Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính

Giang mai dương vật: Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng bệnh

Ngày 07/07/2024
Kích thước chữ

Giang mai dương vật là bệnh lây truyền qua đường tình dục vô cùng nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về căn bệnh giang mai dương vật.

Vậy giang mai dương vật là gì? Có chữa được không? Hướng chẩn đoán và điều trị như thế nào? Tìm hiểu ngay bài viết dưới đây để có cái nhìn chi tiết hơn về bệnh giang mai dương vật bạn nhé.

Tổng quan về căn bệnh giang mai dương vật

Giang mai dương vật là bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, gây ra bởi vi khuẩn Treponema pallidum. Bệnh khởi phát như một vết loét không đau xuất hiện tại dương vật của nam giới. Bệnh có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người lành khi tiếp xúc qua da, niêm mạc với các vết loét này.

Các chuyên gia cho biết, giang mai dương vật hay giang mai ở nam giới nếu không được phát hiện sớm và điều trị triệt để sẽ vô cùng nguy hiểm và lúc này, nam giới mắc phải căn bệnh này sẽ có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào các phủ tạng và tác động lên các cơ quan nội tạng khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh, tim mạch, gan…
  • Ảnh hưởng đến số lượng cũng như chất lượng tinh trùng từ đó làm tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn.
Giang mai dương vật: Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng bệnh 1
Vi khuẩn Treponema pallidum là tác nhân chính gây căn bệnh giang mai dương vật

Triệu chứng của bệnh giang mai dương vật

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh giang mai phát triển theo từng giai đoạn cụ thể. Chính vì thế, các triệu chứng của bệnh cũng sẽ có sự khác biệt qua từng giai đoạn. Cụ thể:

Giai đoạn 1

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh giang mai dương vật là sự xuất hiện các vết loét tròn nhỏ, được gọi là săng giang mai. Săng giang mai tuy không gây đau đớn cho người bệnh song lại có khả năng lây nhiễm cao. Đa số các trường hợp mắc giang mai dương vật chỉ phát triển một săng song cũng có nhiều trường hợp xuất hiện nhiều săng kèm theo triệu chứng nổi hạch bẹn cùng bên với bên có săng.

Thực tế cho thấy, dù điều trị hay không điều trị thì săng giang mai sẽ tự lành sau khoảng 3 - 10 tuần. Người bệnh có thể không để ý thấy sự xuất hiện của săng giang mai hoặc thấy săng tự biến mất. Nếu không được chẩn đoán và điều trị trong giai đoạn này, sau 4 - 8 tuần kể từ thời điểm xuất hiện tổn thương ban đầu, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn 2.

Giai đoạn 2

Trong một vài tuần sau khi săng giang mai ban đầu lành lại, người bệnh bắt đầu có các biểu hiện như phát ban trên da, bao phủ toàn bộ cơ thể, kể cả lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Phát ban thường không ngứa và có thể kèm theo các nốt mụn như mụn nước ở vùng sinh dục. Trong một số trường hợp, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như rụng tóc, đau nhức cơ, đau họng, sốt, sưng hạch bạch huyết…

Tất cả các triệu chứng của giang mai dương vật giai đoạn 2 có thể tự biến mất trong một vài tuần mà không cần điều trị song trong nhiều trường hợp, bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn giang mai tiềm ẩn.

Giai đoạn giang mai tiềm ẩn

Giai đoạn giang mai tiềm ẩn là giai đoạn ủ bệnh, người bệnh không có bất cứ triệu chứng nào. Giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều năm mà người bệnh không hề hay biết bởi gần như không xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Người bệnh chỉ có thể phát hiện được bệnh thông qua xét nghiệm huyết thanh.

Giai đoạn 3

Kết thúc giai đoạn giang mai tiềm ẩn, nếu người bệnh không được chữa trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn 3. Ở giai đoạn 3 của bệnh giang mai dương vật, người bệnh có thể bị tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh, não bộ, tim, gan, mạch máu…

Giang mai dương vật: Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng bệnh 2
Triệu chứng của giang mai dương vật khác nhau qua từng giai đoạn

Chẩn đoán và điều trị giang mai dương vật

Giang mai nói chung và giang mai dương vật nói riêng là căn bệnh nguy hiểm, cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Về chẩn đoán

Bên cạnh việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng của bệnh, để khẳng định chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm một số xét nghiệm cận lâm sàng, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp phát hiện sự hiện diện của các kháng thể mà cơ thể sản sinh ra nhằm chống lại nhiễm trùng. Các kháng thể chống lại xoắn khuẩn giang mai vẫn tồn tại trong cơ thể người bệnh nhiều năm. Chính vì thế, xét nghiệm máu có thể sử dụng để xác định tình trạng nhiễm trùng đang xảy ra ở hiện tại hay trong quá khứ.
  • Chọc dịch não tủy: Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh có biến chứng liên quan đến bệnh giang mai, bác sĩ có thể chỉ định chọc dò thắt lưng để lấy mẫu dịch não tủy nhằm khẳng định chẩn đoán.

Về điều trị

Ở giai đoạn đầu, bệnh giang mai có thể chữa khỏi bằng một đợt kháng sinh ngắn hạn và Penicillin là lựa chọn hàng đầu của các bác sĩ trong điều trị bệnh giang mai nói chung và giang mai dương vật nói riêng. Loại kháng sinh này được chứng minh là có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh giang mai và hiệu quả mang lại ở hầu hết các giai đoạn.

Trong trường hợp người bệnh giang mai bị dị ứng với Penicillin, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh một loại kháng sinh khác hoặc giải mẫn cảm với Penicillin.

Sau điều trị giang mai với thuốc, người bệnh cần:

  • Kiểm tra và xét nghiệm máu định kỳ để đảm bảo rằng người bệnh vẫn đang đáp ứng với thuốc ở liều thông thường. Tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh mà sẽ có hướng theo dõi cụ thể phù hợp.
  • Tránh quan hệ tình dục với bạn tình mới cho đến khi kết thúc điều trị và xét nghiệm máu cho thấy bạn đã chữa khỏi bệnh giang mai dương vật.
  • Thông báo cho bạn tình để họ nắm được tình trạng bệnh và đi kiểm tra cũng như điều trị nếu cần.
Giang mai dương vật: Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng bệnh 3
Penicillin là kháng sinh được sử dụng trong điều trị bệnh giang mai

Phòng ngừa căn bệnh giang mai dương vật

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa bào chế được vắc xin phòng bệnh giang mai. Do vậy, để có thể phòng ngừa căn bệnh này, bạn cần:

  • Quan hệ tình dục an toàn, chỉ quan hệ với một bạn tình, chung thuỷ một vợ một chồng.
  • Tránh sử dụng thuốc kích thích hoặc rượu bia để giữ khả năng phán đoán bệnh, tránh các hành vi tình dục không an toàn.
  • Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân.
  • Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao nhằm nâng cao sức đề kháng.
  • Thực hiện khám sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần hoặc thực hiện tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
  • Khi phát hiện bản thân có dấu hiệu nghi ngờ mắc giang mai dương vật, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời nếu cần.
  • Mặc dù đã được điều trị song bạn vẫn có nguy cơ tái nhiễm bệnh. Việc bạn cần làm lúc này là tuân thủ liệu trình điều trị đồng thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa.
Giang mai dương vật: Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng bệnh 4
Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp bạn phát hiện sớm bệnh giang mai dương vật nếu có

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh căn bệnh giang mai dương vật mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý bạn đọc. Hy vọng, qua bài viết hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu hơn về căn bệnh này đồng thời nắm được một số biện pháp phòng bệnh. Chúc bạn sẽ luôn có thật nhiều sức khoẻ và cảm ơn bạn đã luôn đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu trong suốt thời gian vừa qua.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin