1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Hướng dẫn cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Thanh Hương

21/06/2025
Kích thước chữ

Rửa mũi là việc cần thiết để giúp trẻ sơ sinh dễ thở và phòng tránh viêm nhiễm đường hô hấp. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi đúng và an toàn.

Mũi là “cánh cổng” đầu tiên bảo vệ đường hô hấp của trẻ sơ sinh, nhưng lại rất dễ bị tắc nghẽn bởi dịch nhầy hay bụi bẩn. Với trẻ 1 tháng tuổi, niêm mạc mũi còn rất mỏng manh nên việc rửa mũi cần được thực hiện cẩn trọng và đúng cách. Những người lần đầu làm cha mẹ thường lúng túng, không biết nên dùng dụng cụ nào, tư thế ra sao khi rửa mũi cho trẻ.

Nếu bạn cũng là một trong số đó, đừng bỏ qua hướng dẫn cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi dưới đây.

Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Việc vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh, đặc biệt trong những tháng đầu đời đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa các bệnh đường hô hấp. Dưới đây là cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi mà cha mẹ nên biết.

Khi nào nên rửa mũi cho trẻ sơ sinh?

Rửa mũi là một biện pháp hỗ trợ giúp trẻ sơ sinh dễ thở và loại bỏ dịch tiết, từ đó góp phần hạn chế nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp trên. Cha mẹ nên rửa mũi cho bé khi thấy các biểu hiện như nghẹt mũi, nhiều dịch mũi, khó thở nhẹ.

Ngoài ra, sau khi trẻ bị nôn trớ hoặc sặc sữa, rửa nhẹ mũi sẽ giúp làm sạch chất dịch có thể còn sót lại trong khoang mũi. Vào những ngày thời tiết hanh khô, bụi mịn nhiều hoặc không khí ô nhiễm, việc rửa mũi cũng giúp làm ẩm và làm sạch niêm mạc mũi bé.

Hướng dẫn cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi 1
Nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa biết cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Chuẩn bị gì trước khi rửa mũi cho bé?

Trước tiên, cha mẹ cần chuẩn bị dung dịch nước muối sinh lý 0.9%, ưu tiên loại dành riêng cho trẻ sơ sinh để đảm bảo độ tinh khiết và phù hợp với niêm mạc mũi nhạy cảm.

Dụng cụ rửa mũi nên là ống nhỏ giọt, xilanh 2 - 5ml hoặc các loại dụng cụ hút/rửa mũi chuyên dụng có đầu mềm, dễ kiểm soát lực. Ngoài ra, bạn cũng cần có khăn sạch hoặc gạc y tế mềm để lau nhẹ dịch nhầy sau khi rửa mũi cho bé.

Tư thế phù hợp và an toàn nhất là để bé nằm nghiêng hoặc hơi ngửa đầu khi rửa mũi. Nếu là lần đầu thực hiện, bạn nên có người hỗ trợ giữ bé nhẹ nhàng, tránh bé giãy giụa. Người chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay thật sạch và cắt móng tay để tránh làm trầy xước mũi bé trong lúc thao tác.

Chi tiết cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Thao tác rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi cần đảm bảo nhẹ nhàng, chính xác và đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. Dưới đây là các bước thực hiện đúng cách mà cha mẹ có thể áp dụng:

  • Cha mẹ có thể đặt bé nằm nghiêng hoặc ngửa, dùng một tay cố định đầu bé nhẹ nhàng, tay còn lại nhỏ từ 1 - 2 giọt nước muối sinh lý 0.9% vào lỗ mũi.
  • Chờ khoảng 5 - 10 giây để dung dịch nước muối làm mềm và loãng phần dịch nhầy bên trong mũi.
  • Dùng dụng cụ hút mũi mềm để hút nhẹ dịch ra ngoài, hoặc để dịch mũi tự chảy ra nếu không quá đặc.
  • Lau sạch vùng mũi bằng khăn mềm hoặc gạc sạch, tránh lau quá sâu vào lỗ mũi.
  • Sau khi rửa xong một bên lỗ mũi, bạn đổi tư thế nằm nghiêng của bé rồi lặp lại với bên còn lại.
Hướng dẫn cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi 2
Thao tác rửa mũi cần nhẹ nhàng, đảm bảo an toàn cho trẻ

Những sai lầm thường gặp khi rửa mũi cho trẻ sơ sinh

Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi tưởng chừng đơn giản nhưng nếu thực hiện sai cách có thể gây hại cho bé. Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi rửa mũi cho trẻ sơ sinh mà cha mẹ cần tránh:

Sử dụng dung dịch rửa mũi không phù hợp

Việc dùng nước muối sinh lý nồng độ cao hoặc các loại dung dịch không dành riêng cho trẻ sơ sinh có thể gây kích ứng, làm khô mũi, thậm chí gây tổn thương niêm mạc mũi của bé.

Để đảm bảo an toàn, hãy chỉ sử dụng nước muối sinh lý Natri Clorid 0.9% (nước muối đẳng trương) chuyên dùng cho trẻ sơ sinh, hoặc các dung dịch rửa mũi được bác sĩ chỉ định.

Không đảm bảo vệ sinh dụng cụ

Nếu bình rửa mũi, dụng cụ rửa mũi không được vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn có thể xâm nhập vào mũi bé, dẫn đến nhiễm trùng. Do đó, bạn cần rửa sạch và tiệt trùng tất cả dụng cụ rửa mũi (như bình xịt, ống hút mũi, xi lanh) bằng nước sôi hoặc dung dịch sát khuẩn chuyên dụng trước và sau mỗi lần sử dụng.

Rửa mũi khi bé đang khóc hoặc chống cự

Rửa mũi lúc bé đang khóc, quẫy đạp hoặc chống cự rất dễ khiến nước hoặc dịch mũi chảy ngược vào tai, gây viêm tai giữa.

Nếu thao tác rửa mũi không đúng cách, có thể khiến bé bị sặc hoặc nước chảy ngược vào họng, gây ho, nôn trớ, hoặc nặng hơn là làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp dưới. Vì vậy, bạn hãy chọn thời điểm bé tỉnh táo, thoải mái, không quá đói hay quá no để rửa mũi.

Hướng dẫn cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi 3
Một số sai lầm trong cách rửa mũi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé

Bơm quá mạnh hoặc quá nhanh

Áp lực nước quá mạnh hoặc bơm quá nhanh có thể gây tổn thương niêm mạc mũi nhạy cảm của trẻ, đẩy dịch mũi vào tai giữa hoặc xoang, dẫn đến viêm.

Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi đúng là bơm nước muối từ từ, nhẹ nhàng và với áp lực vừa phải. Nếu dùng xi lanh, bạn nên chia thành nhiều lần bơm nhỏ thay vì bơm một lượng lớn cùng lúc.

Rửa mũi quá nhiều lần trong ngày

Rửa mũi quá thường xuyên có thể làm mất đi lớp chất nhầy tự nhiên bảo vệ niêm mạc mũi, khiến mũi bé bị khô và dễ tổn thương hơn. Trong trường hợp bé bị nghẹt mũi nhiều, có thể thực hiện vài lần mỗi ngày nhưng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh lạm dụng.

Gợi ý sản phẩm, dụng cụ rửa mũi an toàn cho trẻ sơ sinh

Để rửa mũi cho trẻ sơ sinh đúng cách, cha mẹ cần chọn được những sản phẩm, dụng cụ rửa mũi phù hợp. Dưới đây là một số gợi ý:

  • Dụng cụ hút mũi cho trẻ em (Dụng cụ hút mũi Con Voi Trắng, Bebe Confort, Máy hút mũi Graco,...): Bạn nên chọn dụng cụ hút mũi làm từ chất liệu an toàn như silicone y tế, nhựa PP và nên tránh sản phẩm làm từ nhựa cứng không rõ nguồn gốc hay cao su thông thường.
  • Nước muối sinh lý: Đây là một loại dung dịch nước muối có nồng độ 0.9% NaCl (Natri Clorid), tương đương 9 gam muối trong 1 lít nước. Đây là loại dung dịch đẳng trương, tức là có áp suất thẩm thấu gần tương đương với dịch cơ thể người nên rất an toàn khi sử dụng trong nhiều mục đích y tế. Một số sản phẩm bạn có thể tham khảo như: Nước muối Vĩnh Phúc (500ml), dung dịch nước muối sinh lý Fysoline,...
Hướng dẫn cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi 4
Nên sử dụng sản phẩm vệ sinh mũi an toàn, phù hợp với trẻ 1 tháng tuổi

Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi không hề khó nếu bố mẹ đọc kỹ những hướng dẫn và lưu ý trên đây. Nguyên tắc an toàn là chọn dụng cụ phù hợp, thao tác nhẹ nhàng và quan sát phản ứng của bé để điều chỉnh kịp thời. Việc chọn thời điểm để rửa mũi và xác định tần suất rửa mũi phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ cũng rất quan trọng.

Hy vọng qua bài viết này, những ai lần đầu làm cha mẹ có thể giảm bớt lúng túng, tự tin hơn trong hành trình chăm sóc con yêu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin