Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau khớp ngón tay áp út: Triệu chứng nguy hiểm, đừng xem thường

Ngày 21/03/2022
Kích thước chữ

Trong năm ngón tay, vị trí ngón áp út thường khó bị thoái hóa gây đau so với ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhưng mức độ nguy hiểm của ngón này khá cao. Có nhiều nguyên nhân gây đau khớp ngón tay áp út như tuổi tác, chấn thương, sử dụng nhiều các khớp tay…

Khi bị đau ở ngón tay áp út, tình trạng này có nguy hiểm hay không và biện pháp phòng chống cũng như điều trị thế nào? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu về bệnh lý này nhé.

Thế nào là đau khớp ngón tay áp út?

Đau khớp ngón tay áp út: Triệu chứng nguy hiểm, đừng xem thường 1 Đau khớp ngón tay áp út là biểu hiện của viêm, thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp dẫn đến đau khớp ngón tay

Thói quen và lối sống không lành mạnh đã dẫn đến chứng bệnh đau khớp ngón tay nói chung và đau khớp ngón tay áp út nói riêng đang xảy ra phổ biến và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Đây là một trong những biểu hiện của tình trạng viêm, thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp ngón tay xảy ra khi các tế bào, tổ chức khớp và quanh khớp đặc biệt là sụn khớp đang trong quá trình lão hóa; là sự mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại sụn và xương dưới sụn; ngoài ra biểu hiện cuối cùng là sự thay đổi hình thái, sinh hóa, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến nhuyễn hóa, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn.

Bệnh còn do một số yếu tố khác như môi trường, các bệnh liên quan đến dây thần kinh, cơ, xương… gây nên.

Triệu chứng của viêm khớp ngón tay áp út

Chứng bệnh đau khớp thường bắt đầu xuất hiện ở từng khớp trên ngón tay, đặc biệt là ngón áp út. Khi khớp ở ngón tay áp út bị viêm hoặc thoái hóa sẽ dẫn đến sưng tấy, đau và đỏ. Khi vận động, cơn đau sẽ càng trở nên dữ dội hơn.

Các đốt bị co cứng và xuất hiện cục cứng tại khớp xương khiến ngón tay không hoạt động bình thường..

Khi sụn khớp bị tổn thương do thoái hóa sẽ xảy ra tình trạng khô khớp. Mỗi khi cử động, các khớp ngón tay phát ra tiếng lục cục, lạo xạo.

Do vị trí ở đầu ngón tay áp út chứa nhiều dây thần kinh cảm giác nên thường xảy ra triệu chứng đau nhói, nhức mỏi, co cứng ngón tay… Đây còn là nơi có nhiệt độ cao hơn hẳn so với những bộ phận khác trên cơ thể. 

Hậu quả của bệnh

Cơn đau khớp ngón áp út thường xảy ra vào ban đêm khiến người bệnh khó ngủ dẫn đến mất ngủ. Tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe, mất tập trung khi làm việc.

Những trường hợp thoái hóa khớp nặng sẽ gây biến dạng ngón áp út. Tình trạng này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến bệnh nhân cử động hoặc cầm nắm đồ vật rất khó khăn.

Biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh thoái hóa khớp ngón tay là gây tàn phế và không thể thực hiện được các cử động thông thường.

Một số biến chứng khác của đau khớp ngón tay út là bệnh Gout, gãy xương, hoại tử xương, nhiễm trùng khớp, chảy máu, suy hóa gân, dây chằng quanh khớp…

Đau khớp ngón tay áp út là dấu hiệu của bệnh gì?

Khi bị đau ở khớp ngón tay áp út, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng người bệnh lại bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chức năng vận động ở khớp ngón tay. Hơn nữa, tình trạng đau ở khớp ngón tay này cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý xương khớp như:

Thoái hóa khớp

Biểu hiện của thoái hóa khớp là đau khớp ngón tay, bao gồm ngón tay áp út. Khi thoái hóa khớp, các khớp ngón tay, khớp bàn tay bị mất chất dinh dưỡng, bào mòn, suy yếu và dễ rạn nứt. Hơn nữa, bệnh sẽ gây viêm và bong tróc phần bao khớp, thiếu dịch nhờn bôi trơn khớp sụn, xơ hóa hoặc mọc gai ở xương dưới sụn làm tăng ma sát, gây ra đau nhức tại các khớp. Đa số những người lớn tuổi, bắt đầu bước sang độ tuổi lão hóa đều gặp phải tình trạng này.

Đau khớp ngón tay áp út: Triệu chứng nguy hiểm, đừng xem thường 2 Biểu hiện của thoái hóa khớp là đau khớp ngón tay

Bệnh viêm khớp dạng thấp

Những người bị viêm khớp dạng thấp sẽ gặp các triệu chứng như đau khớp ở ngón tay, các khớp ngón tay bị sưng tấy, nóng đỏ, đau dữ dội khi ấn vào ngón tay, bàn tay run rẩy, khó cầm nắm được đồ vật. Đặc biệt, các khớp, cơ ngón tay bị căng cứng khi thức dậy vào buổi sáng nên cần xoa bóp một khoảng thời gian thì mới có thể cử động được.

Thiếu canxi

Những người bị thiếu hụt canxi sẽ gặp hàng loạt vấn đề về xương khớp, đặc biệt là đau khớp ngón tay, trong đó có ngón tay áp út. Người cao tuổi, phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh thường dễ bị thiếu hụt canxi.

Bệnh loạn dưỡng cơ bắp

Loạn dưỡng cơ thể mặt - vai - cánh tay là một loại bệnh thuộc nhóm cơ di truyền hiếm gặp, làm cho các sợi cơ bị tổn thương, cơ xương bị suy yếu dần gây đau nhức cánh tay phải, trái và các ngón tay.

Hội chứng ống cổ tay

Những người làm việc trong môi trường thường xuyên hoạt động các cơ và gân của ngón tay, bàn tay, cánh tay, bả vai trong thời gian dài sẽ gặp tình trạng hội chứng ống cổ tay. Phổ biến là nhân viên văn phòng. Hội chứng này có những rối loạn gây đau ở khớp ngón tay, cổ tay, gây tê bì tay do tình trạng răng tiết dịch ở dây thần kinh.

Hội chứng De Quervain

Do thực hiện các động tác như cầm, nắm, xoay cổ tay quá nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng viêm bao gân và viêm cơ ngón cái, gây ra các triệu chứng đau khớp ngón tay cái, sưng đau ngón tay,… 

Chấn thương

Do môi trường và tính chất công việc hàng ngày gây tai nạn lao động, tai nạn giao thông, vui chơi,… khiến xương ngón tay trật khớp, rạn nứt, gãy làm tổn thương cơ, sụn khớp, xương dưới sụn và gây đau ngón tay.

Điều trị đau, viêm ở khớp ngón tay áp út 

Chứng bệnh đau khớp ngón tay áp út có các cách điều trị sau:

Sử dụng thuốc giảm đau

Để làm giảm nhanh các triệu chứng, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau khớp. Tuy nhiên, chỉ nên xem đây là biện pháp tạm thời vì có thể ảnh hưởng đến dạ dày, gan, thận khi sử dụng trong thời gian dài. Theo chuyên gia ở Học viện Nghiên cứu bệnh cột sống, Berlin (Đức), tác dụng mạnh của thuốc giảm đau sẽ làm sụn khớp bị bào mòn, khiến tình trạng thoái hóa khớp trầm trọng hơn. 

Điều trị vật lý trị liệu

Dùng phương pháp xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt hay áp dụng các bài tập để chữa đau khớp ngón tay cũng rất hiệu quả. Các biện pháp trị liệu này giúp tăng cường lưu thông máu, giảm căng cứng các cơ, khớp sụn, chống viêm, sưng tấy khớp ngón tay.

Các chuyên gia khuyến nghị có thể điều trị đau khớp ngón tay bằng đông y hiện đang được đánh giá là phương pháp an toàn, đem lại hiệu quả lâu dài nhưng không gây tác dụng phụ.

Biện pháp phòng ngừa đau khớp ngón tay 

Để không mắc bệnh đau khớp ngón tay nói chung và khớp ngón tay áp út nói riêng, bạn nên duy trì lối sống lành mạnh sau:

Duy trì thói quen, tư thế tốt

Đau khớp ngón tay áp út: Triệu chứng nguy hiểm, đừng xem thường 3 Người ngồi máy tính nên ngồi thẳng lưng để tránh ảnh hưởng đến khớp

Trong khi làm việc hoặc trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày, nên chú ý các động tác, chuyển động nhẹ nhàng, tránh dồn nhiều sức về các đầu ngón tay như cố gắng bê đồ nặng hay cầm nắm bằng các đầu ngón tay.

Trong quá trình lao động, bốc vác, xách vật nặng, cần đeo găng tay, dùng miếng vải để lót tay để tránh ảnh hưởng đến các khớp.

Đối với người làm việc với máy tính, nên ngồi thẳng lưng, khi gõ bàn phím nên duỗi thẳng tay, tốt nhất nên gõ 10 ngón để giảm áp lực cho đôi tay, tránh gây mỏi tay và ảnh hưởng đến khớp tay. Thường xuyên massage tay cứ 30 phút một lần, giúp thư giãn các khớp và lưu thông máu tốt hơn

Chế độ dinh dưỡng

Để điều trị viêm khớp ngón tay, người bệnh cần ăn nhiều rau xanh hàng ngày bao gồm bông cải xanh, cải ngọt, cải bẹ xanh, bắp cải… Đây là những loại rau rất giàu canxi, tốt cho xương khớp và giảm đau khớp tay hiệu quả.

Ngoài ăn rau xanh, bạn cần bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu Vitamin và Omega-3 như cá hồi, cá thu, thịt, trứng, sữa, bơ… giúp giảm đau khớp, đặc biệt tránh các loại thịt đỏ, đu đủ chín, rau ngót…

Tập luyện thể thao

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, bạn nên tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, giúp giảm đau và tăng cường chức năng hoạt động của các cơ, khớp bàn tay, ngón tay.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin