Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dị ứng thời tiết khi mang thai: Nguyên nhân, cách điều trị

Ngày 03/06/2022
Kích thước chữ

Dị ứng thời tiết khi mang thai là tình trạng mẹ bầu thường bị tác động đáp ứng miễn dịch trong cơ thể gây dị ứng thời tiết. Bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp những kiến thức về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị dị ứng thời tiết khi mang thai cho các mẹ bầu.

Hiện tượng dị ứng thời tiết khi mang thai có thể xảy ra quanh năm, nhưng chủ yếu thường xảy ra trong thời điểm giao mùa, gây ra nhiều cảm giác khó chịu cho người bệnh. Vậy nguyên nhân gì gây dị ứng và điều trị ra sao? Cùng tìm hiểu nhé!

Tại sao bị dị ứng thời tiết khi mang thai?

Phụ nữ khi mang thai có hệ miễn dịch suy yếu và cơ địa nhạy cảm, đây là điều kiện thuận lợi để dị ứng thời tiết phát sinh. Khi cơ thể tiếp xúc với thời tiết thay đổi, cơ thể sẽ tăng tiết kháng thể IgE nhằm bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh, nhằm giải phóng Histamin, là yếu tố chính gây ra các triệu chứng của dị ứng thời tiết. 

Một số nguyên nhân gây bệnh khác được biết đến như là: Hormone tăng cao đột ngột trong quá trình mang thai, tử cung thay đổi thể tích đột ngột, ứ mật trong gan, tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, tiền sự dị ứng thời tiết từ trước.

Khi mang thai, tất cả đều có nguy cơ bị dị ứng thời tiết bà bầu, tuy nhiên, hay gặp nhất ở giai đoạn cuối thai kỳ hoặc trước khi sinh hai tuần. Tỷ lệ mắc bệnh tăng ở những thai phụ lần đầu mang thai, hoặc những mẹ mang song thai, đa thai.

Một số trường hợp các mẹ bầu có thể hoàn toàn tự khỏi sau sinh, không để lại di chứng gì đến thai nhi. Hơn thế nữa, nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tái phát bệnh ở những lần mang thai sau là không đáng kể.

Dị ứng thời tiết khi mang thai: Nguyên nhân, cách điều trị 1 Hình ảnh tổn thương da do dị ứng thời tiết ở bà bầu

Dấu hiệu dị ứng thời tiết khi mang thai

Cũng như các đối tượng khác, mẹ bầu có thể gặp phải các triệu chứng sau: 

Nổi mẩn trên da

Phát ban trong dị ứng thời tiết khi mang thai thường gặp ở các vùng tay, chân, vùng bụng, thậm chí ở mặt và lan ra toàn thân, gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy cho người bệnh. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh không nên gãi vì có thể gây viêm da, nhiễm trùng da, bội nhiễm da.

Các triệu chứng về da có thể tự hết sau vài ngày, vài tuần, nhưng cơ chế gây bệnh rất phức tạp, không thể chữa khỏi hoàn toàn do có thể tác phát bất cứ lúc nào khi điều kiện gây bệnh thuận lợi.

Triệu chứng đường hô hấp trên

Các triệu chứng kèm theo với dị ứng thời tiết bà bầu có thể là: Ho, hắt xì hơi, ngứa cổ họng, chảy nước mũi, ngứa mũi, khò khè, khó thở,… Nếu tình trạng khò khè, khó thở diễn ra nhiều cần tới gặp bác sĩ để sàng lọc bệnh hen.

Các triệu chứng trên liên quan đến cơ chế phản ứng miễn dịch của cơ thể và có thể tiến triển nặng lên nếu không khắc phục kịp thời. 

Dị ứng thời tiết khi mang thai: Nguyên nhân, cách điều trị 2 Dị ứng thời tiết ở bà bầu khá phổ biến

Tuỳ vào cơ địa của mỗi người và khả năng phản ứng miễn dịch của các mẹ bầu mà mức độ các triệu chứng gặp phải là khác nhau.

Dị ứng thời tiết ở bà bầu có nguy hiểm không?

