Dấu hiệu nhận biết và cách chữa trị hiệu quả sùi mào gà ở môi
Ngày 24/10/2022
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hiện nay, sùi mào gà đã không còn xa lạ với chúng ta, bệnh này không chỉ xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Virus HPV nguyên nhân gây ra bệnh lý xã hội này có thể phát triển và lây lan sang nhiều bộ phận khác của cơ thể, điển hình là môi, miệng. Vậy sùi mào gà ở môi, miệng có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết và cách chữa trị như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Sùi mào gà còn được gọi là mụn cóc sinh dục, đây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus HPV gây ra. Tổn thương của bệnh gây ra là mụn u nhú, nổi sần xuất hiện ở cơ quan sinh dục. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể mọc môi, lưỡi và bên trong khoang miệng.
Nguyên nhân bệnh sùi mào gà ở môi, miệng
Nguyên nhân xuất hiện các mụn sùi mào gà ở môi là do sự tấn công của virus HPV. Loại virus này có tốc độ lây lan nhanh chóng qua nhiều con đường khác nhau như quan hệ tình dục bằng miệng, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, hay dùng chung đồ dùng với người đang mắc bệnh có vết thương hở… Sùi mào gà ở môi có thể gặp ở mọi đối tượng từ người cao tuổi, nam giới, nữ giới hay trẻ nhỏ.
Dấu hiệu nhận biết sùi mào gà ở môi
Các dấu hiệu nhận biết sùi mào gà mà bạn cần nắm bao gồm:
Xuất hiện các nốt mụn ở môi, miệng
Dấu hiệu đầu tiên khi mắc sùi mào gà là các nốt mụn sẽ mọc thưa thớt, nhô cao hơn so với bề mặt da. Giai đoạn này thường bạn rất dễ nhầm lẫn với những nốt nhú của niêm mạc sinh lý trong miệng. Vì thế, người bệnh rất khó để phân biệt khi bị nhiễm sùi mào gà.
Thời gian lâu dần, các nốt mụn này mọc cao lên như mào gà và lan rộng ra các vị trí xung quanh viền môi và khoang miệng. Trong các nốt mụn sẽ chứa dịch trong, chỉ cần tác động nhẹ có thể là chúng vỡ ra, làm tăng khả năng phát tán của bệnh ra các vị trí khác nhau trên cơ thể.
Cảm giác đau đớn, sưng đỏ ở môi và khoang miệng
Ở giai đoạn tiếp theo, sẽ xuất hiện nhiều mảng màu đỏ kèm theo cảm giác đau đớn gây ra khó chịu cho người bệnh. Cảm giác đau này ảnh hưởng nghiêm trọng đến ăn uống, sinh hoạt và nói chuyện hàng ngày. Chính vì vậy, khi không được bổ sung đủ dinh dưỡng người bệnh có thể cáu gắt, mệt mỏi.
Khó khăn mỗi khi ăn uống
Khi bệnh đã phát triển hầu hết ở môi và khoang miệng, người bệnh sẽ có cảm giác vướng víu, tê buốt, nóng rát mỗi khi ăn uống. Ngoài ra, thức ăn cũng có thể tác động đến các đốt mụn làm chúng vỡ ra, khiến bệnh ngày càng nặng. Vì vậy, nên có một chế độ ăn uống hợp lý khi mắc sùi mào gà là điều vô cùng quan trọng. Trong trường hợp này bạn nên sử dụng các thực phẩm lỏng, mềm, dễ nuốt, không nên dùng khi thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh.
Nhiễm trùng khoang miệng, lạc giọng, ho ra máu
Khi bệnh đã chuyển biến nặng nề, bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu khàn giọng, ho ra máu. Lúc này các nốt mụn có thể đã sưng to hơn, có nguy cơ vỡ ra gây nhiễm trùng khoang miệng, khiến miệng có mùi hôi khó chịu, bệnh nhân sẽ không thể ăn uống được làm cho cơ thể suy yếu và nguy kịch.
Phân biệt sùi mào gà ở môi, miệng với nhiệt miệng
Ở giai đoạn đầu của sùi mào gà nếu không có kiến thức, rất nhiều người sẽ nhầm tưởng sang nhiệt miệng. Vì thế, khiến bệnh diễn biến nặng hơn, gây ra khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.
Đa số các trường hợp bị sùi mào gà ở môi giai đoạn đầu đều nhầm lẫn với nhiệt miệng và tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà. Cho đến khi giai đoạn các nốt sùi to lên, thành các mảng sưng đỏ thì mới phát hiện ra là sùi mào gà.
Thông thường, đối với người mắc nhiệt miệng khi sử dụng đồ ăn cay nóng, thời tiết nóng nực, oi bức. Người bệnh sẽ cảm thấy nóng rát ở miệng, xuất hiện dần các mụn nước nhưng không xù xì trên niêm mạc ở môi. Khi các mụn nước này vỡ ra sẽ để lại các vết lở nông, viền máu đỏ tươi. Đối với trường hợp này cần sử dụng thực phẩm và đồ uống mát sẽ khỏi trong vòng 10 - 15 ngày.
Các phương pháp điều trị sùi mào gà ở môi, miệng
Để điều trị bệnh hiệu quả, cần sử dụng các biện pháp tiêu diệt mụn sần, u nhú, ngăn chặn triệt để sự phát triển của virus HPV. Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ của bệnh nhân, mà các chuyên gia y tế sẽ có lộ trình điều trị phù hợp.
Phương pháp nội khoa
Ở phương pháp này, bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc nếu bệnh nhân đang ở giai đoạn nhẹ, khi nối sùi mào gà còn nhỏ, chưa lan rộng ra xung quanh. Thuốc bao gồm 2 dạng: Dạng bôi và dạng uống. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của virus HPV chứ không tiêu diện tận gốc mầm bệnh.
Phương pháp ngoại khoa
Trong giai đoạn các nốt mụn cóc sinh dục đã lớn hơn, các loại thuốc không còn tác dụng, lúc này phương pháp phẫu thuật sẽ được các bác sĩ ưu tiên lựa chọn như:
Đốt nhiệt;
Đốt bằng laser;
Đốt lạnh bằng nitơ lỏng;
Phẫu thuật cắt bỏ;
Phương pháp quang động ALA-PDT: Đây là phương pháp sử dụng chất cảm quang đặc biệt tạo phản ứng quang động, lúc này oxy hoạt lực sẽ giúp tiêu diệt các u nhú, nốt mụn sùi mào gà.
Trên đây là những dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà ở môi, miệng. Mong rằng qua bài viết trên sẽ giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn về bệnh. Khi gặp các triệu chứng có thể là của bệnh sùi mào gà ở môi thì hãy nhanh chóng đi khám để được điều trị kịp thời nhé!
Sùi mào gà ở môi ảnh hưởng đến thẩm mỹ, quá trình ăn uống và giao tiếp hàng ngày. Để hạn chế tình trạng này, việc chủ động tiêm vắc xin HPV là cần thiết. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cung cấp dịch vụ tiêm ngừa vào nhiều khung giờ trong ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng lựa chọn thời gian tiêm phù hợp. Mỗi cơ sở của Long Châu đều có phòng theo dõi sau tiêm và phòng xử trí phản ứng sau tiêm, được trang bị đầy đủ thiết bị theo quy định của Bộ Y tế. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn cho khách hàng mà còn mang lại sự yên tâm trong quá trình tiêm chủng. Hãy đến Long Châu để bảo vệ sức khỏe sớm nhất có thể!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp Bác sĩ Y học Dự phòng từ Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ đã có nền tảng vững chắc về an toàn y tế và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc hoàn thành khóa huấn luyện an toàn Sơ cấp cứu tại SAFI, bác sĩ còn nhận được bằng khen của Bộ Y tế năm 2021 cho những đóng góp xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19.