Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Công thức tính suy dinh dưỡng đơn giản cho trẻ từ 0 đến 10 tuổi

Ngày 21/08/2023
Kích thước chữ

Nhiều bố mẹ băn khoăn không biết trẻ nhà mình trông ốm yếu, chậm lớn có phải là do bị suy dinh dưỡng hay không? Bài viết dưới đây cung cấp cho bố mẹ công thức tính suy dinh dưỡng để lấy đó làm thước đo cân nặng và chiều cao chuẩn cho trẻ nhé.

Suy dinh dưỡng có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng thường gặp nhất ở giai đoạn trẻ dưới 5 tuổi, khi nhu cầu về dinh dưỡng không được đáp ứng đủ về số lượng lẫn chất lượng. Bài viết cung cấp cho bố mẹ của trẻ một công thức tính suy dinh dưỡng để có thể phát hiện sớm và có phương án điều trị kịp thời cho trẻ.

Tìm hiểu về bệnh suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng trẻ thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí tuệ. Khi các bữa ăn hàng ngày không cung cấp đầy đủ và đa dạng các chất như tinh bột, protein, chất béo và vi chất thiếu yếu, trẻ sẽ dễ bị suy dinh dưỡng với các mức độ khác nhau.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng thường gầy còm, thấp còi, nhẹ cân và có hệ miễn dịch yếu. Nếu tình trạng thiếu dưỡng chất kéo dài, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng mãn tính và nguy cơ trẻ mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như sa sút trí tuệ, rối loạn chuyển hóa và bệnh tim mạch.

Công thức tính suy dinh dưỡng chuẩn quốc tế

Nhằm giúp bố mẹ có một thang đo chuẩn để đánh giá được chiều cao, cân nặng của con có bình thường so với các bạn đồng trang lứa hay không, có bị thừa cân hay hay suy dinh dưỡng hay không? Tổ chức Y tế Thế giới đã cung cấp công thức tính suy dinh dưỡng và bảng giá trị tiêu chuẩn để so sánh, áp dụng cho trẻ từ 0 đến 10 tuổi.

Công thức tính cân nặng cho bé: Cân nặng = 9 kg + 2x(số tuổi - 1).

Ví dụ như trẻ 3 tuổi, áp dụng theo công thức chúng ta tính như sau: 9 kg + 2x(3-1) = 13 kg.

Công thức tính chiều cao cho bé: Chiều cao = 75 cm + 5x(số tuổi - 1).

Ví dụ như bé 3 tuổi, áp dụng theo công thức chúng ta tính như sau: 75 cm + 5x(3-1) = 85 cm.

Như vậy, đối với trẻ 3 tuổi phát triển bình thường, sẽ có cân nặng trung bình là 13 kg và chiều cao 85 cm.

Bảng theo dõi chiều cao, cân nặng chuẩn theo WHO:

Công thức tính suy dinh dưỡng 05
Công thức tính suy dinh dưỡng cho trẻ từ 0 đến 10 tuổi

Trên thực tế, chiều cao chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như di truyền, chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực. Vì thế, bố mẹ nên cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và khuyến khích trẻ tham gia vận động nhằm phát triển sức khỏe thể chất và trí tuệ tốt nhất.

Các lưu ý khi dùng công thức tính suy dinh dưỡng

Ngoài việc áp dụng công thức tính suy dinh dưỡng được nêu ở bên trên, bố mẹ còn cần nhớ một số lưu ý nhỏ trước khi đo cân nặng và chiều cao của bé như sau:

  • Nên đo chiều cao cho bé vào buổi sáng để nhận kết quả chính xác nhất.
  • Các bé trai dưới 3 tuổi nên được đo ở tư thế nằm ngửa.
  • Bé mới sinh ra chiều dài trung bình đo được vào khoảng 50 cm.
  • Tốc độ tăng chiều cao của bé là khác nhau ở từng thời kỳ khác nhau.
  • Bố mẹ nên cho trẻ đi đại tiện hoặc tiểu tiện trước khi đo cân nặng.
  • Nhớ trừ đi khối lượng đồ bé đeo trên người như quần áo hoặc tã (khoảng 200 - 400 g).
  • Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên chuẩn bị một cái cân để theo dõi cân nặng của bé mỗi ngày.

Các dấu hiệu suy dinh dưỡng

Xác định cân nặng bình thường của trẻ theo độ tuổi qua công thức tính suy dinh dưỡng, cũng như các dấu hiệu thường gặp của bệnh bao gồm:

  • Trẻ nhẹ cân, thấp còi, cơ thể suy nhược.
  • Má trẻ rỗng, mắt trũng.
  • Cơ thể ít các mô mỡ, không thấy hoặc rất ít mỡ ở vùng bụng.
  • Da và tóc khô, dễ gãy rụng.
  • Vết thương lâu lành, thường xuyên mắc bệnh vặt và lâu hồi phục.
  • Trẻ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thờ ơ, không có sức lực.

Trẻ bị suy dưỡng có thể thường xuyên gặp các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa như tiêu chảy hay buồn nôn. Ngoài ra, các ảnh hưởng tâm lý cũng tác động đến thói quen ăn uống của trẻ.

Công thức tính suy dinh dưỡng 03
Trẻ bị suy dinh dưỡng có sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh

Trẻ suy dinh dưỡng cần bổ sung những gì?

Dựa trên công thức tính suy dinh dưỡng, trẻ em suy dinh dưỡng cần được cung cấp 3 nhóm dưỡng chất chính cơ bản là chất đạm, đường và béo. Ngoài ra, việc bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cũng rất cần thiết, những chất này tuy không sinh ra năng lượng nhưng tham gia vào quá trình chuyển hóa, bảo vệ các tế bào và các cơ quan trong cơ thể.

Sắt

Sắt tham gia hình thành tế bào hồng cầu, giúp vận chuyển và lưu trữ oxy, cấu tạo nên các enzyme chuyển hóa của cơ thể. Thiếu sắt là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu máu. Trẻ thiếu sắt thường xuất hiện các biểu hiệu như lờ đờ, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt và chậm phát triển trí tuệ.

Bố mẹ có thể cung cấp sắt cho trẻ qua các thực phẩm có nguồn gốc từ động thực vật như thịt bò, thịt gà, gan động vật, mè, rau dền, đậu xanh,... kết hợp với các loại rau có màu xanh đậm và thực phẩm chứa vitamin C giúp việc hấp thu sắt được tốt nhất.

Canxi

Canxi giữ vai trò là chất cấu tạo nên khung xương, răng, tham gia vào quá trình đông máu và một số chuyển hóa trong cơ thể. Thiếu hụt canxi có thể là nguyên nhân dẫn đến trẻ chậm mọc răng hoặc răng không chắc khỏe, dẫn đến nhai nuốt không tốt và cuối cùng là tiêu hóa thức ăn kém.

Thực phẩm giàu Canxi có thể kể đến sữa và các chế phẩm từ sữa (như phô mai, bơ, sữa chua), cá, trứng và các loại rau lá màu xanh đậm.

I-ốt

Là vi chất dinh dưỡng rất quan trọng liên quan đến sự phát triển trí tuệ ở bé. I-ốt là nguồn nguyên liệu tham gia vào tổng hợp các nội tiết tố ở tuyến giáp, giúp phát triển trí não và hoạt động chuyển hóa chung của cơ thể. Nếu thiếu i-ốt từ trong bụng mẹ, trẻ có nguy cơ cao dẫn đến bệnh suy giáp bẩm sinh, bị chậm phát triển khả năng học tập và nguy cơ cao mắc bệnh bướu cổ.

Nguyên tố I-ốt có thể được tìm thấy trong các loại hải sản, rong biển và muối biển.

Các loại vitamin

Từ công thức tính suy dinh dưỡng, bố mẹ có thể xác định trẻ có bị thiếu chất hay không. Trẻ em bị suy dinh dưỡng thường thiếu hụt các loại vitamin A, D, C và các vitamin nhóm B.

  • Thiếu vitamin A: Trẻ sẽ biểu hiện ra các vấn đề liên quan đến thị giác, ví dụ như hay bị khô mắt, nhìn mờ, quáng gà. Vitamin A có trong các thực phẩm như cà rốt, đu đủ, bông cải xanh, cà chua và bí đỏ.
  • Thiếu vitamin D: Trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của bé, trẻ sẽ dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng. Vitamin D được tìm thấy trong sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, cá hồi và nhất là loài cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích).
  • Thiếu vitamin C: Cơ thể thiếu loại vitamin này dễ bị kém hấp thu sắt, canxi và axit folic. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây họ cam, ổi, dâu và nho.
  • Thiếu vitamin nhóm B: Biểu lộ ra bên ngoài là trẻ sẽ thường mệt mỏi và kém ăn. Vitamin nhóm B có nhiều trong bơ, gan, trứng, đậu phộng, các loại rau có lá màu xanh đậm và măng tây.
Công thức tính suy dinh dưỡng 04
Bố mẹ nên bổ sung đầy đủ các loại vitamin cần thiết cho cơ thể bé

Việc phát hiện sớm dấu hiệu thiếu dưỡng chất thông qua công thức tính suy dinh dưỡng và đối chiếu với bảng cân nặng, chiều cao chuẩn giúp bố mẹ bảo vệ sức khỏe cho con cái thân yêu của mình. Đi cùng với việc tăng cường chế độ ăn uống đa dạng các thành phần, bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất, nhằm tăng cảm giác thèm ăn và phát triển thể chất tốt nhất. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin