Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sùi mào gà là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sùi mào gà là một căn bệnh xã hội nguy hiểm và khá phổ biến trong giới trẻ hiện nay, nhất là những người trong độ tuổi sinh sản. Chẩn đoán sùi mào gà dựa vào lâm sàng. Hiện có nhiều phương pháp điều trị nhưng ít có phương pháp nào hiệu quả cao trừ khi phải áp dụng lặp đi lặp lại trong nhiều tuần đến nhiều tháng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sùi mào gà là gì? 

Bệnh sùi mào gà là một bệnh thuộc nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Bệnh có triệu chứng đặc trưng là xuất hiện các u nhú lành tính tại bộ phận sinh dục, hậu môn hay một số bộ phận khác như háng, bẹn, mí mắt, lưỡi,… Sùi mào gà do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra, chủ yếu là tuýp 6 và 11, nhưng các tuýp khác cũng có khả năng dẫn đến ung thư hay loạn sản tế bào là 16, 18, 31, 33, 35. Khuyến cáo tiêm chủng ngừa virus HPV cho trẻ em và thanh thiếu niên cả hai giới.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sùi mào gà

Dấu hiệu và triệu chứng của sùi mào gà ở nam giới

Giai đoạn sớm

Xuất hiện u nhú ở dương vật, nhất là ở dưới bao quy đầu, trên rãnh quy đầu, lỗ niệu quản và trên thân dương vật. Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể nổi u nhú ở mí mắt, lưỡi, miệng hay xung quanh hậu môn và trong trực tràng.

U nhú mọc riêng lẻ, mềm, có màu hồng, màu da hay màu xám, đường kính từ 1 – 2 mm, hơi nhô cao so với bề mặt da. Ở giai đoạn này, những u nhú chưa gây ngứa ngáy hay khó chịu nên thường bị bỏ qua.

Giai đoạn bệnh phát triển

Biểu hiện của bệnh sùi mào gà xuất hiện rõ ràng hơn, các nốt sần nổi to và mọc sát gần nhau tạo thành từng mảng, hình thái giống như mào gà hay bông súp lơ. Khi sờ sẽ thấy mềm và ẩm ướt. Các nốt sần này nếu bị cọ xát hay chà mạnh sẽ bị chảy dịch, máu và tỏa ra mùi tanh khó chịu.

Ở giai đoạn này, các nốt sùi mào gà gây ngứa ngáy dữ dội và nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì rất dễ gây nhiễm trùng. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn bị khó tiểu hay tiểu rắt.

Dấu hiệu và triệu chứng của sùi mào gà ở nữ giới

Giai đoạn sớm

Các biểu hiện của bệnh cũng như bên nam giới, không quá nổi bật và cũng chưa gây ngứa ngáy hay khó chịu. Các u nhú màu hồng nhạt thường xuất hiện ở môi lớn, môi bé, âm hộ, thành âm đạo, cổ tử cung, tầng sinh môn và xung quanh lỗ tiểu. Ngoài ra một số trường hợp cũng mọc các u nhú ở bẹn, háng, hậu môn, mí mắt, lưỡi, đùi,...

Giai đoạn bệnh phát triển

Các nốt sùi mọc to hơn, tập trung thành từng mảng khiến bệnh nhân cảm thấy vướng khi đi lại. Màu sắc sẽ chuyển từ màu hồng nhạt sang màu nâu hay xám. Khi nốt sần bị vỡ ra thường gây đau, ngứa, khiến dịch tiết ở bộ phận sinh dục tăng lên. Sùi mào gà ở nữ giới gây nguy hiểm không chỉ vì nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, lây nhiễm qua đường máu, dây rốn hay nước ối, làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thai nhi.

Tác động của sùi mào gà đối với sức khỏe

Tâm lý tiêu cực: Bệnh sùi mào gà thường gây cho người bệnh mất tự tin, luôn ở trạng thái lo lắng và dằn vặt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày và tình cảm vợ chồng trong gia đình.

Gây nguy hiểm với thai nhi: Nữ giới mắc sùi mào gà có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hay sinh non.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh sùi mào gà

Nếu không được điều trị kịp thời, sùi mào gà sẽ gây nhiễm trùng, viêm loét và thậm chí là ung thư dương vật (ở nam giới), ung thư cổ tử cung (ở nữ giới), ung thư hậu môn hay vô sinh, hiếm muộn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sùi mào gà

Human papilloma virus type HPV-6 và HPV-11 là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh sùi mào gà. Khoảng 90% bệnh nhân nhiễm sùi mào gà là do đời sống tình dục quá thoáng, quan hệ với nhiều đối tượng khác nhau và không thực hiện các biện pháp phòng tránh an toàn.

HPV không chỉ tấn công bộ phận sinh dục, mà nó còn có thể tồn tại trong máu, dịch nhầy, nước bọt, vì thế nếu quan hệ tình dục với người bị nhiễm sùi mào gà qua đường sinh dục, đường miệng hay hậu môn đều có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sùi mào gà?

Đối tượng có nguy cơ mắc phải sùi mào gà:

  • Người có nhiều bạn tình.

  • Người có quan hệ tình dục không có phương pháp bảo vệ.

  • Quan hệ tình dục sớm.

  • Người suy giảm miễn dịch.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sùi mào gà

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sùi mào gà, bao gồm:

  • Quan hệ tình tục không an toàn và lành mạnh.

  • Lây truyền từ mẹ sang con.

  • Tiếp xúc qua vết thương hở.

  • Sử dụng chung các đồ vật cá nhân với người nhiễm bệnh như khăn mặt, khăn tắm, bàn chải, đồ lót,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sùi mào gà

Lâm sàng

Khai thác tiền sử về đời sống tình dục của người bệnh.

Kiểm tra bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng,.. để đánh giá tổn thương như kích thước nốt sùi, khu vực, tính chất và số lượng.

Kiểm tra các biểu hiện cơ năng như ngứa ngáy, đau nhức, khó tiểu, tiểu rắt,..

Cận lâm sàng

Xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAAT) DNA của HPV để xác định chẩn đoán.

Soi tử cung, nội soi hoặc cả hai: Dùng để xác định mụn cóc nội mạc cổ tử cung và hậu môn.

Xét nghiệm loại trừ: Làm các xét nghiệm khác để loại trừ một số bệnh xã hội truyền nhiễm như HIV, ung thư biểu mô, giang mai,…

Phương pháp điều trị sùi mào gà hiệu quả

Hai phương phái điều trị sùi mào gà thường được áp dụng:

  • Đốt điện, đốt laser, áp lạnh, phẫu thuật cắt bỏ.
  • Điều trị tại chỗ (thuốc chống phân bào, chất gây ăn da, chất cảm ứng interferon).

Hiện chưa có phương pháp điều trị sùi mào gà nào hoàn toàn thỏa đáng, bệnh thường tái phát nếu không được điều trị dứt điểm. Ở bệnh nhân có miễn dịch tốt, sùi mào gà có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng đối với bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, sùi mào gà có thể ít cho đáp ứng với điều trị.

Các phương pháp có thể loại bỏ sùi mào gà gồm áp lạnh, đốt laser, đốt điện, phẫu thuật cắt bỏ và đôi khi là phương pháp điều trị tại chỗ.

Gây tê cục bộ hay gây tê toàn thân cần phụ thuộc vào kích thước và số lượng nốt sùi cần cắt. Loại bỏ nốt sùi bằng phương pháp resectoscope (soi cắt) được coi là hiệu quả nhất.

Điều trị tại chỗ bao gồm thuốc chống phân bào (podophyllin, podophyllotoxin, 5- fluorouracil), chất gây ăn da (trichloroacetic acid), chất cảm ứng interferon (imiquimod) và sinecatechin (một sản phẩm mới có chiết xuất từ thực vật được cho là có tác dụng nhưng chưa rõ cơ chế) được sử dụng rộng rãi nhưng thường phải sử dụng trong nhiều tuần hay nhiều tháng.

Interferon alfa-2b và interferon alfa-n3 được tiêm vào nơi thương tổn hoặc tiêm bắp có thể loại bỏ được các nốt sùi nhưng chưa xác định được thời gian tác động có dài hay không. 

Nếu sùi mào gà xuất hiện trong niệu đạo, có thể sử dụng thiotepa (thuốc alkylating) để bơm vào trong niệu đạo có tác dụng điều trị khá hiệu quả. Bôi 5-fluorouracil 2 – 3 lần/ngày cho đáp ứng tốt với các thương tổn trong niệu đạo, nhưng tác dụng phụ của nó có thể gây sưng tấy dẫn đến tắc nghẽn ống niệu đạo.

Không nên điều trị các nốt sùi ở cổ tử cung cho đến khi có kết quả xét nghiệm Papanicolaou (Pap) để loại trừ các loại bất thường khác ở cổ tử cung (như ung thư hay loạn sản cổ tử cung).

Hiện có 2 loại vaccine được cấp phép để chủng ngừa HPV là Gardasil – Mỹ (ngăn được HPV tuýp 6, 11, 16, 18) và Cervarix – Bỉ (ngăn được HPV tuýp 16, 18).

  • Đối với nam, nữ ≤ 26 tuổi: Vaccine HPV được khuyến cáo nên tiêm ở độ tuổi 11 hay 12 tuổi (có thể bắt đầu từ 9 tuổi).

  • Đối với người từ 27 đến 45 tuổi: Cần sự tư vấn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sùi mào gà

Chế độ sinh hoạt:

  • Vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh có độ pH trung bình.

  • Không quan hệ tình dục khi đang điều trị.

  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên thay đổi quần áo.

  • Không sử dụng các vật dụng cá nhân chung với người khác.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Cần xây dựng chế độ ăn uống giàu kẽm và vitamin.

  • Không ăn các thực phẩm cay nóng, chiên xào,..

  • Tăng cường rau xanh và các loại trái cây.

Phương pháp phòng ngừa sùi mào gà hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục.

  • Không sử dụng chung vật dụng cá nhân như quần áo, đồ lót, khăn tắm,..

  • Không quan hệ tình dục bừa bãi.

  • Sử dụng biện pháp phòng tránh an toàn.

  • Tiêm phòng HPV khi đến độ tuổi có thể sinh sản.

  • Tập luyện thể thao để nâng cao sức đề kháng.

Nguồn tham khảo
  1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/b%E1%BB%87nh-truy%E1%BB%81n-nhi%E1%BB%85m/m%E1%BB%99t-s%E1%BB%91-b%E1%BB%87nh-l%C3%A2y-truy%E1%BB%81n-qua-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-t%C3%ACnh-d%E1%BB%A5c-stds/b%E1%BB%87nh-h%E1%BB%99t-xo%C3%A0i-lgv 
  2. Bệnh viện Quân Y 103: http://www.benhvien103.vn/sui-mao-ga/

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm Echinococcus

  2. Trùng roi sinh dục nữ

  3. Nhiễm giun kim

  4. Viêm não dạng u hạt do amip

  5. Bệnh ấu trùng da di chuyển

  6. Giun tim

  7. Nhiễm Balantidium

  8. Nhiễm giun đũa

  9. Hạ cam mềm

  10. Lao phổi