Long Châu

Giai đoạn cửa sổ HIV là gì? Cách phòng và điều trị bệnh HIV hiệu quả

Ngày 15/01/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

HIV là một căn bệnh thế kỷ khiến hầu hết mọi người kinh hãi khi nhắc đến. Đây là một căn bệnh do virus cùng tên gây nên và tạo ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm thiểu những biến chứng xấu của bệnh. Vậy những triệu chứng của giai đoạn cửa sổ HIV là gì?

Khi nhiễm virus HIV sẽ dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch làm sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu. Từ đó dễ mắc nhiều bệnh và xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Giai đoạn cửa sổ HIV là thời điểm quan trọng để phát hiện bệnh và tiến hành điều trị.

Thế nào là giai đoạn cửa sổ HIV?

Khi virus HIV xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ đóng vai trò là những kháng nguyên lạ và bắt đầu sinh sản để gia tăng số lượng. Khi đó, cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể để chống lại các kháng nguyên lạ này.

Giai đoạn cửa sổ HIV là khoảng thời gian từ khi phơi nhiễm HIV cho đến khi phát hiện ra virus HIV qua các xét nghiệm. Hầu hết xét nghiệm HIV là các xét nghiệm kháng thể. Cơ thể cần có thời gian để sản sinh ra đủ lượng kháng thể và phản ánh qua các kết quả xét nghiệm. Vào thời điểm cuối của giai đoạn cửa sổ, lượng kháng thể có thể tăng cao đến mức có thể phát hiện qua các xét nghiệm máu thông thường.

Đa số các trường hợp có thể phát hiện ra kháng thể HIV phát triển trong cơ thể sau 3 đến 12 tuần sau khi bị nhiễm bệnh. Tùy vào mỗi người và mỗi loại xét nghiệm thực hiện mà thời gian của giai đoạn cửa sổ HIV sẽ thay đổi khác nhau. 

Trong khoảng thời gian này, mặc dù bệnh nhân đã bị phơi nhiễm với virus HIV tuy nhiên các xét nghiệm HIV vẫn cho kết quả âm tính và vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác. Chính vì vậy, cần thực hiện lại các xét nghiệm trong một vài tháng tiếp theo để xác nhận chính xác và cần lưu ý để tránh lây bệnh cho người khác.

Giai đoạn cửa sổ HIV là gì? Cách phòng và điều trị bệnh HIV hiệu quả 1 Thời gian kéo dài giai đoạn cửa sổ HIV ở mỗi người là khác nhau

Triệu chứng HIV giai đoạn cửa sổ

Giai đoạn nhiễm trùng cấp tính chính là khoảng thời gian vài tuần đầu tiên sau khi người bệnh bị nhiễm HIV. Ở giai đoạn này, số lượng virus nhân lên nhanh chóng và cơ thể sẽ phải tăng sản xuất ra các kháng thể để chống lại chúng. Tuy nhiên các triệu chứng ở giai đoạn cửa sổ HIV thường không đặc hiệu và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh cúm hoặc nhiễm virus theo mùa khác.

Đa phần các trường hợp nhiễm virus vài tuần đầu không phát hiện các triệu chứng. Đến khoảng một, hai tháng thì sẽ xuất hiện các triệu chứng không đặc hiệu nên thường khó phát hiện ra việc bản thân đã nhiễm bệnh. 

Các triệu chứng HIV giai đoạn cửa sổ có thể kể đến như: 

  • Sốt, ớn lạnh.
  • Sưng hạch bạch huyết.
  • Đau đầu, đau nhức toàn thân.
  • Phát ban trên da, nhiễm nấm men.
  • Viêm họng, viêm màng não.
  • Buồn nôn, đau dạ dày.
  • Sụt cân.
  • Tỉnh giấc giữa đêm, mồ hôi đầm đìa.

Ở giai đoạn cửa sổ HIV, tải lượng virus trong cơ thể người bệnh rất cao nên khả năng lây nhiễm cho người khác cũng rất lớn. Nếu không được phát hiện bệnh trong giai đoạn này thì các triệu chứng này sẽ hết trong vòng vài tháng và cơ thể bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới chính là mãn tính hoặc lâm sàng. Nếu được phát hiện sớm và kịp thời điều trị, giai đoạn này sẽ kéo dài nhiều năm từ đó giúp kéo dài thời gian sống của người bệnh.

Giai đoạn cửa sổ HIV là gì? Cách phòng và điều trị bệnh HIV hiệu quả 2 Triệu chứng HIV giai đoạn cửa sổ phổ biến là phát ban trên da

Cách phòng và điều trị bệnh HIV

Mặc dù là một căn bệnh thế kỷ, tuy nhiên nếu chúng ta phát hiện và kịp thời điều trị có thể kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta nên tìm hiểu những biện pháp để phòng tránh bệnh hiệu quả, tránh những điều tồi tệ xảy ra vì khi nhiễm HIV như đã lãnh một bản án tử hình cho người bệnh.

Biện pháp phòng ngừa HIV

Để phòng tránh bệnh hiệu quả, chúng ta cần tìm hiểu những con đường lây nhiễm của bệnh. Một số con đường lây nhiễm của bệnh HIV là:

  • Qua đường máu: Khi sử dụng chung ống tiêm, kim tiêm, các dụng cụ phẫu thuật chưa được tiến hành khử trùng đúng cách, qua tiếp xúc với vết thương hở của bệnh nhân… 
  • Qua đường quan hệ tình dục: Virus HIV có thể xâm nhập vào cơ thể khi quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh, bất kể là quan hệ qua đường miệng hay hậu môn.
  • Truyền từ mẹ sang con: Trẻ có thể nhiễm HIV từ người mẹ trong quá trình mang thai, thậm chí là trong lúc bú mẹ.

Một số biện pháp để phòng ngừa lây nhiễm HIV:

  • Trang bị cho bản thân những kiến thức về HIV, đặc biệt là những con đường lây nhiễm của virus này từ đó giúp hạn chế tiếp xúc với những nguồn lây bệnh.
  • Không sử dụng các chất kích thích và ma túy vì nó khiến chúng ta không điều khiển được hành vi và nhận thức của bản thân.
  • Thực hiện các biện pháp an toàn trong khi quan hệ tình dục như đeo bao cao su.
  • Không tiếp xúc với máu và chất dịch của người khác như: Chất nhầy âm đạo, tinh dịch, nước ối, sữa mẹ…
  • Không dùng chung ống tiêm, kim tiêm với người khác. Lựa chọn những cơ sở khám chữa bệnh, phẫu thuật uy tín, đảm bảo chất lượng.
Giai đoạn cửa sổ HIV là gì? Cách phòng và điều trị bệnh HIV hiệu quả 3 Có biện pháp phòng ngừa HIV để tránh lây nhiễm ra cộng đồng

Phương pháp điều trị HIV

Hiện nay vẫn chưa có vacxin phòng ngừa hay thuốc để điều trị dứt điểm bệnh HIV. Việc điều trị HIV chỉ có thể là điều trị triệu chứng và giúp kéo dài thời gian sống sót của người bệnh bằng cách điều trị ARV (thuốc kháng virus). Điều trị ARV là việc kết hợp sử dụng 3 thuốc kháng virus HIV nhằm:

  • Làm chậm sự phát triển và sinh sôi của virus HIV từ đó làm chậm quá trình phát triển của bệnh, giúp người bệnh kéo dài thời gian sống.
  • Tăng sức đề kháng, giảm nhiễm trùng cơ hội từ đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ của người bệnh.
  • Giảm tải lượng virus HIV có trong cơ thể, từ đó giúp giảm khả năng lây lan trong cộng đồng.

Đây là quá trình điều trị lâu dài và rất phức tạp nên người bệnh cần hợp tác và tuân thủ điều trị mà bác sĩ đã đưa ra như uống đầy đủ, đúng giờ, đúng liều lượng. Khi sử dụng thuốc sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn), đau đầu, mệt mỏi, xuất hiện những mảng đỏ ở trên da… Cần hỏi ý kiến bác sĩ khi gặp những triệu chứng trên và không tự ý ngưng thuốc vì sẽ làm cho lượng virus phát triển mạnh mẽ trở lại.

Trên đây là những thông tin về giai đoạn cửa sổ HIV và cách phòng tránh, điều trị bệnh mà Nhà thuốc Long Châu muốn đề cập đến các bạn. Mong bạn có cái nhìn tổng quan về căn bệnh thế kỷ này và rút ra cho mình những cách phòng tránh hiệu quả. Nếu thấy bài viết hay và bổ ích, bạn hãy theo dõi trang để có thể nhận thông báo của những bài viết tiếp theo nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm