các nguyên nhân hiếm gặp khác gây đau bàng quang.
Viêm bàng quang kẽ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 7
Hình ảnh nội soi bàng quang trong viêm bàng quang kẽ

Phương pháp điều trị viêm bàng quang kẽ hiệu quả

Không có phương pháp đơn trị liệu nào có thể loại bỏ hoàn toàn triệu chứng của viêm bàng quang kẽ và không có phương pháp điều trị cụ thể nào có thể mang lại hiệu quả cho tất cả mọi người. Bạn có thể cần thử hoặc kết hợp các phương pháp điều trị trước khi tìm ra phương pháp làm giảm các triệu chứng của mình.

Vật lý trị liệu

Hệ thống cơ xương khớp vùng chậu giúp giữ bàng quang đúng vị trí và hỗ trợ kiểm soát quá trình đi tiểu của bạn. Bác sĩ chuyên ngành Vật lý trị liệu có thể xây dựng cho bạn những bài tập giúp giãn cơ vùng chậu, từ đó giảm các cơn đau.

Thuốc uống

Một số loại thuốc uống có thể cải thiện triệu chứng của viêm bàng quang kẽ như:

Thuốc chống viêm không steroid: Chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen natri để giảm đau.

Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Chẳng hạn như amitriptyline hoặc imipramine giúp thư giãn bàng quang và ngăn ngừa cơn đau.

Thuốc kháng histamine: Chẳng hạn như loratadin có thể làm giảm tình trạng tiểu gấp và tần suất đi tiểu cũng như làm giảm các triệu chứng khác.

Pentosan polysulfate natri: Được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt đặc biệt để điều trị viêm bàng quang kẽ. Cơ chế hoạt động vẫn chưa được hiểu rõ nhưng nó có thể phục hồi niêm mạc của bàng quang, giúp bảo vệ thành bàng quang khỏi các chất trong nước tiểu có thể gây kích ứng. Có thể mất từ 2 - 4 tháng để bạn thấy triệu chứng đau được cải thiện và 6 tháng để làm giảm tần suất đi tiểu. 

Bệnh về điểm vàng ở mắt có liên quan đến việc sử dụng thuốc này trên một số người. Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc này, bạn cần khám mắt toàn diện. Bạn cũng có thể cần khám mắt bổ sung để theo dõi bệnh về mắt khi tiếp tục điều trị với thuốc.

Kích thích thần kinh

Các kỹ thuật kích thích thần kinh bao gồm:

  • Kích thích thần kinh qua da với dòng điện (TENS): Các xung điện nhẹ làm giảm đau vùng chậu và làm giảm tần suất đi tiểu. TENS có thể làm tăng lưu lượng máu đến bàng quang. Điều này có thể tăng cường các cơ giúp kiểm soát bàng quang hoặc kích hoạt giải phóng các chất ngăn chặn cơn đau.
  • Kích thích dây thần kinh cùng cụt: Các dây thần kinh cùng cụt có vai trò chi phối vận động cho cơ bàng quang. Kích thích các dây thần kinh này có thể làm giảm tình trạng tiểu gấp liên quan đến viêm bàng quang kẽ.

Thuốc tiêm vào bàng quang

Bác sĩ sẽ đặt thuốc dimethyl sulfoxide vào bàng quang của bạn thông qua một ống thông được đưa qua niệu đạo. Dung dịch này đôi khi được trộn với các loại thuốc khác như thuốc gây tê cục bộ và lưu lại trong bàng quang của bạn trong khoảng 15 phút. Sau đó, bạn đi tiểu để thải dung dịch ra ngoài.

Bạn có thể được điều trị bằng dimethyl sulfoxide hàng tuần trong 6 - 8 tuần, sau đó điều trị duy trì nếu cần (chẳng hạn như vài tuần một lần, trong tối đa một năm).

Phẫu thuật

Phẫu thuật hiếm khi được lựa chọn để điều trị viêm bàng quang kẽ vì việc cắt bỏ bàng quang không làm giảm đau và có thể dẫn đến các biến chứng khác.

Những người bị đau nặng hoặc những người có bàng quang chỉ chứa được lượng nước tiểu rất nhỏ có thể cân nhắc việc phẫu thuật, nhưng thường chỉ sau khi các phương pháp điều trị khác thất bại và các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Viêm bàng quang kẽ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 8
Kích thích TENS dây thần kinh cùng cụt

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm bàng quang kẽ

Chế độ sinh hoạt:

  • Hoạt động thể chất: Tập thể dục và các hoạt động thể chất có thể giúp bạn giảm tần suất của các triệu chứng viêm bàng quang kẽ. Bạn có thể đi bộ, đi xe đạp, chạy bộ, tập dưỡng sinh hoặc yoga.
  • Giảm tình trạng căng thẳng: Nếu bạn bị căng thẳng, cơn đau do viêm bàng quang kẽ có thể bùng phát. Hãy nhận sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý và sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ cải thiện tinh thần của bạn.
  • Thay đổi thói quen đi vệ sinh: Người bệnh viêm bàng quang kẽ có thói quen đi vệ sinh ngay khi thấy đau bàng quang, mặc dù bàng quang chưa đầy. Việc rèn luyện sức chứa của bàng quang có thể giúp bạn cải thiện tình trạng đi tiểu nhiều lần này. Để tập luyện, bạn hãy ghi nhận tần suất đi tiểu và số lần bạn muốn đi tiểu, sau đó cố gắng tăng dần khoảng cách thời gian giữa các lần đi tiểu của bạn.
  • Tránh mặc quần áo chật vùng bụng.
  • Tắm nước ấm.

Chế độ dinh dưỡng:

Một số người mắc viêm bàng quang kẽ thường than phiền rằng một số loại thực phẩm và đồ uống nhất định làm trầm trọng thêm các triệu chứng của họ. Ví dụ như thực phẩm hoặc đồ uống có tính acid như trái cây họ cam quýt, ớt, đồ uống có ga, cà chua có thể bùng phát các cơn đau. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng thuốc kháng acid trong bữa ăn. Thuốc kháng acid giúp làm giảm lượng acid trong nước tiểu của bạn.

Các loại thực phẩm và đồ uống phổ biến có thể gây ra các triệu chứng của viêm bàng quang kẽ bao gồm:

  • Rượu bia, đồ uống có cồn khác;
  • Chất tạo ngọt nhân tạo;
  • Caffeine;
  • Đồ uống có ga;
  • Sô cô la;
  • Cà chua;
  • Các loại nước ép trái cây.

Phương pháp phòng ngừa viêm bàng quang kẽ hiệu quả

Cơ chế bệnh sinh của viêm bàng quang kẽ vẫn chưa được hiểu rõ, vì thế để phòng ngừa bệnh lý này vẫn còn là một thách thức. Một số phương pháp giúp bạn có một bàng quang khỏe gồm:

  • Giảm căng thẳng;
  • Luyện tập thể dục;
  • Tắm nước ấm;
  • Đảm bảo cung cấp đủ nước thường xuyên suốt cả ngày;
  • Ngừng hút thuốc lá - chúng chứa các hóa chất có thể gây kích ứng bàng quang của bạn;
  • Điều trị các bệnh lý miễn dịch, dị ứng hoặc các bệnh lý cơ năng khác (nếu có).
Viêm bàng quang kẽ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 9
Luyện tập thể dục để có sức khỏe tốt
Nguồn tham khảo
  1. Akiyama Y, Luo Y, Hanno PM, Maeda D, Homma Y. Interstitial cystitis/bladder pain syndrome: The evolving landscape, animal models and future perspectives. Int J Urol. 2020 Jun;27(6):491-503. doi: 10.1111/iju.14229.
  2. Li J, Yi X, Ai J. Broaden Horizons: The Advancement of Interstitial Cystitis/Bladder Pain Syndrome. Int J Mol Sci. 2022 Nov 23;23(23):14594. doi: 10.3390/ijms232314594.
  3. French LM, Bhambore N. Interstitial cystitis/painful bladder syndrome. Am Fam Physician. 2011 May 15;83(10):1175-81. PMID: 21568251.
  4. Rourke W, Khan SA, Ahmed K, Masood S, Dasgupta P, Khan MS. Painful bladder syndrome/interstitial cystitis: etiology, evaluation and management. Arch Ital Urol Androl. 2014 Jun 30;86(2):126-31. doi: 10.4081/aiua.2014.2.126. 
  5. Interstitial Cystitis/Bladder Pain Syndrome: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK570588/