Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp cấp tính, nhưng lại rất khó phân biệt với các bệnh về đường hô hấp thông thường khác. Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, cũng là lúc hệ miễn dịch của con người yếu kém, rất dễ bị virus cúm xâm nhập và gây bệnh. Theo báo cáo mới nhất của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, có rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp bao gồm cả cúm A và cúm B (cúm A chiếm 60% và cúm B chiếm khoảng 40%).
Cũng theo Bộ Y tế, hàng năm tại Việt Nam chúng ta vẫn ghi nhận từ 600.000 đến 1.000.000 ca mắc cúm mùa. Số mắc được ghi nhận quanh năm, đáng lo ngại hơn khi số ca nhiễm bệnh cúm mùa có xu hướng gia tăng vào thời điểm giao mùa như từ mùa hè sang mùa thu và từ mùa đông sang mùa xuân. Bài viết này là những thông tin mới nhất về các biện pháp phòng chống cúm mùa của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế mà bạn đọc có thể tham khảo.
Diễn biến cúm mùa đáng lo ngại hiện nay
Bệnh cúm mùa ở thể nhẹ khi sức đề kháng một người cao, có thể tự khỏi từ 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, cúm mùa khi diễn biến nặng và không được điều trị kịp thời, điều trị đúng cách có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí co giật... Cúm mùa là bệnh do virus cúm gây ra và hoàn toàn không phải do cảm cúm dân gian thông thường.
Cúm mùa khi diễn biến nặng và không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nặng như viêm phổi
Bắt đầu từ tháng 7/2022, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã ghi nhận số ca mắc cúm A tăng nhanh chóng, bao gồm cả trẻ em, người già và người lớn đang trong độ tuổi lao động. Hơn thế nữa, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu tháng 7 năm nay cũng đã ghi nhận hơn 100 ca mắc cúm A thăm khám và nhập viện để điều trị. Đáng lo ngại hơn, có những ngày tại bệnh viện phải tiếp nhận cùng lúc 20 bệnh nhân tại các khu công nghiệp cùng nhập viện một lúc do cúm A.
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua cũng đã tiếp nhận điều trị cho rất nhiều bệnh nhi mắc cúm mùa, tăng cao nhanh chóng so với cùng kỳ các năm trước. Trong đó, có rất nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng và suy hô hấp. Theo đó, có khoảng 45% trẻ mắc cúm A nhập viện trong tình trạng co giật, 6% có biểu hiện viêm não.
Tại các bệnh viện nhi hiện ghi nhận rất nhiều ca nhiễm virus cúm A & B
Đối tượng có thể nguy hiểm khi mắc cúm mùa
Cúm mùa gây bệnh có 4 type bao gồm A, B, C và D. Trong đó, cúm A chiếm 60% và cúm B chiếm khoảng 40%, rất hiếm ghi nhận trường hợp mắc cúm C và D.
Trong đó, cúm B thường ít gặp hơn so với cúm A và nếu bệnh ở thể nhẹ có thể tự khỏi trong 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, virus cúm B cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nặng như viêm phổi. Các biến chứng nặng và nghiêm trọng khác hiếm gặp hơn do virus cúm B như viêm cơ tim, viêm não và suy đa cơ quan... Dưới đây là những nhóm tuổi cần được theo dõi tích cực phụ huynh có thể tham khảo:
- Nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 5 tuổi, đặc biệt trẻ là trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi.
- Nhóm trẻ có bệnh mãn tính như: Bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, xơ gan bẩm sinh, bệnh thận, bệnh hen suyễn, bệnh phổi mãn tính, tăng áp phổi, nhóm trẻ sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, trẻ mắc các bệnh ung thư, trẻ mắc bệnh máu rối loạn chuyển hóa và trẻ béo phì thừa cân…
Ngoài ra, hầu hết bệnh nhân mắc cúm A nhẹ có thể hồi phục trong vòng 7 ngày mà không cần phải chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác bệnh cúm A có thể gây ra nhiều biến chứng nặng, đặc biệt là đối tượng người trên 65 tuổi, người mắc những bệnh mạn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch và trẻ nhỏ hơn 2 tuổi.
Người già trên 65 tuổi cũng thuộc nhóm đối tượng có thể nguy hiểm khi mắc cúm mùa
Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống cúm mùa
Để mỗi người dân chủ động hơn trong việc phòng chống bệnh cúm mùa, giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện năm biện pháp phòng chống cúm mùa dưới đây:
- Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi, sổ mũi, đau đầu, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà hãy liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và xử trí đúng cách và kịp thời.
- Nên che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc sử dụng ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Nên tuân thủ đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho và hắt hơi). Tuyệt đối không nên khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh cúm hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực và nâng cao sức khỏe.
Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống cúm mùa mà mỗi người dân nên nghiêm túc tuân thủ
Bạn đọc vừa xem qua bài viết với chủ đề đối tượng có thể nguy hiểm khi mắc cúm mùa - Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp chống cúm, hy vọng hữu ích đối với bạn đọc. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính thông qua đường hô hấp. Khi nắm được những thông tin của bệnh cúm mùa, người dân sẽ chủ động có biện pháp phòng chống hiệu quả, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội.
Hoàng Yến
Nguồn tham khảo: Tổng hợp