Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Giải đáp: Đau khớp háng có phải dấu hiệu sắp sinh không?

Ngày 07/02/2022
Kích thước chữ

Hiện tượng đau khớp háng không phải là hiếm đối với chị em phụ nữ đang trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu vào tháng cuối thai kỳ mới xuất hiện tình trạng đau khớp háng. Vậy đau khớp háng có phải sắp sinh không?

Khi mang thai, cơ thể tiết ra hormone relaxin làm dây chằng các khớp xương trở nên mềm và lỏng hơn so với bình thường. Càng gần ngày sinh, thai nhi sẽ càng xuống thấp, xương chậu dần giãn nở nhiều để chuẩn bị cho cuộc “vượt cạn" đồng thời cũng gây ra không ít đau đớn ở vùng khớp háng của các thai phụ.

Đau khớp háng có phải dấu hiệu sắp sinh không?

Thông thường, hiện tượng đau khớp háng vào tháng cuối thai kỳ được xem như là một trong các dấu hiệu cảnh báo mẹ đang chuyển dạ và sắp sinh.

Cơn đau thường khởi đầu ở khu vực dây lưng và xương chậu. Cơn đau khớp háng sắp sinh sẽ bắt đầu âm ỉ rồi nâng cao dần cường độ đau. Sau đấy cơn đau có thể lan dần sang những khu vực khác như xương mu, hai bên khớp háng, thậm chí đau xuống cả hai bên đầu gối và bàn chân. Cơn đau sẽ càng dữ dội hơn khi mẹ bầu nằm ngủ hoặc khi di chuyển, chuyển động khớp háng nhiều. Càng gần ngày dự sinh, bụng bầu càng lớn thì các mẹ sẽ càng đau khớp háng dữ dội hơn.

Giải đáp: Đau khớp háng có phải dấu hiệu sắp sinh không 1 Đau khớp háng có thể là một trong các dấu hiệu sắp sinh

Tuy nhiên, dấu hiệu sắp sinh không phải chỉ có hiện tượng đau khớp háng. Khi sắp sinh, chị em không chỉ bị đau khớp háng mà còn có một số dấu hiệu chuyển dạ sớm như:

  • Bụng bầu tụt xuống thấp dần, dân gian còn gọi là sa bụng.
  • Cổ tử cung từ từ mở rộng.
  • Cân nặng bắt đầu tăng chậm hoặc không tăng,  thậm chí sụt cân lượng nước ối sẽ giảm dần khi gần ngày sinh.
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải, dễ bị chuột rút.
  • Thường xuyên bị đau lưng.
  • Các khớp và dây chằng trở nên mềm hơn và dần giãn ra, gây đau khớp háng.
  • Đi ngoài phân lỏng.
  • Âm đạo tiết dịch nhầy nhiều hơn. Dịch đặc và thường có màu vàng nhạt, đôi khi lẫn chút máu.
  • Xuất hiện các cơn co thắt tử cung gây đau quặn bụng.
  • Rò rỉ nước ối ra quần lót hoặc vỡ màng ối.

Tuy nhiên, chị em cần hiểu rằng tình trạng đau khớp háng khi mang thai không phải lúc nào cũng là dấu hiệu gần sinh. Đau khớp háng khi mang thai có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt có một số nguyên nhân bắt nguồn từ bệnh lý về xương khớp, cần có sự chẩn đoán và điều trị của các bác sĩ có chuyên môn.

Làm gì để giảm đau khớp háng khi mang thai tháng cuối?

Khi bị đau khớp háng, mẹ bầu phải nhận biết được mình đang gặp vấn đề gì, nguyên nhân hình thành cơn đau do đâu để có hướng điều trị đúng đắn.

Đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ

Khi khám thai định kỳ, bạn có thể báo cho bác sĩ biết những vấn đề mình đang gặp phải. Nếu đau khớp háng sắp sinh bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn những điều cẩn chuẩn bị để vượt cạn. Nếu trong trường hợp đau khớp háng do các vấn đề về xương khớp, bạn sẽ được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị bài bản.

Song song đó, bạn có thể áp dụng một số mẹo để giảm cơn đau khớp háng khi mang thai.

Nghỉ ngơi nhiều hơn

Mẹ bầu cần để cho cơ thể nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế đi lại thường xuyên hay chỉ đi một cách nhẹ nhàng. Bạn có thể nằm trên giường phẳng, chèn gối phía dưới lưng hoặc ngồi trên ghế có điểm tựa để máu được lưu thông tốt tránh ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân…

Giải đáp: Đau khớp háng có phải dấu hiệu sắp sinh không 2 Mẹ bầu nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý

Tắm nước ấm và chườm nóng

Những biện pháp này giúp kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng, tái tạo thương tổn ở khớp háng, đồng thời làm dịu cơn đau nhanh chóng.

Ngủ với tư thế thích hợp

Mẹ bầu có thể nằm ngủ nghiêng qua bên chân không bị đau, đầu gối co lại và kê gối mềm dưới đùi để cải thiện cơn đau khớp háng.

Đeo đai nâng bụng bầu

Đai nâng bụng bầu giúp giảm áp lực cho khu vực xương chậu và khớp háng, qua đó cũng giúp bà bầu bớt đau và thoải mái vận động hơn.

Bổ sung canxi 

Nếu bị đau khớp háng do thiếu canxi, các mẹ nên uống thuốc bổ sung canxi theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc này sẽ được duy trì ngay cả sau khi sinh. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung canxi bằng cách bổ sung các thực phẩm như sữa, phô mai, cá mồi, cải xoăn, ngũ cốc…và bữa ăn hằng ngày. Tắm nắng vào buổi sáng sớm cũng là một biện pháp bổ sung canxi hiệu quả.

Vận động thể chất hợp lý

Các bài tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ có thể giúp các mẹ giảm đau khớp háng và dễ sinh hơn. Mỗi ngày bạn nên tập khoảng 30 phút. 

Giải đáp: Đau khớp háng có phải dấu hiệu sắp sinh không 3 Mẹ bầu nên chọn các bài tập vận động nhẹ nhàng

Lựa chọn trang phục hàng ngày thoải mái

Vào tháng cuối thai kì, bụng các mẹ sẽ tương đối lớn nên cần chọn những trang phục rộng rãi, thoải mái nhất. Điều này sẽ giúp cho khớp xương, nhất là khớp háng được thư giãn và thả lỏng. Không nên mặc quần bó sát, mang giày cao gót vì nó dễ làm bạn bị vấp té và khiến cho cơn đau khớp háng nặng hơn.

Trên đây là những thông tin xoay quanh thắc mắc “đau khớp háng có phải dầu hiệu sắp sinh không?”. Có thể thấy, việc chuyển dạ chỉ là một trong số ít các nguyên nhân gây đau khớp háng khi mang thai. Do đó, khi bị đau khớp háng lức mang thai, quý đọc giả nên thận trọng và tìm đến bác sĩ để đảm bảo một cơ thể khoẻ mạnh, sẵn sàng cho kỳ vượt cạn sắp tới.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin