Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những điều bạn cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Ngày 24/04/2022
Kích thước chữ

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở thời điểm hiện tại. Để hiểu thêm về căn bệnh này, mời bạn tham khảo bài viết sau đây nhé!

COPD là một tình trạng tắc nghẽn phổi mãn tính không thể phục hồi và có diễn biến trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Nếu bệnh không được điều trị và phòng ngừa đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm như tràn khí màng phổi, suy tim, đa hồng cầu, tăng áp động mạch phổi, biến chứng thần kinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thậm chí đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

COPD là một tình trạng tắc nghẽn phổi mãn tính COPD là một tình trạng tắc nghẽn phổi mãn tính có diễn biến trở nên tồi tệ hơn theo thời gian

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh phổi viêm mãn tính do tắc nghẽn luồng không khí trong phổi. Các triệu chứng bao gồm ho, khó thở, thở khò khè và tiết chất nhầy. Nguyên nhân là do tiếp xúc lâu dài với các chất khí hoặc hạt độc hại, thường là từ khói thuốc lá. Những người bị COPD có nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư phổi và nhiều bệnh khác. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) bao gồm:

  • Khí phế thũng: Xảy ra khi tổn thương các túi khí trong phổi.
  • Viêm phế quản mãn tính: Đặc trưng bởi tình trạng tăng tiết chất nhầy phế quản, ho khạc ra đờm ít nhất 3 tháng liên tục trong năm, kéo dài 2 năm.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là căn bệnh phổ biến, chủ yếu ảnh hưởng đến những người trung niên và cao tuổi hút thuốc lá. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng họ bị COPD. Các vấn đề về hô hấp có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, việc điều trị bệnh sẽ giúp kiểm soát các biến chứng nặng.

Những yếu tố nguy cơ của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Các yếu tố được cho là làm tăng khả năng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bao gồm:

  • Tiếp xúc với khói thuốc lá: Khói thuốc vẫn là một yếu tố nguy cơ chính của COPD, đặc biệt là tiếp xúc mãn tính với khói thuốc. Nếu bạn hút thuốc càng lâu và hút càng nhiều, nguy cơ khiến bạn mắc bệnh COPD càng cao. Các dạng thuốc lá khác, chẳng hạn như tẩu, xì gà, thuốc lá điện tử và hít phải khói thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Hen suyễn: Hen suyễn, hoặc hen phế quản là yếu tố nguy cơ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Nếu một người vừa hút thuốc vừa bị hen suyễn, nguy cơ phát triển COPD sẽ tăng lên.
  • Nghề nghiệp tiếp xúc với hóa chất và khói bụi: Tiếp xúc lâu dài với khói nơi làm việc, hơi hóa chất và bụi công nghiệp có thể gây kích ứng và làm tăng tình trạng viêm phổi.
  • Tiếp xúc với khói từ quá trình đốt cháy nhiên liệu: Khói do đốt nhiên liệu đun nấu và sưởi ấm trong những ngôi nhà có hệ thống thông gió kém làm tăng khả năng mắc COPD.
  • Yếu tố di truyền: Một rối loạn di truyền hiếm gặp, thiếu hụt alpha-1-antitrypsin có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có yếu tố di truyền Yếu tố di truyền như thiếu hụt alpha-1-antitrypsin có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp thông thường. Các triệu chứng này thường nhẹ và diễn tiến chậm nên người bệnh thường không mấy quan tâm. Tuy nhiên, bệnh thường có các triệu chứng cụ thể, chẳng hạn như:

  • Ho dai dẳng hoặc cấp tính, ban đầu chỉ ho về sáng, sau đó ho nhiều hơn cả ngày lẫn đêm.
  • Ho có đờm lúc đầu loãng, sau đặc và khó khạc.
  • Khó thở, thở gấp là triệu chứng dễ nhận biết nhất nhưng thường xuất hiện ở độ tuổi 50 đến 59.
  • Có tiếng rít khi thở, đặc biệt là khi gắng thở.
  • Mệt mỏi và suy nhược giống như có ai đè lên ngực.
  • Viêm phổi.

Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng, tìm hiểu tiền sử bệnh gia đình của bạn và xác nhận xem bạn có từng tiếp xúc với các chất gây kích ứng hay không, đặc biệt là thuốc lá. Tiếp theo, họ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số bài kiểm tra để xác nhận tình hình:

  • Đo chức năng phổi: Với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đo lượng không khí bạn có thể hít vào thở ra và đánh giá xem phổi của bạn có cung cấp đủ oxy cho hệ tuần hoàn hay không.
Bác sĩ sẽ đo chức năng phổi để đánh giá xem phổi của bạn có cung cấp đủ oxy cho hệ tuần hoàn hay không Bác sĩ sẽ đo chức năng phổi để đánh giá xem phổi của bạn có cung cấp đủ oxy cho hệ tuần hoàn hay không
  • Chụp X quang ngực: Kết quả chụp X quang có thể cho biết bạn có bị khí phế thũng hay không. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể giúp loại trừ các vấn đề khác về tim và phổi.
  • Chụp CT: Chụp CT phổi có thể giúp phát hiện khí phế thũng và đánh giá xem bạn có thể phẫu thuật hay không. Nó cũng giúp tầm soát ung thư phổi.
  • Khí máu động mạch: Công nghệ này giúp đo nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu.
  • Đôi khi, bác sĩ cũng sẽ đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm khác để xác định chính xác nguyên nhân. Ví dụ, xét nghiệm di truyền để xem bạn có bị thiếu hụt alpha-1-antitrypsin hay không.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) phần lớn là một bệnh có thể phòng ngừa được. Nguy cơ mắc COPD có thể giảm đáng kể nếu người bệnh tránh hút thuốc lá như thuốc lá, thuốc lào. Do đó, nếu bạn là người hút thuốc, bạn nên bỏ thuốc lá để có thể ngăn ngừa tổn thương thêm cho phổi trước khi chúng bắt đầu gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.

Thuý Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin