Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đo điện não đồ và những điều bạn cần biết

Ngày 26/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đo điện não đồ (EEG) là một trong các phương pháp chẩn đoán quan trọng và phổ biến trong lĩnh vực não - thần kinh. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về EEG để không còn quá hoang mang lo lắng khi bác sĩ chỉ thực hiện xét nghiệm này.

Đo điện não đồ (EEG) là một trong những xét nghiệm chính để chẩn đoán bệnh động kinh và các rối loạn chức năng não khác. Đây là kỹ thuật thông qua điện cực được gắn vào da đầu ghi lại hoạt động điện của vỏ não. Dựa trên những tín này giúp phát hiện nhanh chóng dấu hiệu bất thường trong hoạt động của não nếu có. Để hiểu rõ hơn về phương pháp này, hãy cùng tìm hiểu bài viết sau đây nhé!

Phương pháp đo điện não đồ là gì? Có gây hại không? 

Đo điện não đồ EEG (hay tên đầy đủ là Electroencephalogram) là một kỹ thuật được dùng để kiểm tra những bất thường của não thông qua hoạt động điện và các sóng trong não bộ. Trong phương pháp này, một đĩa nhỏ bằng kim loại nối với dây điện cực sẽ được đặt lên da đầu bệnh nhân để thu tín hiệu và sau đó truyền đến một máy tính, ghi lại kết quả.

Hoạt động điện não đồ bình thường sẽ được biểu hiện thông qua mô hình. Vì thế, dựa trên đây bác sĩ có thể tìm thấy các dấu hiệu bất thường dẫn đến cơn co giật hoặc những vấn đề liên quan đến rối loạn hoạt động điện khác của não bộ.

Nhiều người nghe đến đo điện não đồ thì rất lo lắng, tuy nhiên đây được xem là một kỹ thuật an toàn và có nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh. Đồng thời, cũng không có dòng điện nào được truyền vào cơ thể bạn khi tiến hành bài kiểm tra này mà bản chất đây là chỉ cách thức giúp ghi lại hoạt động điện của vỏ não, để phát hiện những vấn đề bất thường (nếu có). 

đo điện não 1

Đo điện não đồ là một kỹ thuật an toàn và không gây đau

Đo điện não đồ được chỉ định khi nào? 

Đo điện não đồ là một phương pháp đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các vấn đề rối loạn hoạt động ở vỏ não ở các bệnh lý thần kinh. Nhờ vào kết quả mô hình EEG, bác sĩ có thể phát hiện sớm và tầm soát các bệnh lý não - thần kinh (nếu có). Vì thế, nó được chỉ định phổ biến trong các trường hợp: 

  • Chẩn đoán và theo dõi các dấu hiệu, biểu hiện của các rối loạn thần kinh, điển hình nhất là động kinh
  • Hỗ trợ chẩn đoán tình trạng chết não. 
  • Đánh giá mức độ tỉnh thức của người bệnh khi gây mê. 
  • Theo dõi chức năng não trong các bệnh lý như: Các chấn thương ảnh hưởng đến phần đầu, bệnh u não, rối loạn chức năng não, rối loạn giấc ngủ, bệnh nhân bị sa sút trí tuệ,...

Quy trình thực hiện 

Để thực hiện đo điện não đồ một cách an toàn và chính xác, bạn cần nắm rõ quy trình thực hiện kỹ thuật này cũng như những bước chuẩn bị trước khi tiến hành đo điện não. 

Trước khi đo điện não đồ, cần chuẩn bị những gì? 

Khi đã xác định cần đo điện não đồ và có ngày đo cụ thể, người bệnh cần phải:

  • Gội đầu sạch sẽ trước khi kiểm tra. Nhưng lưu ý không nên dùng các loại dầu gội hay sản phẩm dưỡng tóc giúp mượt tóc, giữ nếp tóc,...
  • Không nên uống cà phê trước khi đo điện não đồ. 
  • Nếu có sử dụng thuốc hoặc máy tạo nhịp, hãy thông báo trước vào bác sĩ. 
  • Những trường hợp cần đo điện não đồ giấc ngủ thì bệnh nhân cần phải thức khuya và dậy sớm đồng thời không được ngủ trong quá trình chờ đo. 

Quy trình kiểm tra điện não đồ thường quy 

Quy trình điện não đồ thường quy thường diễn ra trong khoảng 20 phút. 

Khi bắt đầu, kỹ thuật viên sẽ đo và xác định vị trí đặt các điện cực trên da đầu của bệnh nhân. Một loại kem chuyên dụng có thể được bôi trên da đầu người bệnh để cải thiện chất lượng ghi nhận tín hiệu. Sau khi các đĩa điện cực được đặt đúng vị trí, quá trình kiểm tra bắt đầu. 

Khi quá trình đo điện não đồ diễn ra, bệnh nhân cần nhắm mắt và nằm ở tư thế thoải mái, thư giãn trong vòng 3-4 phút. Sau đó, bệnh nhân thực hiện nghiệm pháp nhắm mở mắt bằng cách mở mắt trong 10 giây rồi nhắm lại. Nghỉ khoảng 5 phút sau đó tiếp tục thực hiện nghiệm pháp hít thở sâu (nhằm làm tăng thông khí) trong 3 phút. 

Tiếp sau những nghiệm pháp trên là quá trình kích thích ánh sáng. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số phép tính đơn giản, đọc một đoạn văn hay nhìn vào ánh đèn nhấp nháy,...Tất cả các chuyển động của cơ thể lúc này sẽ được ghi hình lại và kết hợp bản ghi này với điện não đồ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh dễ dàng hơn. 

Kết thúc quá trình đo điện não đồ, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhắm mở mắt thêm 1 lần cuối cùng. Bệnh nhân sẽ ít hoặc không cảm thấy khó chịu khi thực hiện bài kiểm tra này bởi các điện cực không truyền đến bất kỳ cảm giác nào. 

đo điện não 2

Điện não đồ giúp bác sĩ biết được mô hình hoạt động điện của vỏ não

Ý nghĩa của các nghiệm pháp hoạt hóa thường quy 

Các nghiệm pháp hoạt hóa thường quy là những nghiệm pháp nhằm khơi gợi các hoạt động dạng động kinh, được thực hiện ở những người nghi ngờ bị động kinh. 

Nghiệm pháp tăng thông khí (hay còn gọi là nghiệm pháp hít thở sâu) - Hyperventilation có thời gian thực hiện là 3 phút. Lưu ý không thực hiện nghiệm pháp này ở những bệnh nhân có bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não nặng hoặc người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Nghiệm pháp kích thích ánh sáng - Photic stimulation. Ban đầu bác sĩ sẽ điều chỉnh tần số kích thích cho bệnh nhân là 3 chu kỳ/giây và về sau tăng dần đến 30 chu kỳ/giây. Khuyến cáo mỗi tần số kích thích nên duy trì 10 giây và cần khoảng 10 giây để nghỉ giữa hai tần số. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu đáp ứng co giật do ánh sáng thì bác sĩ cần dừng lại ngay. 

Nghiệm pháp gây mất ngủ - Sleep deprivation. Đây là nghiệm pháp giúp ghi lại hoạt động điện của não bộ khi ngủ, giúp tăng khả năng phát hiện động kinh. 

Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp đo điện não đồ và đừng quá lo lắng khi được chỉ định thực hiện xét nghiệm này nhé!

Quỳnh Vi 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm