Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đường có thực sự là kẻ thù của làn da không?

Ngày 03/12/2024
Kích thước chữ

Đường không chỉ gây mụn mà còn đẩy nhanh lão hóa da, khiến nếp nhăn hình thành và mất đi sự săn chắc. Nghiên cứu cho thấy glucose dư thừa trong máu phá hủy collagen và elastin, làm da kém trẻ trung. Nhưng liệu đường có thực sự là kẻ thù của làn da không, hay còn những yếu tố khác khiến da xuống cấp?

Hầu hết các bài viết về chăm sóc da đều cảnh báo rằng, đường là tác nhân hàng đầu gây mụn và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Thế nhưng, đường có thực sự là kẻ thù của làn da không? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc và hiểu rõ hơn về tác động của đường đến làn da, cùng tìm hiểu ngay nhé!

Đường có thực sự là kẻ thù của làn da không?

Theo các nghiên cứu, có 3 loại đường phổ biến và chúng đều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể nếu dùng với lượng quá nhiều. Trong đó, đường glucose thường có trong tinh bột và bánh mì được cơ thể chuyển hóa nhanh nhất, khiến mức đường huyết tăng cao. Đường fructose (loại đường từ mía, củ cải đường, hoặc ngô) hay đường trái cây không tác động nhiều đến đường huyết nhưng có thể gây tăng cân và rối loạn nội tiết tố do gan phải đảm nhận việc chuyển hóa. Còn đường sucrose (đường trắng) là sự kết hợp giữa glucose và fructose, chính là loại đường mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày.

Đường có thực sự là kẻ thù của làn da không? 3
Thực phẩm chứa đường tinh luyện có thể gây hại cho làn da

Theo chuyên gia dinh dưỡng Anupama Menon, nếu nạp đường từ các nguồn tự nhiên như trái cây (táo, dứa), mía hay mật ong với một lượng hợp lý sẽ ít gây tác động xấu cho cơ thể. Những thực phẩm này không chỉ cung cấp đường mà còn bổ sung khoáng chất và enzym giúp cơ thể hoạt động hiệu quả. Đồng thời, bác sĩ da liễu Harold Lancer cho rằng, chỉ số đường huyết (glycemic index) cũng đóng vai trò quan trọng. Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như kiwi, việt quất hay mâm xôi, giúp kiểm soát insulin và làm chậm sự gia tăng đường huyết, trái ngược với những loại như dưa hấu, vốn có chỉ số cao.

Điều thực sự gây hại cho làn da chính là thực phẩm chứa đường tinh luyện – loại đường cung cấp nhiều calo nhưng không đi kèm dưỡng chất. Chẳng hạn như, bánh mì vốn đã có sẵn đường tự nhiên, nếu được thêm đường tinh luyện sẽ khiến cơ thể hấp thụ dư thừa. Chính lượng đường không cần thiết này đã khiến đường trở thành "tội đồ" ảnh hưởng đến sức khỏe làn da.

Tuy nhiên, khi được sử dụng ngoài da thì đường lại đóng vai trò tích cực. Với đặc tính giữ ẩm tự nhiên, đường giúp hút ẩm từ môi trường và khóa độ ẩm trên da. Vì thế, các sản phẩm chăm sóc da chứa đường hoặc dẫn xuất của đường có thể hỗ trợ cấp nước, giữ cho làn da mềm mại và ngậm nước hiệu quả.

Những "thủ phạm" khác của làn da bên cạnh đường

Khi gọi món trà sữa, bạn có thể chọn mức “ít đường” hay “30% đường” để giảm bớt độ ngọt. Điều này khiến đường thường bị quy trách nhiệm cho những vấn đề của làn da. Tuy nhiên, một ly trà sữa không chỉ có đường mà các thành phần khác như sữa bò hoặc bột sữa cũng góp phần gây hại. Chúng có thể dẫn đến tình trạng mụn nội tiết hoặc kích ứng da mà nhiều người thường không để ý.

Đường có thực sự là kẻ thù của làn da không? 2
Các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh mì trắng cũng có thể gây hại cho da

Bác sĩ da liễu Joshua Zeichner cho rằng, các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh mì trắng, mì ống trắng hay khoai tây cũng là "thủ phạm" gây hại cho làn da. Những thực phẩm này không chỉ khiến cho da dễ bị nổi mụn mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc chính chúng ta dung nạp với một lượng quá lớn biến đường trở thành "tội đồ" khi bản thân nó chỉ thực sự nguy hại nếu sử dụng quá mức.

Ngoài ra, một số nhà sản xuất còn khéo léo che giấu lượng đường trong sản phẩm dưới nhiều tên gọi khác nhau. Những thành phần như syrup, mật hoa hoặc các chất kết thúc bằng “-ose” đều có thể là dạng đường. Thậm chí, hiện nay đường xuất hiện dưới hơn 50 tên gọi khác, khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng mình đã giảm đường trong khẩu phần ăn, trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại.

Làm thế nào để vừa thỏa mãn cơn thèm ngọt mà vẫn giữ da đẹp?

Để vẫn có thể vừa được tận hưởng vị ngọt yêu thích vừa duy trì làn da khỏe mạnh, tốt nhất nên ưu tiên lựa chọn những loại thực phẩm có đường tự nhiên và tiêu thụ ở mức độ hợp lý. Các loại trái cây, mật ong hay mía không chỉ cung cấp vị ngọt tự nhiên mà còn chứa các dưỡng chất, enzyme tốt cho cơ thể. Nếu bạn duy trì sự cân bằng và không tiêu thụ quá nhiều, chúng sẽ ít gây tác động tiêu cực lên làn da.

Bên cạnh đó, nên hạn chế đường tinh luyện, đặc biệt là những loại thực phẩm chứa đường bổ sung như bánh kẹo, đồ uống có ga hay đồ ăn chế biến sẵn. Theo các chuyên gia, mỗi ngày lượng đường bổ sung chỉ nên giới hạn ở mức 25 - 38 gam tùy theo giới tính. Kiểm soát lượng đường nạp vào không chỉ giúp bảo vệ da mà còn hỗ trợ sức khỏe toàn diện.

Đường có thực sự là kẻ thù của làn da không? 4
Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa đường bổ sung như bánh kẹo và đồ uống có ga

Ngoài chế độ ăn uống, làn da đẹp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như việc chăm sóc da đúng cách, hạn chế tiếp xúc với tia UV và ô nhiễm môi trường, đảm bảo giấc ngủ đủ và giảm căng thẳng. Vì vậy, để vừa thỏa mãn cơn thèm ngọt mà vẫn duy trì làn da rạng rỡ, hãy cân đối mọi thói quen và hướng tới một lối sống lành mạnh hơn.

Mặc dù đường thường bị xem là "kẻ thù" của làn da, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Vấn đề không nằm ở bản thân đường mà ở cách chúng ta tiêu thụ. Khi sử dụng đường từ các nguồn tự nhiên với lượng hợp lý, kết hợp với một chế độ chăm sóc da khoa học và lối sống lành mạnh, làn da vẫn có thể duy trì vẻ đẹp rạng rỡ. Thay vì hoàn toàn tránh xa đường, hãy học cách sử dụng một cách thông minh để vừa thỏa mãn sở thích cá nhân, vừa bảo vệ sức khỏe và làn da của mình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin