Long Châu

Phổi tắc nghẽn mạn tính: Bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 1997 trên toàn thế giới đã có khoảng 600 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh được xếp hàng thứ tư trong các nguyên nhân gây tử vong và là nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ mười hai. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể dự phòng và điều trị được. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu thêm về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và cách điều trị căn bệnh này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Phổi tắc nghẽn mạn tính là gì? 

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý hô hấp mạn tính có đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn, sự cản trở thông khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó khói thuốc đóng vai trò hàng đầu. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh ngừa được và điều trị được với một số hậu quả ngoài phổi có thể góp phần vào độ nặng của từng bệnh nhân.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

  • Bệnh nhân thường đến khám vì ho, khạc đờm, khó thở.
  • Ho nhiều về buổi sáng, ho cơn hoặc ho thúng thắng, có kèm đờm hoặc không.
  • Đờm nhầy, trong, trừ đợt cấp có bội nhiễm thì màu trắng đục, xanh hoặc vàng.
  • Khó thở khi gắng sức, xuất hiện từ từ, tăng dần, giai đoạn muộn có khó thở liên tục.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Nguyên nhân chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở các nước phát triển là do hút thuốc lá. Ở các nước đang phát triển, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xảy ra ở những người tiếp xúc với khói từ nhiên liệu đốt để nấu ăn và sưởi ấm trong những ngôi nhà thông gió kém.

Chỉ một số người hút thuốc lá mãn tính mới phát triển bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rõ ràng trên lâm sàng, mặc dù nhiều người hút thuốc có tiền sử hút thuốc lâu năm có thể bị giảm chức năng phổi. Một số người hút thuốc ít phát triển các tình trạng phổi hơn. Họ có thể bị chẩn đoán nhầm là mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho đến khi thực hiện đánh giá kỹ lưỡng hơn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

Bệnh nhân tuổi thường trên 40, có tiền sử hút thuốc hoặc nghề nghiệp có tiếp xúc với khói, bụi ô nhiễm,…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Hút thuốc là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khoảng 15 – 20% số những người hút thuốc có triệu chứng lâm sàng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và có khoảng 80 – 90% các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có hút thuốc. Trẻ em trong gia đình có người hút thuốc bị các bệnh đường hô hấp với tỷ lệ cao hơn trẻ em trong gia đình không có người hút thuốc.

Yếu tố môi trường

  • Ô nhiễm môi trường: Tiếp xúc nhiều với bụi và hóa chất nghề nghiệp (hơi, chất kích thích, khói), ô nhiễm không khí trong và ngoài nhà (khói bếp do đun củi, rơm, than,…).

  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em dưới 8 tuổi gây tổn thương lớp tế bào biểu mô đường hô hấp và các tế bào lông chuyển. Nhiễm virus, đặc biệt virus hợp bào hô hấp có nguy cơ làm tăng tính phản ứng phế quản, làm cho bệnh phát triển.

Yếu tố cá thể

  • Tăng tính phản ứng của phế quản là yếu tố nguy cơ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tăng tính phản ứng phế quản gặp với tỷ lệ 8 – 14% ở người bình thường.
  • Thiếu α1-antitrypsin là yếu tố di truyền được xác định chắc chắn gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Tuổi: Người già có tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao hơn ở người trẻ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bác sĩ chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dựa vào các yếu tố: Bệnh sử, triệu chứng, khám lâm sàng và cận lâm sàng.

Bệnh sử và triệu chứng

  • Ho khạc đờm mạn tính có thể đạt mức chẩn đoán viêm phế quản mạn: 3 tháng liên tục trong 2 năm liên tiếp; thường nặng về mùa đông; trong ngày, nhiều nhất vào sáng sớm, dần dần ho cả ngày. Có khi ho không khạc đờm hay bệnh nhân có thói quen nuốt đờm.

  • Đờm thường gặp, thường nhầy (có mủ trong đợt cấp). Khó thở: Xuất hiện từ từ, lúc đầu khi gắng sức, sau đó trở thành thường xuyên; có thể kèm khò khè, đặc biệt khi gắng sức.

Khám lâm sàng

  • Trong giai đoạn muộn có lồng ngực hình thùng. Hạ sườn co rút khi thở. Khám phổi nghe thì thở ra kéo dài > 6 giây, điển hình > 9 giây, rì rào phế nang giảm hai bên, có ran phế quản.

Cận lâm sàng

  • Hô hấp ký: FEV1, FVC, VC, FEV1/ FVC giúp chẩn đoán xác định tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn. 

  • X-quang ngực: X-quang có vai trò chủ yếu là để loại trừ chẩn đoán khác. CT scan ngực hữu ích trong chẩn đoán khí phế thũng.

  • Xét nghiệm khác để lượng giá biến chứng tâm phế mạn: ECG, siêu âm tim.

  • α1-antitrypsin giúp chẩn đoán nguyên nhân trên các trường hợp COPD người trẻ.

Phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiệu quả

Các điều trị trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm dùng thuốc và không dùng thuốc.

Các điều trị không dùng thuốc

  • Giáo dục bệnh nhân về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Giáo dục có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các kết cục của bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Với việc nâng cao hiểu biết về tự xử trí đợt cấp COPD, tần suất nhập viện, khám cấp cứu và khám không định trước trên các bệnh nhân được can thiệp đều giảm có ý nghĩa. Các can thiệp khác: Thông tin về bản chất của bệnh bao gồm bệnh sinh, các yếu tố khởi phát và các yếu tố nguy cơ; cai thuốc lá; các hướng diễn tiến nặng và các quyết định cuối đời; các chiến lược làm giảm khó thở và sử dụng đúng cách các bình hít, oxy và thuốc men.

  • Giảm tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây bệnh: Cai thuốc lá, cải thiện môi trường sống – nghề nghiệp. Cai thuốc là phương tiện hữu hiệu nhất ảnh hưởng đến tiến triển tự nhiên của bệnh. Tư vấn cai thuốc lá bởi các nhân viên y tế là thành tố quan trọng nhất. Bệnh nhân COPD do khói từ các chất đốt biomass (sinh khói ví dụ như than, củi, rơm, trấu, phân,…) trong những môi trường thông khí không tốt. Cần thay đổi lối sống, ngừng tiếp xúc với khói bụi, tránh hút thuốc lá thụ động.

  • Phục hồi chức năng hô hấp: Tất cả các bệnh nhân có khó thở khi đi theo tốc độ thông thường cần đi tập phục hồi chức năng. Một chương trình phục hồi chức năng hô hấp quy mô gồm cả tập vật lý trị liệu, giáo dục bệnh nhân, chế độ dinh dưỡng,... mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân COPD.

  • Vận động: Nếu không có một chương trình phục hồi chức năng toàn diện như trên, các bệnh nhân COPD nên được khuyên tập vận động như đi bộ ít nhất 20 phút mỗi ngày.

Các điều trị dùng thuốc

  • Cho tới nay không thuốc nào chứng tỏ cải thiện tử vong hoặc giúp thay đổi đáng kể diễn tiến của bệnh. Các thuốc điều trị hiện tại giúp cải thiện triệu chứng, đợt cấp, các biến chứng,... và vì vậy cải thiện chức năng của người bệnh.

  • Các thuốc giãn phế quản là nền tảng của điều trị. Các thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn có thể chỉ định theo nhu cầu cho bệnh nhân COPD mọi giai đoạn. Berodual MDI 2 nhát xịt họng.

  • Các thuốc giãn phế quản tác dụng dài rất tốt trên bệnh nhân có FEV1 < 50% dự đoán; nên xem xét trên các bệnh nhân có FEV1 trung bình. Các thuốc giãn phế quản dạng hít nên được ưu tiên lựa chọn so với theophyline uống. Tiotropium 18 mcg 1 viên hít/ ngày.

  • Corticoid hít + kích thích beta 2 tác dụng dài được sử dụng trên bệnh nhân có FEV1 < 50% và đợt cấp thường xuyên.

  • Romiflulast có thể làm giảm đợt cấp phải dùng corticoid trên các bệnh nhân có FEV1 ≤ 50%, tiền sử có đợt cấp và viêm phế quản mạn.

Các điều trị khác

  • Tiêm chủng vắc xin ngừa cúm;

  • Oxy liệu pháp;

  • Thở máy không xâm lấn nên được chỉ định ở các bệnh nhân có suy hô hấp vì giúp cải thiện tử vong;

  • Thủ thuật đặt stent làm giảm nghẽn tắc;

  • Phẫu thuật: Có 3 loại phẫu thuật có thể áp dụng trên bệnh nhân COPD. Việc chỉ định phẫu thuật nên được tính toán kèm với tổng thời gian sống mong đợi của bệnh nhân.

Cắt các kén khí là một phẫu thuật kinh điển, có hiệu quả làm nở các phần phổi bị chèn ép, giảm khó thở, cải thiện chức năng phổi nhưng cần chỉ định cẩn thận trên các bệnh nhân COPD.

Phẫu thuật làm giảm thể tích phổi có thể được xem xét ở các bệnh nhân có khí phế thũng nặng ở thùy trên hai bên, giảm khả năng gắng sức (chứng minh qua xét nghiệm gắng sức tim – phổi) tiên lượng sống thêm trên 10 năm, không có khí phế thũng đồng nhất, DLCO ≤ 20% hoặc FEV1 ≤ 20% dù đã điều trị nội và phục hồi chức năng tối ưu vì cải thiện tử vong.

Ghép phổi được chứng tỏ cải thiện chất lượng cuộc sống trên các bệnh nhân COPD.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Tránh lạnh, bụi, khói,…

  • Cai nghiện thuốc lá, thuốc lào.

  • Vệ sinh mũi họng thường xuyên. Điều trị dự phòng các ổ nhiễm trùng tai mũi họng, răng.

  • Tiêm vắc xin phòng cúm, phòng phế cầu.

  • Giữ nơi ở vệ sinh, thoáng mát, sạch sẽ không dùng thảm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Cải thiện tình trạng dinh dưỡng: Ăn nhiều bữa nhỏ, đủ chất dinh dưỡng,…

Phương pháp phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiệu quả

  • Loại bỏ yếu tố kích thích: Không hút thuốc, tránh khói bụi nơi làm việc trong nhà, môi trường ô nhiễm.

  • Giữ gìn sức khỏe, giữ ấm vào mùa lạnh.

  • Tiêm vắc xin phòng cúm, phòng phế cầu để ngăn ngừa đợt cấp.

Nguồn tham khảo
  1. Bệnh học nội khoa, Trường đại học Y Hà Nội.

  2. https://www.healthline.com/health/copd

  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/copd/symptoms-causes/syc-20353679

Các bệnh liên quan

  1. Xơ phổi

  2. Viêm phổi do Pneumocystis jirovecii

  3. Viêm họng hạt

  4. Cúm A H3N2

  5. Bụi phổi

  6. Khàn tiếng

  7. Cơn hen phế quản

  8. Tăng áp phổi

  9. Viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP)

  10. Giun tim