Sau đây là một vài triệu chứng phổ biến gây ra bởi ung thư và việc điều trị ung thư kèm theo các cách điều trị hay kiểm soát chúng.
Biếng ăn
Biếng ăn là một trong số những vấn đề phổ biến ở bệnh nhân ung thư.
Biếng ăn khi điều trị ung thư là rất phổ biến
Ăn uống trong không gian yên tĩnh, thoải mái và vận động thường xuyên có thể cải thiện khẩu vị. Những điều sau đây có thể hữu ích:
- Ăn bữa ăn nhỏ giàu đạm, năng lượng mỗi 1 – 2 giờ thay vì 3 bữa ăn chính. Những thức ăn giàu năng lượng và giàu đạm có thể lựa chọn là:
- Pho mát và bánh quy;
- Bánh nướng xốp;
- Bánh pudding;
- Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng (đạm, chất khoáng và vitamin);
- Sữa chua;
- Kem;
- Sữa bột;
- Bánh ngọt;
- Chocolate (Sô cô la).
- Bổ sung năng lượng và đạm cho thực phẩm với bơ, váng sữa hay đường.
- Bổ sung thức ăn lỏng như súp, sữa, nước hoa quả, nước ép, sinh tố nếu khó khăn khi ăn các thức ăn đặc.
- Ăn bữa sáng với lượng năng lượng và đạm bằng 1/3 lượng cần thiết của một ngày.
- Ăn nhẹ với thức ăn giàu năng lượng và đạm.
- Ăn những thực phẩm có mùi vị hấp dẫn. Có thể tránh những mùi mạnh bằng cách:
- Sử dụng túi luộc hoặc túi hấp cho lò vi sóng.
- Nướng ngoài trời không đậy kín lò.
- Sử dụng quạt trong lúc nấu ăn.
- Ăn thức ăn nguội thay vì nóng để giảm bớt mùi do hơi nóng bốc lên.
- Thay trang phục để loại bỏ mùi thức ăn trước khi vào phòng bệnh.
- Nên dùng thức ăn chế biến sẵn mang đi.
- Chế biến thức ăn với công thức, mùi vị, gia vị với thành phần và độ đặc khác nhau để tăng khẩu vị, tránh nhàm chán. Sự ưa thích thức ăn có thể thay đổi theo ngày.
- Lên thực đơn trước khi chuẩn bị bữa ăn.
- Nấu và trữ lượng nhỏ thực phẩm yêu thích để luôn sẵn sàng lúc đói bụng.
Thay đổi khẩu vị
Những sự thay đổi vị giác và khô miệng có thể xảy ra do xạ trị, những vấn đề nha khoa, loét miệng và nhiễm trùng hoặc do một số thuốc. Nhiều bệnh nhân hóa trị cảm thấy vị đắng hoặc thay đổi mùi vị và họ thường đột ngột không thích một số thực phẩm nhất định. Điều này có thể gây ra chán ăn, sút cân và giảm chất lượng cuộc sống.
Những sự thay đổi vị giác và khô miệng có thể xảy ra do xạ trị, hóa trị
Một số hoặc tất cả các loại vị giác có thể bình thường trở lại, nhưng việc này có thể mất đến một năm sau khi kết thúc điều trị. Những điều sau đây có thể hữu ích:
- Ăn nhiều bữa nhỏ và ăn nhẹ nhiều lần trong ngày.
- Ăn uống khi đói hơn là theo bữa ăn.
- Ăn các loại thực phẩm yêu thích và thử thức ăn mới khi cảm thấy tốt nhất.
- Ăn thịt gia cầm, cá, trứng và pho mát thay vì thịt đỏ.
- Ăn trái cây chua (cam, quýt, chanh, bưởi) trừ khi bị loét miệng.
- Thêm gia vị và nước sốt vào thức ăn.
- Ăn thịt với sốt ngọt, chẳng hạn như nước sốt việt quất, mứt hoặc táo.
- Sử dụng nguồn đạm thực vật hay ăn món chay.
- Sử dụng giọt chanh không đường, kẹo cao su hoặc kẹo bạc hà nếu có vị kim loại hoặc vị đắng trong miệng.
- Súc miệng bằng nước trước khi ăn.
- Ăn với gia đình và bạn bè.
- Để những người khác chuẩn bị bữa ăn.
- Sử dụng dụng cụ bằng nhựa nếu thực phẩm có hương vị kim loại.
Dùng viên kẽm sulfat trong khi xạ trị đầu mặt cổ có thể giúp khôi phục vị giác nhanh hơn sau khi điều trị.
Khô miệng
Khô miệng thường do xạ trị đầu mặt cổ và do một số loại thuốc. Khô miệng có thể ảnh hưởng đến giọng nói, mùi vị và khả năng nuốt, sử dụng răng giả hoặc việc mắc cài chỉnh nha. Ngoài ra nó còn tăng nguy cơ sâu răng và các bệnh về nướu (lợi) do ít nước bọt để làm sạch bề mặt răng và nướu răng.
Điều trị chính cho khô miệng là uống nhiều chất lỏng. Những cách khác giúp giảm khô miệng bao gồm:
- Luôn mang theo nước.
- Ăn các loại thực phẩm ẩm với nước sốt thêm, nước thịt, bơ động vật hoặc thực vật.
- Ăn các loại thực phẩm và nước uống rất ngọt hay rất chua (để tăng tiết nước bọt).
- Ăn tráng miệng được làm lạnh (như nho lạnh, kem).
- Uống trái cây nghiền thay vì nước ép trái cây.
- Mút ngậm kẹo cứng hay nhai kẹo cao su.
- Sử dụng ống hút để uống nước.
- Chải răng (bao gồm cả răng giả) và súc miệng ít nhất bốn lần một ngày (sau khi ăn và trước khi đi ngủ). Không sử dụng nước súc miệng chứa cồn.
Loét miệng và các loại nhiễm trùng
Loét miệng có thể gây ra bởi hóa trị và xạ trị. Các phương pháp điều trị này tác động đến các tế bào phát triển nhanh như tế bào ung thư. Tuy nhiên các tế bào bình thường trong miệng có thể bị cũng bị ảnh hưởng do chúng cũng phát triển nhanh. Loét miệng có thể gây đau, bị nhiễm trùng hoặc chảy máu và làm ăn uống trử nên khó khăn. Bằng cách lựa chọn loại thực phẩm phù hợp và chăm sóc răng miệng tốt, việc ăn uống sẽ được cải thiện. Những lời khuyên sau đây giúp cải thiện vấn đề này:
- Ăn thức ăn mềm dễ nhai và nuốt, ví dụ như:
- Trái cây mềm như chuối, táo xay, dưa hấu;
- Phô mai;
- Khoai tây nghiền;
- Mỳ ống và pho mát;
- Bánh bông lan và pudding;
- Gelatin (thạch hay đông sương);
- Nước ép trái cây (đào, lê,…);
- Trứng bác (scrambled eggs);
- Bột yến mạch hoặc những loại ngũ cốc nấu chín khác.
- Tránh ăn uống những thực phẩm sau:
- Trái cây và nước trái cây chua (như cam, quýt, chanh và bưởi);
- Thực phẩm cay hay mặn;
- Các loại thực phẩm khô hoặc cứng: rau sống, yến mạch khô, bánh mì nướng và bánh quy giòn.
- Sử dụng một máy xay sinh tố để làm mịn rau (như khoai tây, đậu Hà Lan, cà rốt) và các loại thịt.
- Thêm nước thịt, nước dùng, hoặc nước sốt vào thực phẩm.
- Bổ sung đồ uống nhiều calo, giàu protein vào bữa ăn.
- Nấu thực phẩm cho đến khi chín mềm.
- Ăn thức ăn lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng thay cho thức ăn ấm nóng để tránh kích ứng niêm mạc miệng.
- Cắt thức ăn thành miếng nhỏ.
- Sử dụng ống hút để uống nước.
- Làm tê miệng với thức ăn, đồ uống lạnh trước khi ăn.
- Chải răng (bao gồm cả răng giả) và súc miệng ít nhất bốn lần một ngày (sau khi ăn và trước khi đi ngủ).
Buồn nôn
Buồn nôn do điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến lượng và loại thực phẩm ăn vào. Những lời khuyên giúp bệnh nhân ung thư kiểm soát buồn nôn:
- Ăn trước khi điều trị ung thư.
- Súc miệng sạch trước và sau khi ăn.
- Ăn các thực phẩm nhạt, mềm, dễ tiêu hóa, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Ăn các loại thực phẩm khô như bánh quy giòn, bánh mì que hoặc bánh mì nướng suốt cả ngày.
- Từ từ uống từng ngụm chất lỏng suốt cả ngày.
- Ngậm kẹo cứng như kẹo bạc hà hoặc nhỏ vài giọt chanh nếu miệng có cảm giác mùi khó chịu.
- Tránh các loại thực phẩm có khả năng gây buồn nôn như các loại thực phẩm nhiều gia vị, có dầu mỡ hay có mùi mạnh.
- Ngồi hoặc nằm ngả lưng trong một giờ sau khi ăn.
- Không ăn trong một căn phòng có mùi nấu ăn hay nhiệt độ cao. Giữ cho không gian sống ở nhiệt độ thoải mái với rất nhiều không khí trong lành.
Tiêu chảy
Phương pháp điều trị ung thư, phẫu thuật dạ dày, ruột hoặc căng thẳng cảm xúc có thể gây ra tiêu chảy. Tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải (hạ natri, kali – những khoáng chất quan trọng trong máu).
Tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải
Những lời khuyên giúp bệnh nhân ung thư kiểm soát tiêu chảy:
- Ăn canh, súp, chuối và hoa quả đóng hộp hay nước uống thể thao để giúp thay thế natri và kali bị mất do tiêu chảy.
- Uống nhiều chất lỏng trong ngày. Chất lỏng ở nhiệt độ phòng thường tốt hơn chất lỏng nóng hoặc lạnh.
- Uống ít nhất một cốc nước sau mỗi lần tiêu chảy.
- Tránh những thực phẩm sau:
- Thực phẩm béo, chất lỏng nóng hoặc lạnh hay cà phê.
- Loại thực phẩm nhiều chất xơ (như đậu khô) và các loại rau họ cải (như bông cải xanh, súp lơ, cải bắp).
- Sữa và các sản phẩm từ sữa, cho đến khi tìm được nguyên nhân tiêu chảy.
- Thực phẩm và đồ uống tạo hơi (như đậu Hà Lan, đậu lăng, rau họ cải, kẹo cao su và soda).
- Kẹo không đường hoặc kẹo cao su từ sorbitol.
Số lượng bạch cầu thấp và các loại nhiễm trùng
Xạ trị, hóa trị hoặc bệnh ung thư có thể làm giảm số lượng bạch cầu và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Những lời khuyên sau giúp bệnh nhân ung thư ngăn ngừa nhiễm trùng khi số lượng tế bào bạch cầu thấp:
- Không nên ăn:
- Trứng hoặc cá sống.
- Trái cây và rau quả đã cũ, mốc hoặc hư hỏng.
- Thức ăn bán dạo để trong thùng hay hộp không đóng kín.
- Rau tươi ở các tiệm ăn ngoài.
- Rửa tay thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn.
- Rã đông thực phẩm trong tủ lạnh hoặc lò vi sóng. Không bao giờ rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng. Thực phẩm cần được chế biến ngay sau khi rã đông.
- Giữ thức ăn nóng ở nhiệt độ nóng và thức ăn lạnh ở nhiệt độ lạnh.
- Nấu chín hoàn toàn tất cả các loại thực phẩm.
- Giữ lạnh những đồ ăn thừa trong vòng 2 giờ sau khi nấu và ăn chúng trong vòng 24 giờ.
- Mua thực phẩm đóng gói đúng khẩu phần, tránh để thức ăn thừa.
- Không mua hoặc ăn thức ăn quá hạn sử dụng.
- Không mua hoặc ăn thực phẩm đóng hộp bị phồng, sứt mẻ hoặc hư hỏng.
Mất nước
Cơ thể cần nhiều nước để thay thế chất dịch bị mất mỗi ngày. Bệnh nhân có thể không ăn và uống đủ lượng nước cần thiết do buồn nôn, nôn và đau. Tiêu chảy kéo dài gây mất chất lỏng từ cơ thể. Một trong những dấu hiệu đầu tiên của mất nước là cảm giác rất mệt mỏi. Những lời khuyên sau đây giúp bệnh nhân ung thư ngăn ngừa mất nước:
- Uống 8 – 12 ly chất lỏng mỗi ngày. Chúng có thể là nước, nước trái cây, sữa hoặc các loại thực phẩm có nhiều chất lỏng như kem và thạch (gelatin).
- Không nên dùng đồ uống có cà phê như nước ngọt, cà phê và trà (cả nóng và lạnh)
- Luôn mang theo một chai nước và uống ngay cả khi không khát.
- Uống nhiều chất lỏng nhất vào giữa các bữa ăn.
- Sử dụng các loại thuốc giúp ngăn ngừa và điều trị buồn nôn và nôn.
Táo bón
Nguyên nhân gây ra táo bón
Táo bón (dưới 3 lần đi tiêu (đại tiện) trong một tuần) rất phổ biến ở những bệnh nhân ung thư, gây ra bởi những điều sau đây:
- Quá ít nước hoặc chất xơ trong chế độ dinh dưỡng.
- Ít vận động.
- Điều trị ung thư, như hóa trị.
- Một số loại thuốc dùng để điều trị các tác dụng phụ của hóa trị như buồn nôn và đau.
Ngăn ngừa và điều trị táo bón là một phần của chăm sóc bệnh ung thư.
Táo bón rất phổ biến ở những bệnh nhân ung thư
Để ngăn ngừa táo bón
- Ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều chất xơ. 25 – 35 gram chất xơ mỗi ngày là tốt nhất. Nhãn thực phẩm thường ghi rõ lượng chất xơ trong khẩu phần. (Một số nguồn chất xơ được liệt kê dưới đây.) Thêm chất xơ dần dần mỗi ngày và uống nhiều nước cùng một lúc để giúp các sợi xơ di chuyển dễ dàng trong ruột.
- Uống 8 – 12 ly nước mỗi ngày. Có thể uống nước, nước mận, nước ấm, nước chanh, và các loại trà không chứa cà phê (caffeine).
- Đi bộ và tập thể dục thường xuyên với giày thể dục phù hợp.
Để điều trị táo bón
- Tiếp tục ăn các loại thực phẩm nhiều chất xơ và uống nhiều nước. Hãy thử thêm cám lúa mì vào khẩu phần ăn; bắt đầu mỗi ngày với 2 muỗng canh trong 3 ngày, sau đó tăng thêm 1 muỗng mỗi ngày cho đến khi táo bón thuyên giảm. Không dùng quá 6 muỗng canh mỗi ngày.
- Tăng cường tập thể dục và hoạt động thể chất.
- Sử dụng các loại thuốc không cần bác sĩ kê đơn, nếu cần thiết. Chúng bao gồm:
- Các chất giúp phân tạo khối (như Citrucel, Metamucil, Fiberall và Fiber-Lax).
- Các chất kích thích (như Dulcolax và Senokot).
- Các chất làm mềm phân (như Colace và Surfak).
- Chất làm tăng thẩm thấu (như sữa Magiê).
- Có thể dùng hạt bông và bình phun thụt. Không sử dụng chất bôi trơn như dầu khoáng vì chúng có thể ngăn cản sự hấp thu các dưỡng chất quan trọng cho cơ thể.
Nguồn thực phẩm chứa chất xơ bao gồm
- Các loại đậu (đậu và đậu lăng);
- Các loại rau quả;
- Ngũ cốc lạnh (nguyên hạt hoặc cám);
- Ngũ cốc nóng;
- Trái cây;
- Bánh mì nguyên hạt.
Thủy Phan
Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com