Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đặt ống thông tiểu khi mổ đẻ tại sao lại cần thiết?

Ngày 25/01/2024
Kích thước chữ

Đặt ống thông tiểu khi mổ đẻ là việc mà những phụ nữ sinh mổ cần thực hiện. Vậy ý nghĩa của thao tác này là gì? Liệu có những rủi ro nào hay không?

Trong quá trình sinh mổ, ngoài những bước kiểm tra sức khỏe, theo dõi chỉ số sinh tồn, gây tê tủy sống, các bà mẹ sẽ được chỉ định đặt ống thông tiểu khi mổ đẻ nhằm giúp việc tiểu tiện sau sinh thuận lợi hơn.

Khái niệm về thủ thuật đặt ống thông tiểu

Đặt ống thông tiểu là một trong những thủ thuật được áp dụng nhằm tạo đường thoát và giúp dẫn nước tiểu ra ngoài. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ gắn một ống thông tiểu mềm chuyên dụng vào trong bàng quang qua ống thông niệu đạo. Ngoài ra, ống thông tiểu cũng có thể được đưa vào qua một lỗ nhỏ ở ống dẫn lưu bàng quang. Mục đích của thủ thuật này là làm rỗng bàng quang và dẫn toàn bộ nước tiểu ra ngoài.

Thủ thuật này thường được chỉ định trong những trường hợp:

  • Khi bệnh nhân gặp trở ngại trong quá trình tiểu tiện.
  • Dùng trước và sau phẫu thuật để làm rỗng bàng quang.
  • Thủ thuật cần thiết để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý.
Đặt ống thông tiểu khi mổ đẻ tại sao lại cần thiết?
Đặt ống thông tiểu giúp dẫn nước tiểu ra ngoài

Sinh mổ có đặt ống thông tiểu không?

Bí tiểu sau sinh là tình trạng khá phổ biến đối với cả những sản phụ sinh mổ và sinh thường. Theo thống kê, có khoảng 14% sản phụ mắc phải vấn đề này sau sinh.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do trong quá trình mang thai, em bé đè lên bàng quang, niệu đạo dẫn đến hiện tượng nước tiểu bị ứ đọng tại đây. Bên cạnh đó, bàng quang của thai phụ cũng có thể bị tổn thương trong quá trình mổ lấy thai nhi.

Ngoài ra, trong quá trình sinh mổ, mẹ bầu sẽ được tiến hành gây tê tủy sống nhằm ức chế cảm giác các dây thần kinh từ nửa thân dưới. Vì vậy, hoạt động của bàng quang sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, bàng quang sau khi sinh cũng có thể bị căng do tác động của mũi gây tê dẫn đến hiện tượng bí tiểu.

Vì vậy, việc đặt ống thông tiểu khi mổ đẻ là cần thiết để giúp bàng quang trở về trạng thái ổn định. Thủ thuật này sẽ được thực hiện ngay trong quá trình chuẩn bị bước vào ca sinh. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, ống thông tiểu sẽ được rút sau vài giờ hoặc vài ngày và lúc này sản phụ có thể sinh hoạt bình thường trở lại.

Đặt ống thông tiểu khi mổ đẻ tại sao lại cần thiết?
Đặt ống thông tiểu là thủ thuật thường sử dụng cho những ca sinh mổ

Đặt ống thông tiểu khi mổ đẻ có đau không?

Việc đặt ống thông tiểu có thể khiến sản phụ cảm thấy đau và khó chịu. Vì vậy, nhân viên y tế sẽ sử dụng gel gây tê lên vùng đặt ống thông tiểu để các bà mẹ cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, sau khi đặt ống thông, sản phụ có thể sẽ có cảm giác khó chịu lúc đầu nhưng dần dần sẽ quen.

Khi rút ống thông tiểu, sản phụ có thể sẽ gặp các tình trạng như: Đau rát, tiểu rắt, tiểu buốt. Bên cạnh đó, theo thống kê, có khoảng 10% trường hợp đặt ống thông tiểu khi mổ đẻ sẽ bị viêm đường tiết niệu.

Những nguy cơ sản phụ có thể gặp khi đặt ống thông tiểu

Các bác sĩ thường khuyến khích sản phụ tự đi tiểu bình thường càng sớm càng tốt và chỉ nên đặt ống thông tiểu khi đẻ mổ khoảng 2 - 3 ngày. Nguyên nhân bởi nếu thời gian đặt ống thông tiểu càng kéo dài, càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu với các triệu chứng:

  • Cảm giác khó chịu, đau vùng bụng dưới, vùng háng.
  • Sốt, ớn lạnh trong người.
  • Cơ thể sản phụ cảm thấy mệt mỏi, suy nhược.

Bên cạnh đó, nếu đặt ống thông tiểu không đảm bảo còn có thể dẫn đến một số vấn đề khác như: Tắc ống thông tiểu, niệu đạo bị tổn thương, nước tiểu bị rò rỉ ra ngoài, hẹp niệu đạo, co thắt bàng quang,...

Đặt ống thông tiểu khi mổ đẻ tại sao lại cần thiết?
Sản phụ sau khi rút ống có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu

Một số lưu ý quan trọng về đặt ống thông tiểu khi mổ đẻ

Dù đặt ống thông tiểu là một thủ thuật thường được sử dụng khi sinh mổ nhưng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro nên bạn cần chú ý đến một số vấn đề. Nếu không, việc này có thể khiến bàng quang, hệ tiết niệu bị tổn thương, dẫn đến những biến chứng đáng tiếc. Dưới đây là một số điểm bạn cần chú trọng:

  • Lựa chọn cơ sở y tế có cơ sở vật chất tốt, có nhân viên y tế chuyên môn vững vàng để thực hiện thủ thuật đặt ống thông tiểu.
  • Sử dụng ống thông tiểu dạng mềm cho sản phụ sinh mổ.
  • Các thao tác cần đảm bảo vệ sinh.
  • Ống thông tiểu cần được bôi trơn trước khi đặt nhằm tránh làm tổn thương niệu đạo và bàng quang.
  • Cần cố định ngay vị trí của ống thông tiểu sau khi đặt nhằm tránh làm tổn thương niệu đạo.
  • Khi di chuyển, nằm, ngồi, chú ý vị trí đặt túi đựng nước tiểu gắn với ống thông. Hãy đảm bảo rằng nước tiểu được dẫn lưu tốt và ống thông không được bị gập cong, gấp khúc.
  • Thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục nhẹ nhàng bằng nước ấm, dung dịch vệ sinh để tránh nhiễm trùng.
  • Luôn giữ cho hệ thống thông ở tình trạng khô ráo, cách bàng quang hơn 60cm là tốt nhất.
  • Tùy vào chất liệu của ống thông, sản phụ cần thay ống mới sau khoảng 5 - 7 ngày nhằm đảm bảo vệ sinh.

Đặt ống thông tiểu khi mổ đẻ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, việc lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện kỹ thuật này cũng như phẫu thuật lấy thai rất quan trọng. Như vậy, việc đặt ống thông tiểu mới có thể phát huy đúng mục đích của nó cũng như sản phụ có thể an tâm về quá trình thực hiện, khâu vệ sinh và chăm sóc hậu sản.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:phẫu thuật