Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hăm cổ là gì? Bé bị hăm cổ bôi thuốc gì?

Ngày 16/09/2022
Kích thước chữ

Tình trạng hăm cổ xảy ra rất phổ biến ở trẻ. Theo đó, rất nhiều mẹ bỉm đều thắc mắc bé bị hăm cổ bôi thuốc gì phù hợp. Xem ngay các gợi ý dưới đây để tìm được loại thuốc bôi phù hợp với con trẻ.

Trẻ bị hăm cổ là tình trạng thường gặp, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bệnh tuy không gây nguy hiểm nghiêm trọng, nhưng nếu không chữa trị dứt điểm có thể tái đi tái lại, gây khó chịu cho trẻ. Vậy bé bị hăm cổ bôi thuốc gì? Các mẹ cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Hăm cổ là gì?

Hăm cổ kèm theo các mụn nước li ti
Hăm cổ gây sưng đỏ trên vùng da của trẻ

Hăm cổ là tình trạng vùng da ở cổ bị nổi các mụn đỏ, sưng bì và có thể kèm theo các mụn nước li ti.

Cổ là vùng da dễ bị hăm nhất của trẻ. Vùng da này thường có nhiều kẽ, ngấn da, đặc biệt là với các bé mũm mĩm thì tình trạng bệnh càng nghiêm trọng hơn. Do mồ hôi, thức ăn, sữa, bụi bẩn có thể đọng lại trên ngấn cổ. Từ đó tạo ra tình trạng hăm cổ ở trẻ. 

Nguyên nhân gây hăm cổ có thể bắt nguồn từ:

  • Mồ hôi: Vùng ngấn cổ của trẻ thường tiết ra nhiều mồ hôi, ít thông thoáng và khó vệ sinh sạch sẽ nên dễ bị hăm.
  • Không vệ sinh kỹ: Mồ hôi, thức ăn, bụi bẩn và các tác nhân khác rất dễ đọng lại ở ngấn cổ. Trong khi đó bố mẹ thường vệ sinh không kỹ vùng da này nên dễ phát sinh tình trạng bệnh.
  • Quần áo: Một số chất liệu quần áo không thông thoáng, cứng hoặc chật có thể cọ xát vào da bé, gây mẩn đỏ. Một số trường hợp các mẹ sử dụng bột giặt, nước xả vải khiến da trẻ bị kích ứng.
  • Trẻ bị nấm da ở cổ.

Một số phương pháp điều trị hăm cổ mẹ nên biết

Hăm cổ tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng viêm loét, gây đau đớn cho trẻ. Một số phương pháp điều trị hăm cổ phổ biến bao gồm:

Tắm lá

Đây là một phương pháp truyền thống được lưu truyền trong dân gian lâu nay. Một số loại lá có thể sử dụng để tắm cho trẻ là: Lá trầu không, lá búp ổi non, lá khổ qua, lá chè xanh… Những loại lá này có đặc tính kháng khuẩn nên sẽ giúp rửa trôi các vết sưng đỏ, giúp trẻ thoải mái hơn.

Tắm lá giúp rửa trôi các vết sưng đỏ, làm dịu vết hăm
Tắm lá trầu có thể giúp làm dịu vết hăm cho trẻ

Chườm lạnh

Các mẹ có thể dùng khăn ngâm với nước đá lạnh để đắp lên vùng da bị sưng đỏ để làm dịu cho trẻ. Có thể lặp lại cách này nhiều lần nếu cần thiết.

Sử dụng bột ngô

Bột ngô có tác dụng giúp ngăn ngừa sự phát triển của nấm trên da người và hạn chế nhiễm trùng do ma sát. Mẹ có thể rắc một ít bột ngô lên vùng da bị hăm sau khi tắm để giữ cho vùng cổ được thông thoáng. Tuy nhiên, cách này vẫn nên được tham vấn ý kiến của bác sĩ.

Dầu dừa

Dầu dừa có tác dụng làm mềm da và chống vi khuẩn. Các mẹ có thể massage vùng da của trẻ với dầu dừa 2 lần/ngày để giảm thiểu tình trạng bệnh.

Bé bị hăm cổ bôi thuốc gì?

Bé bị hăm cổ bôi thuốc gì là thắc mắc của các mẹ hiện nay
Trẻ bị hăm cổ nên bôi các loại thuốc có tính làm mềm và dịu da

Chắc chắn nhiều mẹ vẫn thắc mắc vậy bé bị hăm cổ bôi thuốc gì. Ngoài những phương pháp kể trên, sử dụng kem trị hăm là một cách tiện lợi và an toàn được nhiều mẹ bỉm tin dùng. Kem trị hăm có cơ chế giúp làm mềm và dịu da, bổ sung các dưỡng chất giúp da thông thoáng, làm lành vết thương và cung cấp độ ẩm hiệu quả. Các sản phẩm này cũng được nghiên cứu với thành phần dịu nhẹ, an toàn với làn da non nớt của trẻ. Do đó các mẹ có thể yên tâm sử dụng.

Một số loại kem hăm cổ đang được ưa chuộng có thể kể đến như: Bepanthen, Sudocrem, Chicco, Bubchen… Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kem trị hăm khác nhau. Các mẹ cần kiểm tra kỹ thành phần, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm để mua đúng sản phẩm chính hãng, tránh gây kích ứng da cho trẻ.

Sau khi tắm rửa sạch sẽ, lau khô cho trẻ thì bôi một lớp thuốc mỏng lên vùng da bị hăm. Lưu ý là chỉ lấy một lượng nhỏ để có hiệu quả với vết hăm.

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị hăm cổ

Để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và nhanh chóng điều trị triệt để hăm cổ, các mẹ cần lưu ý:

  • Chọn quần áo phù hợp với trẻ: Sử dụng những loại quần áo rộng rãi, thoải mái, chất liệu mềm, thấm hút tốt như cotton.
  • Sử dụng sữa tắm có độ pH từ 4,5 - 5,5.
  • Vệ sinh vùng cổ thật sạch, lau rửa vùng cổ với nước ấm 2 lần/ngày sau đó lau khô.
  • Không lau mạnh hoặc cọ xát quá nhiều lên vùng da bị hăm.
  • Chọn bột giặt không chứa hương liệu, chất tẩy mạnh gây kích ứng cho trẻ.

"Bé bị hăm cổ bôi thuốc gì?" giờ không còn là vấn đề với các mẹ bỉm với những thông tin trên đây. Hy vọng các mẹ sẽ tìm được sản phẩm phù hợp để nhanh chóng cải thiện tình trạng hăm cổ ở trẻ. 

Nhật Lệ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin