Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Da đầu nổi cục là do đâu? Cách điều trị như thế nào?

Ngày 28/06/2023
Kích thước chữ

Da đầu nổi cục có phải là dấu hiệu của bệnh về da và cách điều trị như thế nào? Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc và hướng dẫn điều trị hiệu quả.

Nếu da đầu nổi cục, ngứa và mẩn đỏ khiến bạn cảm thấy khó chịu, ngủ không ngon giấc và mệt mỏi? Bạn muốn tìm giải pháp cho tình trạng này càng nhanh càng tốt thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây.

Vì sao da đầu nổi cục?

Da đầu nổi cục và ngứa có thể gây khó chịu, ngủ không ngon giấc làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe. Ngoài ra, khi dùng tay gãi có thể gây sưng tấy, viêm nhiễm và đau. Da đầu nổi cục và ngứa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

Vệ sinh da đầu kém

Vệ sinh da đầu kém là một trong những nguyên nhân chính gây ngứa và bong tróc da đầu. Da đầu thường xuyên tiết bã nhờn khiến bụi bẩn và tạp chất dễ dàng tích tụ. Khi nang tóc không được làm sạch hiệu quả sẽ dễ bị bít tắc, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập, tấn công da đầu gây viêm nhiễm, ngứa ngáy. Ngoài ra, nếu bạn không xả tóc sạch sẽ, hóa chất còn sót lại trên da đầu có thể gây kích ứng, nổi cục và ngứa.

Dị ứng sản phẩm chăm sóc tóc

Sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc không phù hợp, tẩy, nhuộm quá nhiều. Da đầu bị kích ứng có thể xuất hiện cục cứng và ngứa.

Bệnh lý

Trong một số trường hợp, ngứa trên da đầu và nổi cục có thể là dấu hiệu của bệnh lý như:

  • Nấm da đầu: Khi vi khuẩn trichophyton gây bệnh nấm da làm nổi cục, ngứa kèm theo vảy trắng và đau nhức.
  • Bệnh vảy nến: Bệnh vảy nến đặc trưng bởi các mảng bong tróc trên da, kèm theo nốt mụn nước, gây rụng tóc và ngứa, vô cùng khó chịu.
  • Viêm nang lông: Viêm nang lông là tình trạng nang lông bị viêm nhiễm do nấm hoặc vi khuẩn khiến da đầu nổi sần, ngứa và đau.
  • Bệnh chàm: Bệnh chàm cũng là một trong những nguyên nhân gây ngứa và nổi cục trên da đầu. Bệnh có thể do tác động của thời tiết, hóa chất, chế độ ăn uống, di truyền hoặc rối loạn miễn dịch. Bệnh chàm da đầu thường được nhận biết qua các triệu chứng như da đầu khô, bong tróc, ngứa, đau rát.
  • Viêm da tiết bã: Viêm da tiết bã là tình trạng tăng sản xuất bã nhờn trên da đầu, dẫn đến các triệu chứng như ngứa, đỏ da và nổi cục. Tình trạng này có thể do sự phát triển của vi khuẩn trên da, nhưng cũng có thể do yếu tố di truyền hoặc căng thẳng,...

Ngoài những nguyên nhân trên, dị ứng thực phẩm cũng gây nổi cục trên da đầu và ngứa.

Da đầu nổi cục là do đâu? Cách điều trị như thế nào? 1
Ngứa trên da đầu và nổi cục có thể là dấu hiệu của bệnh lý như nấm, chàm, vảy nến,...

Da đầu nổi cục và ngứa có nguy hiểm không?

Da đầu nổi cục và ngứa không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, thậm chí bội nhiễm, gây rụng tóc và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. 

Ngoài ra, ngứa da đầu dai dẳng còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nếu tình trạng nổi cục, ngứa kéo dài kèm đau, tiết dịch hoặc nhiễm trùng thì bạn nên đi khám ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Cách cải thiện da đầu nổi cục

Tùy vào nguyên nhân da dầu nổi cục và ngứa mà có cách điều trị khác nhau. Dưới đây là một số biện pháp mà bạn có thể thử:

Thay đổi thói quen chăm sóc tóc

Thay đổi thói quen chăm sóc da đầu và các sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp, cụ thể như:

  • Giữ da đầu sạch: Tạo thói quen gội đầu thường xuyên bằng dầu gội phù hợp. Đặc biệt, để hạn chế vi khuẩn phát triển, bạn nhớ gội đầu bất cứ khi nào tóc bết dầu hoặc vào những ngày vận động nhiều, đổ nhiều mồ hôi.
  • Hạn chế sử dụng các sản phẩm tạo kiểu tóc có hóa chất như thuốc nhuộm, uốn duỗi tóc hay dùng gel vuốt tóc. Điều này có thể làm da đầu bị tổn thương khiến da đầu nổi cục. Do đó, để da đầu khỏe mạnh, bạn nên hạn chế sử dụng hóa chất trên tóc.
  • Bảo vệ da đầu khỏi tia UV: Đội mũ làm bằng chất liệu thoáng khí để bảo vệ da đầu khỏi tác hại của tia UV và khói bụi.

Ngoài ra, bạn cũng phải chú ý làm sạch các vật dụng tiếp xúc với tóc và da đầu như gối, mũ, lược,… để tránh vi khuẩn, bụi bẩn tích tụ trên da đầu.

Da đầu nổi cục là do đâu? Cách điều trị như thế nào? 2
Thay đổi thói quen chăm sóc tóc để hạn chế da đầu nổi cục

Áp dụng mẹo dân gian

Đối với da đầu nổi cục và ngứa, bạn có thể thử các mẹo dân gian sau:

  • Sử dụng dầu dừa: Dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm giúp làm dịu da đầu tổn thương. Bạn có thể thoa dầu dừa lên da đầu, massage nhẹ nhàng trong vài phút rồi gội đầu như bình thường.
  • Nha đam: Các hoạt chất trong nha đam có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn đồng thời dưỡng ẩm hiệu quả cho da đầu, làm dịu da và giảm ngứa. Bạn có thể lấy gel nha đam thoa lên da đầu và massage nhẹ nhàng trong vài phút trước khi gội đầu.
  • Dầu tràm trà: Tinh dầu tràm trà có đặc tính kháng viêm, diệt khuẩn giúp giảm ngứa, viêm, trị gàu. Bạn có thể trộn một ít tinh dầu tràm trà với dầu dừa hoặc dầu ô liu, thoa lên da đầu, massage nhẹ nhàng trong vài phút rồi gội sạch với nước.
  • Trà xanh: Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất chống viêm có thể giúp giảm ngứa và nổi cục. Bạn có thể đun sôi lá trà xanh rồi đắp lên da đầu trong vài phút rồi gội sạch với nước.

Lưu ý: Trước khi sử dụng bất kỳ nguyên liệu tự nhiên nào trên da đầu, bạn nên kiểm tra có bị dị ứng hay không. Vì các phương pháp này sử dụng nguyên liệu tự nhiên nên cần thời gian dài mới phát huy tác dụng. Nếu sau thời gian dài áp dụng các mẹo trên mà tình trạng không thuyên giảm thì nên đi khám bác sĩ da liễu.

Điều trị bệnh lý

Nếu tình trạng ngứa và nổi cục trên da đầu do viêm da tiết bã, nấm da đầu, vảy nến, chàm, viêm nang lông,… thì cần dùng một số loại thuốc để điều trị như:

  • Thuốc chống viêm: Giảm viêm và ngứa do chàm, viêm da tiết bã.
  • Thuốc kháng nấm được sử dụng để diệt nấm và làm giảm các triệu chứng.
  • Thuốc kháng histamin giảm ngứa và sưng do phản ứng dị ứng hoặc viêm.
  • Steroid có đặc tính chống viêm mạnh nên có thể điều trị bệnh phát ban ngứa da đầu nghiêm trọng khi không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.
  • Thuốc kháng sinh được dùng khi có dấu hiệu nhiễm trùng.

Hầu hết các loại thuốc điều trị đều tiềm ẩn những tác dụng phụ nên người bệnh chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Tuân thủ liều lượng bác sĩ chỉ định và không lạm dụng thuốc.

Da đầu nổi cục là do đâu? Cách điều trị như thế nào? 3
Nếu nổi cục trên da đầu do bệnh lý thì cần sử dụng thuốc do bác sĩ kê đơn

Dùng dầu gội chuyên dụng

Nhiều trường hợp bác sĩ còn chỉ định sử dụng dầu gội đặc trị có chứa các thành phần như kẽm, axit salicylic, selen sunfua,… để làm sạch da đầu đồng thời làm giảm các triệu chứng ngứa, sưng.

Da đầu nổi cục và ngứa là một vấn đề khá phổ biến có thể do các bệnh lý hoặc nhiều yếu tố khác nhau gây ra. Do đó việc vệ sinh tóc và da đầu, sử dụng dầu gội phù hợp, chế độ ăn uống khoa học giúp tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể. Đặc biệt nếu các triệu chứng kéo dài hoặc nặng hơn, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin