Long Châu

Hăm: Bệnh da liễu phổ biến vào mùa nóng và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hăm da mô tả phát ban ở những chỗ nếp gấp da, là một dấu hiệu của tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng. Mặc dù hăm da thường chỉ ảnh hưởng đến nếp gấp da, nhưng thực tế thường liên quan đến nhiều vị trí. Hăm da chủ yếu do thói quen sinh hoạt không khoa học, tạo điều kiện cho các loại nấm tấn công. Vì vậy, bệnh hăm có thể phòng ngừa được nhờ thay đổi những thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hăm là gì? 

Hăm là một hiện tượng của viêm da, do vi khuẩn nấm hoặc bội nhiễm của vi khuẩn gây ra. Bệnh không gây nguy hiểm nhiều nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, da có thể vị nấm hay bị nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn này hình thành do thói quen mặc quần áo chật chội, bí mồ hôi. Sự bí bách và mồ hôi ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn hình thành và phát triển.

Người mắc bệnh sẽ xuất hiện những nếp gấp ở các vùng như háng, nách, bẹn, kẽ ngón chân,... Đây là những vị trí ra nhiều mồ hôi, bí bách. Hăm da có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng tập trung chủ yếu ở mông, đùi, hông và cơ quan sinh dục.

Trên thực tế, tỷ lệ hăm bẹn ở người lớn trong những năm trở lại đây có xu hướng tăng cao, đặc biệt là người sống trong môi trường có thời tiết nóng, ẩm.

Đặc biệt, hiện tượng hăm háng xảy ra chủ yếu tại các vị trí có nhiều nếp gấp, tiết ra quá nhiều mồ hôi,… Nếu chủ quan, bỏ qua việc điều trị, vùng da tổn thương dần lan rộng khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu mỗi khi vận động, chất lượng cuộc sống sinh hoạt suy giảm đáng kể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hăm

Một số dấu hiệu thường gặp của hăm bao gồm:

  • Da xuất hiện mảng hoặc đốm hồng/đỏ hoặc phát ban.

  • Xuất hiện những mảng hoặc đốm da khô.

  • Ngứa, rát da hoặc đau ở vùng da bị tổn thương.

  • Da viêm và sưng, vùng da tổn thương chảy dịch, mụn nhỏ, đỏ nổi lên bề mặt da.

  • Nếu xuất hiện nhiễm trùng, sẽ xuất hiện sốt, mụn nước có mủ, đau nhức toàn thân, mệt mỏi hoặc suy nhược cơ thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hăm da

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến hăm da bao gồm:

  • Hệ vi sinh vật (vi sinh vật thường cư trú trên da) trên da vùng nếp gồm Corynebacterium, vi khuẩn Staphylococcus aureus, vi nấm Candida albicans và các vi khuẩn, nấm men khác. Hệ vi sinh vật phát triển quá mức trong môi trường ẩm và ấm có thể gây ra bệnh hăm da. 

  • Thói quen mặc trang phục ôm sát cơ thể, quần áo có chất vải cứng và không thấm hút mồ hôi. Da vùng nếp gấp có nhiệt độ bề mặt tương đối cao. Khi vận động hàng ngày, quần áo sẽ cọ vào da và gây tổn thương hoặc viêm ở khu vực da có nếp gấp. 

  • Hiện tượng hăm thường xảy ra trong những ngày hè thời tiết oi bức, cơ thể của chúng ta tiết ra nhiều mồ hôi. Đây là điều kiện giúp nấm, vi khuẩn dễ dàng tích tụ tại các vùng da có nếp gấp và gây nhiều triệu chứng khó chịu.

  • Bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường), rượu và hút thuốc làm tăng khả năng mắc bệnh hăm da, đặc biệt là dạng nhiễm trùng.

  • Vệ sinh không đúng cách: Nếu bạn không vệ sinh cơ thể, đặc biệt là cơ quan sinh dục không đúng cách, vùng da này có thể bị hăm và ngứa rát.

  • Kích ứng: Kích ứng da có thể là kết quả của quá trình ma sát giữa quần áo/tã/băng vệ sinh và da. Ma sát thường xuyên khiến hàng rào bảo vệ và biểu bì của da bị tổn thương.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hăm?

Hăm thường gặp nhiều ở trẻ em trong quá trình mặc tã do da của trẻ rất mỏng manh và nhạy cảm. Ngoài ra, bệnh còn xuất hiện nhiều ở những người có cơ địa yếu, hệ miễn dịch kém, đặc biệt là những người bị tiểu đường, béo phì.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hăm da

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hăm da, bao gồm:

  • Thể trạng bị béo phì hoặc bị suy dinh dưỡng.

  • Mắc các bệnh lý nhiễm trùng, dị ứng, tiểu đường.

  • Có nẹp, thanh nẹp hoặc chi giả.

  • Tiếp xúc với nhiệt và độ ẩm cao.

  • Môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi.

  • Đổ mồ hôi quá mức.

  • Vệ sinh cá nhân kém.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hăm da

Hăm là một loại viêm da khác phổ biến nên rất dễ dàng để nhận biết. Bác sĩ có thể dựa vào các biểu hiện lâm sàng, kèm theo một số câu hỏi đến vấn đề sinh hoạt cá nhân thì có thể kết luận bệnh.

Một số xét nghiệm sau đây có thể cần thiết để xác định nguyên nhân của hăm:

  • Phết vùng da bệnh để soi và nuôi cấy vi khuẩn (vi sinh).

  • Cạo da để soi và nuôi cấy vi nấm (mycology).

  • Sinh thiết da có thể được thực hiện để làm mô bệnh học nếu tình trạng da bất thường hoặc không đáp ứng với điều trị.

Phương pháp điều trị hăm da hiệu quả

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản nếu được xác định và vi sinh vật nào có trong phát ban hoặc kết hợp các phương pháp với nhau. Một số phương pháp điều trị hăm da phổ biến sau đây: 

  • Đối với nhiễm nấm, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống nấm tại chỗ. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến như kem clotrimazole, terbinafine,  imidazole, nystatin, ciclopirox,… Sử dụng thuốc trong vòng 7 – 10 ngày. Nếu thuốc không đáp ứng được các triệu chứng, bạn nên báo với bác sĩ để sử dụng kết hợp với thuốc uống như itraconazole hoặc terbinafine.

  • Trong trường hợp hăm do nhiễm vi khuẩn, có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh tại chỗ như kem axit fusidic, thuốc mỡ mupirocin, thoa kem từ 2 – 3 lần trong 7 – 10 ngày.  Ngoài ra có thể kết hợp với thuốc kháng sinh uống như flucloxacillin và erythromycin. 

  • Các bệnh viêm da thường được điều trị bằng các loại kem bôi steroid tại chỗ loại nhẹ như hydrocortisone. Tốt nhất nên tránh dùng steroid mạnh hơn ở những chỗ nếp gấp da vì chúng có thể gây mỏng da, dẫn đến rạn da và hiếm khi là loét. Thuốc ức chế calcineurin như thuốc mỡ tacrolimus hoặc kem pimecrolimus cũng có hiệu quả trong các nếp gấp da.

  • Kẽm oxit có thể được sử dụng cho viêm da khăn ăn hoặc viêm da tiếp xúc do kích ứng không kiểm soát.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hăm da

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Tắm rửa vệ sinh cơ thể sạch sẽ khô thoáng, đặc biệt là vùng kín, vùng có nhiều nếp gấp. Giữ cho da luôn thoáng mát, tránh để hầm, bí.

  • Mặc quần áo có chất liệu mềm mại, thoáng mát; đặc biệt là quần lót nên thay chất liệu nilon bằng cotton.

  • Không nên vận động quá sức, đặc biệt là vào mùa nóng oi bức.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Thực phẩm chứa nhiều axit như cam, cà chua, dâu tây, làm thay đổi thành phần phân của da làm tăng nguy cơ bị hăm. Vì vậy hạn chế sử dụng các loại quả này quá nhiều.

  • Thực phẩm giàu chất xơ, đạm lại là lựa chọn tuyệt vời giúp bệnh hăm nhanh chóng bị đẩy lùi.

  • Uống đủ nước, đặc biệt là vào mùa nóng để tránh cơ thể bị mất nhiều nước cũng là biện pháp giúp phòng ngừa và điều trị hăm hiệu quả.

Phương pháp phòng ngừa hăm da hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Dùng các sản phẩm mỹ phẩm đặc trị chứng đổ mồ hôi cho các vùng nách, bẹn.

  • Sử dụng kem chống nắng để hạn chế các tác hại từ tia UV.

  • Sử dụng kem dưỡng ẩm lên vùng da nhạy cảm để tránh ma sát, giúp làm giảm nứt nẻ và giảm sưng viêm.

Nguồn tham khảo
  1. Bách khoa bệnh học_Nhà xuất bản y học_Hà Nội năm 2003.
  2. Da liễu học_Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam_Bộ y tế.

Các bệnh liên quan

  1. Bỏng nắng

  2. Lichen xơ hóa

  3. Mụn cóc, hạt cơm

  4. Chốc lở

  5. Mụn ẩn

  6. Mụn nhọt

  7. Vàng da

  8. Viêm da do tiếp xúc

  9. Xơ cứng bì

  10. Ghẻ