Về mặt giải phẫu, tầng sinh môn có vị trí nằm giữa xương mu và xương cụt, bao gồm cả phần đáy chậu và những cấu trúc xung quanh. Tuy nhiên, có nhiều cách xác định vị trí này, do đó trong một số trường hợp những vùng xung quanh hậu môn cũng là một phần của tầng sinh môn. Phần lớn các sản phụ khi sinh con, đặc biệt là sinh thường và sinh con so đầu lòng, thường được các bác sĩ sản khoa thực hiện thủ thuật rạch tầng sinh môn với mục đích mở rộng vùng âm hộ, giúp thai nhi được sinh ra dễ dàng hơn, đồng thời phòng ngừa tình trạng không mong muốn như rách tầng sinh môn có thể xảy ra.
Có thể nói tầng sinh môn là một phần thuộc bộ phận sinh sản và thuộc bộ sinh dục của nữ giới. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tại sao phải thực hiện rạch tầng sinh môn và việc rạch tầng sinh môn có ý nghĩa gì khi sinh con nhé!
Tầng sinh môn là gì?
Tầng sinh môn thuộc một phần của bộ phận sinh dục nữ giới, có chiều dài khoảng từ 3 - 5 cm, là một mô tế bào nằm giữa âm đạo và hậu môn. Chúng được cấu tạo bao gồm 3 tầng bao gồm tầng sâu, tầng giữa và tầng nông. Cụ thể như sau:
- Tầng sâu: Có cơ nâng hậu môn, cơ ngồi cụt được bao bọc an toàn bởi hai lá cân của tầng sinh môn sâu.
- Tầng giữa: Bao gồm cơ ngang sâu và cơ thắt niệu đạo. Cả hai cơ đều nằm ở tầng sinh môn trước và được bao bọc bởi hai lá cân của tầng sinh môn giữa.
- Tầng nông: Có 5 cơ, cụ thể như cơ ngang nông, cơ hành hang, cơ ngồi hang, cơ khít âm môn và cơ thắt hậu môn.
Tầng sinh môn có chức năng bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan vùng chậu như tử cung, âm đạo, trực tràng và bàng quang. Đây cũng là được cho là cửa giao hợp nhằm tiếp nhận tinh trùng của người nam vào trong tử cung của người nữ. Khi người phụ nữ sinh con, tầng sinh môn có vai trò được đánh giá rất quan trọng trong việc giúp cho trẻ sinh thường được an toàn và dễ dàng hơn. Bởi khi đó, tầng sinh môn sẽ giãn nở để thai sổ nhanh chóng ra bên ngoài.
Tầng sinh môn có chức năng bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan vùng chậu
Tại sao phải rạch tầng sinh môn?
Rạch tầng sinh môn khi sinh con có ý nghĩa rất lớn đối với cả mẹ và thai nhi. Với em bé, khi rạch tầng sinh môn, thời gian thai sổ sẽ nhanh chơn, giảm nguy cơ bé bị ngạt. Đối với người mẹ, thời gian thai sổ ngắn hơn giúp cho mẹ đỡ mất sức và phục hồi nhanh hơn sau khi sinh. Không những thế, thời điểm rạch tầng sinh môn cũng được bác sĩ sản khoa tính toán kĩ lưỡng, tiên lượng thời điểm rạch tầng sinh môn sao cho hợp lý, vết rạch bao nhiêu là đủ cho em bé chào đời và giúp cho việc sinh con đỡ phải chảy máu, sản phụ đỡ đau hơn.
Nếu tầng sinh môn rắn chắc và không giãn nỡ tốt, phổ biến thường gặp đối với người phụ nữ sinh con so đầu lòng. Khi đó, sẽ dẫn đến tình trạng tầng sinh môn bị rách và gây tổn thương ngoài ý muốn. Trường hợp rách tầng sinh môn, ngoài ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, chúng còn có nguy cơ làm cho người phụ nữ suy giảm chất lượng sinh hoạt tình dục khi giao hợp, gây ra tình trạng đau rát, mất hứng thú và rất khó đạt được khoái cảm... Trầm trọng hơn, một số người bị rơi vào tình trạng lo lắng, buồn phiền và lãnh cảm... ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình.
Tại sao phải rạch tầng sinh môn các bà mẹ lần đầu sinh con
Rạch tầng sinh môn được thực hiện khi nào?
Trên thực tế khi sinh thường, bộ phận sinh dục của người mẹ sẽ dần mở rộng các cơ để thai được sổ ra dễ dàng hơn khi sinh. Tuy nhiên, việc mở rộng và giãn nở tùy thuộc rất lớn vào cơ địa của mỗi thai phụ và việc giãn nở cũng có khả năng giới hạn. Đặc biệt, đối với những trường hợp thai to hoặc thai có trọng lượng khá lớn, lúc này việc sinh nở sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Bác sĩ và hộ sinh sẽ tiên lượng sao cho việc rạch tầng sinh môn thực hiện ngay trước khi thai sổ.
Để xử trí nhanh chóng tình trạng này, các bác sĩ hoặc hộ sinh phải thực hiện chủ động thủ thuật nhỏ là cắt một đường ngắn từ vị trí 7 giờ trên vành âm hộ kéo dài xuống tầng sinh môn, rạch từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới 1 góc 45 độ, từ 3 đến 4 cm nhằm giúp cho trẻ sơ sinh được chào đời nhanh chóng, tránh trường hợp sản phụ cố gắng rặn có nguy cơ làm rách tầng sinh môn.
Đối tượng nào được thực hiện rạch tầng sinh môn?
Mặc dù rạch tầng sinh môn là một thủ thuật nhỏ trong sản khoa thường được thực hiện khi người phụ nữ sinh đẻ tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng có thể áp dụng thủ thuật này. Đối với một số sản phụ có khả năng sinh đẻ dễ dàng, thai nhi khá nhỏ hoặc đối với những sản phụ sinh con rạ, tầng sinh môn giãn nở tốt… thì có thể bỏ qua thủ thuật này. Tuy nhiên, đối với những sản phụ sinh con so, tầng sinh môn săn chắc và giãn nở kém, lúc này bác sĩ sẽ linh động thực hiện rạch tầng sinh môn, hỗ trợ thai phụ sinh con dễ dàng hơn, đỡ mất sức hơn và vết thương nhanh lành hơn.
Không những thế, dưới đây là những trường hợp bác sĩ sẽ chủ động việc rạch tầng sinh môn để giúp cho việc sinh đẻ được dễ dàng nhất như:
- Sản phụ có độ linh hoạt của tầng sinh môn kém.
- Sản phụ bị viêm âm đạo hoặc đáy chậu có hiện tượng phù nề.
- Siêu âm cho thấy đầu thai nhi có đường kính lớn.
- Các cơ co bóp tử cung của sản phụ không đủ mạnh.
- Sản phụ mang thai đã quá 35 tuổi.
- Sản phụ mắc bệnh tim và có hiện tượng tăng huyết áp trong thai kỳ.
- Cổ tử cung đã mở rộng và thai nhi đã quay đầu xuống thấp nhưng có dấu hiệu suy thai.
Rạch tầng sinh môn là thủ thuật hỗ trợ việc thai sổ dễ dàng hơn
Trên đây là những lời giải đáp thắc mắc cho vấn đề tại sao phải rạch tầng sinh môn khi sinh con hi vọng làm hài lòng bạn đọc. Chúc cho bạn đọc có những trải nghiệm thú vị và ấm áp khi đảm nhận một “thiên chức” mới nhé!
Hoàng Yến
Nguồn tham khảo: Tổng hợp