Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau khớp háng: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Ngày 07/02/2022
Kích thước chữ

Đau khớp háng là do khớp háng có một số rối loạn gây nên tình trạng đau vùng hông và háng. Vậy nguyên nhân hình thành các cơn đau khớp háng là từ đâu và các biện pháp chữa trị đau khớp háng như thế nào là đúng? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Khớp háng là khớp nằm ở giữa xương chậu và xương đùi, dạng lòng chảo hình cầu, nối với xương đùi để giúp đùi di chuyển theo các hướng khác nhau. Đồng thời khu vực này chứa năm loại cơ giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động đi lại của chân. Do đó, đau khớp háng có thể gây trở ngại trong việc đi lại, vận động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân dẫn đến đau khớp háng

Đau khớp háng là bệnh lý phổ biến có thể gặp ở bất kỳ đối tượng hay lứa tuổi nào. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến triệu chứng đau khớp háng.

Đau khớp háng do chấn thương

Một số chấn thương cơ học có thể dẫn đến tình trạng đau khớp háng, đặc biệt là đối với những vận động viên thể thao, thường xuyên va chạm hoặc hoạt động thể chất quá mức sẽ dễ gặp tình trạng này hơn người khác. Cụ thể như sau:

  • Tổn thương cơ, dây chằng hoặc gân ở khu vực háng dẫn đến đau khớp háng.
  • Đau do chấn thương vật lý khi làm việc, luyện tập quá mức dẫn đến căng cơ, giãn dây chằng hoặc các điểm bám gân ở háng.

Một số môn thể thao yêu cầu hoạt động cơ khớp háng nhiều dễ dẫn đến tình trạng đau nhức như: bóng bầu dục, bóng đá, khúc côn cầu,…

Đau khớp háng: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 1 Tập luyện thể thao dễ dẫn đến đau khớp háng do chấn thương

Đau khớp háng do bệnh lý 

Đau khớp háng do bệnh lý thường nghiêm trọng và khó điều trị hơn so đau do chấn thương. Các bệnh lý thường dẫn đến đau khớp háng:

Thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng là thường gặp ở người cao tuổi do quá trình lão hoá, cơ thể hoạt động thời gian dài dẫn đến mòn khớp, lớp sụn khớp mỏng dần theo thời gian. Khi các lớp sụn ít dần dẫn khe khớp thu hẹp lại, xuất hiện gai xương, tình trạng đau khớp háng sẽ nghiêm trọng hơn.

Bệnh nhân bị thoái hóa khớp thường bị đau rất nặng, vận động khó khăn, nhất là các vận động khó liên quan đến xương khớp háng. Lúc này bệnh nhân cần phải được phẫu thuật để điều trị.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp không chỉ xảy ra ở cột sống lưng, xương chi mà kể cả xương khớp háng cũng chịu ảnh hưởng. Biểu hiện lâm sàng viêm xương khớp dạng thấp vùng háng là tình trạng khớp sưng đau, cứng khớp tại một số thời điểm nhất định.

Đau khớp háng do viêm khớp dạng thấp cần phải được điều trị nhanh chóng và kịp thời để tránh bệnh chuyển biến nặng hơn, dẫn đến khớp bị biến dạng.

Bệnh lý khớp háng ở trẻ nhỏ

Bệnh lý khớp háng cũng có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ xương và khả năng đi lại sau này của bé. Bệnh lý này thường gây thoái hóa khớp ở mức độ chậm, tuy nhiên có thể gây nhiều hệ lụy về sau.

Hoại tử vô khuẩn ở chỏm xương đùi

Sau khi bị chấn thương như gãy cổ xương đùi, trật khớp háng,… bệnh nhân bị tổn thương mạch máu nuôi chỏm xương đùi. Từ đó dẫn đến không chỉ bị đau khớp háng nặng mà còn bị hạn chế vận động. Đôi khi một số ít trường hợp bị hoại tử vô khuẩn ở chỏm xương đùi là do tự phát. 

Đau khớp háng: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 2 Hoại tử vô khuẩn ở chỏm đùi cũng là một trong những nguyên nhân gây đau khớp háng

Khi chụp X-quang để chẩn đoán, có thể nhìn thấy tình trạng chỏm xương đùi bị biến dạng, khe khớp hẹp nhỏ.

Thoát vị bẹn gây đau khớp háng

Chứng đau khớp háng cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân là thoát vị bẹn, đây là tình trạng lớp niêm mạc hoặc ruột di chuyển khỏi khoang bụng, lọt vào và mắc kẹt ở ống bẹn. Tình trạng này gây tăng sức ép cho các cơ vùng háng, ngoài ra còn có thể gây nhiễm trùng, sưng to gây đau khớp háng.

Một số nguyên nhân khác

Đau khớp háng còn có thể do một số nguyên nhân khác như: nhiễm trùng đường tiết niệu, chèn ép dây thần kinh, sưng hạch bạch huyết, gãy nứt xương ở vùng háng,,...

Phương pháp điều trị đau khớp háng

Hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị đau khớp háng. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn có hai biện pháp cơ bản như sau:

Điều trị nội khoa

  • Giảm cân: Khi giảm cân bạn sẽ giảm được áp lực trọng lượng cơ thể lên khớp háng, từ đó giúp làm giảm các cơn đau.
  • Thay đổi sinh hoạt: Nên hạn chế đi bộ đường dài, chơi các môn thể thao quá sức hoặc leo cầu thang.
  • Vật lý trị liệu: Bấm huyệt, massage, nhiệt trị liệu,... là những phương pháp giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm các cơn đau nhức khớp háng do viêm hay tổn thương khác.
  • Sử dụng thuốc: Một số thuốc kháng viêm, giảm đau như aspirin, naproxen, …sẽ giúp người bệnh giảm đau. Tuy nhiên, cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Chườm đá: Chườm đá trong vài ngày đầu sau chấn thương hoặc viêm khớp sẽ giúp giảm đau và sưng khớp rất hiệu quả. Tránh chườm đá trực tiếp lên da, nên bọc đá vào túi vải rồi mới chườm lên chỗ sưng khoảng 20 phút. Mỗi ngày chườm ba lần.
Đau khớp háng: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 3 Người bệnh có thể dùng một số loại thuốc giảm đau để làm bớt triệu chứng đau khớp háng

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật thay khớp háng được xem là giải pháp cuối cùng khi tình trạng bệnh nghiêm trọng hoặc chỏm xương đùi đã bị biến dạng. Kỹ thuật thay khớp háng được chia thành hai loại:

  • Thay khớp háng toàn phần: Khi khớp háng đã tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ phẫu thuật thay toàn bộ phần mặt khớp của xương đùi và ổ cối.
  • Thay khớp háng bán phần: Những người cao tuổi, thể trạng yếu hoặc chỉ gãy cổ xương đùi sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp này. Bác sĩ sẽ chỉ thay thế phần chỏm xương đùi, không thay thế ổ cối. Biện pháp này hỗ trợ cải thiện biên độ vận động của người bệnh rất hiệu quả.

Trên đây là một số thông tin hữu ích về tình trạng đau khớp háng. Hi vọng qua bài viết trên, nhà thuốc Long Châu đã phần nào giúp quý đọc giả hiểu rõ hơn về tình trạng đau khớp háng cũng như các phương pháp điều trị hiệu quả hiện nay. Tuy nhiên, khi gặp triệu chứng này, bạn nên tìm đến bác sĩ càng sớm càng tốt để có lời khuyên và hướng dẫn phương pháp điều trị đúng đắn và hiệu quả nhất.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin