Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách khắc phục

Ngày 18/11/2023
Kích thước chữ

Đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu có thể xảy ra ở nhiều thai phụ, đặc biệt là những phụ nữ mang thai lần đầu. Tình trạng này gây ra cảm giác đau nhức tại vùng thắt lưng rồi lan dần sang hai bên hông và xuống chân. Vậy nguyên nhân nào khiến mẹ bầu bị đau thần kinh tọa và cách khắc phục như thế nào?

Đau thần kinh tọa khi mang thai có thể xuất hiện tại bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Tình trạng này gây ra nhiều trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày của mẹ bầu. Vậy nguyên nhân nào gây đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu? Mẹ bầu cần làm gì để cải tình trạng này và đảm bảo an toàn cho sự phát triển của thai nhi?

Tình trạng đau thần kinh tọa khi mang thai

Đau thần kinh tọa khi mang thai là tình trạng thai phụ cảm thấy đau nhức hoặc bị tê bì bắt đầu từ vùng thắt lưng lan xuống vùng mông, đùi, cẳng chân và thậm chí là kéo dài xuống bàn chân.

Trên thực tế, đau thần kinh tọa khi mang thai nói riêng và đau thần kinh toạ nói chung không hẳn là một bệnh lý mà là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau như thoái hoá đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống hoặc trượt đốt sống.

Thông thường, đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp kéo dài dai dẳng đến hết thai kỳ hoặc lâu hơn sau sinh.

Đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục 1
Đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu gây ra nhiều đau đớn cho mẹ bầu

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu

Tình trạng đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu hoặc cả thai kỳ thường do một số nguyên nhân sau đây:

  • Cân nặng tăng nhanh và nhiều khi mang thai, kèm theo đó là tình trạng giữ nước trong cơ thể. Điều này dẫn đến hiện tượng đè nén lên các dây thần kinh tọa đi qua vùng xương chậu và gây ra các cơn đau nhức.
  • Trọng tâm cơ thể của thai phụ bị thay đổi do sự phát triển và to lên của ngực cũng như bụng, khiến cho cơ thể có xu hướng đổ về phía trước. Điều này làm tăng độ cong của cột sống, buộc các cơ tại vùng hông và chân phải co chặt lại để giữ cân bằng cho cơ thể, ngăn cản tình trạng trọng lượng cơ thể dồn về phía trước. Đây chính là nguyên nhân gây chèn ép lên các dây thần kinh tọa.
  • Tử cung của người mẹ sẽ lớn dần theo sự phát triển của thai nhi và sẽ dần dần đè lên các dây thần kinh tọa tại vùng chậu cũng như vùng dưới của cột sống.
  • Khi em bé xoay mình sang một tư thế thích hợp để chuẩn bị cho quá trình sinh nở thì đầu của bé có thể nằm đè trực tiếp lên các dây thần kinh tọa tại vùng chậu. Lúc này, mẹ bầu sẽ bị đau nhiều ở vùng lưng, bụng, mông và chân.
Đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục 2
Sự lớn lên của thai nhi trong bụng mẹ sẽ chèn ép vào dây thần kinh tọa

Triệu chứng đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu như thế nào?

Các triệu chứng đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu có thể khác nhau ở mỗi thai phụ. Tuy nhiên, các triệu chứng thường gặp là:

  • Cảm giác châm chích, ngứa ran như kiến bò và nóng rát tại vùng mông, chân.
  • Xuất hiện các cơn đau âm ỉ vùng thắt lưng, mông và chân. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng có thể bị đau dữ dội tới mức không thể di chuyển được. Cơn đau dữ dội thường xảy ra ở một phần lưng, hông hoặc chân và có kèm theo tình trạng tê bì ở những phần xung quanh khác.
  • Thông thường, tình trạng đau nhức sẽ xuất hiện ở một bên nhưng cũng có thể xảy ra ở hai bên.
  • Hiện tượng đau và tê bì có thể lan xuống chân, đi ra phía sau phần bắp chân và kéo xuống lòng bàn chân.
  • Nếu tình trạng đau chỉ xảy ra ở vùng lưng dưới thì sẽ ít nghiêm trọng hơn so với cơn đau lan xuống chân, khiến cho thai phụ không thể di chuyển cũng như sinh hoạt như bình thường.
  • Chân của mẹ bầu có thể bị yếu đi hoặc đôi khi bất động cả bàn chân nếu đi lại nhiều, gây ra các cơn đau nghiêm trọng, thậm chí là khiến cho mẹ bầu khó có thể đi lại được bình thường.

Thai phụ bị đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu có thể tiến triển nặng hơn trong các trường hợp dưới đây:

  • Cơn đau thường nghiêm trọng hơn về đêm;
  • Mẹ bầu thấy đau hơn khi ngồi hoặc đứng nhiều;
  • Leo cầu thang bộ hoặc đi bộ liên tục;
  • Đau hơn sau khi thực hiện một số hoạt động đột ngột như hắt hơi, ho, cười, ngửa người ra phía sau.

Nếu các triệu chứng của đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu trở nên nghiêm trọng hơn mỗi ngày, mẹ bầu hãy đến gặp bác sĩ để tìm được hướng xử trí đúng cách.

Cách khắc phục đau thần kinh tọa khi mang thai

Đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu khiến mẹ bầu chịu nhiều sự đau đớn, khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, khi gặp phải tình trạng này, mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để cải thiện triệu chứng:

  • Thực hiện chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không làm các công việc nặng, không đứng lên - ngồi xuống một cách đột ngột. Ngoài ra, mẹ bầu cũng không nên di chuyển nhiều mà nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
  • Chườm ấm vùng bị đau để giảm đau.
  • Tập luyện các bài tập nhẹ nhàng để cải thiện tính linh hoạt cho cột sống. Luyện tập thể dục thường xuyên với các bài tập phù hợp với tình trạng cơ thể như yoga, bơi lội để giảm áp lực lên dây thần kinh tọa.
  • Trong trường hợp các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng, mẹ bầu cần nghỉ ngơi trong vài ngày và dùng thuốc giảm đau theo đơn kê của bác sĩ. Ngoài ra, có thể điều trị bổ sung bằng cách xoa bóp điều trị, nắn khớp xương… cũng đem lại nhiều lợi ích.
  • Đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ bầu cần thay đổi tư thế thường xuyên, chẳng hạn đứng dậy đi lại nếu đang làm việc trong tư thế ngồi trong nhiều giờ liền. Ngoài ra, cần lựa chọn loại ghế phù hợp khi làm việc như có lưng tựa kèm theo khả năng hỗ trợ phần chân.
  • Bổ sung đầy đủ dưỡng chất như các loại vitamin B1, B6 và B12 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho mẹ bầu đang điều trị đau thần kinh tọa. Những loại vitamin này có trong các loại thực phẩm như sữa, gan, trứng, ngũ cốc, hạt hoặc các loại đậu.
  • Massage thư giãn đúng cách sẽ có tác dụng giảm sự chèn ép lên dây thần kinh, thả lỏng cơ lưng và mông, từ đó giảm nhẹ các triệu chứng đau thần kinh tọa khi mang thai. Tuy nhiên, cần lưu ý không được xoa bóp quá nhiều vùng thắt lưng vì có thể gây ra các cơn co tử cung.
  • Tắm dưới vòi hoa sen với nước ấm sẽ giúp giảm cảm giác đau đớn và ngăn chặn sự tiến triển của cơn đau trong thời gian ngắn. Bởi ở nhiệt độ cao sẽ giúp các cơ được thư giãn và hoạt động như một chất chống viêm.
Đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục 3
Massage giãn cơ sẽ giúp mẹ bầu giảm cơn đau thần kinh tọa

Biện pháp phòng ngừa đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu

Để hạn chế nguy cơ bị đau thần kinh tọa khi mang thai, mẹ bầu cần chủ động áp dụng một số biện pháp sau đây:

  • Kiểm soát việc tăng cân khi mang thai ở mức hợp lý, bởi cân nặng tăng quá mức khi mang thai sẽ khiến các dây thần kinh bị chèn ép nhiều hơn.
  • Áp dụng các liệu pháp như massage hoặc nắn xương để giãn cơ, giảm đau, giảm căng thẳng.
  • Duy trì tư thế làm việc và nghỉ ngơi hợp lý: Các thói quen và tư thế xấu trong sinh hoạt không chỉ là nguyên nhân mà còn làm tăng các cơn đau nhức xương khớp. Do đó, phụ nữ mang thai không nên ngồi trong thời gian dài, không bắt chéo chân khi ngồi, giữ thẳng lưng khi ngồi, đứng hoặc di chuyển.
  • Mang giày dép với độ cao phù hợp: Mang giày hoặc dép quá cao khiến mẹ bầu dễ mất thăng bằng và gây ra tình trạng đau lưng, đau chân. Do đó, mẹ bầu nên chọn giày dép đế bằng và mềm để dễ di chuyển cũng như giảm đau chân.
  • Kê chân cao khi ngủ cũng giúp giảm đau, hạn chế sai tư thế nằm và giúp thai phụ ngủ ngon hơn.
Đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục 4
Mẹ bầu nên kiểm soát tốt cân nặng để cải thiện tình trạng đau thần kinh tọa

 Tóm lại, tình trạng đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu thường không hay xảy ra, nhưng vẫn có thể xuất hiện các cơn đau gây khó chịu và hạn chế vận động ở mẹ bầu. Do đó, thực hiện một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và tập luyện hợp lý sẽ giúp mẹ bầu cải thiện được triệu chứng đau và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện những cơn đau thần kinh tọa.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.