Tình trạng bệnh thường ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mẹ và bé, mà chủ yếu gây cảm giác khó chịu cho mẹ bầu. Tuy vậy, một số ít trường hợp dị ứng thời tiết sẽ mang đến những bất lợi cho mẹ và bé, bao gồm:

  • Nguy cơ mẹ: Nguy cơ sảy thai sinh non, viêm da, nhiễm trùng, bội nhiễm, thiếu máu sau sinh, nặng có thể sốc phản vệ, suy hô hấp, tử vong. Nổi mẩn ở vùng cơ quan sinh dục có thể gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục vào bên trong tử cung gây nhiễm khuẩn ối…
  • Nguy cơ trẻ: Đẻ non tháng, ngạt trong tử cung, suy hô hấp sơ sinh, nguy cơ nhiễm bệnh dị ứng thời tiết cao. Khi kháng thể của mẹ qua nhau thai truyền vào, có thể gây ra các dị tật bẩm sinh cho trẻ.

Điều trị dị ứng thời tiết khi mang thai

Phụ nữ có thai bị viêm da cơ địa, việc điều trị bằng thuốc cần phải được kiểm soát một cách chặt chẽ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu là tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ thời tiết. Cách điều trị bao gồm: Dùng Tây y và các bài thuốc Đông y.

Chữa dị ứng thời tiết bà bầu bằng Tây y

Thuốc Tây không được khuyến khích cho các mẹ bầu, nhưng vẫn có thể sử dụng một số loại thuốc:

  • Thuốc kháng Histamin:Các thuốc kháng Histamin thế hệ I, II nhóm B đều có thể sử dụng cho phụ nữ có thai, như là: Chlorpheniramine, cetirizine, levocetirizine, loratadine,…
  • Thuốc Corticoid: Nên được sử dụng cân nhắc theo chỉ định của bác sĩ vì nó gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Để an toàn cho thai nhi, nên tránh dùng corticoid đường uống, tiêm truyền cho bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu. 
  • Điều trị triệu chứng: Để giảm khó chịu của các triệu chứng bệnh, người bệnh nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch mũi và dịch mũi, loại bỏ các yếu tố gây bệnh qua đường mũi. Súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch nước súc miệng thảo dược để làm sạch khoang họng. 
Dị ứng thời tiết khi mang thai: Nguyên nhân, cách điều trị 3 Dùng thuốc chữa dị ứng thời tiết khi mang thai

Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc, vì có thể gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng nguy hiểm tới cả mẹ và thai nhi. Thay vào đó, mẹ bầu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và kiểm soát bệnh tốt nhất. 

Chữa dị ứng thời tiết bà bầu bằng Đông y

Bài thuốc giảm triệu chứng dị ứng bằng các thảo dược như:

  • Ngậm mật ong, lá húng, lá diếp cá, tỏi, lá hẹ… trị ho, ngứa họng.
  • Tắm trà xanh giảm ngứa, viêm nhiễm.
  • Đắp khoai tây khi bị dị ứng.

Cải thiện và ngăn ngừa dị ứng thời tiết khi mang thai bằng thực phẩm

Mật ong nguyên chất

Mật ong được biết đến là nguyên liệu tự nhiên giúp tăng cường chất dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh như: Giảm ho, long đờm, giảm ngứa họng, chống oxy hóa,... Một số bài thuốc trị ho hiệu quả từ mật ong như: Tỏi ngâm mật ong, quất - mật ong, mật ong hấp lá hẹ,... giúp giảm triệu chứng rất hiệu quả.

Dị ứng thời tiết khi mang thai: Nguyên nhân, cách điều trị 4 Mật ong nguyên chất cải thiện dị ứng ở bà bầu

Giấm táo

Giấm táo là một phương thuốc tự nhiên giúp cải thiện hắt hơi thường xuyên, nghẹt mũi, ngứa mắt,... Lời khuyên cho bạn nên dùng 1-2 muỗng canh mỗi ngày giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường đề kháng.

Gừng

Khi bị dị ứng thời tiết thường rất khó chịu, gừng có thể giúp giảm các triệu chứng này một cách tự nhiên. Nó có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa cao. Bạn có thể sử dụng gừng để chế biến các thức ăn hàng ngày.

Trái cây có múi

Bên cạnh cung cấp Vitamin C giúp tăng cường đề kháng cho cơ thể, trái cây giúp cung cấp nước, chất xơ dồi dào, giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giảm cholesterol trong máu. Vì vậy, trong thời điểm thay đổi thời tiết, hãy tăng cường bổ sung các loại trái cây như cam, bưởi, chanh và quả mọng.

Tóm lại, dị ứng thời tiết khi mang thai khá phổ biến. Dù gây nhiều khó chịu và mất thẩm mỹ cho bà bầu nhưng có thể sử dụng các phương pháp để điều trị hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý, với phụ nữ mang thai khi sử dụng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ để an toàn cho cả mẹ và bé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm