Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đặc điểm và chức năng của tiểu cầu là gì trong cơ thể con người?

Ngày 30/10/2022
Kích thước chữ

Tiểu cầu (có tên là Platelets hay Thrombocytes) là một trong ba loại tế bào máu. Tiểu cầu được mô tả đầu tiên bởi Bizzozero vào những năm 1800. Vậy tiểu cầu là gì? Giữ vai trò gì đối với cơ thể con người?

Trong cơ thể con người, tiểu cầu là một tế bào đóng vai trò quan trọng, cần thiết trong quá trình đông và cầm máu, hình thành các cục máu đông để bảo vệ sự toàn vẹn của mạch máu. Vậy tiểu cầu là gì? Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu thông tin chi tiết về tiểu cầu nhé.

Tiểu cầu là gì?

Đặc điểm và chức năng của tiểu cầu là gì trong cơ thể con người? 1 Tiểu cầu là gì? Tiểu cầu có hình đĩa, đường kính khoảng 2 - 3 μm, dày 0,5 μm

Tiểu cầu có hình dạng giống hình đĩa với đường kính khoảng 2 - 3 μm và dày khoảng 0,5 μm. Màng Phospholipid kép là màng của tiểu cầu, có chứa rất nhiều thụ thể bề mặt. Có các hạt chứa chất liên quan đến quá trình ngưng tập tiểu cầu và đông cầm máu nằm bên trong bào tương. Tiểu cầu chỉ có ở động vật có vú, trong khi, đối với các loài động vật khác, tiểu cầu tuần hoàn như các tế bào đơn nhân.

Đời sống của tiểu cầu kéo dài từ 7 - 10 ngày. Trong cơ thể, lách là cơ quan đảm nhiệm vai trò tiêu hủy các tiểu cầu già, chịu trách nhiệm bắt giữ và tiêu hủy tiểu cầu cũng như các tế bào máu khác trong cơ thể. Khi lá lách phát triển bất thường như lách to, có thể làm tăng quá trình giữ và tiêu hủy tiểu cầu, làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu ngoại vi. Do vậy trong nhiều trường hợp bệnh nhân bị giảm tiểu cầu nghiêm trọng, có thể được chỉ định phẫu thuật cắt lách để giảm quá trình tiêu hủy tiểu cầu.

Tiểu cầu có chức năng gì?

Tiểu cầu có chức năng giúp cầm máu. Nó có khả năng làm dừng quá trình chảy máu khi cơ thể bị chảy máu tại nơi nội mạc mạch máu. Lúc này, tiểu cầu sẽ tập trung tại vết thương và giúp bịt lỗ hổng này lại. Quá trình cầm máu của tiểu cầu trải qua ba giai đoạn cụ thể:

  • Kết dính: Ở giai đoạn này, tiểu cầu sẽ kết dính với các chất bên ngoài của nội mạc.
  • Ngưng tập: Các tiểu cầu ở giai đoạn này sẽ thay đổi hình dạng, kích hoạt thụ quan và sau đó tiết ra các tín hiệu hóa học.
  • Chế tiết: Trong giai đoạn này, các tiểu cầu tập hợp và liên kết với nhau thông qua cầu thụ quan.

Ngoài chức năng cầm máu, tiểu cầu còn có tác dụng làm cho thành mạch trở nên mềm mại, dẻo dai nhờ chức năng làm “trẻ hóa” tế bào nội mạc. Thông thường, tế bào tiểu cầu có đời sống trong vòng từ 7 – 10 ngày.

Đặc điểm và chức năng của tiểu cầu là gì trong cơ thể con người? 2 Khi bị chảy máu, tiểu cầu có khả năng làm dừng quá trình chảy máu. 

Tăng hay giảm tiểu cầu có hại không?

Ngoài việc tìm hiểu tiểu cầu là gì, bạn cũng nên biết một số bệnh lý liên quan đến tiểu cầu. Thông thường, số lượng tiểu cầu là 150 - 450 G/L máu toàn phần. Khi số lượng tiểu cầu lớn hơn con số này thì gọi là tăng tiểu cầu (thrombocytosis). Còn ít hơn số lượng 150 G/L được gọi là giảm tiểu cầu (thrombocytopenia). Tùy theo trạng thái tâm lý của từng người, độ tuổi, giới tính, chủng tộc và đặc biệt là thiết bị làm xét nghiệm sẽ quy định số lượng tiểu cầu bình thường của mỗi người khác nhau và sẽ có sự thay đổi.

Số lượng tiểu cầu quá thấp (giảm tiểu cầu nghiêm trọng) có thể gây ra chảy máu. Còn số lượng tiểu cầu quá cao (tăng tiểu cầu nghiêm trọng) sẽ hình thành cục máu đông, làm cản trở mạch máu, dẫn đến có thể gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn mạch máu, nghẽn mạch phổi...

  • Tăng tiểu cầu: Rối loạn tăng sinh tủy xương, xơ hóa tủy xương, bệnh tăng tiểu cầu vô căn, các bệnh viêm, sau chảy máu, sau phẫu thuật cắt bỏ lách...
  • Giảm tiểu cầu: Ức chế hoặc thay thế tủy xương, phì đại lách, các chất hóa trị liệu, đông máu trong lòng mạch rải rác, ban xuất huyết sau truyền máu, các kháng thể tiểu cầu, giảm tiểu cầu do miễn dịch đồng loại ở trẻ sơ sinh...

Các dấu hiệu của giảm tiểu cầu

Như đã nói ở trên, chức năng cơ bản của tiểu cầu là tham gia quá trình đông máu, cầm máu nhằm bảo vệ cơ thể không bị mất máu. Bởi vậy, giảm tiểu cầu nặng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh và dẫn đến tử vong. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp, cơ thể người bệnh sẽ có thể bị xuất huyết tự phát hoặc xuất huyết dù bị va chạm rất nhẹ. Các trường hợp xuất huyết nghiêm trọng bao gồm: Xuất huyết tiêu hóa (như nôn ra máu), xuất huyết não, xuất huyết đường tiết niệu (đái máu)...

Khi tiểu cầu giảm, người bệnh sẽ có dấu hiệu chính là xuất huyết. Tùy mức độ giảm tiểu cầu iảm mà biểu hiện của xuất huyết ở mỗi người khác nhau:

  • Xuất huyết dưới da: Triệu chứng là nổi các chấm, nốt nhỏ bầm tím hoặc các mảng bầm tím...
Đặc điểm và chức năng của tiểu cầu là gì trong cơ thể con người? 3 Triệu chứng của giảm tiểu cầu là xuất huyết dưới da
  • Chảy máu răng miệng, xuất huyết niêm mạc mắt, mũi.
  • Xuất huyết nội tạng: Triệu chứng là bệnh nhân nôn ra máu, đái máu, đi ngoài ra máu...
  • Ở phụ nữ, kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài, bị băng kinh.
  • Triệu chứng nặng nhất của xuất huyết là xuất huyết não (triệu chứng là đau đầu, buồn nôn hoặc có các triệu chứng thần kinh khu trú).

Những điều cần lưu ý

Để biết cơ thể bạn có thiếu tế bào tiểu cầu hay không, cần phải làm xét nghiệm quan trọng là xét nghiệm công thức máu để giúp bác sĩ có thêm những thông tin hữu ích trong việc chẩn đoán hoặc tiên lượng bệnh. Đồng thời người bệnh sẽ biết được chỉ số PLT trong máu.

Khi bị giảm tiểu cầu, người bệnh cần thay đổi lối sống như sau:

  • Tránh vận động mạnh, các hoạt động dễ gây thương tích như môn thể thao bóng đá, quyền anh, cưỡi ngựa.
  • Tránh uống rượu bia vì sẽ làm chậm quá trình sản xuất tiểu cầu.
  • Một số thuốc giảm đau sẽ ảnh hưởng xấu đến tiểu cầu.
  • Cần có các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe sao cho phù hợp với thể trạng mỗi người.
  • Ăn các thực phẩm ít chất béo, ăn nhiều rau.
  • Uống đủ nước và nước ép trái cây.
  • Tuân thủ phác đồ điều trị cũng như chỉ định của bác sĩ.

Như vậy, khi bạn nhận thấy các dấu hiệu của việc giảm tiểu cầu như đã nêu trong bài viết, nhất là tình trạng xuất huyết bất thường, hãy đến bệnh viện để khám ngay và có hướng điều trị kịp thời.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin