Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Thanh Hương
Mặc định
Lớn hơn
PEP là biện pháp dự phòng HIV hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách và đúng thời điểm. Xét nghiệm HIV sau khi dùng PEP là bước không thể bỏ qua để chắc chắn rằng bạn không bị nhiễm virus.
Sau khi tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm HIV, nhiều người được chỉ định sử dụng thuốc dự phòng sau phơi nhiễm (PEP). Tuy nhiên, việc xét nghiệm HIV đúng thời điểm sau khi dùng PEP đóng vai trò then chốt để đánh giá hiệu quả dự phòng và xác định chính xác tình trạng nhiễm virus.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ các loại xét nghiệm HIV sau khi dùng PEP và ý nghĩa của kết quả xét nghiệm.
Việc xét nghiệm HIV sau khi hoàn thành liệu trình PEP (dự phòng sau phơi nhiễm) là bước cần thiết và được khuyến cáo. Dù PEP có hiệu quả cao nếu dùng đúng thời điểm và đủ liều, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ lây nhiễm nếu virus đã kịp xâm nhập hoặc nếu quá trình dùng thuốc không đảm bảo.
Vì thế, xét nghiệm chính là công cụ giúp bác sĩ kiểm tra liệu PEP đã ngăn chặn thành công sự nhân lên của virus HIV trong cơ thể hay chưa.
Ngoài ra, việc xét nghiệm còn giúp loại trừ khả năng bạn đã nhiễm HIV từ trước đó mà không biết.
Dù bạn có thể đã được xét nghiệm âm tính trước khi bắt đầu PEP, nhưng trong một số trường hợp hiếm, nếu đang ở giai đoạn cửa sổ huyết thanh (tức là chưa đủ kháng thể để phát hiện), kết quả xét nghiệm ban đầu vẫn có thể âm tính giả. Do đó, xét nghiệm sau khi kết thúc PEP là cần thiết để xác minh lại chính xác tình trạng.
Xét nghiệm HIV sau khi dùng PEP giúp đưa ra kết luận cuối cùng đáng tin cậy, từ đó giúp bạn yên tâm hoặc can thiệp điều trị sớm nếu cần. Nhiều người sau khi dùng xong PEP nghĩ rằng “mình đã an toàn” và không đi xét nghiệm lại, điều này rất nguy hiểm vì có thể bỏ sót những ca nhiễm muộn.
Theo đúng quy trình, bạn nên xét nghiệm HIV ngay trước khi bắt đầu sử dụng PEP. Việc này nhằm xác định tình trạng HIV hiện tại. Nếu kết quả là dương tính, tức là bạn đã nhiễm HIV từ trước, thì PEP sẽ không còn hiệu quả và bạn sẽ được chuyển sang điều trị ARV chính thức.
Thời điểm xét nghiệm đầu tiên là sau 4 - 6 tuần kể từ khi kết thúc PEP, giúp sàng lọc nguy cơ ban đầu. Đây được xem là “cột mốc đầu tiên” để đánh giá sơ bộ kết quả điều trị. Nhiều nghiên cứu và hướng dẫn lâm sàng cho thấy, hầu hết các trường hợp nếu nhiễm HIV sẽ được phát hiện ở thời điểm này.
Tuy nhiên, để đưa ra kết luận chắc chắn nhất, bạn cần được xét nghiệm lại sau 3 tháng kể từ ngày kết thúc PEP. Đây là thời điểm “khẳng định” theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nếu kết quả ở thời điểm 3 tháng là âm tính, bạn có thể an tâm rằng mình không bị nhiễm HIV sau phơi nhiễm.
Thời gian cửa sổ huyết thanh tính từ thời điểm phơi nhiễm HIV, thường kéo dài từ 2 - 12 tuần tùy loại xét nghiệm. Tuy nhiên, do PEP có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch, nên cần thực hiện xét nghiệm HIV sau 3 tháng kể từ ngày kết thúc liệu trình PEP để đảm bảo kết quả chính xác.
Hiện nay, có ba nhóm xét nghiệm HIV phổ biến được sử dụng theo từng thời điểm và mục đích cụ thể sau PEP.
Đây là phương pháp phổ biến nhất, có ưu điểm là rẻ, dễ thực hiện, có thể làm test nhanh tại các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến bệnh viện lớn. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là nếu bạn vừa kết thúc PEP, thuốc có thể làm chậm quá trình tạo kháng thể, khiến kết quả xét nghiệm âm tính giả nếu làm quá sớm.
Xét nghiệm HIV combo là phương pháp kết hợp, có khả năng phát hiện cả kháng nguyên p24 của HIV và kháng thể kháng HIV. Kháng nguyên p24 là một protein của virus xuất hiện rất sớm, trước cả kháng thể, giúp rút ngắn thời gian cửa sổ.
Vì vậy, combo test được xem là xét nghiệm có độ nhạy cao và thời gian phát hiện sớm hơn các phương pháp truyền thống.
Xét nghiệm PCR HIV là phương pháp phát hiện RNA của virus sớm nhất hiện nay, thường sau khoảng 7 - 10 ngày kể từ phơi nhiễm. Tuy nhiên, xét nghiệm này có chi phí cao, được cân nhắc sử dụng PCR HIV khi nghi phơi nhiễm nặng, có hệ miễn dịch yếu, hoặc đã làm các xét nghiệm khác nhưng kết quả không rõ ràng.
Kết quả xét nghiệm HIV sau khi dùng PEP sau 3 tháng kể từ khi kết thúc liệu trình PEP âm tính có nghĩa là bạn không bị nhiễm HIV từ lần phơi nhiễm đó.
Nếu xét nghiệm HIV cho kết quả dương tính sau khi dùng PEP, có nghĩa là bạn đã bị nhiễm HIV. Nguyên nhân có thể do dùng PEP muộn, không đúng liều, hoặc phơi nhiễm trước đó chưa được phát hiện.
Tuy nhiên, một lần xét nghiệm dương tính không đủ để chẩn đoán HIV. Theo quy định, bạn sẽ được làm thêm ít nhất hai xét nghiệm khác nhau để khẳng định chẩn đoán (theo phương pháp 3-test).
Nếu kết quả dương tính được xác nhận, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn điều trị ARV sớm nhất có thể. Điều trị sớm giúp kiểm soát virus, bảo vệ hệ miễn dịch, và giúp bạn sống khỏe mạnh lâu dài như người không nhiễm HIV.
Đôi khi, kết quả xét nghiệm có thể không rõ ràng hoặc nghi ngờ, nhất là khi bạn xét nghiệm quá sớm, không tuân thủ đúng thời điểm, hoặc do ảnh hưởng từ thuốc PEP. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm bổ sung chuyên sâu (như PCR HIV, test lại sau vài tuần, hoặc test kháng nguyên kháng thể kết hợp).
Việc xét nghiệm HIV sau khi dùng PEP không chỉ giúp đánh giá hiệu quả dự phòng mà còn là việc cần thiết để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Hiểu rõ các loại xét nghiệm và tuân thủ đúng thời điểm kiểm tra sẽ giúp bạn yên tâm hơn và chủ động phòng ngừa HIV hiệu quả.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.