Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Giải đáp: Tại sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc?

Ngày 23/11/2022
Kích thước chữ

Theo bác sĩ chuyên khoa nhi, tình trạng sặc sữa ở trẻ sơ sinh rất hay gặp trong nhi khoa. Nếu trẻ không được sơ cứu kịp thời và nhanh chóng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Tại sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc? Làm sao xử trí khi trẻ sặc sữa là những thông tin chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Sặc sữa là hiện tượng gặp phổ biến ở trẻ sơ sinh. Khi trẻ sơ sinh bị sặc sữa, nếu chúng ta không xử lý nhanh và đúng cách, sữa có thể lọt vào đường thở. Đây là tình huống nguy hiểm, khiến trẻ ngừng thở, co giật, tím tái người. Nếu không được sơ cứu kịp thời có thể gây tử vong ở trẻ. Do đó, cha mẹ cần hiểu vì sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc và cách phòng tránh sặc sữa cho bé.

Tại sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc?

Sặc sữa là tình trạng có thể xảy ra ở mọi nơi, ngay cả ở những nước tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ… Nhiều trẻ dưới 12 tháng tuổi tử vong trong nôi hay trên giường sau khi bú sữa hoặc sau bữa ăn. Ghi nhận này tập trung nhiều vào những ngày quá nóng hoặc quá lạnh.

Tại sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc sữa? Nguyên nhân sặc sữa là do dạ dày các trẻ còn nằm ngang. Phần góc giữa dạ dày và thực quản vẫn là góc tù chưa tạo thành góc nhọn để có thể đảm nhận chức năng ngăn ngừa dòng trào ngược khi dạ dày căng to.

Tại sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc? 1 Trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc là lo lắng của hầu hết cha mẹ.

Khi bị sặc, sữa sẽ trào lên lên mũi, lên miệng nhiều gây kích ứng mũi khiến trẻ khó chịu. Khi trẻ bị sặc, sữa có thể đi vào đường hô hấp, gây ngạt thở, dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng nguy hiểm như tổn thương não (xuất huyết, chết não...), ngừng tim, viêm phổi (do khi hít phải thức ăn, vi trùng đường ruột được đưa lên phổi)...

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng sặc sữa ở trẻ nhưng phần lớn là do mẹ chưa biết cách cho bé bú mẹ:

  • Mẹ cho trẻ bú không đúng tư thế, ép trẻ bú khi trẻ đang không bình tĩnh như đang khóc, ho, cười... Việc ấn núm vú vào miệng trẻ khiến trẻ không thể nuốt khi tia sữa phun vào miệng và trẻ bị sặc sữa ngay.
  • Khi bú bình, mẹ chọn núm vú không đúng lứa tuổi như núm vú quá to hay bị đục lỗ thông lớn, sữa chảy nhanh làm trẻ nuốt không kịp gây sặc.
  • Một số mẹ do mệt quá mà vẫn cứ để trẻ bú trong tình trạng trẻ đang mơ màng. Lúc trẻ không còn tỉnh táo mà bắt đầu chuyển dần sang trạng thái ngủ. Lúc này, sữa mẹ vẫn chảy nhưng trẻ không nuốt xuống mà chỉ ngậm trong miệng. Khi thở nhanh, trẻ có thể hít sữa đưa lên mũi vào khí quản, phế quản và gây sặc.
  • Do sữa mẹ quá nhiều nên khi trẻ bú sữa trào từng tia với dòng chảy lớn khiến trẻ không kịp nuốt.
  • Trẻ quá đói nên bú sữa vội, nuốt mạnh hoặc có thể do trẻ vừa chơi đùa vừa bú khiến trẻ ho hay cười bất chợt không kịp nuốt sữa gây sặc.
  • Trẻ 3 - 4 tháng tuổi đã bắt đầu biết hóng chuyện và chú ý đến mọi thứ quanh mình. Ở thời điểm này nếu khi bú, mẹ vừa nói chuyện, vừa vui đùa với trẻ, có thể khiến trẻ dễ bị sặc sữa.
  • Đối với những trẻ bú bình, nếu mẹ không để ý giúp trẻ ngậm trọn núm vú mà chỉ ngậm đầu vú, hay miệng trẻ ngậm không kín, bình sữa dốc không đủ cao làm trẻ nuốt nhiều hơi. Tình trạng này không chỉ có thể khiến trẻ bị sặc mà còn chướng, nôn sau khi bú. Nôn cũng có thể khiến trẻ bị sặc.
  • Tâm lý mẹ thường sợ con không no nên hay ép trẻ bú. Bú quá no có thể dẫn đến trớ sữa.
  • Khi trẻ không chịu bú, nhiều người còn bóp mũi để trẻ há miệng nhằm đổ sữa vào. hành động này vô cùng nguy hiểm vì sẽ khiến trẻ sặc.
  • Cho trẻ nằm ngay sau lúc bú mà không chịu bế cho trẻ ợ hơi.
Tại sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc? 2 Việc bé bú quá no có thể dẫn đến trớ sữa.

Cách xử trí sặc sữa ở trẻ sơ sinh

Sặc sữa là tình trạng ẩn chứa nhiều nguy hiểm nhưng lại rất phổ biến. Khi thấy trẻ sơ sinh bị sặc sữa, cha mẹ cần xử trí sặc sữa cho trẻ ngay lập tức theo hướng dẫn dưới đây:

Dùng miệng làm thông đường thở

Nhanh chóng dùng miệng của mình áp vào miệng trẻ, hút mạnh với mục đích nhằm hút hết sữa trong miệng, mũi của trẻ ra ngoài càng nhanh càng tốt. Bạn nên hút miệng trước, hút mũi sau. Nếu hành động chậm trễ để sữa lọt vào khí quản rất nguy hiểm. Nó có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp, khiến trẻ ngừng thở.

Tại sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc? 3 Cần trang bị kiến thức xử lý khi trẻ sơ sinh bị sặc sữa để bé tránh gặp nguy hiểm.

Vỗ lưng, ấn ngực

  • Cho trẻ nằm sấp, một tay đỡ ngực trẻ, dùng lòng bàn tay còn lại vỗ vài cái vào lưng trẻ ở vị trí chính giữa hai xương bả vai. Vì cơ thể trẻ còn non yếu, bạn nên kiểm soát vỗ với một lực vừa đủ, không vỗ quá mạnh tạo áp lực trong lồng ngực giúp đẩy hết sữa ra ngoài.
  • Nếu thấy trẻ vẫn khó thở, tím tái, bạn hãy đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng như trên giường, bàn, sàn nhà... Sau đó, dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn nhanh với một lực vừa phải xuống nửa dưới của xương ức. Lặp lại từ 5 đến 10 lần cho đến khi trẻ có thể thở bình thường.
  • Với trẻ có biểu hiện ngưng thở, có thể kết hợp đồng thời 2 biện pháp trên và hà hơi thổi ngạt để trẻ thở lại được.

Sau khi sơ cứu xong, hãy vỗ mông hay đùi của trẻ để kích thích trẻ tỉnh lại. Hãy sơ cứu để bé có thể khóc và thở được, sau đó mới khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Tuyệt đối không đưa trẻ đi khi chưa được sơ cứu vì tình trạng sặc sữa có thể khiến trẻ không thở được, gây thiếu oxy lên não. Chỉ cần vài phút não thiếu oxy là không thể cứu được.

Như vậy, bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc vì sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc rồi. Sặc sữa khi bú là hiện tượng xảy ra khá phổ biến, trẻ nào cũng có thể gặp phải. Tuy nhiên, đây lại là tình trạng ẩn chứa nhiều nguy hiểm nên các mẹ không được chủ quan. Khi thấy trẻ sơ sinh bị sặc sữa, cần xử trí sặc sữa cho trẻ đúng cách ngay lập tức để tránh những nguy cơ xấu có thể xảy ra, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.

Uyên Hồ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin