1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính

Ghẻ ở vùng kín: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Kim Toàn

24/06/2025
Kích thước chữ

Những vùng da mỏng nhạy cảm - đặc biệt như khu vực bẹn, cơ quan sinh dục, hay kẽ mông - là những vị trí dễ bị ký sinh trùng ghẻ tấn công. Ghẻ ở vùng kín là tình trạng thường gặp, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và đâu là cách điều trị ghẻ ở vùng kín hiệu quả? Cùng tìm hiểu ngay sau đây để có hướng xử lý đúng cách.

Ghẻ ở vùng kín là tình trạng nhiễm ký sinh trùng Sarcoptes scabiei tại khu vực da nhạy cảm. Bệnh gây ngứa dữ dội, khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như đời sống tình dục. Nếu không điều trị kịp thời, ghẻ có thể lây lan cho người khác. Cùng tìm hiểu thông tin về tình trạng bệnh này thông qua bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.

Ghẻ ở vùng kín là gì?

Ghẻ vùng kín là tình trạng ký sinh trùng cái ghẻ (Sarcoptes scabiei) xâm nhập và cư trú tại vùng da ở khu vực sinh dục. Chúng đào hang dưới lớp thượng bì của da, gây ra các biểu hiện như phát ban đỏ, ngứa dữ dội, nổi mụn nước hoặc các nốt sẩn nhỏ. Vùng kín - bao gồm cơ quan sinh dục, bẹn, và kẽ mông - là khu vực dễ bị ảnh hưởng, tương tự như các vùng da mỏng khác như quanh rốn, bụng dưới, nách, kẽ ngón tay hay mặt trước cổ tay.

Nếu không được điều trị, bệnh ghẻ thường không thể tự khỏi và có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bị nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn như tụ cầu vàng hoặc liên cầu khuẩn xâm nhập qua các vết trầy xước do gãi ngứa. Ở một số ít trường hợp - đặc biệt là những người có hệ miễn dịch suy yếu - ghẻ có thể tiến triển thành thể ghẻ vảy (hay còn gọi là ghẻ Na Uy), với số lượng ký sinh có thể lên tới hàng triệu con trên cơ thể hoặc ít nhất 4.700 con trên mỗi gram da.

Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2 đến 6 tuần (trung bình khoảng 3 tuần) đối với người lần đầu nhiễm, và chỉ từ 1 đến 3 ngày nếu bị tái nhiễm. Bệnh thường gặp ở những người sống trong môi trường chật chội, đông người hoặc điều kiện vệ sinh kém.

Ghẻ ở vùng kín: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 1
Cái ghẻ là tác nhân gây ra tình trạng ghẻ ở vùng kín

Nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ ở vùng kín

Dưới đây là những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ phổ biến có thể dẫn đến tình trạng ghẻ tại vùng kín:

Do ký sinh trùng gây bệnh

Tác nhân chính gây ghẻ vùng kín là ký sinh trùng Sarcoptes scabiei - hay còn gọi là cái ghẻ. Loài ký sinh này có thể lây lan từ người sang người qua tiếp xúc da trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các vật dụng cá nhân như chăn, gối, nệm, quần áo, khăn tắm… Cái ghẻ vẫn có khả năng tồn tại bên ngoài cơ thể người trong khoảng 3 ngày. Đặc biệt, việc tiếp xúc thân mật khi quan hệ tình dục là con đường dễ dàng khiến ghẻ lây lan đến vùng kín.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Một số yếu tố có thể làm tăng khả năng bị ghẻ vùng kín bao gồm:

  • Có đời sống tình dục hoặc tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh ghẻ.
  • Thiếu vệ sinh cơ thể và không giữ gìn môi trường sống sạch sẽ; dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.
  • Những người có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc người mắc bệnh làm suy giảm miễn dịch.
Ghẻ ở vùng kín: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 2
Người có hệ miễn dịch yếu, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn

Triệu chứng nhận biết ghẻ ở vùng kín

Các biểu hiện thường gặp của bệnh ghẻ bao gồm:

  • Ngứa dữ dội, đặc biệt vào ban đêm - thời điểm ký sinh trùng hoạt động mạnh nhất.
  • Rãnh ghẻ có độ dài từ 1-10mm do cái ghẻ đào hang dưới lớp da, thường có màu xám hoặc đen, hơi nhô lên và có thể thấy mụn nước nhỏ ở cuối rãnh - nơi cái ghẻ cư trú.
  • Nốt sẩn (còn gọi là nốt ghẻ) có màu nâu đỏ, đường kính từ 3-5mm, có thể ngứa hoặc không, thường xuất hiện ở vùng bìu, dương vật, hoặc dưới nách.
  • Tổn thương da do gãi, dễ gây trầy xước và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng.
  • Mụn nước có thể thấy tại các vùng da bị ký sinh trùng tấn công.

Dưới đây là những đặc điểm nhận biết ghẻ vùng kín theo từng đối tượng cụ thể:

Ở nam giới

Bệnh ghẻ vùng kín ở nam thường thấy ở dương vật và bìu, có thể lan tới kẽ mông hoặc mặt trong đùi. Đặc biệt, các tổn thương dạng săng ghẻ có thể dễ bị nhầm với săng giang mai, nếu không được khám và chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa Da liễu.

Ở nữ giới

Phụ nữ mắc ghẻ vùng kín thường có thương tổn xung quanh âm hộ, quầng vú hoặc núm vú, đi kèm các triệu chứng như ngứa, mụn nước, rãnh ghẻ, nốt sẩn, thậm chí là săng ghẻ.

Ở trẻ em

Trẻ nhỏ mắc ghẻ vùng kín thường có vị trí tổn thương tương tự người lớn như ở dương vật, âm hộ, nách. Tuy nhiên, do hệ miễn dịch còn yếu, trẻ có thể xuất hiện thêm tổn thương trên khuôn mặt - một biểu hiện hiếm gặp ở người trưởng thành, đồng thời dễ bị nhiễm trùng hoặc tiến triển thành ghẻ vảy (ghẻ Na Uy) nếu không được điều trị kịp thời.

Ghẻ ở vùng kín: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 3
Ghẻ ở vùng kín gây ngứa dữ dội, đặc biệt vào ban đêm

Ghẻ vùng kín có nguy hiểm không?

Thông thường, bệnh ghẻ - bao gồm cả ghẻ ở vùng kín - không được xem là tình trạng quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp đúng lúc, bệnh có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hằng ngày và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng. Một số biến chứng thường gặp có thể bao gồm:

  • Chàm hóa da: Do người bệnh gãi nhiều khi ngứa, khiến da bị tổn thương, nổi mụn nước tụ thành mảng, gây viêm da dạng chàm.
  • Lichen hóa: Là hiện tượng da bị dày, sẫm màu và thô ráp hơn bình thường, xảy ra do ma sát hoặc cào gãi liên tục trong thời gian dài.
  • Nhiễm trùng da (bội nhiễm): Khi da bị trầy xước, vi khuẩn - đặc biệt là tụ cầu vàng hoặc liên cầu - có thể xâm nhập gây sưng đỏ, mưng mủ, thậm chí phù nề.
  • Viêm cầu thận cấp: Mặc dù hiếm gặp, nhưng có thể xảy ra ở trẻ em nếu tình trạng bội nhiễm kéo dài hoặc tái phát nhiều lần mà không được điều trị dứt điểm.
  • Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời không chỉ giúp phòng ngừa biến chứng, mà còn ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng.

Phương pháp điều trị ghẻ vùng kín

Việc điều trị ghẻ ở vùng kín thường dựa trên hai hình thức chính: Sử dụng thuốc bôi ngoài da và thuốc uống. Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và chăm sóc vùng da tổn thương cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục. Bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị và loại thuốc phù hợp dựa trên các yếu tố như:

  • Loại ghẻ mắc phải: Ghẻ thông thường hay ghẻ vảy (ghẻ Na Uy).
  • Mức độ tiến triển của bệnh và sự hiện diện của các biến chứng.
  • Tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe tổng quát, độ tuổi, có mang thai hoặc suy giảm miễn dịch hay không.

Thuốc bôi ngoài da

Có nhiều dạng thuốc bôi được sử dụng để điều trị ghẻ, bao gồm kem, thuốc mỡ, gel hoặc dung dịch xịt. Việc lựa chọn loại thuốc nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng và cơ địa của từng người. Một số loại thuốc phổ biến gồm:

  • Kem crotamiton 10%: Giúp giảm cảm giác ngứa nhưng không tiêu diệt cái ghẻ hiệu quả bằng một số loại thuốc khác, thường dùng để kiểm soát triệu chứng sau điều trị.
  • Thuốc mỡ lưu huỳnh: Thích hợp cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú; tuy nhiên có mùi khó chịu và có thể gây khô da.
  • Kem permethrin 5%: Sử dụng được cho trẻ từ 2 tháng tuổi và phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, nhưng có thể gây cảm giác rát hoặc ngứa nhẹ sau khi thoa.

Ngoài ra còn có các thuốc khác như lindane 1%, benzyl benzoate 10%, gamma benzene hexachloride... Việc sử dụng các thuốc này cần tuân thủ đúng chỉ định và liều lượng mà bác sĩ đưa ra, tránh tự ý mua và bôi thuốc.

Thuốc uống

Thông thường, thuốc bôi tại chỗ đã đủ để điều trị bệnh ghẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh không đáp ứng hoặc bệnh nặng, thuốc uống ivermectin có thể được chỉ định. Nếu có nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng sinh đường uống. Đồng thời, để làm dịu cảm giác ngứa, thuốc kháng histamin có thể được sử dụng.

Chăm sóc và vệ sinh da

Song song với điều trị bằng thuốc, người bệnh cần chú ý đến việc vệ sinh cơ thể đúng cách. Hãy tắm rửa hàng ngày bằng xà phòng, đặc biệt làm sạch kỹ những vùng da bị ghẻ. Đồng thời, cần giặt sạch chăn màn, quần áo, khăn tắm và các vật dụng cá nhân để tránh tái nhiễm và lây lan mầm bệnh cho người khác.

Ghẻ ở vùng kín: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 4
Điều trị ghẻ ở vùng kín tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân

Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Ghẻ ở vùng kín không chỉ gây khó chịu mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan và biến chứng nếu không được điều trị đúng cách. Do đó, việc nhận biết sớm triệu chứng, giữ gìn vệ sinh cá nhân và chủ động thăm khám khi có dấu hiệu nghi ngờ là điều cần thiết. Điều trị kịp thời không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:ghẻVùng kín