Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Điều trị và phòng tránh mắt bị lông quặm hiệu quả

Ngày 23/01/2024
Kích thước chữ

Mắt bị lông quặm là bệnh lý do lông mi mọc ngược bất thường, thay vì mọc ra bên ngoài, lông mi mọc ngược lại hướng vào trong mắt. Lông mi quặm có thể gây đau và kích ứng cho mắt. Hơn nữa mắt bị lông quặm không được điều trị có thể làm hỏng mắt của bạn.

Mắt bị lông quặm có thể khiến mắt bị đau hoặc kích ứng. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến các triệu chứng khi mắt bị lông quặm, cách điều trị và phòng ngừa tình trạng này tái diễn.

Triệu chứng của mắt bị lông quặm

Mắt bị lông quặm là một vấn đề về mí mắt phổ biến. Tình trạng này xảy ra khi lông mi mọc không đúng cách và hướng vào trong thay vì hướng ra ngoài như bình thường. Lông mi mọc sai hướng có thể mọc khắp mí mắt hoặc chỉ mọc ở một vùng nhỏ. Lông mi mọc bất thường có thể cọ xát vào giác mạc, kết mạc và bề mặt bên trong của mí mắt, gây kích ứng mắt.

Điều trị và phòng tránh mắt bị lông quặm hiệu quả 1
Mắt bị lông quặm gây khó chịu do lông mi chọc vào mắt

Triệu chứng của mắt bị lông quặm có thể giống với các vấn đề về mắt khác, nhưng tình trạng kích ứng sẽ kéo dài hơn cho đến khi chúng ta loại bỏ được lông bị mọc ngược làm xước giác mạc. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Chảy nước mắt;
  • Đỏ mắt;
  • Ngứa mắt và mí mắt;
  • Chảy chất nhầy, chảy mủ;
  • Sưng mí mắt;
  • Nhạy cảm với ánh sáng do giác mạc bị tổn thương;
  • Viêm nang lông mi hoặc mí mắt;
  • Cảm giác khó chịu trong mắt;
  • Đôi khi nhìn mờ;
  • Cảm giác cộm mắt, như có dị vật bên trong;
  • Loét giác mạc trong trường hợp nặng.
Điều trị và phòng tránh mắt bị lông quặm hiệu quả 2
Lông mi mọc ngược khiến mắt bị đỏ thường xuyên

Nguyên nhân gây ra tình trạng mắt bị lông quặm

Mắt bị lông quặm có thể phát triển do vấn đề về mặt giải phẫu, do tình trạng bẩm sinh, do mắc các bệnh lý về mắt hoặc đơn giản là do lão hóa. Trong đó:

  • Mí mắt đảo ngược: Là tình trạng mép mí mắt của bạn cuộn vào trong về phía mắt, kéo theo các sợi mi hướng vào mắt bạn. Đây là tình trạng thường liên quan đến viêm bờ mi, một tình trạng viêm do tuyến dầu gặp trục trặc, để lại cặn dầu và mảnh vụn trong mắt bạn.
  • Chấn thương ở mắt: Gây ảnh hưởng đến lông mi của bạn, bao gồm cả việc khiến lông mi mọc ngược.
  • Bệnh zona ở mắt: Điều này khiến tất cả các cấu trúc phía trước mắt của bạn bị viêm. Kết quả là lông mi mọc ngược thường xuyên.
  • Mụn lẹo trên mí mắt của bạn: Làm tăng nguy cơ mắt bị lông quặm ở tuổi trưởng thành.
  • Epiblepharon: Là một chứng rối loạn bẩm sinh khiến mí mắt của bạn bị gấp lại do có quá nhiều da ở vùng mí mắt. Tình trạng này khiến lông mi mọc theo chiều dọc, mọc ngược vào bên trong.
  • Bệnh vảy nến: Có thể dẫn đến viêm mắt gọi là viêm màng bồ đào. Viêm mí mắt thường khiến vùng da mỏng manh ở đó khi bị sưng tấy sẽ cuộn vào trong, kéo theo lông mi quặm vào mắt.
  • Lão hóa: Khiến làn da của bạn thường trở nên mỏng hơn và kém săn chắc hơn. Điều này có thể dẫn đến mí mắt bị cuốn vào trong và khiến lông mi cọ vào giác mạc.
  • Bị nhiễm trùng mắt: Có thể gây ra tình trạng mắt bị lông quặm. Nhiễm trùng cần được chăm sóc, điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị và phòng tránh mắt bị lông quặm hiệu quả 3
Bệnh lý về mắt có thể khiến mắt bị lông quặm

Điều trị lông mi mọc ngược

Nếu bạn không điều trị mắt bị lông quặm, nó sẽ tiếp tục gây khó chịu và thậm chí có thể làm hỏng mắt của bạn. Bạn có thể tự mình loại bỏ lông mi mọc ngược tại nhà hoặc đến bệnh viện để thực hiện thủ thuật:

  • Nhổ lông mi: Phương pháp điều trị đầu tiên khi mắt bị lông quặm là nhổ đi những sợi lông mi mọc ngược vào trong. Bạn có thể thực hiện điều này tại nhà với một chiếc nhíp. Tuy nhiên nếu tình trạng lông mọc ngược tái diễn liên tục thì bạn nên đến bệnh viện để điều trị dứt điểm nguyên nhân gây ra.
  • Điều trị nhiễm trùng: Phương pháp này phù hợp với trường hợp lông mi mọc sai hướng do nhiễm trùng mắt như viêm bờ mi. Trong trường hợp này, việc điều trị nhằm mục đích ngăn ngừa tái phát và có thể ngăn ngừa nhiễm trùng, kiểm soát và giảm triệu chứng thông qua sự kết hợp giữa chườm nóng và vệ sinh mắt.
  • Phẫu thuật triệt lông mi và nang lông: Dùng điện phân để triệt lông mi nhưng có thể gây đau đớn và khó khăn cho bác sĩ khi thực hiện thủ thuật.
  • Phẫu thuật tái định vị lông mi và nang lông: Bác sĩ thực hiện gắn lại co rút mi dưới giúp chỉnh sửa lại tình trạng quặm mi theo chiều ngang.
Điều trị và phòng tránh mắt bị lông quặm hiệu quả 4
Nhổ lông mi mọc ngược

Nếu không được điều trị, mắt bị lông quặm có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng về mắt, gây ra nhiều tổn thương cho mắt của bạn. Nếu bạn bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mắt kháng sinh và thuốc chống viêm để giúp làm sạch và ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn.

Phòng ngừa

Mắt bị lông quặm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Với nguyên nhân bẩm sinh thì chúng ta không thể phòng ngừa được nhưng với các nguyên nhân khác việc chăm sóc mắt sẽ giúp giảm nguy cơ lông mi mọc ngược. Các biện pháp chăm sóc sức khỏe mắt có thể giúp ngăn ngừa lông mi mọc ngược bao gồm:

  • Giữ cho khuôn mặt của bạn luôn sạch sẽ;
  • Hạn chế dụi mắt, tác động mạnh vào mắt;
  • Tẩy trang sạch sau khi trang điểm mắt;
  • Sử dụng các sản phẩm sữa rửa mặt và dầu gội dịu nhẹ, không gây kích ứng cho mắt khi dùng;
  • Dùng nước sạch rửa mặt;
  • Nên đi khám mắt định kỳ;
  • Bổ sung vitamin A qua thực phẩm như cà rốt, rau xanh giúp tăng cường sức khỏe đôi mắt;
  • Khi mắc các bệnh lý về mắt, nên tích cực điều trị tránh xảy ra các biến chứng khác;
  • Khi đi ra ngoài nên đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi dị vật ngoài môi trường;
  • Lông mi có vòng đời khoảng 3 tháng, nếu tình trạng mắt bị lông quặm tái phát, hãy đi khám mắt để được điều trị kịp thời.

Mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngăn chặn mắt bị lông quặm xảy ra nhưng việc chăm sóc mắt có thể giúp hạn chế khả năng phát triển bệnh. Nếu bạn thường xuyên bị lông mi mọc ngược, hãy đến bệnh viện mắt để kiểm tra. Bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp giúp căn bệnh không quay trở lại. Nên nhớ lông mi mọc ngược là một vấn đề phổ biến. Nếu lông mi mọc ngược không được điều trị, bạn có thể cảm thấy khó chịu kéo dài và thậm chí có thể làm hỏng mắt.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin